Trong bài diễn văn dữ dội nhân dịp nhận Giải Charlemagne danh giá với sự hiện diện của 3 nguyên thủ các nước châu Âu, Đức Giáo hoàng thẳng thắn phê phán ‘sự thoái lui và mệt mỏi vốn không phải là phần hồn của châu Âu,’ và ngài đã chất vấn châu lục này đến 3 lần: ‘Chuyện gì xảy ra với châu Âu?’
Ngày thứ sáu, 06-5, Đức Phanxicô đã nhận giải thưởng Charlemagne của nước Đức có từ năm 1950 nhằm vinh danh ‘đóng góp giá trị nhất phục vụ cho nhận thức của Tây Âu và làm việc vì cộng đồng.’
Trong số những người tham dự buổi lễ, có Thị trưởng thành phố Achen Marcel Philipp, Chủ tịch Nghị viện châu Âu Martin Schulz, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean-Claude Juncker, và Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Tusk. Còn có sự hiện diện của Thủ tướng Ý Matteo Renzi, Vua Felipe và Nữ hoàng Letizia của Tây Ban Nha, và Thủ tướng Đức Angela Merkel.
Đức Phanxicô mở lời bài diễn văn, nói rằng ngài hẳn sẽ trao giải này cho Châu Âu, và nhắc rằng, ‘giải thưởng này không phải là lúc để ăn mừng cho bằng một thời khắc để thể hiện hi vọng chung của chúng ta về một bước tiến mới và dũng cảm vì châu lục thân thương này.’
‘Nhưng có ấn tượng rằng Châu Âu đang thoái trào. Có chuyện gì xảy ra với một châu Âu nhân văn, chiến sỹ của nhân quyền, tự do và dân chủ?
Có chuyện gì xảy ra với châu Âu, mái nhà của các nhà thơ, triết gia, nghệ sỹ, nhạc sỹ, và những con người học thuật?
Có chuyện gì xảy ra với châu Âu, mẹ của nhiều dân tộc và quốc gia, mẹ của những con người cao thượng đã đứng lên, và thậm chí hi sinh mạng sống của mình vì phẩm giá của anh chị em mình?’
Trích lại lời của Elie Wiesel, nhà thơ Do Thái ở Romani đã sống sót qua thảm họa diệt chủng thời Đức quốc xã, Đức Giáo hoàng nói rằng Châu Âu thời nay có lẽ cần ‘được truyền ký ức’ để ‘bước lui một bước mà lắng nghe tiếng nói của tổ tiên.’
‘Những bậc cha ông sáng lập của châu Âu đã dám thay đổi tận căn những cung cách chỉ dẫn đến bạo lực và hủy hoại. Họ đã dám tìm những giải pháp đa nguyên cho những vấn đề chung ngày càng trầm trọng.
Và hiện nay, cần phải có một ‘chủ nghĩa nhân văn mới’ dựa trên khả năng dung nạp, đối thoại và sinh sôi.
Những dạng giản hóa và đồng nhất, không thúc đẩy các giá trị, mà ngược lại đẩy mọi người vào sự bần cùng tàn khốc, sự bần cùng của loại trừ. Loại trừ không đem lại sự thịnh vượng, giàu có và vẻ đẹp, mà chỉ dẫn đến thô tục, hẹp hòi và ác độc. Nó không đem lại tinh thần cao thượng, mà chỉ có sự hèn hạ.
Nguồn cội của các dân tộc chúng ta, nguồn cội của Châu Âu, đã được củng cố qua nhiều thế kỷ nhờ nhu cầu dung nạp không ngơi tổng hợp các nền văn hóa đa dạng và riêng biệt nhất. Căn tính của Châu Âu là, và luôn luôn là, một căn tính đa văn hóa và năng động.’
‘Có một từ mà chúng ta đừng bao giờ chán lặp lại, đó là đối thoại.
Hòa bình sẽ được dài lâu nếu chúng ta trang bị cho con cái mình đối thoại, dạy cho các em chiến đấu cuộc đấu cao đẹp là gặp gỡ và thương lượng. Như thế, chúng ta sẽ để lại cho các em một nền văn hóa có thể vạch ra những chiến lược của sự sống chứ không phải sự chết, của dung nạp chứ không phải loại trừ.
Đối thoại và tất cả hệ quả của nó, nhắc nhở chúng ta rằng không một ai có thể là một người bàng quan đứng nhìn. Tất cả mọi người, từ người nhỏ nhất đến lớn nhất, đều có một vai trò tích cực trong việc tạo dựng một xã hội dung nạp và hòa hợp.’
Đức Phanxicô cũng than phiền về tình trạng của những người trẻ khắp châu Âu, ‘Những người không được có phẩm giá lao động, giúp cho họ góp phần trong cấu trúc xã hội và lớn lên về trí tuệ cũng như năng lực. Sự phân bổ công bằng những hoa trái của địa cầu và lao động nhân loại không phải là chuyện hảo tâm. Nhưng là trách nhiệm đạo đức. Nếu chúng ta muốn tái suy tư về xã hội của mình, chúng ta cần phải tạo nên những công việc với mức lương tốt và có phẩm giá, đặc biệt là cho người trẻ.’
Trích lại bài diễn văn của Đức Gioan Phaolô II với Đại sứ Đức ngày 08-11-1990, Đức Phanxicô kêu gọi những hình mẫu kinh tế công bằng và dung nạp hơn, không chỉ nhắm đến phục vụ một số ít người, nhưng là lợi ích cho những người dân thường và toàn xã hội.’
Đức Giáo hoàng kết lời mạnh mẽ và xúc động về giấc mơ của ngài cho Châu Âu, ngài mơ về một châu lục ‘trẻ trung, vẫn còn có thể làm mẹ,’ và một châu lục ‘chăm lo cho con cái mình, giúp đỡ trong tình thân ái những người nghèo những người mới đến bởi họ đã mất tất cả và cần một nơi trú ngụ.’
‘Những tình hình hiện thời không cho phép bất kỳ ai đứng trơ mà nhìn những người khác đấu tranh. Ngược lại, đây là lời hiệu triệu chung về trách nhiệm cá nhân và xã hội.
Có những cám dỗ muốn bảo đảm lợi ích ích kỷ của riêng mình, bằng cách dựng lên những hàng rào chỗ này chỗ kia, để chặn làn sóng di dân vào châu Âu. Nhưng tôi mơ một châu Âu nơi mà một người di dân không phải là một tội phạm nhưng là một lời kêu gọi dấn thân hơn nữa vì phẩm giá của mỗi một con người.
Tôi mơ một châu Âu thăng tiến và bảo vệ quyền của tất cả mọi người, mà không lo là trách nhiệm của tất cả mọi người. Tôi mơ một châu Âu không xem sự dấn thân vì quyền con người là chuyện không tưởng.’
Chủ tịch Nghị viện châu Âu Martin Schulz, người nhận giải Charlemagne 2015, đã nói rằng,
‘Châu Âu đang có nguy cơ phung phí di sản văn hóa và nhân văn của mình. Để tôi nói rõ. Châu Âu đang trải qua một cuộc khủng hoảng về tình tương thân tương ái, những giá trị chung của chúng ta đang bị tấn công. Và tôi phải nói điều này: đây là lúc để chiến đấu vì Châu Âu. Đây là lúc để tất cả chúng ta đứng lên như những người châu Âu.
Đức Giáo hoàng Phanxicô cho chúng ta hi vọng về tương lai, khi ngài nói rằng ‘những vấn đề của chúng ta có thể trở nên những nguồn lực mạnh mẽ cho hiệp nhất. Như khi ngài đưa 3 gia đình tị nạn về Vatican sau chuyến thăm đảo Lesbos của Hi Lạp.
Ngài cho tất cả chúng ta, và đặc biệt là lãnh đạo những quốc gia từ chối không cho người tị nạn Hồi giáo vào nước Kitô giáo của mình, ngài cho chúng ta thấy ý nghĩa của tình tương thân tương ái thực hành, cho chúng ta thấy làm người nghĩa là gì.’
Đức Phanxicô là giáo hoàng thứ hai nhận Giải Charlemagne. Năm 2004, Đức Gioan Phaolô II đã đồng nhận giải này với chính trị gia Pat Cox.
Hồng y Quốc vụ khanh Pietro Parolin, đã nói rằng Đức Giáo hoàng xem việc chấp nhận giải này như là ‘một dịp để nhắc nhở châu Âu về ơn gọi nhân văn của mình, một ơn gọi hãy cởi mở và tương thân tương ái với tất cả mọi người.’
J.B. Thái Hòa chuyển dịch
(Phanxico.vn)