Hôm thứ Sáu 01-09 vừa qua, trong cuộc họp báo tại Roma về lịch trình của Đức giáo hoàng cho chuyến tông du Colombia, giáo sư Guzmán Carriquiry, phó chủ tịch Uỷ ban Giáo hoàng về châu Mỹ Latinh từ tháng Năm 2014, nói với các phóng viên: “Tôi xin nói ngay rằng sẽ là một sai lầm nếu xem cuộc viếng thăm của Đức giáo hoàng là tập trung vào tiến trình đi đến hiệp ước hoà bình”.
Cũng trong cuộc họp báo, giáo sư Carriquiry đưa ra nhận định: Giáo hội tại Colombia “phải đối mặt với một thách thức to lớn là trở thành một điểm tham chiếu nền tảng không chỉ cho cuộc cách mạng Kitô giáo nơi dân tộc Colombia, mà còn cho cả sự tái sinh của Colombia, cho sự phục hưng tinh thần và sự hoà giải của đất nước này”.
Ông nói: “Chắc chắn Đức giáo hoàng đến Colombia để nhắc nhở các tín hữu ở đây… rằng ngài có thể khởi sự một phong trào để giải quyết những vấn đề này, ngay từ gốc rễ. Chắc chắn đó là điểm cốt lõi”.
Chuyến viếng thăm của Đức giáo hoàng sẽ bao gồm các thành phố Bogotá, Villavicencio, Medellín và Cartagena; và đây là lần thứ ba ngài trở về Nam Mỹ từ khi trở thành Giáo hoàng.
Theo chương trình, Đức giáo hoàng sẽ cử hành Thánh lễ tại bốn thành phố mà ngài viếng thăm, cũng như chủ sự buổi đọc kinh Truyền tin vào Chúa nhật như thường lệ bên ngoài nhà thờ Thánh Phêrô Claver, nơi lưu giữ thánh tích của thánh nhân.
Ngày 8 tháng Chín, tại Villavicencio, sẽ có một cuộc quy tụ đông đảo để cầu nguyện cho Hoà giải Quốc gia, kết thúc là phần trình bày của những người đã từng là nạn nhân của bạo lực trong cuộc nội chiến kéo dài của đất nước.
Cuộc viếng thăm của Đức giáo hoàng Phanxicô diễn ra khoảng một năm sau khi chính phủ Colombia và nhóm nổi dậy lớn nhất của nước này –là Lực lượng vũ trang Cách mạng Colombia (FARC)–, cuối cùng đã đạt được một thoả thuận hoà bình vào tháng Tám 2016.
Sau khi bị bác bỏ trong một cuộc trưng cầu ý dân vào ngày 2 tháng Mười, một hiệp định sửa đổi đã được ký ngày 24 tháng Mười Một và được Quốc hội Colombia thông qua ngày 30 tháng Mười Một, bằng cách bỏ phiếu phổ thông.
Từ năm 1964, có tới 260.000 người bị giết và hàng triệu người phải tị nạn trong cuộc nội chiến.
Năm ngoái, Đức giáo hoàng Phanxicô đã ca ngợi thoả thuận này, ngài lên tiếng ủng hộ “mục tiêu đạt được hoà bình và hoà giải cho toàn dân tộc Colombia, dưới ánh sáng của các quyền con người và các giá trị Kitô giáo, vốn là trọng tâm của văn hoá châu Mỹ La Tinh”.
Đức Tổng giám mục José Octavio Ruiz Arenas, Thư ký của Hội đồng Giáo hoàng Tân Phúc Âm hoá, nói rằng: “Dù vậy, chuyến viếng thăm Colombia lần này của Đức giáo hoàng là một chuyến viếng thăm mục vụ”.
Đức Tổng giám mục Ruiz, lãnh đạo Tổng giáo phận Villavicencio từ năm 2002 đến năm 2007, nói với CNA hôm 1 tháng Chín rằng hy vọng chuyến viếng thăm của Đức giáo hoàng sẽ “giúp người Colombia tìm được sự hoà giải và bình an, vẫn lắng sâu trong cõi lòng mọi người Colombia”.
Ngài nói thêm rằng “trong con tim của mọi người dân Colombia luôn chất chứa một ước muốn sâu xa có được bình an. Chắc chắn Đức giáo hoàng đến đây để khích lệ nỗi khát khao này”.
Hiện nay Colombia đang phải đối mặt với nhiều thách đố, giáo sư Carriquiry nói, đặc biệt vì sự hoà giải của một quốc gia, sau hơn 60 năm bạo lực, là rất khó khăn.
Ông giải thích, “Đức giáo hoàng nhìn nhận rằng tiến trình hoà bình là một tiến trình hoà giải lâu dài và gay go cho đất nước, và tất cả mọi người dân Colombia đều mong muốn điều này”. Nhưng cuối cùng những gì đất nước cần là một “phong trào phục hưng tinh thần và hoà giải trong xã hội Colombia”, ông nhấn mạnh.
Ông cũng nói rằng, vì thoả thuận hoà bình sẽ không giải quyết được tất cả các vấn đề mà đất nước phải đối mặt, như văn hoá ma túy và buôn bán ma túy, nên điều thực sự cần là một “cuộc hoán cải sâu xa”.
Colombia là một đất nước “đầy mâu thuẫn”, vì tuy vẫn là một thành trì của Kitô giáo và đức tin ăn rễ sâu nơi con người, nhưng đồng thời, nó lại có một nền văn hoá bạo lực, buôn bán ma túy, tham nhũng, với hàng thập kỷ chiến tranh khiến nhiều người phải di tản hay trở thành người tị nạn.
Giáo sư Carriquiry cho biết ông mong đợi Đức giáo hoàng Phanxicô sẽ mang sứ điệp Phúc âm đến với con tim của người Colombia. “Tại sao? Bởi vì Phúc âm là sức mạnh lớn nhất của cách mạng, của sự phục hưng đất nước, của hoà giải cho xã hội Colombia. Tôi tin chắc điều đó nơi Đức giáo hoàng”.
“Quả thực nếu chúng ta hạ thấp sự hiện diện của Đức giáo hoàng vào chiều kích chính trị thì chúng ta hoàn toàn sai lầm”.
(Nguồn: WHĐ – Theo CNA / EWTN News)