Trả lời một số câu hỏi của giới báo chí trong buổi họp báo giới thiệu chuyến viếng thăm Hungary và Slovakia của Đức Thánh Cha, Giám đốc Phòng Báo chí Toà Thánh, ông Matteo Bruni, xác định rằng đây là một chuyến viếng thăm mang chiều kích thiêng liêng hơn là những chiều kích khác. Ông lưu ý nên “tránh pha trộn những chiều kích khác với chiều kích mang tính thiêng liêng hơn”.
Đức Thánh Cha sẽ bắt đầu chuyến tông du quốc tế lần thứ 34, đánh dấu 54 quốc gia được ngài viếng thăm, vào Chúa Nhật 12/9. Ông Bruni nói rằng chuyến viếng thăm được dự định là “một cuộc hành hương đến trái tim của châu Âu, trong đó Đức Giáo hoàng sẽ đề cập đến các vấn đề ảnh hưởng đến toàn bộ lục địa”. Nhưng trên tất cả, đây là “một cuộc hành hương thiêng liêng”, bắt đầu bằng việc tôn thờ Thánh Thể và kết thúc bằng việc cầu nguyện khẩn cầu Đức Mẹ Sầu Bi, Đấng mà trong thế kỷ này, đã không ngừng canh giữ vùng đất Slavơ bị tàn phá bởi chủ nghĩa độc tài.
Chuyến viếng thăm 4 ngày của Đức Thánh Cha, từ 12-15/9, sẽ bắt đầu tại Budapest để cử hành Thánh lễ kết thúc Đại hội Thánh Thể lần thứ 52. Tiếp theo ngài sẽ viếng thăm thủ đô Bratislava và 3 thành phố Prešov, Košice và Šaštin của Slovakia.
Gặp gỡ lãnh đạo Hungary
Các câu hỏi của giới báo chí đặc biệt tập trung vào cuộc gặp gỡ giữa Đức Thánh Cha và Thủ tướng Hungary Viktor Orbán vào sáng Chúa Nhật, trước Thánh lễ. Theo Giám đốc Phòng Báo chí, “đây là cuộc gặp gỡ với giới lãnh đạo cao cấp và hiển nhiên trong số này có Thủ tướng Orbán”. Ông Bruni cũng cho biết, phía Hungary xác nhận rằng Thủ tướng (theo Tin Lành Calvin), và gia đình (vợ là tín hữu Công giáo; có 5 người con), sẽ tham dự Thánh lễ do Đức Thánh Cha chủ sự.
Cuộc hành hương tôn vinh Thánh Thể
Ông Bruni nói thêm rằng đây là cuộc hành hương tôn kính Thánh Thể. Ông cho biết chuyến thăm Budapest xuất phát từ ý muốn của Đức Thánh Cha muốn gần gũi với các tín hữu tham dự Đại hội Thánh Thể và đặc biệt là chủ sự Thánh lễ kết thúc, được gọi là Statio Orbis, bởi vì nó được cử hành như thể quy tụ toàn bộ thế giới Kitô giáo.
Thăm dân tộc Slovakia đã bị bách hại vì đức tin
Giải thích về chuyến viếng thăm Slovakia của Đức Thánh Cha, ông Bruni nói rằng nhiều người dân nước này vẫn mang nặng vết thương của những năm u tối dưới chế độ cộng sản, “Đức Giáo hoàng đến thăm các dân tộc đã chịu đựng một chế độ đàn áp về đức tin và tự do tôn giáo”, với các giám mục, linh mục, nữ tu, giáo dân bị giam cầm, tra tấn, tử vì đạo, các linh mục được truyền chức bí mật trong các nhà máy nơi họ làm việc, nhưng cả “các Kitô hữu tự hào vì đã chống lại sự ác và những cuộc đàn áp, đôi khi đến độ đổ máu”. Đồng thời, trên nền móng của các vị tử đạo, Đức Thánh Cha muốn hướng cái nhìn về “tương lai của việc loan báo Tin Mừng và sứ vụ”. Và để thực hiện điều này, ngài muốn gần gũi trên hết là những người trẻ và các đại diện của các hệ phái Kitô và các tôn giáo khác.
Gặp gỡ đại kết
“Sự đau khổ và sự tử đạo đã hiệp nhất nhưng cũng chia rẽ những hệ phái Kitô khác nhau, đó là lý do tại sao có các cuộc họp đại kết quan trọng”. Ông Bruni đã giải thích lý do của hai cuộc gặp gỡ đại kết ở Budapest và Bratislava.
Biện pháp y tế sau phẫu thuật của Đức Thánh Cha
Giám đốc Phòng Báo chí Toà Thánh Bruni cũng trả lời câu hỏi của các nhà báo về các biện pháp y tế đặc biệt được đưa ra trong chuyến đi, sau cuộc phẫu thuật của Đức Thánh Cha hôm 4/7: “Không có biện pháp cụ thể nào, nhưng vẫn là sự thận trọng thông thường. Như mọi khi, có một bác sĩ và một số y tá trên chuyến bay”.
Trong đoàn tuỳ tùng của Đức Thánh Cha sẽ có những người đứng đầu Phủ Quốc vụ khanh: Đức Hồng y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh; Đức tổng giám mục Edgar Peña Parra, Quốc vụ khanh, và Đức tổng giám mục Ngoại trưởng Paul Richard Gallagher. Cùng có mặt còn có Đức Hồng y Leonardo Sandri,T trưởng Bộ các Giáo hội Đông Phương, và Đức Hồng y Miguel Ángel Ayuso Guixot, Chủ tịch Hội đồng Toà Thánh về Đối thoại Liên tôn. Theo truyền thống, đoàn tuỳ tùng cũng sẽ có một nhân viên của Vatican, lần này là một nhân viên của Phủ Thống đốc thành Vatican.
Biện pháp chống Covid
Về các biện pháp chống Covid trong chuyến đi (theo dữ liệu không chính thức, có 200 trường hợp nhiễm virus mỗi ngày ở Slovakia), và đặc biệt là việc bãi bỏ yêu cầu phải có Green pass khi tham dự các cuộc gặp gỡ của Đức Thánh Cha, ông Bruni cho biết: “Đây là quyết định của chính quyền địa phương, tôi có thể tưởng tượng rằng họ đã thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết”.
Hồng Thủy
(Vatican News 10.09.2021)