Chuyện xóm giềng

Tục ngữ có câu “nhất cận thân, nhì cận lân” rất ý nghĩa. Người cận thân với ta không chỉ là những người cùng huyết thống, cùng nhà, cùng tôn giáo nhưng còn là những người lao động chung cơ quan, đoàn thể và nhất là người những người hàng xóm mà ta phải chung sống và chịu đựng hằng ngày.

 

Con người ngày nay quá quen với lối sống ích kỷ, thực dụng. Họ đề cao tự do cá nhân nhưng lại muốn đùn đẩy trách nhiệm cho người khác. Họ muốn được hơn người trong cộng đồng, khu xóm và luôn cảm thấy khó chịu với những người hàng xóm. Khó chịu vì những âm thanh karaoke ồn ào được phát ra từ những chiếc loa phóng thanh công suất lớn, vì những bãi phóng uế bừa bãi của vật nuôi, vì những bịch rác để không đúng chỗ, từ vũng nước xả ra từ sân nhà bên đọng lại…

 

Những khó chịu đó cứ chất chứa trong lòng và tích tụ lâu ngày như thùng thuốc súng chờ đợi có ngòi nổ châm vào là bùng lên những to tiếng, cãi vã – nhất là trong những ngày nắng nóng, oi bức vừa qua. Nếu ta hay cáu gắt lên vì những chuyện vặt với người hàng xóm của mình, ta rất có thể đi đến chỗ phát khùng, cãi cọ, thậm chí đi đến ẩu đả bởi vì sẽ có rất nhiều chuyện không đâu với những người hàng xóm để mà tranh cãi.

 

Những người thân cận của ta như vậy đó. Nói yêu thương thì dễ nhưng áp dụng vào đời sống thường ngày sao khó quá! Con người hôm nay cứ tưởng mình đã biết yêu và thường thấy tự mãn, hạnh phúc khi mình được yêu. Nhưng tình yêu thực sự bao giờ cũng cụ thể: chấp nhận chịu thua thiệt, chấp nhận gặp rắc rối, xáo trộn và hi sinh. Vì vậy lúc nào người ta cũng có cớ để né tránh yêu thương và sẵn sàng ăn thua đủ với nhau.

 

Yêu thương thì phải yêu thương người khác ngoài mình. Yêu thương là cho đi. Khi ta yêu thương ai, ta thích cho người đó hoặc cái này hoặc cái nọ, yêu thương cao độ nhất là cho người ấy chính bản thân mình. Cho đi thì hạnh phúc hơn là lãnh nhận. Người thích cho đi thì yêu thương thật, kẻ thích lãnh nhận thì chưa biết yêu thương. Yêu thương còn phải hòa hợp, chấp nhận và tôn trọng những khác biệt của nhau.

 

Khởi điểm của yêu thương là mở lòng ra và chia sẻ. Thái độ mở ra, chia sẻ nầy đòi hỏi ta phải ra khỏi bản thân và đi đến với người khác. Thái độ nầy đòi hỏi ta phải từ bỏ tính ích kỷ vốn tiềm ẩn trong não trạng mỗi người. Thực sự biết quan tâm đến ích lợi và hạnh phúc của người khác ngay trong những suy nghĩ, ước mơ, và tính toán của mình. Biết nhìn nhận người khác ngay trong cái khác biệt của họ.

 

Cần đặt mình vào vị trí của những người hàng xóm và cố gắng có những cảm thông để chung sống hòa bình. Điều này không có nghĩa là ta nhu nhược và để mặc cho họ “tung hoành” theo bất cứ cách nào họ muốn. Hãy khởi sự xây dựng mối quan hệ hòa thuận bằng cách gạt bỏ những khó chịu và là người chìa tay ra trước.

 

Hãy dùng những lời lẽ nhẹ nhàng và xắn tay áo lên để dọn dẹp những nguyên nhân làm ta khó chịu. Những người hàng xóm vẫn hiện diện mỗi ngày trong cuộc sống và ta chỉ có thể thay đổi cách nhìn về họ. Hãy chú ý đến những điều tốt đẹp họ làm và phớt lờ đi những thói quen có thể gây bực mình của họ.

 

Có một câu chuyện kể rằng: trong một xóm đạo, có hai người hàng xóm kia thường xuyên cãi nhau về những chuyện vặt vãnh. Mâu thuẫn của họ ngày càng trở nên gay gắt và cuộc sống căng thẳng hầu như không thể nào giải hòa được. Những cuộc cãi vã, gấu ó ngày càng tăng đến nỗi người ta phải đề nghị hai người tìm gặp Thiên Chúa ở trên một ngọn núi cao để xin Ngài hóa giải giúp.

 

Người thứ nhất vất vả leo lên tận đỉnh núi và thấy Thiên Chúa đang đợi anh ta ở đó. Anh ta kinh ngạc không thể tin vào mắt mình vì Người có khuôn mặt giống y hệt người hàng xóm đầy ác cảm và khó chịu của mình. Không ai biết Thiên Chúa đã nói gì mà khi trở về anh ta đã thay đổi và đến bắt tay làm hòa với người hàng xóm. Nhưng anh này vẫn cố chấp và thậm chí còn có những thái độ quá quắt hơn xưa.

 

Nhưng rồi vì áp lực của dân chúng, người hàng xóm còn lại cũng miễn cưỡng cố leo lên đỉnh núi để xem Thiên Chúa ra sao. Ở trên đỉnh núi, anh ta cũng bắt gặp Thiên Chúa có khuôn mặt giống như người hàng xóm khó ưa của mình. Từ lúc đó, anh ta thay đổi thái độ cư xử và chung sống hòa thuận không những với anh hàng xóm kia mà còn với mọi người khác trong xóm.

 

Nhờ gặp gỡ với Thiên Chúa, hai người hàng xóm trong câu chuyện trên đã “ngộ” ra tha nhân chính là hình ảnh của Thiên Chúa. Quả thật, Thiên Chúa đã hóa thân làm người và cùng sống chia vui, sẻ buồn với kiếp người chúng ta. Ta không cần phải tìm kiếm Người nơi cao xa chót vót. Thiên Chúa đã và đang hiện diện quanh ta trong mỗi phút giây cuộc sống, ngay trong những người hàng xóm quanh ta.

 

Ước chi trong năm Tân Phúc-Âm-hóa đời sống Giáo xứ và Cộng đoàn, đời sống của mỗi Kitô hữu chúng ta luôn “tỏa sáng giữa đời thường”. Để những người hàng xóm cũng nhận ra được hình ảnh sống động của Thiên Chúa trong ta. Đồng thời góp phần xây dựng những khu xóm không còn những tiếng cãi vã và trở thành một cộng đoàn hiệp thông rao truyền Tình Yêu Thiên Chúa.

 Tác giả:  Jos Hoàng Mạnh Hùng