Giáo dân Việt-Nam thường có thói quen xin lễ cầu cho những linh hồn “mồ côi” vì cho rằng những linh hồn này không có thân nhân, bạn hữu còn sống để cầu nguyện cho.
Điều này không đúng theo giáo lý của Giáo Hội vì những lý do sau đây:
1- Các linh hồn mà Giáo Hội cầu nguyện cho là AI?
Họ là những tín hữu đã ly trần “trong ân sủng và ân nghĩa của Thiên Chúa, nhưng chưa được thanh tẩy cách trọn vẹn, mặc dù được bảo đảm về ơn cứu độ muôn đời, nhưng vẫn phải chịu một sự thanh luyện cần thiết sau khi chết hầu đạt được sự thánh thiện cần thiết để bước vào niềm vui Thiên đàng.” (SGLGHCG, số 1030).
Nói khác đi, những ai đã chết trong tình trạng đang hiệp thông với Chúa nghĩa là không có tội trọng (mortal sin) hoặc có nhưng đã ăn năn kịp thời và được tha qua bí tích hoà giải, thì được bảo đảm về ơn cứu rỗi đời đời, nhưng vẫn phải trải qua một thời gian ở nơi gọi là “Luyện tội=Purgatory” để được thanh tẩy khỏi mọi hình phạt hữu hạn (temporal punishment) của tội đã được tha, trừ tội phạm đến Chúa Thánh Thần thì “sẽ chẳng được tha cả đời này lẫn đời sau.” (Mt 12:32). Xin nhắc lại tội phạm đến Chúa Thánh Thần là tội hoàn toàn chối bỏ Thiên Chúa và tình thương tha thứ của Người.
Giáo Hội chỉ dạy cầu cho các linh hồn còn đang được thanh luyện trong Luyện tội mà thôi, chứ không cầu cho những linh hồn ở nơi gọi là “Hoả ngục=Hell” được vì không còn sự hiệp thông nào giữa nơi này với Thiên đàng và Giáo Hội lữ hành trên trần thế. Nghĩa là những linh hồn ở đây “đã vinh viễn xa lìa Thiên Chúa và các thánh trên trời” (x. Sđd, số 1033).
Tuy nhiên, chúng ta không biết được những ai đang bị phat trong hoả ngục. Hơn thế nữa, Thiên Chúa là Cha quá nhân từ, nên “Người không muốn cho ai phải diệt vong, nhưng muốn cho mọi người đi tới chỗ ăn năn hối cải” (2Pr 3: 9) để được cứu rỗi. Và chỉ một mình Ngài biết số phận đời đời của những ai đã ly trần mà thôi. Giáo Hội không biết được nên chỉ dạy cầu cho các linh hồn đã ly trần, chứ chưa hề tuyên bố ai đã sa hoả ngục rồi nên khỏi cầu xin nữa. Tuy nhiên, Giáo Hội có quyền phong thánh (canonization) cho một số tín hữu đã qua đời để long trọng tuyên bố rằng “những tín hữu này đã thực hành các nhân đức một cách anh hùng và đã sống trung thành với ân sủng của Thiên Chúa…” (x. Sđd, số 828) như thánh Maria Goretti, Tê-rê-xa Giê su Hài Đồng, Thánh Phanxicô Xaviê, và 117 anh hùng tử đạo Việt-Nam (ngày 19-6-1988).v.v… Dĩ nhiên, muốn được phong thánh, phải hội đủ những điều kiện theo luật của Giáo Hội đòi hỏi.
2- Có linh hồn nào gọi là “mồ côi” không?
Đối với tất cả các tín hữu đã ly trần, hàng ngày, khi cử hành Thánh lễ Tạ Ơn (The Eucharist), Giáo Hội cầu nguyện cách chung cho tất cả như sau:
“Xin Chúa cũng nhớ đến anh chị em chúng con đang an nghỉ trong niềm hy vọng sống lại và mọi người, đặc biệt các bậc tổ tiên, ông bà cha mẹ và thân bằng quyến thuộc chúng con đã ly trần trong tình thương của Chúa. Xin cho hết thảy được vào hưởng ánh sáng tôn nhan Chúa.” (Kinh nguyện Tạ Ơn II)
Các Kinh Nguyện Thánh Thể (Tạ Ơn) I, III và IV đều có những lời cầu xin tương tự như vậy cho các linh hồn đã ly trần, nghĩa là không có chỗ nào phân biệt linh hồn có thân nhân còn sống đang xin lễ cầu nguyện cho hay những linh hồn không có thân nhân còn sống để cầu nguyện cho nữa.
Người có thân nhân còn sống xin lễ cầu nguyện cho ai đã ly trần thì Giáo Hội đọc thêm lời cầu sau đây:
“Xin nhớ đến tôi tớ Chúa là…(tên thánh) mà (hôm nay) Chúa đã gọi ra khỏi đời này về với Chúa. Xin ban cho kẻ đã chết như Con Chúa thì cũng được sống lại như Người”.
Như vậy, nếu có ai xin lễ cầu cho một hay vài linh hồn nào, thì Giáo Hội đọc thêm lời cầu trên đây, nhưng vẫn không quên cầu cho tất cả các tín hữu đã ly trần không phân biệt người còn thân nhân hay “mồ côi” vì không có ai xin lễ cầu nguyện cho.
Nói linh hồn “mồ côi” là nói theo suy nghĩ của con người mà thôi; và điều này không đúng với giáo lý và thực hành trong phụng vụ thánh của Giáo Hội, vì Giáo Hội không hề phân biệt linh hồn nào là mồ côi, linh hồn nào có thân nhân còn sống như người ta quen nghĩ mà chỉ cầu chung cho tất cả các tín hữu đã ly trần ngay cả trong những thánh lễ có người xin cầu riêng cho những linh hồn thân nhân của họ đã qua đời.
Như vậy, không có vấn đề “linh hồn mồ côi” trong niềm tin và thực hành của Giáo Hội.
Cũng xin được nói lại ở đây một lần nữa là những linh hồn đang được thanh luyện trong chốn Luyện hình đã là những linh hồn thánh (Holy souls) nhưng họ chưa thánh thiện đủ để vào Thiên Đàng hưởng nhan thánh Chúa cùng các thánh nam nữ khác. Vì thế, họ cần được “tạm trú” ở đây một thời gian dài ngắn tuỳ theo lượng khoan dung và công bằng của Chúa. Họ cần sự giúp đỡ của những tín hữu còn sống trong Giáo Hội lữ hành trên trần thế và các Thánh ở trên Thiên Đàng nguyện giúp cầu thay cho họ sớm được tha hình phạt hữu hạn để vào Thiên Quốc.
II- Có linh hồn nào bị coi là “khốn nạn” trong nơi luyện tội hay không?
Trong một kinh đọc trước thánh lễ ở một vài cộng đoàn Việt-Nam, người ta nghe thấy có những câu đại ý như sau: “Xin Chúa ban những ân xá nào có thể chỉ được cho các linh hồn, nhất là những linh hồn khốn nạn trong luyện ngục…”
Tôi không nhớ rỏ từng chữ trong kinh này nhưng chắc chắn có nghe cụm từ “những linh hồn khốn nạn trong luyện hình.”
Vậy Ai là những linh hồn “khốn nạn” trong luyện hình? Mà “khốn nạn” theo nghĩa nào?
Chắc chắn đây chỉ là tưởng tượng của ai đã đặt ra kinh “quái dị” nói trên để giáo hữu một số nơi cứ đọc mà không ai chịu sửa chữa cho phù hợp vơi giáo lý, tín lý của Giáo Hội.
Như đã giải thích ở phần trên, các linh hồn, dù đau khổ trong nơi luyện tội, đã là các linh hồn thánh (Holy Souls) rồi và có thể chuyển cầu đắc lực cho các tín hữu trên trần thế, nhưng không thể tự giúp mình được vì thời gian đả mãn, không cho phép họ làm việc lành thêm hoặc phạm tội thêm được nữa. Họ là những người có hy vọng chắc chắn được cứu rỗi, và chỉ còn chờ thời gian sớm hay muộn mà thôi. Vậy làm sao họ có thể bị coi là “khốn nạn” được? Có chăng chỉ có những linh hồn đã phải lìa xa Chúa đời đời trong nơi gọi là “hoả ngục” thì mới “khốn nạn” mà thôi, vì phải lìa xa Chúa vĩnh viễn. Và chúng ta cũng không thể làm gì để cứu họ được, vì không có sự hiệp thông nào giữa những ai ở hoả ngục với các thánh ở trên trời và các tín hữu còn trong Giáo Hội lữ hành trên trần gian. (x. SGLGHCG số 1033)
Vậy dứt khoát không có vấn đề cầu cho những linh hồn “khốn nạn” trong luyện hình vì từ ngữ này không đúng để mô tả tình trạng của các linh hồn ở nơi đó.
Họ có đau khổ bao lâu chưa được hưởng Nhan Thánh Chúa, là nguồn mọi vinh phúc, hoan lạc của các thánh và các thiên thần, nhưng họ được bảo đảm ơn cứu độ muôn đời, vì đã ra đi trong ơn nghĩa của Chúa, nghĩa là sẽ có ngày họ được hưởng Nhan Thánh Ngài. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, vì chưa được thánh thiện hoàn toàn để vào ngay Thiên Đàng nên họ phải chịu thanh tẩy ở nơi thanh lọc cuối cùng này trong một thời gian dài ngắn tuỳ theo lượng khoan dung và công bình của Chúa đòi hỏi. (x Sđd, số 1030-1031)