Con gà trên tháp nhà thờ

Trên nhiều ngọn tháp nhà thờ, ngoài Thánh giá, còn có tượng chú gà trống bằng đồng hay sắt thép. Ở châu Âu, biểu tượng này khá phổ biến nhưng ở Việt Nam, chỉ một số nhà thờ được xây vào thời Pháp mới có con gà.

NHÀ THỜ CON GÀ

Có vài nhà thờ cổ tại Việt Nam được xây dựng bằng kiến trúc Tây phương và chi tiết chú gà trống trên tháp cao vẫn còn giữ nguyên. Được nhiều người biết đến nhất và gắn luôn với cái tên nhà thờ Con Gà là nhà thờ Chánh tòa Đà Lạt và nhà thờ Chánh tòa Đà Nẵng.

Nhà thờ Chánh tòa Đà Lạt

 

Nhà thờ Chánh tòa Đà Lạt hay còn gọi là nhà thờ Con Gà là một trong những biểu tượng gắn liền với Langbiang mù sương. Từ nhiều góc nhìn khác nhau của thành phố này đều in dấu tháp chuông nhà thờ với hình ảnh con gà độc đáo. Wikipedia dẫn nguồn tư liệu từ Trung tâm Tích hợp thông tin địa lý TP.Đà Lạt cho biết, đây là một trong những công trình tiêu biểu và cổ xưa nhất của Đà Lạt do người Pháp để lại. Tên gọi của nhà thờ xuất phát từ hình ảnh trên đỉnh tháp chuông chính có một con gà trống. Con gà này dài 0,66m, cao 0,58m, nằm cách mặt đất 27m và được làm bằng hợp kim nhẹ rỗng, bên trong tráng phủ một lớp hóa chất đặc biệt.

Lịch sử nhà thờ Chánh tòa Đà Lạt gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của thành phố này. Khám phá ra Đà Lạt vào năm 1893, ngoài bác sĩ Alexandre Yersin còn có linh mục Robert thuộc Hội Thừa sai Paris (MEP). Đến năm 1917, linh mục quản lý của MEP tại vùng Viễn Đông là Nicolas Couveur đã đến Đà Lạt với mục đích tìm nơi nghỉ dưỡng cho các giáo sĩ, và cha đã cho xây dựng một dưỡng viện giáo đồ, nay là một phần của nhà xứ. Sau vài lần sửa chữa, xây dựng, nhà thờ Con Gà Đà Lạt hiện nay được chính thức khởi công vào ngày 19.7.1931 do Đức Giám mục Colomban Dreyer (Khâm sứ Tòa Thánh tại Đông Dương và Thái Lan) đặt viên đá đầu tiên. Công trình xây theo thiết kế của linh mục Céleste Nicolas, cha sở lúc bấy giờ, kéo dài suốt 11 năm tiếp đó. Bên trong thánh đường có ba gian, gian lớn ở giữa, hai gian nhỏ hai bên và được thiết kế theo lối đối xứng nghiêm ngặt, cổ điển. Phía trên cửa tường lắp đến 70 tấm kính màu sắc ấn tượng.

Nhà thờ Bảo Nham

Nhà thờ Chánh tòa Đà Nẵng cũng thường được gọi bằng tên nhà thờ Con Gà. Theo website của Giáo xứ Chánh tòa Đà Nẵng, không biết ai là người đầu tiên chịu Phép Rửa tại địa phương này nhưng các linh mục Baudet, Marquette và Fuciti đã được sai đến phụ trách giáo dân tại Cửa Hàn từ ngày 3.2.1665. Sử sách không ghi lại giáo xứ chính thức được thành lập ngày tháng nào, chỉ biết được rằng linh mục Laurent (Cố Chính) đã phục vụ giáo xứ từ 1887-1904. Nhà thờ hiện nay được xây dựng trong khoảng thời gian rất ngắn, từ tháng 2.1923 – 9.1924, do linh mục Louis Vallet chủ công xây dựng và phác thảo phối cảnh tổng thể, trên khoảng đất trống đường Rue du Musée (nay là đường Trần Phú). Đây là nhà thờ duy nhất được xây dựng tại thành phố Đà Nẵng thời Pháp.

Nhà thờ có kiến trúc theo kiểu Gothique với những đường nét cao vút, những vòng cửa quả trám. Sau lưng nhà thờ là hang đá Đức Mẹ được bài trí phỏng theo mẫu hang đá Lộ Đức. Nhà thờ có nhiều tên gọi : nhà thờ Tourane (thời Pháp), người dân địa phương thường gọi với tên nhà thờ Con Gà vì trên nóc nhà thờ có biểu tượng con gà màu xám. Cột thu lôi, đế bầu tròn đỡ con gà và chữ thập chỉ bốn hướng đông – tây – nam – bắc sau nhiều năm đã được sửa chữa, thay mới vài lần. Con gà xoay theo hướng gió nên người dân bản xứ kháo nhau rằng đây là đài dự báo thời tiết rất hiện đại, quay chiều nào là gió mưa, chiều nào là nắng tạnh họ nắm hết. Từ năm 1963, khi giáo phận Đà Nẵng được thành lập, nhà thờ này được chọn làm nhà thờ Chánh tòa, nhưng tên gọi nhà thờ Con Gà vẫn phổ biến nhất với người trong vùng.

Nhà thờ Chánh toà Đà Nẵng

CON GÀ TRÊN THÁP CHUÔNG

Dù không được gọi là nhà thờ Con Gà nhưng một số nhà thờ ở Việt Nam cũng có con gà trên ngọn tháp cao, có thể xem là những dấu tích của quá khứ. Đó là nhà thờ đá Bảo Nham (Yên Thành – Nghệ An). Theo một số tài liệu, vào thập niên 80 của thế kỷ 19, linh mục người Pháp có tên là Adolphe Klinglé – còn gọi là Cố Thông – đã đến đây truyền giáo và cha đã chọn vị trí đắc địa này để xây dựng thánh đường. Được khởi công vào mùa thu năm 1888, sau 16 năm xây dựng, đến mùa xuân năm 1904, nhà thờ Bảo Nham chính thức hoàn thành, tọa lạc trên một khoảng đất rộng 7.750m2. Người Pháp đánh giá đây là một trong những nhà thờ độc đáo nhất xứ Đông Dương lúc bấy giờ và có mức độ thẩm âm tốt nhất so với các nhà thờ khác ở Việt Nam.

Bảo Nham cũng được xây dựng theo lối kiến trúc Gothique, lấy mẫu từ nhà thờ Lourdes (Pháp). Các tảng đá được những người thợ xây ghép cẩn thận. Vật liệu chính làm nhà thờ là đá Thanh được lấy từ đá núi Lam Sơn (Thanh Hóa ). Có một tháp chuông cao 28m, trên đỉnh tháp chính có đặt một con gà làm bằng hợp kim Angtimon dài 0,8m, rộng 0,35m, có thể xoay chuyển theo chiều gió. Ngoài ra còn có 24 tháp nhỏ bằng đá, mỗi tháp cao 2,5m. Phía trong là những mái vòm được cuốn tròn và được ghép bằng những tảng đá to. Trong nhà thờ hiện còn lưu giữ mộ của linh mục người Pháp Adolphe Klinglé, người có công kiến tạo.

Nhà thờ Xóm Chiếu

Tại TPHCM, hai nhà thờ Huyện Sỹ và Xóm Chiếu cũng có biểu tượng chú gà trống trên tháp chuông. Nhà thờ Huyện Sỹ (nhà thờ Thánh Philipphê Tông đồ) ở quận 1 là một nhà thờ cổ hơn 100 tuổi, có chiều dài 40m – chia làm 4 gian, rộng 18m, mặt tiền và các cột chính điện được ốp bằng đá hoa cương Biên Hòa theo phong cách kiến trúc Gothique. Cung thánh có vòm chịu lực dạng cung nhọn, tường có nhiều cửa sổ, vòm đỉnh nhọn và được trang trí bằng lớp kính màu ghép hình mua từ Ý. Bên trong các gian tường có nhiều tượng thánh. Trên vòm cửa chính là tượng thánh Philípphê bổn mạng nhà thờ bằng đá cẩm thạch, đứng cầm cây Thánh giá Phục sinh. Tháp chuông chính cao 57m, kể cả chiều cao Thánh giá và con gà.

Giáo xứ Xóm Chiếu (quận 4) thành lập vào năm 1856. Sau hai lần dựng nhà thờ có phần tạm bợ, mãi đến năm 1868, ngôi thánh đường thứ ba của Xóm Chiếu mới được cất lên cạnh mé sông Sài Gòn, với tên gọi nhà thờ Thánh Phêrô. Chung quanh khuôn viên bao bọc bởi đồng ruộng, đầm lầy bao la. Trong thủ bút do cha Phêrô Nguyễn Linh Dược (coi xứ từ 1885 – 1914) viết năm 1910 có câu : “Cha Từ khéo, đã cất được nhà thờ kiểu Tây, có tầng đờn, có lầu chuông, chọn ông Thánh Phêrô làm bổn mạng”. Trên đỉnh Thánh giá có đặt con gà trống bằng đồng. Sau nhiều năm, ngôi nhà thờ này cũng bị hư hại. Ngày 23.10.1922, Đức cha Quinton, Giám mục Sài Gòn lúc bấy giờ, đã mua lại 10 mẫu đất của ông bà Phạm Văn Năm tại khu vực giáo xứ Xóm Chiếu hiện nay để xây dựng nhà thờ, nhà xứ, trường học, nhà ở cho giáo dân. Năm 1923, hãng thầu Broissard et Mopin thi công ngôi thánh đường. Chú gà trống bằng đồng vẫn được đặt ở tháp nhà thờ.

Kim Minh

Nguồn tin: Báo Công Giáo & Dân Tộc