1. Đi theo Đức Ki-tô
Khi thấy những đám đông chung quanh mình, Đức Giê-su quyết định đi sang bờ bên kia của Biên Hồ Ga-li-lê :
– Có một kinh sư xin đi theo Chúa với lòng quảng đại : « Thưa Thầy, Thầy đi đâu, tôi cũng xin đi theo ».
– Và một trong các môn đệ, đã đáp lại tiếng gọi đi theo Đức Ki-tô, xin trở về chôn táng cha của mình : « Thưa Ngài xin cho phép con về chôn cất cha con trước đã ». Ai trong chúng ta cũng đã hoặc sẽ có kinh nghiệm này, khi có những người thân qua đời.
Trong sách Tin Mừng theo thánh Luca còn thêm một người thứ ba ; người này cũng có lòng ước ao đi theo Đức Giê-su như người thứ nhất, và anh chỉ xin làm một điều rất bình thường, nhưng hợp tình hợp lí : « Xin cho phép tôi từ biệt gia đình trước đã ».
Hai người, mỗi người có một hoàn cảnh khác nhau, mỗi người có kinh nghiệm về ơn gọi đi theo Đức Ki-tô khác nhau. Dù chúng ta sống trong ơn gọi nào, với tư cách là người Ki-tô hữu, chúng ta cũng được mời gọi đi theo Đức Ki-tô. Vậy chúng ta thấy mình giống trường hợp nào trong hai trường hợp trên ; hay chính mỗi người chúng ta là trường hợp khác nữa ?
2. Lề luật hay thần khí ?
Như chúng ta đã nhận thấy, hai lời xin rất đỗi bình thường : người thứ nhất xin đi theo Đức Giê-su, người thứ hai xin về chôn táng người cha rồi tiếp tục đi theo Ngài, nhưng lời đáp của Đức Giê-su thì không bình thường chút nào, và phải làm cho người nghe ngạc nhiên. Thật vậy,
– Với người thứ nhất, Người trả lời : Con chồn (hay con cáo) có hang, con chim có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu. Có lẽ Ngài muốn nói đến đời sống nghèo khó « tột bậc » khi đi theo Người.
– Với người thứ hai, Người nói : « Anh hãy đi theo tôi, cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ ». Theo sự nhạy cảm của người Việt Nam chúng ta, một câu trả lời như thế thật không nhân bản, không có tình người và nhất là không tôn trọng chữ hiếu.
Chúng ta có thể nhớ lại, trong những tình huống khác, lời của Đức Giê-su cũng không kém triệt, không thể áp dụng theo mặt chữ được : « Nếu mắt hay tay gây cớ phạm tội, hãy móc hay chặt ngay đi ! ». Cũng như chúng ta không thể sống mà không tựa đầu vào một chỗ nào đó, không thể để mặc kẻ chết chôn kẻ chết, và cũng không thể « chạy xe » mà không ngoái lại đằng sau .
Đó là vì lời của Đức Ki-tô không phải là chữ viết hay lề luật, cứ thế mà đem ra thực hành, như chúng ta thường nói : « thực hành Lời Chúa ». Lời Chúa là thần khí chứ không phải chữ viết, vì thế Ngườii cố ý nói thật triệt để, để chúng ta đừng biến lời của Ngài thành chữ viết của Lề Luật. Lời Chúa là thần khí, mặc khải cho chúng ta một hướng đi, một năng động sống ; và mỗi người và mỗi thời được mời gọi sống tối đa theo cách của mình, theo khả năng của mình, mức độ trưởng thành thiêng liêng của mình, theo tình yêu của mình dành cho Chúa và cho tha nhân.
Lề Luật không chấp nhận sự khác biệt, vì được áp dụng cho mọi người và mọi người đều « bình đẳng » ; trong khi đó, cùng một thần khí, nhưng có những cách thể hiện khác nhau tùy theo ơn Chúa, sự tự do và hoàn cảnh của mỗi người. Lề Luật không quan tâm đến ngôi vị : « Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt quả tang đang ngoại tình. Trong sách Luật, ông Mô-sê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó” (Ga 8, 4-5); thần khí là một năng động sống, khởi đi từ ngôi vị, với lịch sử, vấn đề, vết thương, nỗi khổ đau, bị sự dữ chi phối…
3. Năng động Vượt Qua
Chúng ta sẽ khám ra cả một năng động sống, cả một con đường thiêng liêng trong những lời khó nghe của Đức Giê-su, nếu chúng ta đặt mình vào bối cảnh của mầu nhiệm Vượt Qua, như Đức Giê-su đã nói trước đó : « Người đã mang lấy các tật nguyền của ta và gánh lấy các bệnh hoạn của ta » (8, 17) và hình ảnh « sang bờ bên », khởi đầu bài Tin Mừng của chúng ta, gợi lên.
– Chúng ta hãy nhìn ngắm Đức Giê-su trên Thập Giá, để nhận ra đầu của Ngài tựa vào đâu : chẳng vào đâu hết, mà chỉ tựa vào lời kêu cầu dâng lên Cha : « Lạy cha, trong tay Cha, con xin phó thác hồn con ». Ngài chỉ tựa vào lòng Cha, vào sự Quan Phòng yêu thương của Cha.
– Đi theo Chúa, chúng ta phải vượt qua Biển Đỏ, vượt qua nguy hiểm, thử thách và chính sự chết để đi vào sự sống của Thiên Chúa, đi vào miền đất dành cho người sống. Nơi Thiên Chúa, không có sự chết và những người chết, nhưng chỉ có sự sống, và những người sống cho Chúa mà thôi. Và có thể nói, con đường Vượt Qua của Đức Giê-su là đường « một chiều », đã đi vào thì phải đi thẳng luôn, không thể quay lại được.
Đức Giê-su quyết định đi về cùng Cha, bằng con đường Vượt Qua, nghĩa là bằng con đường yêu thương đến cùng (Ga 13, 1), người thì xin đi theo, kẻ thì xin đi về. Còn chúng ta, hôm nay hay trong giai đoạn sống này của hành trình đi theo Chúa, trong ơn gọi gia đình hay dâng hiến, khi hiểu Lời Chúa dưới ánh sáng của mầu nhiệm Vượt Qua, chúng ta xin Người điều gì ?
(Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc, SJ)