Công trình đặc biệt về các thánh tử đạo Việt Nam

Ðặt chân đến đan viện Xitô Thánh Mẫu Tâm Mỹ Ca, khách hành hương có thể chiêm ngắm một công trình độc đáo mà hiếm nơi nào có được, đó là trọn vẹn tượng của 117 vị thánh và một chân phước tử đạo Việt Nam là Á thánh Anrê Phú Yên.
Công trình đặc biệt về các thánh tử đạo Việt Nam

Dãy tượng với cái tên Đường Tử Đạo được đặt ngay lối ra vào của đan viện và sắp xếp uốn lượn theo hình một con Rồng đang ôm lấy bản đồ Việt Nam.

Từ cổng đi vào, tượng các thánh xếp theo thứ tự từ nam ra bắc và theo từng cụm : những vị chịu tử đạo tại giáo phận nào sẽ được xếp chung thành một cụm tượng và quay về nơi giáo phận mà các ngài đã đổ máu đào làm chứng đức tin. Do đó, sau bức tượng bán thân của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II (người tuyên phong 117 thánh tử đạo Việt Nam năm 1988) là tượng của hai thánh Phêrô Đoàn Công Quí và Emmanuel Lê Văn Phụng, hai vị tử đạo tại Châu Đốc, GP Long Xuyên; sau đó trải dài ra, rồi đến các thánh tử đạo tại giáo tỉnh miền Trung, miền Bắc.

Chính vì đầy đủ chân dung các thánh và sắp xếp có chủ đích nên khách hành hương mỗi khi đến viếng sẽ dễ dàng cầu nguyện với vị thánh bổn mạng hay một thánh nhân nào mà mình đặc biệt tôn kính, đồng thời khai mở thêm những hiểu biết mới mẻ. Chị Nguyễn Thị Thanh Thủy, giáo dân xứ Tam Hải (TGP TPHCM), cùng đoàn đi ra viếng Đức Mẹ La Vang ghé dừng chân tại đan viện chia sẻ: “Trước nay tôi cứ nghĩ Sài Gòn chỉ có mỗi thánh Matthêô Lê Văn Gẫm, vì đã từng hành hương đến nơi ngài sinh ra và lớn lên. Nhưng khi đến đây mới biết giáo phận mình còn có thêm hai vị chứng nhân anh dũng khác là thánh Phaolô Lê Văn Lộc và thánh Phaolô Hạnh”. Dãy tượng được tạo nên bởi nghệ nhân Xuân Quang, người đã thực hiện nhiều công trình Công giáo tại nhiều giáo phận. Với tấm lòng thành kính, ông đã thổi hồn giúp cho các bức tượng trở nên sống động, thể hiện rõ qua nét gần gũi trên gương mặt từng người.

Ngoài dãy tượng các thánh tử đạo là điểm nhấn, bên trong khuôn viên đan viện Xitô Mỹ Ca còn có đường khổ nạn của Chúa Giêsu gồm 20 chặng, được lấy theo Tin Mừng và tượng các thánh và chân phước là đấng sáng lập các dòng tu đang có mặt tại Việt Nam. Viện phụ Bảo Tịnh Trần Văn Bảo cho hay, tất cả có 20 chỗ và hiện đã đặt được 19 tượng, chỗ trống còn lại đan viện mong ước một ngày gần đây có thể đặt tượng của Đức cha Lambert de la Motte, đấng sáng lập dòng Mến Thánh Giá tại Việt Nam hoặc tượng của Đức Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, tùy vị nào được tôn phong chân phước trước.

PHÚ THỊNH

Nguồn tin: Báo Công Giáo & Dân Tộc