Covid-19: Vì sao giáo dân không còn đi lễ ngày chúa nhật?

Một số giáo xứ đang lo lắng về việc giảm đáng kể số người đi lễ ngày chúa nhật dù đã hết thời gian cách ly.

Với cuộc khủng hoảng sức khỏe, người công giáo đi lễ ít hơn. Vì họ sợ virus? Vì đã quen dự lễ trực tuyến? Vì chán nản hay tức giận? Báo Gia đình Công giáo điều tra lý do.

Mười? Hai mươi? Hay ba mươi phần trăm? Từ cuộc khủng hoảng Covid-19, chúng ta không thể nói chính xác có bao nhiêu phần trăm người công giáo ngừng đi lễ ngày chúa nhật. Từ ngày 15 tháng 8, Đức ông Patrick Chauvet, quản nhiệm nhà thờ chính tòa Paris đã lên tiếng báo động, 30% giáo dân đã không trở lại băng ghế nhà thờ. Tình trạng cụ thể của giáo phận Paris hay với các thành phố khác của nước Pháp? Có lẽ. Linh mục Stanislas Lemerle, cha xứ giáo xứ Saint-Ferdinand-des-Ternes, quận 17 cho biết: “Tại giáo xứ chúng tôi, số người tham dự thánh lễ có giảm sút nhưng chỉ tạm thời. Nhiều người không trở lại. Họ cách ly tại nông thôn. Ngay sau khi giáo xứ hoạt động lại, mọi người sẽ quay trở lại”. Thầy Phó tế Léon Bridaux ở giáo xứ Notre-Dame-de-Lourdes giải thích: “Do tác động liên hệ, suy thoái kinh tế là kết quả của ảnh hưởng, chẳng hạn ở Vannes, không có sự phát triển cụ thể nào được ghi nhận. Tuy vậy giáo dân cho biết, họ rất vui khi trở lại nhà thờ, họ đã chán xem lễ trực tuyến”.

Giảm 30%?

Ngày 15 tháng 8, Đức ông Patrick Chauvet tuyên bố trên đài truyền hình Europe I: “Ở cấp độ quốc gia, có 30% giáo dân đã không trở lại,” Nhưng hôm nay thì sao? Khó biết được con số, nhưng theo Đức ông, các lý do vẫn là “một số còn sợ Covid, một số khác đã quen xem lễ tại nhà.”

Đức Giám mục Bernard Ginoux, giáo phận Montauban lo âu: “Kể từ khi hết cách ly, ở đâu tôi đến, tôi cũng thấy có sự giảm sút, đặc biệt là với các người lớn tuổi, họ không trở về với thánh lễ. Các linh mục cũng xác nhận, các gia đình vẫn còn, các người trẻ vẫn còn nhưng người lớn tuổi thì ngại đến nhà thờ vì sợ nhiễm virus.”

“Chúng tôi không ra ngoài khi virus còn lởn vởn chung quanh”

Ở đâu cũng cùng một tình trạng này, linh mục  Gérard Ballast nói đến một loại tâm lý: “Kể từ khi bị cách ly, tình trạng sức khỏe của người lớn tuổi trở nên xấu đi. Có ba người tôi thường đến trao Mình Thánh Chúa, hai người nói với tôi, ‘chúng tôi không ra ngoài khi virus còn lởn vởn chung quanh.’” Bà Véronique Lerch, cánh tay phải của văn phòng mục vụ Strasbourg cho biết: “Một nửa các giáo xứ thiếu giáo dân. Đó là những người lớn tuổi, nhưng có một số giáo xứ nói với tôi, họ chưa ghi tên để chuẩn bị các bí tích. Đây là năm đầu tiên có tình trạng này. Phải nói là chúng tôi cũng chưa sẵn sàng chuẩn bị ghi tên vào mùa xuân tới. Bây giờ chúng tôi gánh chịu hệ quả của đại dịch.” Ở giáo phận miền đông nước Pháp là miền bị tác động Covid nặng, linh mục Frédéric Flota tâm sự, một nửa các em giúp lễ (có 15 em) của cộng đồng các giáo xứ Haute-Doller đã không trở lại giúp lễ. Các em ở lại là các em có cha mẹ giữ đạo. Điều gì đã xảy ra cho các em khác?

Có một số giáo dân đã quen xem lễ trực tuyến, Đức Giám mục Ginoux nhắc lại: “Trong thời gian cách ly đã có sự bùng phát các thánh lễ hàng loạt trên Internet. Nhiều người vui vì có thánh lễ trực tuyến. Họ chỉ cần lướt web là chọn được thánh lễ, chọn bài giảng, chọn ca đoàn, v.v. !” Dù giáo dân có lòng sốt mến như vậy nhưng ngài cảnh báo. “Cách đặc biệt này chỉ có giá trị cho thời buổi ngoại lệ. Vì xem lễ ảo làm chúng ta mất đi ý nghĩa sâu xa của thánh lễ, nơi Chúa thực sự chờ đợi chúng ta trong Bí tích Thánh Thể. Ngài so sánh: “Thật vui khi nhìn nhau trên Skype. Nhưng sẽ không đủ vì mình muốn ôm người thân trong vòng tay. Thế giới ảo không đủ cho đời sống tín hữu kitô. Chúng ta phải để mình được kết hợp với Chúa và cộng đoàn về mặt thể chất, cộng đoàn cũng là nhiệm thể của Chúa Kitô. Kitô giáo là nhập thể!”

Nhưng với các tín hữu khác, không phải do sợ virus hay do thánh lễ trực tuyến làm họ không đi lễ ngày chúa nhật. Lý do chắc chắn sâu xa hơn. Mới đầu là họ ngạc nhiên trước cách tổ chức của nhà thờ khi bắt đầu cuộc khủng hoảng, một số cảm thấy bất an khi thấy nhà thờ trở thành nơi mà việc vệ sinh đã chiếm quá nhiều chỗ. Bà Marie, 50 tuổi, nói: “Tôi vui mừng trở lại với thánh lễ sau mấy tháng cách ly, nhưng niềm vui chỉ được một thời gian ngắn. Trước thánh lễ đầu tiên mở lại, chúng tôi nhận một email nhắc một loạt biện pháp, tất cả đều phi lý. Chỉ có ba băng ghế dài dành cho gia đình. Mũi tên, ruy-băng, biển cấm, nhân viên canh gác cửa ra vào, đóng cửa khi đã đủ số người, dĩ nhiên không thiếu việc rửa tay và mang khẩu trang. Làm thế nào để cảm thấy mình được chào đón và nghĩ mình đang ở nhà mình?”

Bà chia sẻ tâm tư của mình với cha xứ: “Cha đồng ý với tôi, nhưng cha bị áp lực của hội đồng mục vụ và giáo dân thì quá sợ virus…”

Năm 2012 có 7% người Pháp cho biết họ đã đi dự thánh lễ chúa nhật. Một con số liên tục giảm kể từ những năm sáu mươi. Nguồn: IFOP

“Khi nào chúng ta sẽ phản ứng?”

Cô Madeleine, 39 tuổi lấy làm tiếc đã không còn đi lễ ngày chúa nhật. Cô đã giải quyết việc này với tấm lòng nặng trĩu. Cùng chồng và năm đứa con, cô sống một năm nay ở làng Saoâne-et-Loire. Cô cho biết: “Chúng tôi rời một giáo xứ năng động để đến một nhà thờ cũ kỹ không chút chào đón. Chúng tôi tiếp tục đi lễ. Rồi đến thời gian cách ly… Nhà thờ đóng cửa ngay trước khi có chỉ thị của cơ quan y tế! Chúng tôi khuấy động với giáo xứ, giáo phận nhưng chẳng được gì! Cha xứ cho rằng chúng tôi có thể cầu nguyện tại nhà”.

Chồng cô và cô vừa được rửa tội trước đó một năm – quý vị hình dung ngọn lửa của những người mới trở lại như thế nào – , họ bị choáng váng trước thái độ của giáo xứ: “Chúng tôi không buông bỏ. Chồng tôi làm một cây thánh giá to đẹp ở nhà. Thường thường chúng tôi hay cầu nguyện cho các tín hữu không được tự do giữ đạo. Lần này chúng tôi cầu nguyện cho chính mình…” Rồi đến thời gian dỡ bỏ cách ly. “Chúng tôi đã có một đêm Phục sinh tuyệt vời sáng rực với các ngọn nến. Một buổi tối dành hết cho Chúa Kitô. Bối cảnh của Giáo hội tại gia đã có ý nghĩa cho mỗi chúng tôi. Nhờ sức mạnh của các sự kiện, chúng tôi lại trở thành những người bảo vệ đức tin cho chính mình, xem lần này như ơn của Chúa. Ra khỏi cách ly, chúng tôi vội đi tìm Thánh Thể, nhưng gia đình tôi bị thất vọng. Chúng tôi có cảm tưởng như mình là những người làm phiền, các con chúng tôi là mối đe dọa trong thời đại dịch… Và rồi các chiếc khẩu trang, không thể nào cảm thấy mình được chào đón, không có được một hành vi trao hòa bình…” Bị tổn thương vì các ánh nhìn, gia đình cô tiếp tục việc phụng vụ tại nhà. Nhưng còn bí tích Thánh Thể? “Đúng vậy, chúng tôi khao khát được nhận Chúa Kitô. Vì thế chúng tôi đi lễ ở nhà thờ xa hơn. Với các lễ này, chúng tôi chuẩn bị sốt sắng.” Cô Madeleine hiểu nhà thờ phải có các biện pháp phòng ngừa với bệnh dịch nhưng cô không hiểu sự tê liệt của nó, “vậy trong thời khủng hoảng, Giáo hội phải đi ra!” Cô nhấn mạnh: “Chúng tôi vào Tiến trình Alpha. Ở đó chúng tôi gặp những người không còn đi nhà thờ. Quý vị có biết họ nói về Giáo hội như thế nào không? Họ nói đó là căn hầm khép kín sặc mùi giam cầm. Và không ai muốn mở cửa sổ… Khi nào chúng ta sẽ phản ứng?”

Các cuộc khủng hoảng không tạo ra các sự việc, nó chỉ làm cho thấy. Cuộc khủng hoảng Covid này cũng không ngoại lệ.

NataliaTrouiller.jpg

Bà Natalia Trouiller, nhà khảo luận

Phải phản ứng. Đó là ý kiến của bà Natalia Trouiller, nhà khảo luận và là tác giả của quyển sách Đi ra! Tuyên ngôn sử dụng cho các tín hữu kitô đầu tiên (Sortir ! Manifeste à l’usage despremiers chrétiens, 2019).

“Các cuộc khủng hoảng không tạo ra các sự việc, nó chỉ làm cho thấy. Cuộc khủng hoảng Covid này cũng không ngoại lệ. Chúng ta đang chứng kiến sự vén mở về ý nghĩa thánh lễ có ý nghĩa như thế nào với dân Chúa trong một thời gian rất dài. Sau thời gian cách ly, người giáo dân tự hỏi: ‘Cuối cùng, tôi đã thiếu gì?’ Điều này không làm chúng ta vui, nhưng sự việc là ở đó…” Và bà không muốn mình dừng lại ở nhận định đáng buồn này. Khi có các tiếng nói lên tiếng đây đó, Giáo hội đã “lỡ chuyến đò”, bà tự chỉ trích mình, và nhân cơ hội khủng hoảng sức khỏe để chỉnh đốn lại. “Chúng ta vừa trải qua một sự kiện đặc biệt của Giáo hội đã làm cho tất cả chúng ta chấn động. Nếu điều này gây đau thương cho một số người, thì nó cũng cho thấy các điều tốt đẹp, một sáng tạo phi thường, các gia đình bắt đầu cầu nguyện với nhau, các giáo dân nhàn nhạt bắt đầu bắt tay với nhau, làm chứng cho đức tin của họ, tất cả đều ra đi trong sứ mệnh. Bây giờ, từng cá nhân cũng như tập thể, chúng ta cần trả lời câu hỏi này: tại sao chúng ta không đi lễ? Tôi nghĩ một thượng hội đồng về Thánh lễ sẽ được hoan nghênh”.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

(phanxico.vn 13.09.2020/ famillechretienne.fr, Hugues Lefèvre, Guilhem Dargnies, 2020-09-08)