Cung hiến đền thờ Thánh Phêrô và đền thờ Thánh Phaolô ở Rôma – Ngày 18/11

Hoàng đế Roma Constantino năm 323, sau khi công nhận đạo Công Giáo, mở ra kỷ nguyên chấm dứt thời kỳ Giáo Hội Công Giáo bị bắt bớ bách hại trong toàn đế quốc Roma, đã cho xây dựng Vương cung thánh đường trên ngôi mộ Thánh Phêrô ở chân đồi Vatican. Phần phía Nam của thánh đường nằm ở bên phần sân diễn trò xiếc giải trí của vua chúa Roma, nơi đây Thánh Phêrô dưới thời Hoàng đế Nero đã bị hành quyết đóng đinh ngược tử vì đạo năm 67 sau Chúa giáng sinh.

Ngôi mộ của Thánh Phêrô nằm ngay dưới bàn thờ chính của đền thờ. Dưới thời Đức Giáo Hoàng Pio XII. vào thế kỷ 20. đã có cuộc khai quật khảo cổ, và tìm thấy ngôi mộ cùng dấu tích sùng kính Thánh Phêrô của giáo hữu thời xa xưa hồi thế kỷ thứ nhất và thứ hai.

Theo truyền thuyết kể lại, ngôi đền thờ thời Constantino được Đức Giáo Hoàng Silvester I thánh hiến ngày 18.11.326, và ngôi đền thờ được xây dựng hoàn thành vào giữa thế kỷ thứ 4 sau khi hoàng đế Constantino qua đời.

Trong thời kỳ các Đức Giáo Hoàng sống lưu vong ở Avignon bên Pháp từ 1309 – 1377, đền thờ bị xuống cấp hư hại. Nhưng sau đó từ năm 1450 đền thờ được sửa chữa lại. Sau cùng dười thời Đức Giáo Hoàng Julius II. năm 1506 ngôi đền thờ cũ có tuổi thọ 1200 năm bị phá hủy hoàn toàn. Và ngài đặt viên đá đầu tiên xây dựng ngôi đền thờ mới như đang thấy ngày nay.

Công trình xây dựng đền thờ mới do Kỹ sư Bramente vẽ họa đồ và Kỹ sư Michelangelo thực hiện. Công việc xây dựng kéo dài trên 100 năm. Ngôi đền thờ mới cũng được xây ngay trên ngôi mộ của Thánh tông đồ Phêrô, và là thánh đường lớn nhất của Giáo Hội Công Giáo. Đức Giáo Hoàng Urbano VIII. đã làm phép thánh hiến khánh thành ngôi đền thờ mới cũng vào ngày 18.11.1626, mà trước đó 1300 năm ngôi đền thờ cũ thời vua Constantino ngày 18.11.326 cũng đã được làm phép thánh hiến.

Đền thờ Thánh Phêrô là công trình xây dựng trổi vượt về hình thức nghệ thuật, và mang ý nghĩa trung tâm điểm của Giáo Hội Công Giáo hoàn cầu.

Công trình này được các vị kỹ sư cùng điêu khắc danh họa góp công sức thực hiện từ Bramante đến Raffael, Peruzzi, Michaelangelo, Giacomo della Porta, phần trang trí nghệ thuật do những kiệt tác của danh họa thiên tài Michaelangelo, Bernini và nhiều người khác nữa.

Thánh Phaolô là vị Tông đồ dân ngoại đã loan truyền tin mừng Chúa Giêsu Kitô từ bên vùng Trung Đông nước Do Thái sang tận Âu châu. Đi tới đâu Ông thành lập Giáo đoàn Kitô giáo, và viết 14 thư mục vụ, như nền tảng giáo lý, gửi các Giáo đoàn Kitô giáo. Và sau cùng vào khoảng năm 64. chết chịu tử vì đạo dưới thời hoàng đế Nero ở Roma.

Ngay từ năm 200 đã có bảng ghi nhớ tưởng niệm ngôi mộ Thánh Phaolô ở Via Ostia. Hoàng đế Constantino theo dấu chứng đó đã cho xây ngôi đền thờ ở ngoài thành Roma năm 324 để kính Thánh Phaolô, và được Đức Giáo Hoàng Sylvester thánh hiến.

50 năm sau, năm 374 Hoàng đế Theodosius I. cho xây mở rộng ngôi đền thờ to lớn thêm ra. Đến thời Đức Giáo Hoàng Leo I (trị vì từ 440-461) ngôi đền thờ được xây dựng hoàn thành. Tháng Bảy 1823 ngôi đền thờ thời Constantino bị trận hỏa hoạn thiêu hủy hư hại nặng, chỉ phần hậu cung thánh với những bức tranh Mosaic từ thế kỷ thứ 5 và 13 còn nguyên vẹn không bị cháy.

Ngôi đền thờ mới kính thánh Phaolô ngoại thành được xây dựng lại ngày 10.12.1855 dưới thời Đức Giáo Hoàng Pio IX. được làm phép thánh hiến.

Trong vương cung thánh đường Thánh Phaolô ở trên phần đầu tường chung quanh có hình vẽ khắc kiểu Mosaic các Đức Giáo Hoàng của Hội Thánh Công Giáo từ Thánh Phêrô, vị giáo hoàng tiên khởi cho tới vị Giáo hoàng đương kim.

Ngày 25.01.1959, vào ngày lễ kính Thánh Phaolô tông đồ trở lại, Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII. trong đền thờ này đã tuyên bố mở Công đồng chung Vaticano II 1960-1965. Đền thờ gọi là ngoại thành, vì nằm ở ngoài tường thành Roma do hoàng đế Aureliano xây bức tường bao quanh Roma năm 271 để ngăn chống các tấn công của các sắc dân từ bên ngoài vào trong thành Roma.

BIỂU TƯỢNG Ý NGHĨA THẦN HỌC:

Hai ngôi đền thờ vĩ đại Thánh Phêrô và Thánh Phaolô ở Roma không chỉ to lớn bề thế về công trình lối kiến trúc đồ sộ vững chắc, và những trang hoàng ấn tượng mang dấu ấn rất nghệ thuật  thời trung cổ có một không hai từ xưa nay. Nhưng hai ngôi đền thờ còn là hình ảnh nói lên dấu chỉ về Thiên Chúa vô hình đang hiện diện giữa con người, với những hàng cột cao trong ngoài thán đường, những vòm chỏm tháp vươn cao lên không trung giữa thiên nhiên, những mầu sắc hài hoà của những tảng đá cẩm thạch cùng đường vân thiên nhiên hòa hợp với ánh sáng chiếu tỏa sự trong sáng nét đẹp của thiên nhiên.

Có thể nói được những ý tưởng mà các vị Kỹ sư và các vị danh Họa điêu khắc đã khắc ghi vào công trình gỗ đá xây dựng hai ngôi đền thờ này, bắt nguồn như thức ăn gợi hứng cho họ là con người, là người có lòng tin vào Chúa, là kỹ sư kiến trúc, là nhà danh hoạ chuyên môn, từ ba cuốn sách về thiên nhiên, cuốn sách Kinh Thánh và cuốn sách về Phụng vụ.

Vì thế, hai ngôi đền thờ kết hợp được cả ba mặt kiến trúc trong thời đại trần gian, về lịch sử ơn cứu độ của Chúa phần thiêng liêng, như Kinh thánh thuật lại, và về phụng vụ, nơi con người trần thế cử hành lễ nghi thờ phượng Thiên Chúa.

Hai ngôi đền thờ được xây dựng để kính hai Thánh tông đồ Phêrô và Phaolô, nhưng họ không phải là nền tảng cho hai đền thờ này. Chính Chúa Giesu Kitô mới là đá nền tảng niềm tin cho đền thờ (1 cor 3,10-11). Vì nơi hai đền thờ này mỗi khi mọi tín hữu Chúa Kitô tụ họp đọc kinh cầu nguyện, cử hành nghi lễ phụng vụ , là tưởng niệm sự sinh ra, chịu chết và sống lại của Chúa Kitô. Đó là nền tảng đức tin của Kitô giáo.

Chúa Giêsu Kitô là đá tảng nâng đỡ cho ngôi đền thờ đức tin của Giáo Hội được vững chắc. Nơi Chúa Giêsu chúng ta học và đọc được Lời của Chúa, cũng như từ nơi Ngài Giáo Hội nhận được sức sống, giáo lý và sự sai đi đến với con người.

Hai ngôi đền thờ này như hình ảnh biểu tượng cho Giáo Hội Công Giáo Roma, cũng đã trải qua những lần bị hư hại xuống cấp, bị hỏa hoạn cháy thiêu rụi, và được sửa chữa lại, xây dựng mới lại. Hai ngôi đền thờ kiến trúc công trình nghệ thuật đứng vững từ hàng bao thế kỷ nay là do luôn được quyét dọn, tân trang bảo trì sửa chữa liếp tục.

Đời sống trong Giáo Hội cũng vậy, có những giai đoạn thoái hóa lên xuống về mặt tinh thần đạo giáo cũng như tổ chức điều hành quản lý. Những khúc ngoặt hay bóng tối đó gây ra những tiếng tăm không tốt, hậu qủa tiêu cực.

Nhưng đồng thời đó cũng là dịp tốt để Giáo Hội nhìn ra biết mình mà điều chỉnh sửa chữa làm mới lại cho tốt lành đúng như ý Chúa muốn, cùng là nhân chứng cho Chúa giữa lòng xã hội con người trần thế. Có thế ngôi nhà đức tin Giáo Hội mới đứng vững được.

 _______________________

Hai ngôi đền thờ Thánh Phêrô và Thánh Phaolô ở Roma như cột trụ của Giáo Hội Công Giáo vừa về mặt tinh thần vừa về mặt kiến trúc cùng bề thế.

Hai vị Thánh tông đồ này cùng được mừng kính chung trong một lễ mừng ngày 29 tháng 06 hằng năm. Và hai ngôi đền thờ kính hai vị Thánh cùng được mừng nhớ đến ngày thánh hiến chung ngày 18.11. hằng năm.

 Thánh Phaolô viết nhắn nhủ về Giáo Hội Chúa Kitô: “Tôi muốn nói là trong anh em có những luận điệu như: ”Tôi thuộc về ông Phao-lô, tôi thuộc về ông A-pô-lô, tôi thuộc về ông Kê-pha, tôi thuộc về Đức Ki-tô.” (1 cor 1,12)…

“Tôi trồng, anh A-pô-lô tưới, nhưng Thiên Chúa mới làm cho lớn lên. Vì thế, kẻ trồng hay người tưới chẳng là gì cả, nhưng Thiên Chúa, Đấng làm cho lớn lên, mới đáng kể. Thật vậy, chúng tôi là cộng sự viên của Thiên Chúa. Anh em là cánh đồng của Thiên Chúa, là ngôi nhà Thiên Chúa xây lên.” (1 cor 3,6-9).