Ngọc Yến
Vatican News (25.1.2021) – Nhân dịp Tuần Cầu nguyện cho sự Hiệp nhất Kitô hữu, Đức Hồng y Kurt Kock, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh hiệp nhất các Kitô hữu đã có bài tham luận với tựa đề “Cùng nhau bước đi trên cùng một con đường: Công nghị tính theo quan điểm đại kết”.
Hành trình tiến tới một kỷ niệm lớn
Trong bài tham luận, trước hết, Đức Hồng y Kurt Kock hướng mọi người đến một sự kiện lớn trong tương lai, từ đó có những định hướng cho hành trình đại kết: Vào năm 2025, các Giáo hội Kitô sẽ kỷ niệm 1700 năm công đồng đại kết đầu tiên trong lịch sử Giáo hội, diễn ra tại Nicea vào năm 325.
Theo Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh hiệp nhất các Kitô hữu, sự kiện quan trọng này chắc chắn cũng được ghi dấu bởi nhiều yếu tố lịch sử. Trước hết cần nhớ rằng công đồng được hoàng đế Constantino triệu tập. Điều này chỉ có thể hiểu được khi xem xét bối cảnh lịch sử, cụ thể là vào thời điểm đó đã nổ ra một cuộc tranh cãi dữ dội trong thế giới Kitô giáo về cách tuyên xưng đức tin vào Chúa Giêsu Kitô là Thiên Chúa.
Trong cuộc tranh cãi này, hoàng đế nhận thấy một mối đe dọa nghiêm trọng cho việc củng cố thống nhất đế chế. Vì muốn thống nhất các phe đối lập, hoàng đế đã triệu tập công đồng đại kết đầu tiên tại thành phố Nicêa ở Tiểu Á. Kết quả là Kinh Tin Kính Nicêa đã trở thành nền tảng đức tin chung của Kitô giáo. Ngày nay, Kinh Tin Kính của công đồng vẫn còn giá trị cho sự hợp nhất tất cả các Giáo hội Kitô, và tầm quan trọng đại kết của nó là rất lớn. Trên thực tế, hành trình hiệp nhất của Giáo hội bao hàm một sự nhất trí về các nội dung cốt yếu của đức tin, một sự nhất trí không chỉ giữa các Giáo hội ngày nay, mà còn với Giáo hội trong quá khứ và trên hết, với nguồn gốc tông đồ của Giáo hội. Do đó, kỷ niệm 1700 năm của Công đồng Nicêa sẽ là một cơ hội tốt để tưởng nhớ công đồng này trong sự hiệp thông đại kết và để suy tư một cách mới mẻ về việc tuyên xưng đức tin Kitô học.
Công nghị tính (sinodalità) như một thách đố đại kết
Mở rộng giá trị của Công đồng Nicêa cho công cuộc đại kết, Đức Hồng y Kurt Kock nhấn mạnh: Công đồng Nicêa cũng có liên quan lớn về mặt đại kết theo một quan điểm khác. Nó cung cấp tài liệu về cách thức Giáo hội giải quyết các vấn đề gây tranh cãi và được thảo luận mang tính công nghị trong một công đồng. Trong tiếng Hy Lạp “công nghị tính” có nghĩa là “cùng nhau đi trên một con đường”. Theo nghĩa Kitô giáo, từ này biểu thị cuộc hành trình chung của những người tin vào Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã tự mặc khải mình là “Con đường”, và chính xác hơn là “đường, sự thật và sự sống” (Ga 14, 6). Do đó, Kitô giáo tiên khởi được gọi là “Con đường” và các Kitô hữu, những người theo Đức Kitô là Đường, được gọi là “thuộc về Con Đường này”. Theo nghĩa này, “Giáo hội” là một tên chỉ “một con đường chung”, và Giáo hội và công nghị là đồng nghĩa. Từ “công nghị tính” cũng cổ xưa và cơ bản như từ “Giáo hội”.
Do đó, công đồng Nicêa đánh dấu sự khởi đầu của hình thức công nghị – có giá trị đối với Giáo hội hoàn vũ – được áp dụng cho quá trình ra quyết định. Đây là một điều ghi nhận khác có tầm quan trọng cơ bản theo quan điểm đại kết, được thể hiện qua hai tài liệu quan trọng gần đây: Ủy ban Đức tin và Hiến chế của Hội đồng Đại kết các Giáo hội đã xuất bản “nghiên cứu Giáo hội trên Con đường của một Tầm nhìn Chung”. Trong đó, tuyên bố về Giáo hội học theo quan điểm đại kết: Dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, toàn thể Giáo hội là công nghị, ở mọi cấp độ của đời sống Giáo hội. Mầu nhiệm đời sống Ba Ngôi Thiên Chúa được phản ánh với vai trò là công nghị tính (sinodalità) hay đoàn thể tính (conciliarità). Quan điểm này cũng được Ủy ban Thần học Quốc tế chia sẻ trong tài liệu công nghị tính trong đời sống và sứ mạng của Giáo hội. Ủy ban khẳng định rằng đối thoại đại kết đã tiến tới điểm có thể nhận ra trong công nghị tính một chiều kích mặc khải về bản chất của Giáo hội.
Lắng nghe Chúa Thánh Thần
Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh hiệp nhất các Kitô hữu cho biết, về phần Đức Thánh Cha Phanxicô, trong tinh thần đại kết này, Ngài cương quyết đi theo con đường công nghị. Tuy nhiên, ngay từ đầu, Đức Thánh Cha không quan tâm nhiều đến các cơ cấu và thể chế nhưng quan tâm đến chiều kích tinh thần của công nghị tính, trong đó vai trò của Chúa Thánh Thần và cùng lắng nghe Thánh Thần có tầm quan trọng cơ bản: Chúng ta lắng nghe, chúng ta thảo luận theo nhóm, nhưng trên hết chúng ta chú ý đến những gì Thánh Thần nói với chúng ta.
Từ đây, chúng ta cũng có thể hiểu được sự khác biệt giữa công nghị tính và dân chủ nghị viện, điều mà Đức Thánh Cha nhấn mạnh. Trong khi tiến trình dân chủ chủ yếu xác định tính đa số, công nghị tính là một sự kiện thiêng liêng nhằm đạt được sự nhất trí bền vững và thuyết phục trên con đường phân định, xác tín đức tin và hiệu quả là lối sống của cá nhân Kitô hữu và cộng đoàn Giáo hội. Do đó, thượng hội đồng không phải là một nghị viện, nơi đàm phán, thương lượng hoặc thỏa hiệp được sử dụng để đạt được sự đồng thuận, nhưng phương pháp duy nhất của thượng hội đồng là mở lòng ra đón nhận Chúa Thánh Thần, với lòng can đảm của các tông đồ, với sự khiêm nhường của Tin Mừng và lời cầu nguyện tin cậy; để Ngài hướng dẫn chúng ta.
Từ những điều vừa được nói, có thể dễ dàng hiểu rằng đối với Đức Thánh Cha, ưu tiên là làm sao Giáo hội Công giáo là một cộng đoàn cùng nhau bước đi, và Giáo hoàng không ở một mình trên Giáo hội; nhưng ở bên trong như một người đã được rửa tội trong số những người đã được rửa tội và bên trong Giám mục đoàn như Giám mục trong số các Giám mục, được gọi đồng thời – với tư cách là Người kế vị Tông đồ Phêrô – để lãnh đạo Giáo hội Roma và các Giáo hội địa phương trong tình yêu thương.
Do đó, những nỗ lực thần học và mục vụ nhằm xây dựng một Giáo hội mang đặc tính công nghị có ảnh hưởng sâu sắc đến đại kết, như Đức Thánh Cha nhấn mạnh với nguyên tắc cơ bản của đối thoại đại kết, bao gồm việc trao đổi các hồng ân, nhờ đó chúng ta có thể học hỏi lẫn nhau. Việc trao đổi này chủ yếu liên quan đến việc chấp nhận những gì Chúa Thánh Thần đã gieo trong các Giáo hội khác cũng như một hồng ân cho chúng ta. Theo nghĩa này, chúng ta những người Công giáo, khi đối thoại với các anh em Chính thống, chúng ta có cơ hội học hỏi thêm điều gì đó về ý nghĩa của đoàn thể tính của Giám mục và kinh nghiệm của họ về công nghị tính. Vì điều này liên quan đến chủ đề trung tâm của đối thoại Công giáo-Chính thống, cần phải làm rõ thêm chiều kích đại kết của công nghị tính trên cơ sở của cuộc đối thoại quan trọng này.
Công nghị tính và quyền tối thượng trong đối thoại Công giáo-Chính thống giáo
Trong cuộc đối thoại này, một bước quan trọng đã được thực hiện trong hội nghị toàn thể của Ủy ban Hỗn hợp Quốc tế được tổ chức tại Ravenna vào năm 2007, nơi tài liệu về các kết quả của Giáo hội học và giáo luật về bản chất bí tích của Giáo hội đã được phê chuẩn.
Cái nhìn thần học về các từ ngữ được làm rõ: “đoàn thể tính” và “quyền bính”, “công nghị tính” và “quyền tối thượng”. Công nghị tính và quyền tối thượng được thực hiện ở ba cấp độ cơ bản của đời sống Giáo hội; và phụ thuộc lẫn nhau ở mọi cấp độ của đời sống Giáo hội, theo nghĩa là quyền tối thượng phải luôn được hiểu và thực hiện trong khuôn khổ của công nghị tính và đoàn thể tính trong khuôn khổ của quyền tối thượng. Ủy ban tin tưởng rằng những suy tư được trình bày về chủ đề hiệp thông Giáo hội là một tiến bộ tích cực và ý nghĩa trong cuộc đối thoại, và là một cơ sở vững chắc để thảo luận trong tương lai về vấn đề quyền tối thượng ở cấp độ phổ quát của Giáo hội.
Hòa giải đại kết giữa công nghị tính và quyền tối thượng
Cần phải có sự sẵn sàng học hỏi từ cả hai phía. Một mặt, Giáo hội Công giáo phải nhận ra rằng trong cuộc sống và trong các cơ cấu, Giáo hội chưa phát triển mức độ công nghị tính có thể có và cần thiết về mặt thần học, và mối liên hệ đáng tin cậy giữa nguyên tắc phẩm trật và nguyên tắc cộng đoàn-công nghị sẽ ủng hộ tiến bộ đối thoại đại kết với Chính thống. Việc củng cố đặc tính công nghị chắc chắn phải được coi là đóng góp quan trọng nhất mà Giáo hội Công giáo có thể thực hiện trong việc công nhận đại kết của quyền tối thượng.
Về phía các Giáo hội Chính thống, thay vào đó, chúng ta có thể mong đợi rằng, trong cuộc đối thoại đại kết, họ sẽ nhận ra rằng quyền tối thượng ở cấp độ phổ quát không chỉ là khả thi và hợp pháp về mặt thần học mà còn cần thiết. Căng thẳng nội bộ Chính thống giáo, nổi lên một cách đặc biệt rõ ràng vào dịp Đại hội đồng Crete năm 2016, phải làm cho chúng ta hiểu sự cần thiết phải xem xét một sứ vụ hiệp nhất cũng ở cấp độ phổ quát của Giáo hội, rõ ràng không nên giới hạn ở quyền tối thượng danh dự đơn giản, nhưng nó cũng nên bao gồm các yếu tố pháp lý.
Bản chất Thánh Thể của công nghị tính và quyền tối thượng
Liên quan đến Thánh Thể của công nghị tính và quyền tối thượng, Đức Hồng y cho rằng: Người Công giáo coi quyền tối thượng của Giám mục Roma như một hồng ân Chúa ban cho Giáo hội của Người, và do đó, cũng như một sự ban tặng cho toàn thể Kitô hữu trên con đường hiệp nhất. Giáo hội, được quan niệm như một mạng lưới cộng đoàn Thánh Thể trên toàn thế giới, cần một sự phục vụ đắc lực cho sự hiệp nhất ngay cả ở cấp độ phổ quát. Quyền tối thượng của Giám mục Roma, như Đức nguyên Giáo hoàng Biển Đức XVI đã chỉ ra, phải được hiểu bắt đầu từ Thánh Thể.
Công nghị tính có nguồn gốc và đỉnh cao là sự tham dự tích cực và có ý thức vào cộng đoàn Thánh Thể và do đó thể hiện một chiều kích thiêng liêng cơ bản. Thực tế là các Thượng hội đồng giám mục thường khai mạc với việc cử hành Thánh Thể và với việc nghi thức tôn vinh Tin Mừng, như đã được quy định trong quá khứ, bởi các công đồng Toledo vào thế kỷ VII cho đến Nghi thức Giám mục năm 1984.
Truyền thống công nghị của Kitô giáo bao gồm một di sản phong phú cần được phục hồi. Việc Đức Thánh Cha Phanxicô quyết định dành Thượng Hội đồng Giám mục vào năm 2022 cho chủ đề công nghị tính là một dấu hiệu hùng hồn: “Vì một Giáo hội công nghị: hiệp thông, tham dự và truyền giáo”. Thượng hội đồng này sẽ không chỉ là một sự kiện quan trọng trong Giáo hội Công giáo, nhưng nó sẽ chứa đựng một thông điệp đại kết quan trọng, vì công nghị tính là một vấn đề cũng thúc đẩy đại kết, và thúc đẩy nó đi vào chiều sâu.
Nguồn: vaticannews.va/vi