hánh nữ Têrêsa Chúa Giêsu (Teresa Jesús) thành Avila ( tục danh là Teresa de Ahumada y Cepeda), (1515-1582) là một trong những vị thánh người Tây Ban Nha nổi tiếng thời phục hưng.
Người ta vẫn thường hay bàn về những đặc ân cao siêu Chúa ban cho thánh nữ. Đó là những cảm nghiệm thiêng liêng thần bí trong những cuộc xuất thần (ectasy), những sách thiêng liêng có tính mô phạm của thánh nữ trong đời sống tâm linh. Những tác phẩm của ngài trở thành những kiệt tác về đường thiêng liêng cho những ai khao khát sống đời chiêm niệm… Người ta vẫn thường hay nói ngài là vị thánh của những cơn xuất thần liên tục, vì tình yêu mến Chúa Giêsu của ngài mãnh liệt… Người ta vẫn còn kể những lần ngài xuất thần trong khi… chiên cá, tay cầm chảo cá và từ từ bay bổng, hay những cuộc đàm đạo về Chúa Ba Ngôi với thánh Gioan Thánh Giá mà kết quả là hai vị đều bay bổng trên không trung… Người ta cũng khâm phục thánh nữ vì đã thành lập 17 tu viện nữ Cát Minh và đứng đầu công cuộc cải tổ đầy khó khăn cho dòng này.Ngài là nhà cải tổ dòng kín Cát Minh (Carmel) cùng với thánh Gioan Thánh Giá (Joao de la Cruz) và là một trong những nhà cải cách của Giáo Hội trong thế kỉ XVI như thánh Inhaxiô (Inhã/ Ignatius Loyola), thánh Cagiêtanô (Cajetan de Roma), thánh Philipphê Nêri (Philip de Néri) Vinhsơn Phaolô (Vincent de Paul), thánh Phanxicô đệ Salê (Francis de Sales), thánh Giáo Hoàng Piô V với công đồng Trente…
Nhưng thật ra, đọc lại tiểu sử của ngài, có lẽ chúng ta sẽ không chỉ thấy những điểm sáng này ngay lập tức trong đời sống của vị thánh. Nói cách khác, Têrêsa không phải là một người đã “thánh thiện từ trong nôi”! Dù trải qua một tuổi thơ đạo đức với những tâm tình đơn sơ thánh thiện nhưng cũng buồn cười của một trẻ nhỏ (vì muốn nên thánh nên ngài rủ anh mình bỏ nhà đi tìm người Hồi Giáo để chịu tử đạo nhưng bị ông cậu phát hiện và tóm cổ về nhà), tuy nhiên, từ lúc là một thiếu nữ 14 tuổi cho tới tuổi 40, đường thiêng liêng của ngài không phải là một đường thẳng tắp. Ở tuổi thiếu niên, chịu ảnh hưởng của bạn bè và chị em họ hàng, vốn là một người ăn nói có duyên, có sắc đẹp và quyến rũ, Têrêsa bắt đầu chưng diện và làm dáng theo kiểu cách của tầng lớp quý tộc. Tuy nhiên, những cơn bệnh khủng khiếp là một cách Thiên Chúa tách Têrêsa ra khỏi hư ảo của thế gian phù phiếm mau qua. Vào nhà dòng lúc tròm trèm 20 tuổi, những ngày đầu sống đời dâng hiến với những an ủi khi cầu nguyện làm cho người nữ tu của chúng ta ngây ngất mê say. Tuy nhiên thời gian trôi qua, khi những hương sắc của tình yêu thuở ban đầu đã qua đi, người nữ tu này đã bị cám dỗ an phận và bằng lòng với mức “đại khái” trong đời tu, để rồi sống hời hợt như một tu sĩ không nghiêm chỉnh gì cho mấy(!). Như bao nữ tu khác, Têrêsa đã sống theo kỉ luật lỏng lẻo của các đan viện bấy giờ, vốn lìa xa tinh thần nguyên thủy của dòng là sống đời chiêm niệm. Trong thời gian đó, Chúa vẫn nhiều lần mời gọi Têrêsa, nhưng người nữ tu này vẫn không quyết định dứt khoát hẳn với thái độ nửa vời.
Đời sống thiêng liêng của Têrêsa, trong khoảng hai mươi năm, cũng chỉ tỏ ra bình thường không có sự sốt sắng đặc biệt nào, cho tới mùa chay 1554, khi đọc quyển Tự Thú (Confessions) của thánh Augustinô và suy ngắm trước hình Chúa chịu đánh đòn, ngài đã hoán cải để bước vào một đời sống sốt mến nồng cháy. Từ đó, tình yêu Thiên Chúa của Têrêsa sẽ trở thành một “ngọn lửa thiêu đốt”. Sáu năm sau, “thị kiến” hoả ngục làm Têrêsa hiểu được giá trị của các linh hồn và mối nguy mất linh hồn. Lúc ấy người nữ tu này quyết định làm mọi sự để cứu rỗi các linh hồn. Thế là bắt đầu thời kỳ thứ hai của cuộc đời Têrêsa Chúa Giêsu. Lúc ấy ngài 40 tuổi.[1] Chúng ta hãy nghe ngài nói: “Tôi lênh đênh gần hai mươi năm trên biển cả giống tố này. Sa ngã luôn luôn và rồi chỗi dậy, nhưng chẳng hy vọng gì là tôi sẽ không ngã lại. Tôi yếu đuối đến nỗi tôi khó có thể giữ mình khỏi phạm tội nhẹ, còn tội trọng, dù có sợ, tôi cũng không sợ cho đủ như tôi phải sợ. Vì tôi đã không tránh được những dịp đưa đến nguy hiểm sa ngã. Tôi có thể quả quyết đây là một trong những nếp sống khốn khổ nhất mà tôi có thể tưởng tượng ra được. Khi ở với Chúa, thì tôi bồi hồi xao xuyến vì những mối tình luyến ái ở thế gian. Đây là một cuộc xung đột gay go tôi không biết làm sao có thể chịu được lấy một tháng thôi, nói chi tới là trong ngần ấy năm trời.”[2]
Ở một đoạn khác, ngài nói nỗi khốn khổ khi nghiêng ngửa trong lối sống này: “Đời tôi chất đầy những não nề, nhưng nhờ cầu nguyện mỗi ngày tôi biết rõ hơn về những lỗi lầm của tôi. Một bên Chúa kêu gọi tôi, còn một bên tôi cứ theo thế gian. Dường như tôi muốn dung hòa hai thái cực hoàn toàn mâu thuẫn này lại với nhau, đó là sự sống tinh thần và niềm hoan lạc với những vui thú và những lối tiêu khiển cho giác quan… Nhiều năm trôi qua đi như thế và bây giờ tôi ngạc nhiên làm sao con người có thể cứ ở trong tình trạng lưỡng vọng lâu như thế: không bỏ hẳn bên nào cả. Tôi biết rõ là vào thời gian ấy tôi không thể bỏ cầu nguyện được nữa, vì để cho tôi thấy những hồng ân cao trọng hơn, thì chính Đấng đã dành lấy tôi cho một mình Người đã nâng đỡ tôi trong tay của Người.”[3]
Như vậy, chỉ tới khi cột mốc tuổi 40, Têrêsa mới thực sự quay lưng lại với thái độ chân trong chân ngoài, nghiêng ngửa trong đời tu của mình. Và đây mới chính là cuộc hoán cải thiêng liêng sâu đậm và quyết định cho cuộc đời của Têrêsa. Chính ngài viết: “Chúc tụng Thiên Chúa đời đời, Đấng trong giây lát đã ban sự tự do mà tôi đã cố gắng hết sức trong nhiều năm và đôi khi đã ức chế chính mình đến phương hại cho sức khỏe mà vẫn không bao giờ có thể đạt được. Còn đây là công cuộc của Đấng toàn năng và là Chúa chân thật của mọi sự nên nó chẳng gây cho tôi đau khổ nào.”[4] Một khi đã quay lưng với thế gian cách triệt để, Têrêsa mải miết bước những bước dài trong hành trình thiêng liêng. Và ơn thánh Chúa biến đổi ngài cách lạ lùng, đến nỗi làm cho Têrêsa Chúa Giêsu thành một nhà cải cách mạnh mẽ về đời sống tận hiến ở thế kỉ XVI. Têrêsa khao khát tinh thần về nguồn của dòng Kín Carmel không chỉ được tái lập ở tu viện nơi ngài sống, nhưng còn ở những nơi khác nữa. Cùng với thánh Gioan Thánh Giá, và dĩ nhiên, với bao nỗi đắng cay và thử thách, ngài đã làm cho các đan sĩ Cát Minh trở về truyền thống linh đạo khởi thủy của mình.
Trong vườn hoa của Thiên Chúa, có muôn vàn bông hoa khác nhau. Có những vị thánh đã thánh thiện từ nhỏ tới lớn như Aloysius (Louis) Gonzaga, Đaminh Saviô, Anê (Agnes) Montepulciano, có những vị chỉ được hoán cải nội tâm sau một cuộc đấu tranh dai dẳng. Thánh Phanxicô thành Assisi, thánh Augustinô và nhiều vị thánh khác cũng có một quãng thời gian để hoán cải dài dẵng như thế đó. Cái hay mà chúng ta thấy ở đây là ở chỗ này: Nếu Têrêsa đã là một vị thánh từ thuở ấu thơ như một số vị khác, có lẽ chúng ta khó bắt chước. Nhưng chính ngài cũng đã biết bao lần thờ ơ trước lời mời gọi tiến sâu vào tình yêu Chúa Giêsu trong đời sống tận hiến. Chính Têrêsa cũng bao lần giả điếc làm ngơ trước tiếng lương tâm của mình để sống trọn vẹn cho Chúa. Chính thời gian dài thờ ơ nguội lạnh trong tâm hồn mà sau này ngài có vô vàn những kinh nghiệm để truyền lại cho những người đi sau ngài, để đừng rơi vào thái độ đó như ngài.
Chúng ta chẳng cảm nghiệm những điều tương tự như vậy sao? Thánh Têrêsa Avila đã đến với Chúa bằng tất cả con người mình, không bỏ mất chút gì trong những đức tính bẩm sinh: trí thông minh, lòng cương nghị, sự tế nhị và can đảm. Dù đạt tới độ kết hợp với Chúa một cách phi thường, thánh nữ vẫn luôn luôn là một người phụ nữ dễ thương, duyên dáng, dung dị. Ngài đã thuyết phục được phe chống đối đường lối cải cách của mình nhờ ơn Chúa và sự thánh thiện đã đành, nhưng cũng nhờ tính tình tự nhiên, tế nhị, dễ thương, khéo léo, kể cả óc hài hước, dí dỏm. Điều đó chứng tỏ ân sủng không huỷ diệt, nhưng hoá giải và nâng cao bản tính tự nhiên của con người. Nói cách khác, sự hoạt động của Thần Khí Chúa trong thánh nữ là rất mãnh liệt, nhưng không hề làm phai nhạt bản tính tự nhiên của ngài, mà là thúc đẩy cho sự tăng trưởng như những cành nho tươi tốt trổ sinh hoa trái màu mỡ nhờ dòng nhựa chan hoà sự sống từ thân cây nho.[5]
Thánh Têrêsa Chúa Giêsu dường như đoan chắc với chúng ta bất cứ ai cũng có thể trở nên “tuyệt vời”, nếu thực sự dâng trọn trái tim cho Chúa Giêsu để Ngài toàn quyền hoạt động. Không phải ai cũng là người vĩ đại như ngài, nhưng ai cũng có thể trở nên tuyệt vời như ngài. Không phải ai cũng được những ơn cao siêu trọng đại như ngài vì Thánh Ý Chúa định cho mỗi người mỗi khác, nhưng ai cũng có thể phó thác và suy phục (surrender) hoàn toàn để Thánh Ý Chúa thể hiện trong đời mình. Không phải ai cũng có thể có khả năng miêu tả những đặc ân và trạng thái trong đời sống thiêng liêng sâu sắc như ngài, nhưng ai cũng có thể có khả năng vươn tới tầm mức viên mãn thánh thiện nhất mà Chúa mong ước, một khi để cho Chúa hành động. Bởi vì, “mỗi vị thánh đều có một quá khứ, mỗi tội nhân đều có một tương lai.” (Oscar Wilde).
———————
[1] memaria.net
[2] THÁNH TÊRÊSA CHÚA GIÊSU, Tiểu sử Tự thuật, 1565, chương 8, số 2, trang 62
[3] THÁNH TÊRÊSA CHÚA GIÊSU, Tiểu sử Tự thuật, 1565, chương 7, số 17, trang 57
[4] THÁNH TÊRÊSA CHÚA GIÊSU, Tiểu sử Tự thuật, 1565, chương 24, trang 202-203
[5] JM. Lam Thy ĐVD, memaria.org
Con chiên nhỏ
Những ngày đầu tháng 10/ 2017