Khoa học và tôn giáo hiếm khi nào nhìn về một hướng, nhưng trong một nỗ lực mới, một học giả chuyên về Kinh Thánh và nhà khoa học trong lĩnh vực di truyền đã quyết định bắt tay xây dựng cây phả hệ dòng họ của Chúa Giêsu. Các chuyên gia đang tận dụng kỹ thuật hiện đại nhất để phân tích các cổ vật và thánh tích được thu thập từ khắp nơi trên thế giới, bao gồm Khăn liệm Turin, Khăn liệm Oviedo, và thánh tích dưới dạng hài cốt thuộc về một người họ hàng của Chúa Giêsu là Thánh Gioan Tẩy Giả. Họ hy vọng cuộc nghiên cứu có thể dẫn đến kết quả là có được mẫu ADN thuộc về Chúa Giêsu hoặc một thành viên trong gia đình của Thầy, từ đó phát hiện được người trong họ tộc của Chúa Giêsu còn sống đến ngày nay.
Manh mối từ Thánh Gioan Tẩy Giả
Trong bộ phim tài liệu mới trên kênh truyền hình History Channel, vừa lên sóng vào dịp Lễ Phục Sinh, nhà di truyền học của Đại học George Busby và học giả Kinh Thánh Joe Basile đã vượt đường xa từ Tây Ban Nha và Ý đến Israel cũng như Biển Đen để tìm ADN của Chúa Giêsu. Họ đã tiến hành phân tích “những mẩu xương của Thánh Gioan Tẩy Giả”, được tìm thấy ở Bulgaria vào năm 2010. Hài cốt có niên đại 2.000 năm tuổi, cho thấy những nét tương đồng với người Trung Đông, có thể đóng vai trò vô cùng then chốt trong cuộc nghiên cứu, vì thánh nhân được cho là anh họ của Chúa Giêsu. Điều đó có nghĩa là hai người chia sẻ các cấu trúc gien di truyền.
Trong một bài viết trên tạp chí The Conversation, giáo sư Busby đã kể lại chuyến hành trình đến Sveti Ivan, một hòn đảo nhỏ bé trên Biển Đen, ngoài khơi Sozopol trên bờ đông của Bulgaria. Từ lâu, nơi này vẫn là điểm đến cho du khách trên toàn cầu, nhờ vào đền thờ Apollo cổ đại tọa lạc trên hòn đảo. Tuy nhiên, lý do vị giáo sư đến Sveti Ivan không phải tham quan đền thờ, mà để trò chuyện với một nhà khảo cổ học bản xứ về phát hiện quan trọng nhất trong sự nghiệp cả đời. Cách đây 7 năm, chuyên gia Kasimir Popkonstantinov cho rằng mình đã tìm được thánh tích của một trong những vị thánh nổi tiếng nhất của Kitô giáo: Thánh Gioan Tẩy Giả.
Cùng với học giả Joe Basile, giáo sư Busby đã đi khắp thế giới ghi hình cho bộ phim tài liệu về chứng cứ khoa học và tôn giáo có liên quan đến những di vật và đồ tạo tác của chính bản thân Chúa Giêsu. Trong lúc đó, nhà khảo cổ học Popkonstantinov bất ngờ tìm thấy thánh tích quan trọng trong lúc khai quật một nhà thờ từ thế kỷ thứ 6, được xây dựng trên nền một Vương Cung Thánh Đường vào thế kỷ trước đó. Khi đang thao tác hết sức cẩn trọng để quét nhiều lớp bùn tại nơi từng đặt bệ thờ của nhà thờ cổ xưa, ông Popkonstantinov đột nhiên chạm đến một phiến đá, bên dưới đặt một chiếc hộp nhỏ bằng đá cẩm thạch. Ngay lập tức, nhà khảo cổ học biết được mình vừa tìm được cái gì đó rất giá trị. Tại một nhà thờ được tôn phong ở vùng đất này của châu Âu vào thế kỷ thứ 5, chỉ có thánh tích mới được bảo quản với phương pháp tương tự. Ông Popkonstantinov hoàn toàn chắc chắn đây là hòm chứa thánh tích.
Nhà khảo cổ học tiếp tục đào bới xung quanh và tìm được một cái hộp nhỏ cách đó 1m. Trên cạnh của cái hộp này có dòng chữ khắc: “Cầu Chúa cứu rỗi con, bề tôi Tôma. Thánh Gioan”. Sau đó, khi Popkonstantinov mở hộp thánh tích, ông tìm thấy 5 mẩu xương. Tấm bia trên hộp nhỏ, có lẽ từng được dùng để vận chuyển thánh tích trên đường hành hương, là chứng cứ quan trọng để kết luận rằng những mẩu xương này có lẽ thuộc về Thánh Gioan Tẩy Giả. “Đây là phát hiện hết sức then chốt, một phần do Thánh Gioan Tẩy Giả là anh họ của Chúa Giêsu, có nghĩa là ADN của họ tương tự nhau”, theo giáo sư Busby.
Nhà nghiên cứu người Anh này giải thích: “Chúng tôi có thể so sánh ADN từ thánh tích ở Bulgaria với các thánh tích ở những nơi khác”. Nếu tìm được những thánh tích khác của Thánh Gioan Tẩy Giả, hoặc họ hàng gần của Chúa Giêsu, họ có thể sử dụng kỹ thuật gien di truyền để tiến hành so sánh để xác định chúng có thuộc về một người hoặc từ hai người có quan hệ họ hàng hay không. Bên cạnh đó, các bộ sưu tập về mẫu gien di truyền của nhiều người trên thế giới đang ngày càng được bổ sung nhiều thông tin hơn, cho phép họ có thể dựa vào kho dữ liệu này để đoán nguồn gốc xuất thân và vị trí địa lý của các thánh tích.
ADN từ khăn liệm
Các nhà nghiên cứu cũng muốn phân tích Khăn liệm Turin, tấm vải cổ xưa được nhiều người tin rằng đã bao bọc thi hài Chúa Giêsu khi Người được hạ xuống từ cây thánh giá, và Khăn liệm Oviedo, mảnh vải 84 x 53 cm dính máu đang được bảo tồn ở Vương Cung Thánh Đường San Salvador ở Oviedo, Tây Ban Nha. Tuy nhiên, việc thu thập được mẩu ADN vô danh không có nghĩa là ngay lập tức lần về nguồn gốc từ một người cụ thể, vì các nhà khoa học cần phải so sánh với mẫu gien di truyền đã được xác định nhân thân. Họ cũng lo ngại nguy cơ bị nhiễm phải vật liệu di truyền từ bên ngoài, chẳng hạn như trong trường hợp hài cốt, các nhà nghiên cứu từng phát hiện trường hợp ADN trùng với người đã chiết xuất mẫu vật.
Mặc dù gặp nhiều thách thức, vẫn có những cách thức hữu dụng có thể phát huy hiệu quả trong nỗ lực tìm kiếm ADN của Chúa Giêsu và người thân của Ngài. Theo như giải thích của các nhà nghiên cứu trên tạp chí The Coversation: “ADN bị thoái hóa theo thời gian, nên chúng tôi có thể thử nghiệm bất kỳ ADN nào chiết xuất từ các mẫu vật và chỉ ra được các dấu hiệu của sự phân hủy gien di truyền. Bằng cách này, chúng tôi có thể phân biệt được những mẫu bị nhiễm vật liệu di truyền mới đây trong các chuỗi gien cổ đại”. Họ cũng thử lấy ADN từ bên trong xương và giải mã gien di truyền từ những người được biết có tiếp xúc với cổ vật để tách riêng vật liệu pha trộn trong quá trình xử lý.
LING LANG
Nguồn tin: Báo Công Giáo & Dân Tộc