“Cuộc sống này chỉ thay đổi mà không mất đi, lúc con người nằm im giấc ngủ mắt nhắm lại rồi là thấy tương lai…” câu hát tưởng chừng quen thuộc mỗi lần có đám tang hay đám giỗ của người Công giáo. Những bài thánh ca vang lên trong những giờ phút đau thương của phận người đã gợi lên biết bao niềm tin và hy vọng. Vậy mà trong những ngày của dịch bệnh xảy ra thì mọi lời ca tiếng hát ấy dường như biến mất, một sự “im lặng” đến lạ thường! Không tổ chức đám tang, không thánh lễ, không người thăm viếng, những người thân thương chỉ có thể nhìn từ đàng xa mà khóc thương thảm thiết, thậm chí còn không được nhìn mặt người quá cố lần cuối, cũng có khi nhận lại được chỉ là một hũ tro cốt.
Cuộc đời là vậy có sinh thì có tử, nếu ta biết chấp nhận một cách bình thản, giản dị, thì ta sẽ thấy chết là một sự kiện tự nhiên, cũng như sinh ra vậy. Bất kỳ quanh chúng ta, sống và chết cũng luôn luôn tiếp diễn, lá cây rụng để nhường chỗ cho những mầm non xuất hiện, hết mùa đông lại có mùa xuân, có xây dựng thì cũng phải có sụp đổ, đâu có gì tồn tại vĩnh viễn. Nhưng khi bàn đến sự chết thì ai cũng tránh né và coi là một chủ đề kiêng kỵ. Ta thường nghĩ chỉ những người già hoặc người đang mắc bệnh nặng mới phải lo nghĩ về sự chết, còn ta thì không, cho đến khi ta gặp biến cố hiểm nguy, chẳng hạn như ta được chẩn đoán mắc phải căn bệnh hiểm nghèo, khi gặp tai nạn thừa sống thiếu chết. Qua đó, ta mới trân quý cuộc sống hơn.
Chết là sự tất yếu của cuộc sống. Vua chúa trần gian đua nhau tìm thần dược mong được kéo dài cuộc sống nhưng chung cuộc vẫn phải nằm trong lòng đất để chịu giòi bọ rỉa rúc thân xác mình. Người giàu kẻ nghèo rồi cũng phải trải nghiệm cái chết, nó không chừa một ai! Qua cơn bệnh hiểm nghèo hay ngày nào đó ta bị dương tính với virus corona thì ta thấy sự hoang mang lo lắng trước sự chết, đời người thật mong manh.
Chết là điều ai cũng biết chắc, nhưng giờ chết mỗi người thì không ai biết chắc cả. Giờ chết đến với bất kỳ ai: già trẻ, lớn bé, người sang kẻ hèn đều ra đi lúc nào không biết… Khi cái chết đến, chúng ta không thể mang theo tiền tài, danh vọng, địa vị, tài sản vật chất… những thứ chỉ là tạm bợ, đến rồi đi như gió cuốn mây trôi. Giống như, dụ ngôn người phú hộ giàu có, Thiên Chúa nói với ông ta: “Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi mạng ngươi, thì những của cải ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?” (Lc 12, 20). Còn chúng ta những người đang sống ở cõi trần hãy ráng làm việc lành, từ bỏ những hành vi bất chính, hãy suy gẫm xem hậu quả việc đó như thế nào, liệu có gây đau khổ hay tổn thương cho ai không? Đừng quá bận rộn suy tính hơn lẽ thiệt, mà hãy tập quên mình, sống yêu thương, trân trọng những giây phút hiện tại… Hãy lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa hơn là làm giàu trước mặt thiên hạ.
Đối với đức tin Kitô giáo, chết không phải là hết. Con người không phải là con người cho sự chết mà là cho sự phục sinh. Chết để sống, như Hội thánh đã tuyên xưng trong Bài tiền tụng thánh lễ cầu cho tín hữu đã qua đời: “Sự sống con người chỉ biến đổi chứ không bị tiêu tan”. Chúng ta tin rằng chúng ta sẽ được tất cả khi ta gặp gỡ Thiên Chúa trong Đức Kitô. Nhờ Đức tin, chúng ta tin tưởng vào Lời Chúa. Thực tại mai sau xâm nhập vào đời sống hiện tại và hướng dẫn các hành động của mỗi người chúng ta. Thiên Chúa đã tôn vinh Đức Kitô và cho Người sống lại thì Thiên Chúa sẽ cho chúng ta sống lại khi ta “phó thác hồn xác trong tay Thiên Chúa”.
Qua cơn đại dịch chúng ta mới hiểu rõ ranh giữa cái chết và sự sống. Tất cả chúng ta chỉ hiện diện trên trần gian này trong một khoảng thời gian nhất định. Đó là hồng ân sự sống Thiên Chúa ban tặng cho mỗi người. Trách nhiệm của chúng ta và xã hội được đo lường, được xác định do thái độ, hành vi mà chúng ta thực hiện, do khoảnh khắc chúng ta đang sống. Bạn vẫn cảm thấy mình bị quá khứ cầm giữ và rất bận rộn với tương lai? Ngày hôm qua đã đi qua và không còn trở lại. Ngày mai như thế nào bạn không biết trước được. Vậy chỉ có một điều cần biết chắc, đó là sống thật tốt giây phút hiện tại mà Thiên Chúa thương ban cho bạn.
Khi một người thân qua đời, chúng ta đau khổ, chúng ta khóc than vì cảm thấy mất mát. Chúng ta cảm thấy từ nay sẽ thiếu hẳn sự hiện diện của người chúng ta thương mến. Nhưng cuộc sống vĩnh cửu vẫn còn đó. Một ngày kia, sự hiện diện mà giờ đây không còn nữa, sẽ được tái lập, và sẽ ở trong một tình trạng tốt đẹp hơn nhiều. Con cái sẽ gặp lại cha mẹ, anh em sẽ gặp lại nhau, và bạn bè thân thiết sẽ lại sum vầy. Đó là cuộc sống vĩnh cửu trong Thiên Chúa.
Dom. Vũ Đình Luyện, OFMConv.
Sài gòn, ngày 12/9/2021