Lâu nay, trong các chương trình Giáo lý thiếu nhi, nhiều anh chị em, nhất là các bạn trẻ có lẽ không bị vướng mắc nhiều về mặt Giáo lý cho bằng là phương pháp sư phạm và cách truyền đạt Lời Chúa. Đối với ngành Ấu nhi, xin các bạn đừng nghĩ rằng “Ngành này nhỏ nên không cần đầu tư nhiều”. Các bạn đừng quên rằng các Chúa Giê-su đang bước vào cuộc đời của các em lần đầu tiên qua những nét bút của các bạn.
Chúa Giê-su cũng có tuổi thơ như các em Ấu nhi
Tìm hiểu về đặc tính Tâm lý lứa tuổi thì có ích gì cho việc dạy Giáo lý?
Câu hỏi đó rất hay. Người ta hay nói trẻ em là trang giấy trắng, điều này đúng. Nhưng khổ nỗi là giấy thì có đến cả tá loại giấy khác nhau. Có loại giấy trơn, giấy nhám, có loại giấy ăn mực nhưng có loại giấy viết mãi chẳng ra chữ nào. Vì thế, không thể chỉ lấy một loại bút, một loại mực để viết cho tất cả mọi loại giấy. Rồi nhỡ khi gặp loại giấy chẳng vừa lòng, ta lại gán cho các em cái mác “làm biếng”, “khó dạy” hay thậm chí là “cá biệt”.
Tâm lý cá nhân và trong từng giai đoạn là điều mà Thiên Chúa đã tác tạo nơi con người. Mà cứ sự gì Thiên Chúa tác tạo thì nó chẳng phải điều xấu. Chúa Giê-su cũng rất tâm lý đó chứ. Thấy những người tội lỗi và phường thu thuế đến gần, còn mấy người kinh sư và Pha-ri-sêu đứng gần đó lẩm bẩm, Ngài liền kể dụ ngôn “Người cha nhân hậu” (Lc 15, 11-32). Người cha trong câu chuyện lại có 2 đứa con, ấy chẳng phải là 2 loại người đang đứng gần Chúa Giê-su hay sao? Đối với Chúa Giê-su, ai cũng có thể có mặt trong câu chuyện của Ngài.
Để thành công không những trong việc “chơi cùng”, mà quan trọng hơn là để Chúa Giê-su có thể qua các bạn bước vào cuộc đời của các em, thì các bạn cần lưu ý một vài điểm sơ lược sau.
Đặc tính tâm lý tuổi Ấu nhi
Tuổi này gọi là tuổi khôn hay “lương tâm chớm nở”. Độ tuổi này tuy còn nhỏ, nhưng lại rất quan trọng về cả ba mặt tâm lý, luân lý và đức tin. Ở độ tuổi này, các em được chuẩn bị để lãnh nhận Bí tích Hòa Giải và Bí tích Thánh Thể.
-Các bé hay đói, thích ăn, tăng cân nhanh lắm. Vì thế, nhiều bé vào lớp học rồi mà miệng vẫn nhóp nhép, tay vẫn còn cầm ly nước ngọt hay bịch bánh tráng,….
-Bé thường tìm kế hoãn binh khi làm việc gì đó mà bé không thích, nhất là đi ngủ. Không lạ gì khi nhiều bé Ấu nhi đi Lễ rất trễ, có khi là do ba mẹ cũng nghĩ rằng Chúa nhật nên cho bé ngủ xả ga.
-Quần áo ít khi nào gọn gàng. Được phía trước thì mất phía sau, được bên trái thì mất bên phải. Bởi vì ở độ tuổi này thì vui chơi vẫn là nhu cầu chính yếu nên người ta mới nói “biết ăn, biết ngủ, biết học hành là ngoan”.
-Bé thường sẽ khéo léo và nhanh nhẹn hơn. Ví dụ, chơi tù xì nhiều khi cũng biết tính đường tiến đường lui. Hễ mà bạn nào chơi ăn gian thì coi chừng bị khiếu nại cho tới số.
-Tư duy độc lập, tự chủ và tinh thần trách nhiệm bắt đầu phát triển ở bé. Vì thế, không có lý gì mà nói rằng ngành Ấu lại khó áp dụng phương pháp hàng đội.
-Bé thích âm nhạc, các loại nhạc cụ, ghiền đọc truyện tranh và mê xem TV hay các phim hoạt hình. Tuy nhiên, khả năng tập trung thì ít và không chú ý được lâu.
-Trí tưởng tượng của bé rất phong phú, thích những chuyện thần tiên. Vì thế, bé sẽ chẳng quan tâm mấy đến tính logic hay khoa học của câu chuyện cho lắm.
-Ngôn ngữ của bé còn khá nghèo nàn. Vì thế, bạn dạy Giáo lý thì nên tránh những ngôn từ hay khái niệm quá trừu tượng, dễ làm bé không hiểu gì và dẫn đến tình trạng “ngủ trong Chúa”.
-Nhỏ vậy chứ nhiều bé rất khó tính với bản thân. Bé dễ tự xấu hổ hoặc chui vào vỏ ốc của mình nếu phạm sai lầm nhỏ mà bị “chỉnh” một cách công khai khủng khiếp.
-Bé bắt đầu đặt vấn đề về phái tính của mình và người khác phái bằng câu hỏi “tại sao”. Bé cũng dễ bị rập khuôn về giới tính theo kiểu con gái thì phải dịu dàng, dễ khóc, khéo tay hay thích chơi búp bê…Con trai, ngược lại thì phải mạnh mẽ, giỏi….đánh nhau như siêu nhân, người nhện,….
-Ở tuổi này, tâm lý mặc cảm Edipe nhiều khi rất rõ ràng. Bé thường tìm sự yêu thương, gần gũi , chiều chuộng nơi người khác phái. Vì thế, bé gái sẽ hay gần gũi hơn với bố và ngược lại.
Các đức tính tự nhiên như biết phân biệt tốt – xấu, ý thức các giá trị, tinh thần trách nhiệm bắt đầu thức tỉnh trong giai đoạn này. Nhiệm vụ của bạn là làm cho các đức tính ấy lớn lên và trổ sinh hoa trái, giúp các em trở thành con Chúa và thành người con ngoan trong gia đình.
Giáo dục Đức tin cho lứa tuổi Ấu nhi
Phong trào Thiếu nhi Thánh Thể lấy khung cảnh Thánh Kinh để Giáo dục về mặt tự nhiên và siêu nhiên cho cả ngành Ấu. Về mặt siêu nhiên, thật là thích hợp để kể cho các em nghe câu chuyện về những ngày thơ ấu của Chúa Giê-su tại Nazareth.
Nhưng bạn sẽ dựa vào đâu để kể lại những câu chuyện ấy, vì thật sự nó lại quá hiếm hoi những câu chuyện về thời thơ ấu của Chúa Giê-su mà Kinh thánh kể lại? Rất đơn giản, các bạn có thể dựa vào những sự kiện, kinh nghiệm xảy đến trong gia đình, môi trường mà các em đang sống để dẫn các em đi vào tuổi thơ của Chúa Giê-su.
Các bạn có thể trực tiếp giới thiệu Chúa Giê-su qua những câu chuyện về quê hương, gia đình, từng giai đoạn phát triển của Chúa Giê-su bé thơ, những người bạn của Chúa Giê-su đề từ đó, giúp các em xây dựng tình bạn với Chúa Giê-su và với bạn bè xung quanh.
Ở độ tuổi này, ngày xưa các lớp Giáo lý gọi là Khai tâm. Khai tâm trong giai đoạn này rất cần thiết để các em có một cái nhìn toàn bộ nhưng đơn gian về Ki-tô Giáo. Các em học biết và làm bạn với Chúa Giê-su. Và qua Chúa Giê-su, các em nhận biết Chúa Cha và Chúa Thánh Thần để sống như người con thảo với Ngài.
Huấn luyện lương tâm: Ở lứa tuổi mà lương tâm chỉ mới “chớm nở”, các bạn sẽ huấn luyện lương tâm cho các em như thế nào? Theo gương Chúa Giê-su thời thơ ấu, các bạn hãy giúp các em biết phân biệt lành/ dữ, tốt/ xấu, sống chân thật, thảo hiếu và cho thấy sự hiện diện của Chúa qua lời dạy bảo của cha mẹ, các cha, các anh chị Huynh trưởng – Giáo lý viên.
Cuối cùng, đừng quên giúp các em thói quen sống thánh thiện ngay từ nhỏ qua những câu chuyện về cuộc đời của Chúa Giê-su. Các em có thể gặp được Chúa Giê-su ở đâu? Trong Thánh Lễ. Nếu tất cả những điều trên có thể nói ngắn gọn thành 1 điều duy nhất nào, thì đó là các bạn hãy giúp cho các em tham dự Thánh Lễ sốt sắng. Đó là điều đầu tiên và cũng là điều cuối cùng quan trọng trong câu chuyện Giáo dục Đức tin cho các em Ấu nhi trong giai đoạn còn mới “chớm nở” này.
Giuse N.Q.Đ