Đan viện của đàn ông góa: Lòng chung thủy vĩnh viễn trong tình yêu Chúa

Ba đan viện được thành lập, một ở Guyane và hai ở Corrèze, Pháp, cộng đoàn tu viện Huynh đệ Phục Sinh được thành lập trong những năm 80 quy tụ các ông góa vợ sống trong tình yêu của Chúa.
Đan viện của đàn ông góa Lòng chung thủy vĩnh viễn trong tình yêu Chúa

Nằm trong tu viện Thánh Biển Đức và tu viện Đức Bà Belpeuch ở Corrèze, và tu viện Thánh Gia ở Saint-Laurent Maroni, cộng đoàn tu viện các Huynh đệ Phục Sinh sống theo luật Thánh Biển Đức. Với một quan tâm được phục vụ cho Giáo hội, họ làm chứng cho lòng biết ơn đối với Chúa và lòng chung thủy với vợ mình mãi mãi. 

Lòng biết ơn và lòng chung thủy mãi mãi

Sư huynh Christian-Marie vào cộng đoàn năm 2014, thầy nói về ý nghĩa của đời sống góa bụa trong đan viện: “Những người trong cộng đoàn chúng tôi đầu tiên hết họ trải qua một tình trạng bấn loạn sâu đậm. “Một nửa của họ” đã ra đi tạo một cái gì phi lý cho cuộc đời của họ. Kế đó, họ trải qua giai đoạn thứ nhì, thử thách này giúp cho họ hiểu, những gì họ sống trong đời sống vợ chồng, gia đình, nghề nghiệp đích thực là món quà của Chúa, một cuộc đời đáng sống”. Vì thế một cảm nhận biết ơn sâu xa với Chúa là nền tảng cho lời khấn đời sống đan tu của họ: “Theo ngôn ngữ tôn giáo, đó là sự cần thiết phải trả ơn”.

Một chọn lựa như thế nói lên lòng chung thủy của các ông với vợ mình, vượt lên đời sống vợ chồng thường và cái chết. Với những người này, thành ngữ “để tang” không có ý nghĩa, bởi vì họ luôn kết hiệp với người đã khuất. Sư huynh Christian-Marie giải thích: “Cảm nhận của lòng chung thủy này nói lên tấm lòng hướng về trời của họ. Hai vấn đề ở trong lòng chúng tôi: ‘Làm sao đáp trả lại cho Chúa với bao nhiêu điều tốt lành Ngài đã làm cho?’ và ‘Lạy Chúa, Chúa muốn con làm gì cho Chúa?’. Khi đó mình có cảm nhận như có một sự sống lại trong chính mình”.

Họ không còn trách vụ gia đình, các ông góa được thôi thúc bởi khát khao ca tụng Chúa và đi tìm Chúa. Họ đã có con, con cái họ bây giờ đã tự lập, họ vẫn tiếp tục duy trì liên lạc với gia đình, đó là điểm đặc biệt của cộng đoàn Huynh đệ Phục Sinh. Sư huynh Christian-Marie cho biết: “Thường thường truyền thống nghiêm nhặc của đan viện dạy cho chúng tôi thoát khỏi thế gian và từ bỏ những gì thuộc thế gian. Nhưng chúng tôi nhớ lại, trong lời cầu nguyện với Chúa Cha, Chúa Giêsu đã xin: ‘Con không xin Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần (Ga 17, 15)’. Tuy nhiên khi nói đến sự từ bỏ trong đoạn “người thanh niên giàu”, thì chúng ta làm sao để việc chúng ta kết dính với thế gian không là trở ngại để chúng ta không theo Chúa được”. 

“Thành lập cộng đoàn”: cầu nguyện và làm việc

Sư huynh Christian-Marie chia sẻ: “Chúng tôi không xem Dòng chúng tôi như nơi ẩn trú, chúng tôi muốn làm cho cộng đoàn sống và chăm sóc cộng đoàn, có nghĩa sống với cộng đoàn, mang khả năng, tài năng của chúng tôi đóng góp cho cộng đoàn”. Các Huynh đệ Phục Sinh sống từng nhóm nhỏ gồm ba hay bốn người. Hiện nay có bốn sư huynh ở Tu viện Đức Bà Belpeuch, một người khác đi truyền giáo và có năm người đang tìm hiểu, họ muốn biết về đời sống tu viện mà không khấn.

Sư huynh Christian-Marie giải thích thêm: “Chúng tôi bàn tính để thống nhất với nhau, trường hợp này thường không có trong đa số các dòng. Trong mỗi cộng đoàn nhỏ, đời sống đan xen giữa cầu nguyện và làm việc (« ora et labora »), chúng tôi đọc kinh bảy lần mỗi ngày, đọc ‘sách thánh’ (lectio divina) và làm các công việc cộng đoàn như quản lý, làm bếp, dọn dẹp, bảo trì nhà cửa. Bên cạnh các sư huynh, còn có các ‘cảm tình viên’, đây là những người đàn ông góa có con còn phải lo và họ cảm thấy thích đời sống của chúng tôi. Họ đến với cộng đoàn theo định kỳ. Chúng tôi cũng tìm những người đàn ông đã ly dị không lập gia đình lại, họ không khấn các đức khó nghèo, vâng lời, khiết tịnh nhưng dấn thân trong một năm; bí tích hôn phối vẫn hàng đầu đối với các dấn thân khác”.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

       

Hình ảnh của các đan viện: http://fraternitedelaresurrection.fr/index.php/photos

Nguồn tin: Phanxico