Trong giáo dục,
những kỹ thuật mà tôi làm chủ, là không đủ. Khi đối diện với các học trò, chỉ một nguồn tác động trực tiếp là: nhân cách của tôi, cá tính của tôi, ý nghĩa của từ “Tôi” trong tư cách người thầy. Nếu không, thì chẳng có ý nghĩa gì về từ “Bạn” trong tư cách học trò.
Có một tầm nhìn chân thật thường bị che khuất cách kín đáo là: dạy tốt không thể bị giảm thiểu thành kỹ thuật; dạy tốt đến từ nhân cách và sự liêm chính của người thầy. Trong từng lớp tôi dạy, khả năng tôi kết nối với học trò, và kết nối học trò với môn học, ít phụ thuộc vào các phương pháp tôi sử dụng, hơn là vào mức độ mà tôi hiểu biết và tin tưởng vào cá tính của bản thân. Tôi sẵn lòng làm cho cá tính của tôi vừa tác động hiệu quả vừa được phê bình, khi phục vụ việc dạy học.
Điều vừa nói, một phần đến từ những năm dạy học, khi tôi hỏi học trò về những giáo viên tốt. Nghe những câu chuyện trò kể, không thể cho rằng, tất cả giáo viên tốt đều sử dụng những kỹ thuật tương tự nhau: một số bài giảng dài vô tận và một số khác thì quá ngắn, một số bài giảng đóng khung quá chặt và một số khác thì không thể hình dung, một số giáo viên dạy với củ cà rốt và một số giáo viên khác dạy với cây gậy.
Trong từng câu chuyện tôi nghe, những giáo viên tốt có chung đặc điểm: nhân cách của chính họ tác động mạnh mẽ lên công việc. Các Trò kể cho tôi: “Cô A thực sự hiện diện trong bài giảng của cô”, hoặc “Thầy B rất nhiệt tình trong môn của thầy”, hoặc “Có thể nói rằng, đấy đúng là đời sống thực tế của giáo sư C”.
Có trò không thể mô tả về giáo viên tốt, vì các thầy cô của trò ấy quá khác lạ. Các trò này tả về giáo viên tệ với những nét thế này. “Những lời của thầy cô chỉ toàn là ngoài mặt thôi, giống như ‘lời thoại có cánh’ trong phim hoạt hình.” Hình ảnh này đơn sơ mà dường như nói được tất cả. Giáo viên tồi giữ khoảng cách với môn học họ dạy, và giữ khoảng cách với học trò họ dạy.
Người thầy tốt kết nối chính họ với môn học với học trò thành công trình của cuộc sống. Bởi vì người thầy tốt dạy từ chính nhân cách thống nhất và thực tế của mình. Người thầy tốt diễn tả chính cuộc sống của mình, và gợi cảm hứng cho học trò. Đây là năng lực của sự kết nối.
Người thầy tốt có thể đan kết chính họ với môn học với học trò thành mạng lưới kết nối, đến nỗi các học trò có thể học được cách nối kết với thế giới. Những phương pháp được sử dụng cho sự đan kết này rất đa dạng: các bài giảng, các cuộc đối thoại, những thực nghiệm, việc cộng tác trong giải quyết vấn đề, những xung đột và khủng hoảng có tính sáng tạo.
Những kết nối được tạo bởi người thầy tốt, không hệ tại ở các phương pháp, cho bằng ở cái tâm của người thầy. Cái tâm theo nghĩa kinh điển của nó, tức là sự hội tụ của trí khôn, cảm xúc, tâm linh và ý chí trong nhân cách người thầy.
Vinhsơn Vũ Tứ Quyết, S.J.
Lược dịch bài luận ‘Teaching Beyond Technique’ của tác giả Parker J. Palmer trong cuốn sách: A Jesuit Education Reader, Edited by George W. Traub, S.J., (Chicago: Loyola Press, 2008), p. 313-317.