Một phim tài liệu mới kể câu chuyện đầy kịch tính về nguồn gốc bức ảnh Lòng Chúa Thương xót, được thánh Faustina mô tả và đã bị cất giấu trong gần suốt thế kỷ 20.
Một bản sao của ảnh gốc Lòng Chúa Thương xót được dựng tại
Quảng trường Time Square để quay bộ phim “Nguồn gốc ảnh Lòng Chúa Thương xót.”
Xem và đăng ký xin phép chiếu phim tại trang chủ: (http://www.divinemercyfilm.com/screening-request/)
Đạo diễn Daniel DiSilva đã muốn kể câu chuyện lòng sùng kính Lòng Chúa Thương xót từ rất lâu. Bộ phim mới của ông mang tên Bức ảnh gốc Lòng Chúa Thương xót, cùng với DiSilva và đoàn làm phim của ông đi khắp Châu Âu và Hoa Kỳ phỏng vấn các chuyên gia về sự sùng kính Lòng Chúa Thương xót và câu chuyện về bức ảnh gốc Lòng Chúa Thương xót.
Lòng sùng kính dựa trên một thị kiến riêng của nữ tu người Ba Lan, thánh Faustina Kowalska (1905-38) như được mô tả trong nhật ký của thánh nữ; năm 1931, Chị nói rằng Chúa Ki-tô đã yêu cầu chị phải vẽ lại bức ảnh Lòng Chúa Thương xót và đem đến trên toàn thế giới. Mặc dù bị tàn phá do Chiến tranh Thế giới thứ II và sự thống trị Đông Âu của Xô Viết, bức ảnh vẫn tồn tại một cách đáng kinh ngạc và hiện đang được tôn thờ tại một nhà nguyện 24 giờ ở Vilnius, Lithuania.
Bức ảnh Lòng Chúa Thương xót có một tầm quan trọng rất đặc biệt với cá nhân DiSilva, vì nhờ bức ảnh đã đưa ông trở lại với đức tin Công giáo khi đang ở tuổi thanh niên, và sau khi nghe được câu chuyện sự tồn tại của bức ảnh gốc, ông muốn chia sẻ với toàn thế giới qua bộ phim. Ông vừa có buổi nói chuyện với Catholic World Report (CWR).
CWR: Bằng cách nào ông đã tìm được lòng sùng kính Lòng Chúa Thương xót?
Daniel DiSilva: Tôi sinh ở Chicago, và lớn lên trong khu người Ý. Tôi gia nhập một giáo xứ ở Lithuanian. Nhưng lớn lên trong thập niên 70, tôi đã bị mất đức tin, và để mình trôi đi theo con đường của thanh niên thời ấy. Tôi là một nhạc sĩ chuyên nghiệp, và cứ thẳng thắn mà nói, tôi sống một đời sống đúng kiểu của một nhạc sĩ chuyên nghiệp.Thời gian này, một người phụ nữ trong khu chung cư tôi ở tặng tôi một bức ảnh Lòng Chúa Thương xót. Tôi quá bận rộn với lối sống của một nhạc sĩ chuyên nghiệp nên ban đầu chẳng để ý đến bức ảnh. Tuy nhiên năm 1999, tôi gặp Christopher West và nghe trình bày về Thần học Thân xác. Tôi bắt đầu nhận ra nét đẹp trong giáo huấn của Giáo hội.
Tôi giữ lấy bức ảnh Lòng Chúa Thương xót và bắt đầu cầu nguyện. Tôi đã có được sự tái sinh nhờ vào lòng sùng kính Lòng Chúa Thương xót.
Cha của tôi là Rudy cũng có một kinh nghiệm gần giống như tôi. Ông cũng là người Công giáo nhưng đã không sống đời sống đức tin một thời gian. Khi ông nằm trên giường hấp hối năm 2006, tôi đã đến bên giường ông và cùng đọc kinh Lòng Chúa Thương xót. Ông đã lấy lại Đức tin, và ông qua đời khi đang đọc kinh. Đó là một mối giây ràng buộc giữa chúng tôi.
CWR: Ông đã dẫn dắt một ban nhạc Công Giáo trong 10 năm
DiSilva: Vâng, tên ban nhạc là Crispin, lấy tên của thánh Crispin. Chúng tôi đi lưu diễn khắp thế giới trong suốt 10 năm.
Trong lần lưu diễn cuối cùng của ban Crispin ở Đông Âu năm 2009 tôi đã có ý tưởng làm bộ phim về Lòng Chúa Thương xót. Tôi được giới thiệu đến với một linh mục ở Lithuania, ngài hỏi tôi, “Anh có muốn trải qua đêm nay với Chúa Giê-su không?”
Ông bầu của ban nhạc bảo đảm với tôi là vị linh mục nói thật, nên tôi đồng ý và đi với ngài. Ngài đưa tôi đến một nhà thờ, sau này nó trở thành một nhà nguyện 24 giờ và là nơi trưng bày bức ảnh gốc Lòng Chúa thương xót. Ngài nói ngài sẽ khóa tôi ở bên trong suốt đêm, và cho tôi ra ngoài sáng hôm sau khi ngài đến dâng Lễ ban mai. Ngài yêu cầu tôi phải viết lời minh chứng sau đó cho một quyển sách ngài đang viết về Lòng Chúa thương xót.
Vậy là tôi ở đó qua đêm. Và từ đêm đó tôi cảm nhận được Lòng Chúa Thương xót bao la vô bờ bến cho mọi người nếu chúng ta biết chạy đến với Người. Thực sự trước đó tôi chưa hề có cảm nhận này. Tôi nghĩ tôi vẫn phải đang cố gắng để cảm nhận hơn nữa.
CWR: Trong phim của ông có nhiều nhân vật lỗi lạc, gồm cả Đức Hồng y Christoph Schönborn, George Weigel, Đức Giám mục Robert Barron, diễn viên hài Jim Gaffigan, và nhạc sĩ Harry Connick, Jr. Làm sao ông có thể mời họ tham gia?
DiSilva: Tôi đã phải kiên trì thuyết phục và tôi may mắn. Chẳng hạn tôi có hẹn với Jim Gaffigan trong một show diễn ở San Diego. Người phụ nữ đi cùng tôi sau đó cho biết Jim là một người Công giáo. Người phụ nữ này thực ra là một diễn viên và đã từng diễn với Jim. Cô ấy có email của Jim, và gợi ý với tôi nên đề nghị anh ta tham gia bộ phim.
Suy nghĩ trong 10 phút anh ta nhận lời. Anh nói anh nghĩ đó là một ý tưởng quá tuyệt với. Anh rất sùng kính Lòng Chúa Thương xót và vợ của anh thậm chí còn có lòng sùng kính mạnh hơn cả anh. Và anh ta đồng ý tham gia.
Chúng tôi đến căn hộ của anh ở New York và ghi hình anh ở đó. Vợ anh không muốn xuất hiện trong phim, nhưng các bạn có thể thấy anh ta quay trệch hướng camera về phía vợ để nhờ sự trợ giúp của cô khi chúng tôi quay phim.
Harry Connick, Jr. là một nghệ sĩ nổi tiếng khác chúng tôi đến phỏng vấn. Ông chơi organ cho chúng tôi tại thánh đường Thánh Patrick ở New York City. Ông chơi bài “How Great Thou Art” (ND: Một tác phẩm tuyệt vời về Người) theo một phong cách New Orleans khác thường và nói chuyện về bức ảnh khi ông chơi đàn.
Chúng tôi liên lạc với ông Connick qua người quản lý của ông, người này hỏi chúng tôi rất nhiều câu hỏi trước khi trình bày đề nghị của chúng tôi lên ông Connick. Ông là một trong những người cuối cùng chúng tôi phỏng vấn.
Ban đầu tôi đã viết thư đến Chủng viện Mundelein ở Chicago nơi Đức Giám mục Barron đang giảng dạy, để nhờ ngài tham gia. Ngài lúc đang đang ghi hình ở Hy lạp, và cuối cùng lịch quay của chúng tôi trùng hợp và chúng tôi đã có ngài tham gia vào bộ phim.
Chúng tôi cũng tìm được một vài Hồng y tham gia. Ví dụ chúng tôi sang Áo phỏng vấn Đức Hồng y Christoph Schönborn, tổng Giám mục Vienna, và sang Kraków, Ba lan, gặp Hồng y Stanislaw Dziwisz. Cũng ở Kraków chúng tôi đã phỏng vấn George Weigel; ông dạy một lớp học ở đó hàng năm.
Chúng tôi sẽ xuất bản một DVD của bộ phim vào mùa thu năm nay, chúng tôi sẽ thêm một buổi phỏng vấn với Immaculée Ilibagiza, người sống sót sau vụ diệt chủng ở Rwandan gần 20 năm trước. Bà viết về sức mạnh của lòng tha thứ trong đời bà.
Mọi người sẽ có thểi mua DVD vào dịp lễ Thanksgiving năm nay; hoặc có thể xem trả phí trên mạng cùng thời điểm. Hiện tại chúng tôi đang khuyến khích mọi người cùng xem chung tại các giáo xứ, tổ chức, hay thậm chí nhà riêng. Tôi cũng làm buổi giới thiệu phim của Đạo diễn, đây là buổi tôi đến với tư cách cá nhân và giới thiệu bộ phim.
CWR: Xin ông cho biết về việc sử dụng nhạc trong bộ phim.
DiSilva: Chúng tôi sử dụng thể loại nhạc rất hay mà chúng tôi thích để làm nổi bật bộ phim khi chúng tôi nói với mọi người về bức ảnh. Một trong những nhạc sĩ thể hiện trong phim là Mike Mangione; những người lớn tuổi sinh sống lâu ở đấy có thể quen với chú của anh là Chuck Mangione. Mike chơi nhạc nền trong suốt các buổi thuyết trình kéo dài hàng tuần của Christopher West về Thần học Thân xác. Anh thỉnh thoảng cũng đi với tôi khi tôi làm các buổi giới thiệu của Đạo diễn.
Nhạc của Mike mang âm hưởng cổ điển, nhưng tôi nghĩ nó mang lại cảm nhận thuần túy trong một bộ phim tài liệu Công giáo. Đỉnh điểm của âm nhạc là loan báo Tin Mừng, mở ra những điều còn bí ẩn và làm những điều chưa rõ ràng trở nên rõ ràng.
Tôi cũng sử dụng nhạc của Judd và Maggie, một đôi song ca anh em. Judd bây giờ là Thầy Justin tại Học viện Dominico ở Washington, DC và đang theo các lớp chuẩn bị làm linh mục. Thầy Justin từ một nhạc sĩ chuyên nghiệp đến nay trở thành thầy dòng Dominico viết nhạc thánh ca.
Chúng tôi cũng có phần trình bày của ban Hợp xướng nước Áo của các thầy dòng Xi-tô; bản hợp xướng của các thầy đã đứng đầu Bảng xếp hạng năm ngoái. Phát ngôn viên của ban hợp xướng, cha Karl Josef Wallner, cũng được phỏng vấn trong phim.
CWR: Ông chọn được rất nhiều vị trí và cảnh nền đẹp và thú vị.
DiSilva: Vâng. Chúng tôi đến Turin, tại đây Đức Thánh Cha Phanxico làm phép cho bức ảnh của chúng tôi (cũng là lần thứ hai ở Rome). Chúng tôi rất thích đến Turin để chúng tôi có thể so sánh ảnh của mình với ảnh Chúa Giê-su trên Tấm Khăn liệm thành Turin. Như các bạn thấy đó, bức ảnh rất giống: độ dài khuôn mặt, khoảng cách giữa hai mắt và lông mày v.v.. Chỉ có bức ảnh gốc Lòng Chúa Thương xót mới trùng khớp chi tiết với Tấm Khăn Liệm.
Chúng tôi quay phim ở Lithuania, và trên khắp Ba lan. Khi ở Ba lan chúng tôi đến thăm Biaystok, nơi cha Michal Sopoćko (1888-1975), là cha linh hướng của thánh Faustina, và Eugeniusz Kazimirowski, người họa sĩ đã vẽ bức ảnh Lòng Chúa Thương xót, qua đời. Chúng tôi có cơ hội phỏng vấn người viết tiểu sử của thánh Faustina và cha Sopoćko.
CWR: Trong suốt thời gian ông quay phim ở Quảng trường Times Square ở New York và ông dựng một ảnh Lòng Chúa Thương xót kích cỡ thật. Tại sao ông lại làm vậy?
DiSilva: Chúng tôi muốn mang bức ảnh đi khắp thế giới. Vì vậy chúng tôi đem bức ảnh đến trung tâm của thế giới, trung tâm Big Apple, và đặt bức ảnh ngay giữa trung tâm. Chúng tôi được thành phố cho phép, và chúng tôi rất biết ơn những viên cảnh sát đã giúp chúng tôi dọn dẹp khu vực để dựng bức ảnh. Chúng tôi phải ở ngoài đó suốt 8 tiếng. Chúng tôi cũng làm như vậy ở Rome, Kraków và Las Vegas, mặc dù thước phim ở Vegas chưa phải thước phim cuối.
CWR: Ông nhận được thái độ phản ứng như thế nào ở New York?
DiSilva: Chẳng ai nói gì cả; không ai quan tâm. Có thể bạn sẽ gặp vài người hơi kỳ cục hay vài người đến xem và chụp ảnh, hay đọc kinh. Nhưng nói chung chẳng ai quan tâm. Họ chỉ đi qua.
CWR: Điều đó có làm ông buồn không?
DiSilva: Không, nó lại thúc đẩy chúng tôi làm việc tích cực hơn để đưa thông điệp đến mọi người. Bức ảnh trong bộ phim đã bị cất giấu, và chỉ gần đây mới được tìm ra. Vì vậy chúng tôi hy vọng những thái độ sẽ bị thay đổi.
Gần đây chúng tôi có buổi giới thiệu ở San Antonio. Chúng tôi cho trưng bày ảnh. Người ta ở lại cả 2 giờ để tôn thờ.
CWR: Ông sẽ phát hành phim như thế nào?
DiSilva: Chúng tôi đã ra một DVD và cho phân phối và mọi việc đã rất thuận lợi. Tuy nhiên, chúng tôi muốn làm theo cách khó khan!
Chúng tôi muốn bộ phim sẽ là một sự kiện cho các giáo xứ. Chúng tôi kêu gọi các giáo xứ thuê một phòng chiếu phim, hay sử dụng hội trường xứ và chiếu phim cho giáo dân xem. Họ gửi email cho chúng tôi, và chúng tôi gửi lại một giấy phép và họ có thể chiếu phim bao nhiêu lần tùy ý trong 1 tuần.
Mọi việc đang diễn ra rất tốt đẹp. Hơn 700 giáo xứ sẽ chiếu phim trong vài tháng tới. Hầu hết là các giáo xứ ở Mỹ, cũng có một số giáo xứ ngoài Mỹ. Phim hiện đang được chiếu ở Ireland, Philippines, Ba lan, và Áo. Và chúng tôi cũng đang chiếu trong các rạp phim lớn ở Lithuania.
CWR: Ông có nhận được sự hỗ trợ từ các giám mục Hoa Kỳ không?
DiSilva: Có, chúng tôi được nhiều sự ủng hộ, và sẽ còn thêm nhiều nữa. Nếu các bạn vào website của chúng tôi, các bạn sẽ thấy sự ủng hộ từ các giám mục chẳng hạn Đức Tổng Giám mục Joseph Kurtz giáo phận Louisville, Tổng Giám mục Joseph Naumann địa phận Kansas City ở Kansas, và Giám mục Michael Sheridan giáo phận Colorado Springs. Hồng y Donald Wuerl giáo phận Washington cũng là người ủng hộ chúng tôi rất nhiều. Và dĩ nhiên, chúng tôi đã phỏng vấn nhiều vị trong bộ phim.
CWR: Mục đích của ông khi làm bộ phim là gì?
DiSilva: Tôi muốn quảng bá lòng sùng kính Lòng Chúa Thương xót. Đây là động lực chính của chúng tôi. Hầu hết số tiền thu được sẽ được dùng để thành lập Trung tâm hành hương Lòng Chúa Thương xót ở Vilnius, Lithuania. Tôi hy vọng bộ phim sẽ lôi kéo được nhiều khách hành hương, vì vậy một trung tâm hành hương là rất cần thiết!
Và chúng tôi hy vọng sẽ biến câu truyện thành một bộ phim nhờ những người Công giáo đang làm việc trong ngành công nghiệp này.
Jim Graves
(Jim Graves là cây bút Công giáo sống ở Newport Beach, California)
[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 03/04/2016/ catholicworldreport.com]