Đây là một thánh đường rất cổ, được xây dựng bằng gỗ lim, là một trong những nhà thờ đẹp của giáo phận này. Thông tin từ một số người dân địa phương sống gần khu vực cho biết, vào thời điểm xảy ra vụ cháy lớn, hầu hết các hộ gia đình đều đã đóng cửa đi ngủ, bất ngờ thấy có cột khói cao bốc lên từ khu vực Đền Thánh, chỉ một ít phút sau, ngọn lửa lan rộng rồi bốc cháy dữ dội.
Đền Thánh Trung Lao được khởi công xây dựng năm 1888, do cha Juan Pages Tràng Thái và cha Trứ – thừa sai Tây Ban Nha chịu trách nhiệm. Trong 10 năm, cùng với sự góp của, góp công của các giáo dân, Đền Thánh đã hoàn thành năm 1898.
Đền Thánh Trung Lao là một công trình kiến trúc độc đáo kết hợp các yếu tố Gothic, Tây Ban Nha và kiến trúc truyền thống Việt Nam. Đền Thánh có chiều dài 50m, rộng 16m, gồm 11 gian, được xây bằng gạch, mái lợp ngói đỏ hình vẩy rồng, còn gọi là ngói Nam. Toàn bộ nội thất và cung thánh đường đều được làm từ lõi gỗ lim do thợ mộc lành nghề thực hiện. Cột của nhà thờ là những thân gỗ lim có đường kính từ 70cm đến 80cm, để mộc không trang trí. Các vì kèo, xà khóa, xà cân nâng đỡ cây long cốt được chạm trổ rất công phu với hoa văn hoa lá uyển chuyển, tạo sự nhẹ nhàng, thanh thoát.
Tượng Đức mẹ Maria cùng các vị thánh trong nhà thờ đặt trên những bệ thờ lộng lẫy sơn son thếp vàng kiểu Việt Nam, điêu khắc hết sức công phu, được trau chuốt tới những chi tiết nhỏ nhất. Đền Thánh Trung Lao chưa phải trùng tu một lần nào dù đã trải qua hơn 1 thế kỷ. Năm 1986 một trận bão lớn đã làm đổ bức tường các cửa hành lang, sau đó được xây dựng lại theo kiến trúc hiện đại. Đến năm 1996, trong dịp kỷ niệm 100 năm xây dựng nhà thờ, cha Juse Lê Ngọc Hoàn đã cho trùng tu lại Đền Thánh và làm lại hai bức tường cửa hành lang theo nguyên bản.
Dưới đây là một số hình ảnh Đền Thánh này ngày thường và trong lúc hỏa hoạn.
Nguồn tin: Báo Công Giáo & Dân Tộc