ĐTC Phanxicô rất lo âu theo dõi thảm kịch của những người đang phải bỏ nhà cửa quê hương trốn chạy đi nơi khác.
Đây là một cuộc xuất hành vĩ đại với bao nhiêu gia đình lâm vào cảng mất mát mọi của cải nhà cửa, liều mình ra đi với hai bàn tay trắng mong thoát khỏi chiến tranh, đói khổ và bạo lực đủ kiểu để tìm kiếm tương lai. Trong một tweet, ĐTC kêu gọi mọi người hãy mở con tim cho những ai đang phải đau khổ. Ngài viết: Lạy Chúa, xin hãy giúp chúng con biết tỏ ra quảng đại hơn và luôn gần gũi hơn những gia đình nghèo khó.
Trong khi đó, con số người di dân thiệt mạng ngày càng lên cao. Vài ngày trước đây, thi hài của 71 người bị chết ngạt chồng chất lên nhau, trong đó có cả 8 phụ nữ và 4 trẻ em, đã được khám phá trong một chiếc xe tải nhỏ đậu ven một xa lộ bên Áo. Hôm sau đó, 200 người khác chết trong hai vụ đắm tàu ngoài khơi Lybia. Trong một phóng sự gửi về đài Vatican, ký giả Benedetta Capelli nói: Xác người lềnh bềnh trong nước, tiếng người còn sống van xin cầu cứu, màn đêm dày đặc khiến cho công cuộc cứu vớt gặp nhiều khó khăn. Đó là cảnh tượng người ta phải chứng kiến ngoài khơi duyên hải Zuwara nước Libia hôm qua, khi hai con tàu đầy chật người di dân tỵ nạn bị đắm. Phải ghi thêm con số những người chết này vào danh sách 2.500 người di dân thiệt mạng trên đường vượt Địa Trung Hải vừa được LHQ công bố hôm nay. 10 tên lái tàu đã bị nhận diện và bắt giữ trên con tàu chở 600 người di dân cặp bến Palermo thủ phủ đảo Sicilia Nam Italia, trong đó có 52 người chết ngạt trong hầm tàu. 3 người khác bị chính quyền Áo bắt giam trong vụ khám phá xe tải đầy xác người. Nhiều vụ đụng độ cũng xảy ra tại biên giới Hy Lạp và Macedonia. Trong một cuộc phỏng vấn dành cho đài Vatican, đặc phái viên Nello Scavo của báo Avvenire Tương Lai, tại vùng Pristina Macedonia cho biết “các cuộc kiểm soát của cảnh sát ngày càng trở nên chặt chẽ hơn và thường xuyên hơn. Người tỵ nạn từ Thổ Nhĩ Kỳ và Bulgari đến chỉ có được ba ngày để đi qua lãnh thổ Macedonia tìm đường vào Âu châu. Trong những tháng vừa qua đã có trên 100 ngàn người đến đây. Chỉ trong những ngày vừa qua, đã có 4000. Họ gặp nhiều khó khăn trong việc vượt qua bức tường mới được chính quyền Orban dựng lên, nhưng không có gì ngăn cản được họ. Sống chết gì thì họ cũng sẽ tìm ra những con đường khác để vào Âu châu.
Đặc phái viên báo Tương Lai nhận xét thêm rằng “sự hiện diện của người di dân tỵ nạn đã đẩy mạnh guồng máy của bọn buôn người, vốn đã rất thịnh hành tại đây. Các nhóm tội phạm mafia vùng Kossovo, liên kết với mafia Serbi và macedoni đang tổ chức những lối thoát mới để vượt qua bức tường Hungari, chẳng hạn qua ngõ Rumani hay các nước vùng Balkans vào Sloveni và Croat, rồi từ đó vào Áo hay Italia, tuy với nhiều hiểm nguy hơn, như chúng ta vừa thấy trong vụ chiếc xe tải ở Áo. Nguy hiểm cao hơn, thì giá cả cũng cao hơn và đem lại lợi nhuận nhiều hơn cho bọn bất lương. Vì thế, tình hình hiện nay rất rắc rối và nhiều khó khăn. Người di dân và tỵ nạn phải chịu bao nhiêu đau khổ vì đường đi và cũng vì thái độ đối xử của các lực lượng cảnh sát, nhất là cảnh sát macedoni. Bù lại, nhiều nơi, họ đã được người dân địa phương tận tình giúp đỡ. Chẳng hạn như tại Veles, gần Skopje, một số dân chúng địa phương, nhất là một phụ nữ, đã tổ chức được một cơ cấu đón tiếp và trợ giúp hơn 50 ngàn người trong vòng 2 năm gần đây mà hoàn toàn không cậy nhờ đến thẩm quyền chức trách địa phương. Và thật là phi thường khi chứng kiến thiện chí và lòng quảng đại của từng cá nhân có thể vượt thắng những chướng ngại mà các chính quyền không muốn đương đầu. (RG 280815)
(Mai Anh, RadioVaticana 29.08.2015)