ĐGM Phêrô Nguyễn Văn Khảm giảng trong Thánh lễ nhận sứ vụ của Đức Cha Alphongso Nguyễn Hữu Long

“Đức cha Anphong là vị mục tử mà chính Thiên Chúa gửi đến cho giáo phận Vinh. Ngài được trao gậy mục tử và Tông sắc có chữ ký của đấng kế vị Thánh Phêrô, nghĩa là ngài có quyền và sứ vụ lãnh đạo giáo phận để quy tụ tất cả các thành phần trong đoàn chiên giáo phận nên một…

 

Thánh lễ hôm nay bắt đầu với nghi thức Đức cha Anphong Nguyễn Hữu Long chính thức nhận sứ vụ Giám mục chính tòa Giáo phận Vinh. Nghi thức bao gồm việc công bố Tông sắc, trao gậy mục tử, và ngồi ghế Giám mục chính tòa. Nghi thức diễn ra có vẻ đơn sơ nhưng lại rất phong phú ý nghĩa, và chính Lời Chúa được công bố qua các bài Kinh Thánh giúp chúng ta hiểu được ý nghĩa phong phú đó.

  1. Nghi thức bắt đầu bằng việc công bốTông sắccủa Đức Giáo hoàng Phanxicô, đặt Đức cha Anphong làm Giám mục chính tòa Giáo phận Vinh. Tông sắc được viết bằng tiếng La-tinh với chữ ký và con dấu của Đức Thánh Cha Phanxicô, và được Vị đại diện Đức Thánh Cha tại Việt Nam trao tận tay Đức cha Anphong. Bản Tông sắc ấy không chỉ được đọc lên cho mọi người nghe mà còn được giơ cao cho mọi người thấy. Tất cả để chứng thực rằng Đức cha Anphong đến Giáo phận Vinh trong tư cách là người được Chúa sai đến chứ không phải là kẻ làm thuê (x. Ga 10,12), lại càng không phải như tên ăn trộm leo rào mà vào chuồng chiên (x. Ga 10,2).

Qua Tông sắc đó, hôm nay Chúa thực hiện lời hứa của Ngài với Giáo phận Vinh. Trong bài đọc I trích từ sách ngôn sứ Edêkiel, Chúa phán: “Đây chính Ta sẽ chăm sóc chiên của Ta và thân hành kiểm điểm” (Ed 34,11). Chính Chúa sẽ chăm sóc đoàn chiên và Người thực hiện lời hứa đó bằng việc sai các mục tử đến phục vụ đoàn chiên của Chúa, như Thánh Phêrô nói với các kỳ mục: “Anh em hãy chăn dắt đoàn chiên mà Thiên Chúa đã giao phó cho anh em” (1Pr 5,2). Cũng thế, hôm nay, Đấng kế vị Thánh Phêrô nói với Đức cha Anphong: “Cha hãy chăn dắt đoàn chiên giáo phận Vinh mà Thiên Chúa đã giao cho cha”.

Hơn ai hết, bà con giáo dân Giáo phận Vinh hiểu và xác tín điều đó, cho nên vào ngày 20 tháng 1 năm 2019, khi đón Đức cha Anphong về Tòa Giám mục Xã Đoài, ở cổng vào Tòa Giám mục đã treo biểu ngữ lớn ghi dòng chữ: “Chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến”. Dòng chữ ấy diễn tả một tầm nhìn đức tin, tầm nhìn giúp chúng ta vượt lên trên những khác biệt có thể có về mặt tự nhiên, để đón nhận vị tân giám mục của giáo phận như là người được Chúa sai đến, người nhân danh Chúa mà đến.

  1. Sau khi công bố Tông sắc của Đức Giáo hoàng Phanxicô, vị đại diện Đức Thánh Cha trao cho Đức cha Anphonggậy mục tử. Một tác giả đã nói rằng: vương trượng có ý nghĩa với vị vua thế nào thì gậy mục tử cũng có nghĩa với Giám mục như thế. Gậy mục tử biểu trưng cho quyền lãnh đạo cộng đoàn Giáo phận được trao phó cho vị Giám mục chính tòa. Vậy, đâu là trách nhiệm của người lãnh đạo Giáo phận?

Theo các bài Kinh Thánh được công bố hôm nay, trách nhiệm lớn nhất của người lãnh đạo Giáo phận là quy tụ. Trong bài đọc 1, Chúa phán: “Như mục tử kiểm điểm đàn chiên bị tản mác thế nào thì Ta cũng sẽ kiểm điểm chiên của Ta như thế” (Ed 34,12). Kiểm điểm để xem đàn chiên còn đủ không, có con nào lạc đàn không, để quy tụ cho đầy đủ. Và trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu phán: “Tôi còn có những chiên khác không thuộc ràn này, Tôi cũng phải đưa chúng về (quy tụ). Và sẽ chỉ có một đoàn chiên và một mục tử” (Ga 10,16).

Cho nên sứ vụ lớn nhất của Giám mục lãnh đạo Giáo phận là quy tụ Dân Chúa, kiến tạo sự hiệp thông và hiệp nhất trong gia đình giáo phận như Hội Thánh nhấn mạnh trong Hiến chế tín lý về Hội Thánh: “Đức Giáo hoàng, Đấng kế vị Thánh Phêrô, là nguyên lý và nền tảng vĩnh viễn, hữu hình, của sự hiệp nhất giữa các Giám mục cũng như giữa các tín hữu. Còn mỗi Giám mục là nguyên lý và nền tảng hữu hình của sự hiệp nhất trong Hội Thánh địa phương của mình” (số 23). Sự hiệp nhất đó là nền tảng cho việc thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng trên địa bàn rộng lớn của Giáo phận. Vậy, vị mục tử của Giáo phận sẽ thực hiện trách nhiệm quy tụ bằng cách nào?

  1. Cùng với việc trao gậy mục tử, Đức cha Anphong được dẫn đến vàngồi vào ghế của Giám mục chính tòa. Nhà thờ này được gọi là Nhà thờ chính tòa vì trong Nhà thờ có ghế (tòa) của Giám mục, nơi Giám mục ngồi khi cử hành Thánh lễ hoặc chủ sự những nghi lễ trọng thể tại Nhà thờ chính tòa. Trong những thế kỷ đầu, Giám mục cũng ngồi ở ghế đó để giảng dạy dân chúng.

Vì thế, việc ngồi vào ghế Giám mục nói lên ý nghĩa Giám mục quy tụ Dân Chúa bằng Lời Chúa.Trong nghi thức phong chức Giám mục, khi vị Giám mục chủ phong đọc lời nguyện phong chức thì Sách Tin Mừng được mở ra và đặt úp trên đầu của vị thụ phong. Hình ảnh đó diễn tả cách sống động là Lời của Đức Kitô phải được thấm vào con người của vị Giám mục, không chỉ là đầu óc nhưng cả tâm tư, tình cảm, hành động của ngài.

Như thế, vị Giám mục phải thi hành sứ vụ mục tử bằng Lời Chúa. Giám mục rao giảng Lời Chúa chứ không rao giảng bất cứ hệ tư tưởng nào khác; đồng thời giảng Lời Chúa không chỉ bằng lời nói nhưng còn bằng chính gương sáng đời sống nên Thánh Phêrô căn dặn các kỳ mục: “Đừng lấy quyền mà thống trị những người Thiên Chúa đã giao phó cho anh em, nhưng hãy nêu gương sáng cho đoàn chiên” (1Pr 5,3).

Mẫu gương tuyệt hảo là mẫu gương của chính Chúa Giêsu, Mục tử nhân lành. Vị mục tử ấy tuyên bố rằng: “Ta biết chiên Ta và chiên Ta biết Ta,” và “Ta hiến mạng sống cho đoàn chiên” (Ga 10,15). Động từ “biết” ở đây không chỉ là cái biết tri thức nhưng là cái biết của con tim và tình yêu. Đức cha Anphong Nguyễn Hữu Long diễn tả tâm tình đó bằng cách khác, là “Mang vào mình mùi chiên”. Đây là lời Đức Thánh Cha Phanxicô căn dặn các linh mục trong ngày Thứ Năm Tuần Thánh đầu tiên khi ngài làm Giáo hoàng, và Đức cha Anphong chọn lời căn dặn đó làm châm ngôn cho đời giám mục của mình. Châm ngôn đó muốn diễn tả sự gần gũi với đoàn chiên, nhạy bén với những nhu cầu của đoàn chiên, lấy niềm vui và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của đoàn chiên – nhất là những ai khó nghèo và đau khổ, làm niềm vui và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của chính mình (x. GS, số 1). Đức cha cũng diễn tả tâm tình đó ngay khi về nhận Giáo phận Vinh ngày 20 tháng 1 năm 2019, bằng cách quỳ xuống hôn đất Vinh. Nụ hôn bắt đầu cho một cuộc tình và tôi tin cuộc tình đó sẽ gắn bó, keo sơn, như ngài nói với cộng đoàn: “Tôi yêu Giáo phận Vinh và rất muốn gắn bó với anh chị em”.

Bà con giáo dân Giáo phận Vinh vốn nổi tiếng về lòng đạo và lòng yêu mến Hội Thánh, về sự nhiệt thành và đoàn kết trong các công việc chung. Tôi tin chắc rằng dưới sự lãnh đạo của Đức cha Anphong, quý cha, quý tu sĩ và tất cả anh chị em sẽ quy tụ chung quanh Đức cha Anphong trong tình hiệp nhất yêu thương, để cùng với ngài thi hành sứ vụ Chúa đã trao cho Hội Thánh.

Xin kết thúc những suy niệm này bằng hình ảnh ngày Đức cha Anphong chính thức về Tòa Giám mục Vinh. Trên trang tin điện tử của Giáo phận Vinh, tôi thấy tấm hình Đức cha Anphong đi giữa, hai bên là hai đức cha, một bên là Đức cha già đáng kính Phaolô Maria Cao Đình Thuyên và bên kia là Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp. Đối với tôi, đó là hình ảnh tuyệt vời vì nó diễn tả tính duy nhất và tính liên tục của sứ vụ tông đồ. Chỉ có một sứ vụ duy nhất mà thôi và sứ vụ đó được tiếp nối từ thế hệ này qua thế hệ khác. Bản thân mỗi Giám mục chẳng là gì, chỉ có sứ vụ của Hội Thánh mới là điều quan trọng. Và hôm nay, sự hiện diện ở đây của các Giám mục thuộc hầu hết các Giáo phận tại Việt Nam cũng thế, không phải để thêm phần long trọng cho ngày lễ nhưng để bày tỏ sự đồng hành: đồng hành với Giáo phận Vinh trong giai đoạn mới và đồng hành với Đức cha Anphong trong sứ vụ mới.

Không chỉ các Giám mục nhưng tất cả chúng ta đều được mời gọi đồng hành với Đức cha Anphong trong sứ vụ ấy, sứ vụ quy tụ những gì còn tản mác, hàn gắn những gì còn chia rẽ, kiến tạo sự hiệp nhất, để với sự hiệp nhất ấy, có thể cùng nhau làm chứng và loan báo Tin Mừng Chúa Giêsu trên quê hương Việt Nam cách tích cực và hiệu quả. Xin được lấy tâm tình ấy làm lời cầu chúc và cầu nguyện cho Giáo phận Vinh trong ngày đầu năm mới, cũng là ngày mang tính lịch sử với Giáo phận Vinh.

DC-Phero-Kham.jpg

+Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm