Đại chủng viện Mẹ Chúa Cứu Thế ở Macao là hoa trái óc sáng tạo tông đồ và diễn tả ý chí của Bộ rao truyền Tin Mừng cho các dân tộc tại Á châu
ĐHY Fernando Filoni Tổng trưởng Bộ Truyền Giáo đã khẳng định như trên trong thánh lễ khánh thành đại chủng viện. Ngài nhắc lại rằng trong lịch sử truyền giáo của Giáo Hội đã có biết bao hình thức và kiểu cách được tuyển chọn cho việc rao truyền Tin Mừng tại Á châu với sự dấn thân của các dòng tu như dòng Tên, dòng Đa Minh và dòng Phanxicô, cũng như hoạt động kiên trì của biết bao nhiêu hội truyền giáo khác và qua việc gửi các linh mục món quà đức tin và trao đổi nhân lực giữa các giáo phận và vài quốc gia hay vài thành phố với nhau.
Trong bài phỏng vấn dành cho Hãng thông tin Fides của Bộ Truyền Giáo, ĐHY cho biết lý do thành lập đại chủng viện là đáp ứng lời mời gọi Đức Gioan Phaolo II đã đưa ra vào đầu ngàn năm mới khi nói rằng châu Á là cánh đồng truyền giáo mênh mông. Đây là một đại lục rất phức tạp, chiếc nôi của các tôn giáo lớn và các nền văn hóa sâu đậm. Vì thế công việc rao truyền Tin Mừng tại Á châu cũng cần có các sắc thái riêng, như việc hiểu biết sâu xa các bối cảnh xã hội và ngôn ngữ khác nhau. Mọi kitô hữu á châu đều có bổn phận loan báo và làm chứng cho Tin Mừng, vì Tin Mừng được dành để cho tất cả mọi người không phân biệt ai. Năm 1627 ĐGH Urbano VIII đã cho thành lập Trường truyền giáo Urbano ở Roma để đào tạo người trẻ thuộc nhiều đại lục khác nhau ngay giữa lòng Giáo Hội cho công việc truyền giáo. Trường Urbano vẫn hiện hữu qua 4 thế kỷ. Giáo Hội được mời gọi đi ra và đến với các dân tộc sống tại các vùng ngoại biên toàn thế giới. Vì vậy cần có thêm nhiều các trung tâm đào tạo truyền giáo tại các đại lục khác nhau. Đó là lý do thành lập đại chủng viện Mẹ Chúa Cứu Thế tại Macao để đào tạo các linh mục cho vùng Á châu.
Đại chủng viện trực thuộc Bộ Truyền Giáo nhưng được giao cho Phong trào Tân Dự Tòng điều hành, vì phong trào này có nhiều kinh nghiệm đào tạo các linh mục tương lai cho công tác truyền giáo tại Á châu. Trong lịch sử truyền giáo Macao đã là cánh cửa hay cây cầu cho việc rao giảng Tin Mừng tại châu Á. Nó đã là thuộc địa của Bồ Đào Nha và là trung tâm tôn giáo văn hóa nổi tiếng nơi các thừa sai nổi tiếng như Matteo Ricci, Alessandro Valignano và Phanxico Xavie và rất nhiều thừa sai khác đã bước qua để truyền giáo cho Á châu. Năm 1576 khi vừa trở thành giáo phận Macao đã trải dài hoạt động sang Trung Hoa, Nhật Bản, Việt Nam và Malaysia và trở thành đại bản doanh của công tác rao truyền Tin Mừng tại châu Á. Tại Roma Trường truyền giáo Urbano hiện có 170 chủng sinh Phi châu và Á châu. Trên thế giới cũng có nhiều đại chủng viện trực thuộc Bộ và các chủng sinh sau khi được đào tạo về phục vụ các Giáo Hội địa phương. Vì thế các chủng sinh ngay từ bây giờ có thể học các ngôn ngữ và tìm hiểu các nền văn hóa của những nơi sẽ được gửi tới để truyền giáo (FIDES 29-7-2019)
Linh Tiến Khải
(VaticanNews 31.07.2019)