Ði lễ “vọng” tình trạng không ngồi trong Nhà Thờ dự lễ ở Sài Gòn

Ði lễ “vọng”

Khi đến nhà thờ tham dự thánh lễ, giáo dân thường được nhắc nên đi vào bên trong, thậm chí ở một số giáo xứ, lời nhắc nhở còn dán ở nơi ra vào hoặc được xướng lên trước giờ lễ. Thế nhưng, hình ảnh những người dự thánh lễ “vọng” từ bên ngoài vẫn còn hiện diện ở nhiều nơi.
Tình trạng đi lễ “vọng” thường xảy ra vào những ngày lễ buộc, cụ thể là lễ Chúa nhật. Có lẽ tâm lý sợ tội và đi một cách chiếu lệ đã làm giảm thiểu sự sốt sắng và tấm lòng chân thành của một số người khi đến nhà Chúa tham dự bữa tiệc thánh. “Đến trễ thì đã đành nhưng tôi thấy có không ít người đi từ đầu nhưng vẫn cố tình ngồi ở bên ngoài nhà thờ. Một số người trẻ còn ngồi xa hơn, có khi cách cái cổng rào hoặc ngồi trên xe bên kia đường mà nhìn qua…”, ông Nguyễn Văn Hưng (giáo xứ Nam Thái, Quận Tân Bình) nhận xét.

Ngày nay nhiều nhà thờ đã trang bị các tiện nghi vật chất để người tham dự thánh lễ được thoải mái hơn

Thông thường, một thánh lễ kéo dài từ 35 – 45 phút, khoảng thời gian này không đáng là bao so với các ơn ích thiêng liêng được lãnh nhận. Thay vì bước vào trong nhà thờ, người đứng bên ngoài trước hết sẽ không tham dự trọn vẹn các nghi thức phụng vụ, kế nữa là phá vỡ bầu khí trang nghiêm, hiệp nhất của một cộng đoàn. Ông Trương Quang Thái (giáo xứ Vườn Xoài, Quận 3) phân tích: “Ở bên ngoài chắc chắn không nghe được đầy đủ bài Tin Mừng và lời giảng của linh mục chủ tế. Khi cộng đoàn đọc, hát kinh thì những trường hợp ‘vọng’ thánh lễ nếu có góp giọng thì tiếng cũng loãng đi. Ấy là chưa nói đến còn bị nhiều thứ làm chia trí và chính bản thân người đó cũng gây chia trí cho nhiều người. Thêm nữa, một số đậu xe phía ngoài, trên vỉa hè cũng gây ùn tắc, khó chịu cho người đi đường”.
Tuy nhiên, công bằng mà nói, việc đứng ngoài nhà thờ đôi khi cũng có những lý do bất đắc dĩ, nhiều nhất là trường hợp có con nhỏ. Chị Nguyễn Thanh Thúy (giáo xứ Thánh Gia, Quận 3) kể lại: “Tôi đã từng thấy có nhiều phụ huynh cũng dẫn con vào nhà thờ rồi hướng dẫn bé ngồi. Bé nhỏ hơn thì họ vẫn ẵm trên tay rồi ‘suỵt’ con im lặng, nhưng chỉ một lúc là bé lại quấy, khóc nên phụ huynh phải ra ngoài rồi ở luôn trong sân cùng con vì sợ ồn ào thánh lễ”. Không ít phụ huynh chọn lựa cho con ở nhà để khỏi phải đi lễ “vọng” nhưng không phải nhà nào cũng có người trông trẻ. Linh mục Giuse Nguyễn Hữu Triết (chánh xứ Tân Sa Châu, Quận Tân Bình) bày tỏ quan điểm: “Tôi khuyến khích các bậc cha mẹ cứ đưa con nhỏ đến nhà thờ, chúng có thể chạy nhảy nô đùa nhưng dần dà sẽ thấm nhuần và được dưỡng nuôi trong bầu khí tôn giáo. Con còn ẵm ngửa trên tay cũng vẫn cho đi lễ để Chúa chúc lành cho các cháu. Nhìn xem, hình ảnh cậu bé mồ côi ôm riết lấy chân ĐGH Phanxicô khi ngài đang phát biểu thật đẹp và đáng yêu biết bao. Trẻ con mà, chúng hồn nhiên vậy đó!”. Không riêng gì cha Triết, nhiều linh mục cũng đồng quan điểm này nên không ít giáo xứ vẫn mời phụ huynh cùng con trẻ vào bên trong tham dự thánh lễ.

Không ít nơi “sắm” thêm ghế để khi bên trong không còn chỗ, giáo dân vẫn có thể ngồi dự lễ thành nhóm bên ngoài

Ngày nay, nhiều nhà thờ đã trang bị thêm những tiện nghi vật chất, ghế ngồi và bàn quỳ được bọc nệm, trang bị quạt máy, máy chiếu. Nhiều nơi trong thành phố như giáo xứ Phú Hạnh (Phú Nhuận), Xóm Thuốc (Gò Vấp), Tân Mỹ (Hóc Môn) còn làm cả hệ thống lạnh để chống nóng cho người dự lễ. Về việc giữ xe thì hầu như nơi nào cũng có đội ngũ riêng để hướng dẫn, sắp xếp. Có giáo xứ diện tích hẹp vẫn cố gắng tạo một bãi giữ xe “dã chiến” như ở Khiết Tâm (Tân Bình). Do số lượng ghế trong nhà thờ có hạn mà giáo dân ngày một đông nên có nơi còn mua thêm ghế, làm mái che bên ngoài. Đa số có Ban trật tự giúp sắp xếp ổn định trong khuôn viên nhà thờ.
Tất cả chỉ nhằm mời gọi mọi người không nên dửng dưng và vô hồn khi tham dự thánh lễ!
THIÊN LÝ

Nguồn tin: Báo Công giáo và Dân tộc