Diễn văn của Đức Thánh Cha
Các Thành viên của Hội đồng Đại kết các Giáo hội Kitô ở Cộng hòa Slovakia thân mến,
Tôi xin gửi đến anh em lời chào thân ái và cám ơn anh em đã nhận lời mời đến đây với tôi. Tôi ở đây với tư cách là một người hành hương đến Slovakia, và anh em ở đây với tư cách là những vị khách được chào đón tại Tòa Sứ thần! Tôi rất vui vì cuộc gặp gỡ đầu tiên của tôi là với anh em. Đây là một dấu hiệu cho thấy đức tin Kitô giáo là – và mong muốn trở thành – một hạt giống của sự hiệp nhất và men của tình huynh đệ ở đất nước này. Xin cám ơn sự hiện diện của Đức Tổng Giám mục Rastislav; những lời chứng dấn thân của Đức Giám mục Ivan, Chủ tịch Hội đồng Đại kết. Cùng nhau chúng ta tiếp tục bước đi trong việc chuyển từ xung đột sang hiệp thông.
Các cộng đoàn của anh em đã có một khởi đầu mới sau những năm bị chủ nghĩa vô thần bách hại, khi sự tự do tôn giáo bị ngăn cấm hoặc bị thử thách gay gắt. Cuối cùng, sự tự do đã trở lại. Và giờ đây, anh em cùng chia sẻ một hành trình chung, trong đó có cảm nghiệm nét đẹp, nhưng đồng thời cũng có những khó khăn sống đức tin khi đã được tự do. Thực tế, luôn luôn có cám dỗ muốn trở lại tình trạng nô lệ, chắc chắn không phải của một chế độ, nhưng là một sự nô lệ thậm chí nó còn tồi tệ hơn: sự nô lệ bên trong.
Đó là những gì mà Dostoevsky đã cảnh báo trong câu chuyện nổi tiếng, Truyền thuyết về Đại Pháp quan. Chúa Giêsu trở lại mặt đất và một lần nữa Người bị giam tù. Vị Pháp quan đã có những lời đả kích, ông buộc tội Chúa Giêsu vì đã quá đề cao sự tự do của con người. Ông nói với Chúa: “Ông muốn đi vào thế giới với đôi bàn tay không, với lời hứa về một sự tự do mà, với sự đơn sơ và bừa bộn bẩm sinh của mình, con người không thể hiểu được, một sự tự do làm cho họ sợ hãi và khiếp đảm, vì không có gì khiến con người khó chịu hơn là sự tự do!” (I Fratelli Karamazov, Milano 2012, p. 338). Thậm chí, vị Pháp quan còn đi xa hơn qua việc nói thêm rằng con người nhanh chóng đánh đổi tự do của họ với một sự nô lệ thoải mái hơn: đó là việc phục tùng một ai đó sẽ đưa ra quyết định cho họ, miễn là họ có bánh mì và sự an toàn. Và như thế, ông đã khiển trách Chúa Giêsu vì đã không muốn trở thành Xêda để bẻ cong lương tâm của con người và thiết lập hòa bình bằng vũ lực. Thay vào đó, Chúa Giêsu tiếp tục ban tự do cho con người, trong khi con người lại yêu cầu “cơm bánh và vài thứ khác”.
Anh em thân mến, cầu mong điều này không xảy ra với chúng ta! Chúng ta hãy giúp đỡ nhau để đừng bao giờ rơi vào cái bẫy của việc hài lòng với cơm bánh và vài thứ khác. Bởi vì mối nguy hiểm này xảy ra khi chúng ta nghĩ rằng tình hình đã trở lại bình thường, khi chúng ta cảm thấy rằng mọi thứ đã lắng xuống và chúng ta ổn định trong hy vọng về một cuộc sống yên bình. Khi đó, mục tiêu của chúng ta không còn là “sự tự do mà chúng ta có trong Chúa Giêsu Kitô” (Gl 2, 4), chân lý mà Người giải phóng chúng ta (Ga 8, 32), nhưng là tìm kiếm chỗ đứng và các đặc quyền. Theo Tin Mừng, đó là “cơm bánh và vài thứ khác”.
Ở đây, từ trung tâm của châu Âu, chúng ta có thể hỏi: chúng ta, các Kitô hữu có đánh mất lòng nhiệt thành của chúng ta đối với việc rao giảng Tin Mừng và làm chứng ngôn sứ không? Sự thật của Tin Mừng có làm cho chúng ta tự do không? Hay chúng ta cảm thấy tự do khi có được các vùng thoải mái cho phép chúng ta kiểm soát và bước tới cách thanh thản mà không có những trở ngại đặc biệc nào? Và một lần nữa, hài lòng với cơm bánh và sự an toàn, chúng ta có đánh mất động lực trong việc tìm kiếm sự hiệp nhất mà Chúa Giêsu đã cầu nguyện, một sự hiệp nhất chắc chắn đòi hỏi sự tự do trưởng thành trước những lựa chọn quyết liệt, từ bỏ và hy sinh, nhưng đó cũng là một tiền đề để thế giới tin tưởng (x. Ga 17,21)? Chúng ta đừng chỉ quan tâm đến những điều có thể mang lại lợi ích cho những cộng đoàn đơn lẻ của chúng ta. Tự do của anh chị em chúng ta cũng là tự do của chúng ta, bởi vì tự do của chúng ta sẽ không được trọn vẹn nếu không có tự do của họ.
Ở đây, công cuộc loan báo Tin Mừng đã bắt đầu bằng tình huynh đệ và được mang dấu ấn bởi các vị thánh của Thêsalônica, Cyrillô và Mêthôđiô. Là những chứng nhân của một Kitô giáo vẫn hiệp nhất và sốt sắng đối với việc loan báo Tin Mừng, xin các đấng giúp chúng ta tiếp tục cuộc hành trình bằng cách nuôi dưỡng sự hiệp thông huynh đệ giữa chúng ta nhân danh Chúa Giêsu. Mặc khác, làm thế nào chúng ta có thể hy vọng châu Âu tìm lại nguồn gốc Kitô giáo của mình khi chính chúng ta không bắt nguồn từ sự hiệp thông trọn vẹn? Làm thế nào chúng ta có thể mơ về một châu Âu không có ý thức hệ nếu chúng ta không có can đảm đặt sự tự do của Chúa Kitô lên trên nhu cầu của các nhóm tín hữu riêng lẻ? Thật khó để đòi hỏi một châu Âu ngày càng được phong phú bởi Tin Mừng, mà không bận tâm đến thực tế là trên lục địa này, chúng ta vẫn chưa hoàn toàn hiệp nhất và không quan tâm đến nhau. Các tính toán cụ thể, các lý do lịch sử và các liên hệ chính trị không thể là những trở ngại không thể vượt qua trên con đường của chúng ta. Xin thánh Cyrillô và Mêtôđiô, “các vị tiền nhân của đại kết” (S. GIOVANNI PAOLO II, Lett. enc. Slavorum Apostoli, 14) giúp chúng ta nỗ lực hết sức để làm việc cho sự hòa giải giữa những khác biệt trong Chúa Thánh Thần. Xin các ngài giúp chúng ta đạt được một sự hiệp nhất, không phải là đồng nhất, có khả năng là một dấu hiệu và làm chứng cho sự tự do của Đức Kitô, Chúa đã tháo cởi những ràng buộc của quá khứ và chữa lành chúng ta khỏi mọi sợ hãi và nhút nhát.
Trong thời đại của họ, thánh Cyrillô và Mêtôđio đã cho phép Ngôi Lời Thiên Chúa nhập thể trong những vùng đất này (Ga 1, 14). Tôi muốn chia sẻ với anh em hai đề nghị trong quan điểm này như là lời khuyên huynh đệ để loan truyền Tin Mừng của sự tự do và hiệp nhất ngày nay.
Điều đầu tiên liên quan đến việc chiêm niệm. Một đặc điểm đặc trưng của các dân tộc Slavơ, một đặc điểm mà tất cả anh em được kêu gọi để bảo tồn, đó là sự chiêm niệm, vượt ra ngoài các khái niệm triết học và thậm chí thần học, khởi đi từ một đức tin được trải nghiệm, biết cách đón nhận mầu nhiệm. Hãy giúp nhau nuôi dưỡng truyền thống thiêng liêng này, điều mà châu Âu rất cần. Giáo hội Phương Tây đặc biệt khao khát điều này, để tìm lại vẻ đẹp của việc tôn thờ Thiên Chúa và tầm quan trọng của việc không xem cộng đoàn đức tin chủ yếu dựa hiệu quả của chương trình và chức năng.
Gợi ý thứ hai liên quan đến hành động. Sự hiệp nhất không đạt được nhiều nếu chỉ bằng những ý định tốt và việc theo đuổi một số giá trị chung, nhưng bằng cách cùng nhau làm một điều gì đó cụ thể cho những người mang chúng ta đến gần Chúa nhất. Họ là ai? Họ là người nghèo, vì Chúa Giêsu hiện diện trong họ (xem Mt 25, 40). Chia sẻ bác ái mở ra những chân trời rộng lớn hơn và giúp chúng ta đạt được tiến bộ lớn hơn trong việc vượt qua định kiến và hiểu lầm. Đây cũng là một phẩm chất truyền thống quan trọng ở đất nước này, nơi tại trường học, các học sinh học thuộc lòng một bài thơ có một đoạn rất hay: “Khi một bàn tay ngoại quốc gõ cửa nhà chúng ta với sự tin tưởng chân thành: bất kể người đó là ai, dù đến từ gần hay xa, dù ngày hay đêm, trên bàn của chúng ta sẽ có món quà của Thiên Chúa dành cho họ” (SAMO CHALUPKA, Mor ho!, 1864). Ước gì hồng ân Chúa hiện diện trên bàn của tất cả mọi người, để mặc dù chúng ta chưa thể chia sẻ cùng một bàn tiệc Thánh Thể, nhưng chúng ta có thể cùng nhau chào đón Chúa Giêsu bằng cách phục vụ Người nơi người nghèo. Đó sẽ là một dấu hiệu hùng hồn hơn nhiều lời nói, đặc biệt là trong những thời điểm khó khăn này, sẽ giúp xã hội dân sự hiểu rằng chỉ bằng cách đứng về phía những người yếu đuối nhất, tất cả chúng ta mới có thể thực sự cùng thoát ra khỏi đại dịch.
Anh em thân mến, tôi xin cám ơn vì sự hiện diện của anh em và cuộc hành trình mà anh em đang cùng nhau thực hiện. Tính cách ôn hòa và lòng hiếu khách đặc trưng của người dân Slovakia, truyền thống chung sống hòa bình giữa anh em và sự hợp tác của anh em vì phúc lợi của đất nước là điều quý giá đối với men Tin Mừng. Tôi khuyến khích anh em tiếp tục theo đuổi hành trình đại kết, kho tàng quý giá và không thể thiếu. Tôi chắc chắn sẽ nhớ anh em trong lời cầu nguyện của tôi, và tôi xin anh em cũng nhớ đến tôi. Xin chân thành cám ơn anh em.
Nguồn: vaticannews.va/vi