Đức Thánh Cha Phanxicô trao đổi với cựu Tổng thống Clinton qua cuộc gọi video nhân Hội nghị “Sáng kiến toàn cầu Clinton 2023”. (Hình: bloximages)
DIỄN VĂN CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ TẠI HỘI NGHỊ
“SÁNG KIẾN TOÀN CẦU CLINTON 2023”, 19. 09. 2023
Hôm 18. 09 Đức Thánh Cha Phanxicô đã có bài diễn văn video trực tiếp nhân Hội nghị thường niên của “Sáng kiến toàn cầu Clinton 2023” (Clinton Global Initiative – CGI) được tổ chức tại New York, Hoa Kỳ. Do cựu Tổng thống Hoa Kỳ, Bill Clinton phát động năm 2005, “Sáng kiến Toàn cầu Clinton” là dự án tạo một cộng đồng gồm những người dấn thân hành động trước những thách thức cấp bách nhất của thế giới. Cho đến nay, Quỹ Clinton đã hỗ trợ 9.000 tổ chức tham gia vào các hoạt động từ thiện.
Sau đây là nội dung bài diễn văn của Đức Thánh Cha:
DIỄN VĂN CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
TẠI HỘI NGHỊ “SÁNG KIẾN TOÀN CẦU CLINTON 2023”
Cảm ơn ngài Tổng thống đã mời tôi dự hội nghị. Xin cảm ơn rất nhiều.
Điều quan trọng là truyền bá một nền văn hóa gặp gỡ, văn hóa đối thoại, và văn hóa lắng nghe và thấu hiểu.
Cần phải chia sẻ quan điểm của chúng ta trong việc làm sao để đóng góp cho công ích và làm thế nào để không bỏ rơi những người dễ bị tổn thương nhất, chẳng hạn như trẻ em, những đối tượng mà, thông qua Quỹ “Bambino Gesù”, là khởi nguồn của cuộc gặp gỡ của chúng ta.
Tất cả chúng ta đều biết rằng mình đang sống trong một thời đại đầy biến động. Chỉ cùng nhau chúng ta mới có thể vượt qua giai đoạn này cách tốt hơn. Chỉ cùng nhau, chúng ta mới có thể chữa lành thế giới khỏi tình trạng vô danh của sự thờ ơ toàn cầu hóa.
Thưa ngài Tổng thống, ngài đã đề cập đến nhiều thách đố hiện nay: biến đổi khí hậu, các cuộc khủng hoảng nhân đạo ảnh hưởng đến người di cư và người tị nạn, việc chăm sóc trẻ em, cũng như nhiều vấn đề khác.
Tôi muốn thêm một điều nữa vào những điều này, đó là làn gió chiến tranh đang thổi khắp thế giới, tiếp thêm nhiên liệu cho tinh thần chiến tranh đó – điều mà tôi thường gọi là “chiến tranh thế giới thứ ba từng phần”, hiện đang liên quan đến tất cả chúng ta.
Cần có một sự đảm nhận trách nhiệm chung và nghiêm túc. Chẳng có thử thách nào, chẳng có thách đố nào là quá lớn nếu chúng ta đối diện với nó từ sự hoán cải cá nhân, từ sự đóng góp mà mỗi chúng ta có thể thực hiện để vượt thắng nó, và từ nhận thức rằng mỗi chúng ta đều chung chia cùng một số phận. Chẳng ai có thể một mình đương đầu với thử thách; chỉ cùng nhau chúng ta mới có thể làm được điều đó, với tư cách là anh chị em, và là con cái Thiên Chúa.
Đó là lý do tại sao tôi luôn khuyến khích tất cả mọi người nam nữ thiện chí – tôi cũng muốn làm điều đó tại đây – và tôi nói với họ: đừng bỏ cuộc – đừng bỏ cuộc trước khó khăn – vì khó khăn là một phần của cuộc sống. Và cách tốt nhất để đối diện với khó khăn là luôn theo đuổi công ích, nhưng đừng bao giờ làm một mình, mà là luôn làm cùng nhau.
Trong khó khăn, điều tốt nhất hoặc tồi tệ nhất của chúng ta đều có thể phát sinh. Trong đó có sự thử thách. Chúng ta phải chống lại tính ích kỷ, tự kỷ ái mộ, và chia rẽ bằng lòng quảng đại, khiêm tốn, và đối thoại; hiệp nhất bao giờ cũng tốt hơn xung đột.
Đã đến lúc tìm ra sự thay đổi hướng tới hòa bình, sự thay đổi hướng tới tình huynh đệ. Đã đến lúc hạ vũ khí, để quay trở lại đối thoại và ngoại giao. Đã đến lúc chấm dứt các âm mưu chinh phục và xâm lược quân sự. Vì vậy, tôi nhắc lại: đừng chiến tranh nữa – đừng chiến tranh nữa.
Đã đến lúc chúng ta phải chung tay ngăn chặn thảm họa sinh thái trước khi quá muộn. Đó là lý do tại sao 10 năm sau Thông điệp Laudato Si’, tôi quyết định viết một tài liệu mới.
Chúng ta hãy dừng lại khi còn kịp – làm ơn hãy dừng lại khi còn thời gian.
Đây cũng là lúc cùng nhau đối diện với những tình huống khẩn cấp về di cư, hãy nhớ rằng chúng ta không nói về những con số mà về con người: đàn ông, phụ nữ và trẻ em. Khi nói về vấn đề di cư, chúng ta hãy nghĩ đến ánh mắt của những đứa trẻ mà chúng ta gặp trong các trại tị nạn. Đã đến lúc phải nghĩ về những em bé: về việc học hành, về sự chăm sóc dành cho chúng. Như ngài đã biết, thưa ngài Tổng thống, cuộc họp này bắt nguồn từ một dự án nhỏ tuyệt vời mà tôi rất quan tâm. Nó liên quan đến trẻ em và sức khỏe của chúng.
Ở Ý, ở Roma, gần Vatican, có một bệnh viện rất đặc biệt: Bệnh viện Nhi đồng Bambino Gesù. Trên thế giới bệnh viện này được biết đến là bệnh viện của Giáo hoàng, nhưng đối với tôi, đó không phải là lý do tại sao nó “độc nhất vô nhị”. Rõ ràng là bệnh viện nhỏ bé của chúng tôi không thể giải quyết được vấn đề bệnh tật của trẻ em trên khắp thế giới; tuy nhiên, bệnh viện này muốn trở thành một dấu chỉ, một chứng tá cho thấy làm thế nào để có thể – giữa rất nhiều nỗ lực – kết hợp nghiên cứu khoa học vĩ đại, nhằm mục đích chữa trị cho trẻ em, với việc tiếp nhận miễn phí những người cần giúp đỡ. Khoa học và lòng hiếu khách hiếm khi đồng hành với nhau trong cùng một lĩnh vực.
Ba năm trước – giữa tình trạng khẩn cấp của Covid – tôi đã rửa tội cho hai bé gái sinh đôi người Siam là Ervina và Prefina, hai bé dính nhau ở đầu và được các bác sĩ của Bệnh viện Bambino Gesù tách ra trong một ca phẫu thuật rất phức tạp; hai bé đến từ Trung Phi, nơi mà có lẽ các em đã chết, và hiện nay các em vẫn ổn; bệnh viện cũng làm như vậy với các cặp song sinh khác và với nhiều trẻ em thuộc các nước nghèo. Và tất cả đều miễn phí.
Bệnh viện chào đón trẻ em. Đó là vì sao máy bay trực thăng thường hạ cánh xuống sân bay trực thăng ở Vatican, cùng với trẻ em được đưa khẩn cấp từ nhiều nơi trên thế giới.
Trong những ngày tháng khủng khiếp bị chiến tranh tàn phá này, Bệnh viện Bambino Gesù đã chăm sóc hơn 2.000 bệnh nhân trẻ em Ukraine, những người đã trốn khỏi đất nước cùng với cha mẹ và người thân của mình.
Ngày nay hơn bao giờ hết, trong lãnh vực y tế, hình thức đầu tiên và cụ thể nhất của bác ái là khoa học: khả năng chữa lành mà tất cả mọi người đều có thể tiếp cận được. Do đó, Bambino Gesù là một dấu chỉ hiển nhiên về lòng bác ái và trắc ẩn của Giáo hội.
Có những bệnh nan y, nhưng không thể có trẻ em không được chữa trị. Chúng ta hãy nói rõ điều này – có những căn bệnh không thể chữa khỏi nhưng không thể có trẻ em không được chữa trị.
Đây là dấu ấn của Bệnh viện Bambino Gesù, đây là giấc mơ của bệnh viện, mong sao đó cũng là ước mơ của ngài. Nếu ngài muốn.
Xin cảm ơn ngài Tổng thống, cảm ơn quý vị, cầu chúc quý vị một ngày tốt lành. Xin cảm ơn.
2 câu trả lời của Đức Thánh Cha:
– Tôi quan tâm về cả hai vấn đề, trẻ em và biến đổi khí hậu.
– Xin hãy hành động vì biến đổi khí hậu trước khi quá muộn.
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: press.vatican.va (19. 09. 2023)