Diễn văn Đức Thánh Cha dành cho Ban lãnh đạo và nhân viên Bệnh viện nhi “Bambino Gesù”, năm 2024

Sáng ngày 16.03, Đức Thánh Cha đã tiếp khoảng 6.000 người, gồm các bác sĩ, y tá, nhân viên, ân nhân, thân nhân, và bệnh nhân của Bệnh viện nhi “Bambino Gesù”, nhân kỷ niệm 100 năm bệnh viện chính thức thuộc Toà Thánh.

Được biết, “Bambino Gesù” là bệnh viện nhi đầu tiên ở Ý, do gia đình quận công Salviati thành lập năm 1869.  Sau đó, vào năm 1924, gia đình Salviati đã tặng bệnh viện này cho Tòa Thánh, và từ đó trở thành Bệnh viện của Giáo hoàng. Sau đây là toàn văn Việt ngữ bài Diễn văn của Đức Thánh Cha:

DIỄN VĂN ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
DÀNH CHO BAN LÃNH ĐẠO VÀ NHÂN VIÊN BỆNH VIỆN NHI “BAMBINO GESÙ”

Thính Đường Phaolô VI
Thứ Bảy, ngày 16 tháng 03 năm 2024

Anh chị em thân mến, chào mừng anh chị em!

Tôi rất vui được gặp anh chị em nhân kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Bệnh viện nhi “Bambino Gesù”. Một thế kỷ trước, Bệnh viện được gia đình Salviati tặng cho Tòa thánh: Lần đầu tiên một bệnh viện thực sự được dành riêng cho trẻ em. Đức Piô XI đã đón nhận món quà này, và ngài là người nhìn thấy tặng phẩm này thể hiện lòng bác ái của Giáo hoàng và của Giáo hội đối với các bệnh nhân nhỏ bé, và từ đó trở đi, được gọi là “Bệnh viện của Giáo hoàng”.

Giờ đây, chúng ta hãy dừng lại một chút để suy tư với lòng biết ơn về hoa trái phong phú của Bệnh viện, vốn đã có lịch sử phát triển hơn một thế kỷ, trong việc nêu bật ba khía cạnh: Sự cho đi, sự chăm sóc,  cộng đoàn.

Khía cạnh thứ nhất: Sự cho đi. Ngày nay “Bambino Gesù” là một trong những trung tâm nghiên cứu và chăm sóc nhi khoa lớn nhất ở châu Âu, là điểm tham khảo cho các gia đình đến từ khắp nơi trên thế giới. Tuy nhiên, yếu tố cho đi, với các giá trị nhưng không, quảng đại, sẵn sàng, và khiêm tốn, vẫn là yếu tố nền tảng trong lịch sử và ơn gọi của bệnh viện. Về vấn đề này, thật tốt đẹp khi nhớ lại cử chỉ của những người con của Nữ công tước Arabella Salviati, những người, mà vào khởi đầu lịch sử của bệnh viện, đã đưa cho mẹ mình hộp đựng tiền như một món quà để xây dựng một bệnh viện dành cho trẻ em: điều này nói lên rằng, công trình vĩ đại này cũng dựa trên những món quà khiêm tốn, giống như món quà của những em bé này vì lợi ích của những người bạn đồng trang lứa đang bị đau bệnh. Và cùng quan điểm đó, trong thời đại chúng ta, thật tốt đẹp khi nhắc đến sự quảng đại của nhiều nhà hảo tâm, nhờ vậy, có thể xây dựng một Trung tâm Chăm sóc Giảm nhẹ ở Passoscuro cho những bệnh nhân nhi mắc các bệnh nan y.

Chỉ trong nhãn quan này, người ta mới có thể hiểu hết giá trị của những gì anh chị em làm, từ những việc nhỏ nhất đến những việc lớn nhất, và tiếp tục mơ ước cho tương lai. Chẳng hạn, chúng ta hãy nghĩ đến viễn cảnh về một trụ sở mới ở Roma, nơi vừa mới xây dựng cơ sở, với thỏa thuận giữa Tòa thánh và Nhà nước Ý. Cũng thế, cam kết kinh tế thông thường và ngoại thường đặc biệt liên quan đến việc bảo vệ và bảo trì các công trình và thiết bị; đến việc đảm bảo chất lượng chuyên môn của các bác sĩ và những người điều hành; đến nghiên cứu khoa học; đến việc tiếp nhận những trẻ em nghèo từ khắp nơi trên thế giới, không phân biệt hoàn cảnh xã hội, quốc tịch hoặc tôn giáo. Trong tất cả những điều này, sự cho đi là một yếu tố không thể thiếu trong con người và hành động của anh chị em.

Khía cạnh thứ hai: sự chăm sóc. Khoa học, và kết quả là khả năng điều trị, có thể nói, là nhiệm vụ đầu tiên đặc trưng của Bệnh viện “Bambino Gesù” hiện nay. Đây là câu trả lời hiển nhiên mà anh chị em đáp lại trước những yêu cầu chân thành từ những gia đình đang được giúp đỡ, và nếu có thể, chữa lành cho con cái họ. Do đó, sự trổi vượt trong nghiên cứu y sinh là rất quan trọng. Tôi khuyến khích anh chị em hãy nhiệt thành trau dồi nghiên cứu để cống hiến những gì tốt nhất, và đặc biệt lưu tâm đến những người yếu đuối nhất, chẳng hạn như những bệnh nhân mắc những chứng bệnh nghiêm trọng, hiếm gặp hoặc cực kỳ hiếm gặp. Không những thế, để khoa học và chuyên môn không còn là đặc quyền của một số ít, tôi mong anh chị em tiếp tục chia sẻ thành quả nghiên cứu của mình cho mọi người, nhất là những nơi cần nhất, ví dụ như anh chị em làm bằng cách góp phần vào việc đào tạo bác sĩ và y tá của Châu Phi, Châu Á và Trung Đông.

Về vấn đề chăm sóc, chúng ta biết rằng bệnh tình của một đứa trẻ ảnh hưởng đến tất cả các thành viên trong gia đình. Vì vậy, thật là một niềm an ủi lớn lao khi biết rằng có rất nhiều gia đình được hỗ trợ bởi các dịch vụ của anh chị em, được chào đón tại các cơ sở liên kết với bệnh viện, và được điều tiết bởi sự tử tế và gần gũi của anh chị em. Đây là một yếu tố cần và đủ không bao giờ được bỏ qua, mặc dù tôi biết rằng đôi khi anh chị em làm việc trong những điều kiện khó khăn. Thà chúng ta hy sinh một điều gì đó khác, hơn là bỏ qua lòng tốt và sự dịu dàng. Sẽ không có sự quan tâm chăm sóc nếu không có mối tương quan, sự gần gũi và dịu dàng ở mọi cấp độ.

Và cuối cùng, chúng ta đến điểm thứ ba: cộng đoàn. Một trong những cách diễn đạt đẹp nhất mô tả sứ mạng của “Bambino Gesù” là “Những cuộc đời giúp ích cho cuộc sống”. Điều này đẹp vì nó nói lên sứ mạng được cùng nhau thực hiện, một hành động chung trong đó món quà của mỗi người tìm thấy chỗ của mình. Đây là sức mạnh thực sự của anh chị em và là điều kiện tiên quyết để anh chị em đối diện với những thách đố khó khăn nhất. Thật vậy, công việc của anh chị em không giống như nhiều công việc khác: đây là một sứ mạng mà mỗi người thực hiện theo một cách khác nhau. Đối với một số người, công việc này đòi sự cống hiến cả cuộc đời; đối với những người khác, là sự cống hiến thời gian làm tình nguyện viên; đối với những người khác nữa, là việc hiến máu, sữa – cho những trẻ sơ sinh nhập viện mà người mẹ không có thể cung cấp -, và thậm chí cả món quà là nội tạng, tế bào và mô, do người còn sống hiến tặng hoặc lấy từ thi thể của những người đã chết. Tình yêu thúc đẩy một số bậc cha mẹ thực hiện hành vi anh hùng bằng cách đồng ý hiến tạng của những đứa con đã qua đời. Trong tất cả những điều này, điều nổi lên là “sự cùng nhau” trong đó những món quà khác nhau góp phần mang lại lợi ích cho các bệnh nhân nhi.

Anh chị em thân mến, tôi xin thú nhận rằng, khi đến “Bambino Gesù” tôi cảm nhận hai cảm xúc trái ngược nhau: Trong khi cảm thấy xót xa trước nỗi khổ của những trẻ em đau bệnh cũng như của cha mẹ các em, thì đồng thời, tôi cũng cảm thấy tràn trề hy vọng, khi chứng kiến những gì đang được thực hiện để chữa trị cho các em. Xin cảm ơn! Xin cảm ơn anh chị em vì tất cả những điều này. Hãy tiếp tục tiến bước trong công việc phúc lành này. Tôi ưu ái ban phép lành cho anh chị em, và cầu nguyện cho anh chị em. Và xin anh chị em cũng nhớ cầu nguyện cho tôi. Cảm ơn.

[Những lời của Đức Thánh Cha ở cuối bài diễn văn]

Bây giờ tôi sẽ ban phép lành cho mọi người: bệnh nhân, bác sĩ, y tá và tất cả những ai làm việc tại Bệnh viện này và cho Bệnh viện này. Chúng ta hãy cầu xin Đức Mẹ giúp chúng ta tiến về phía trước. Kính mừng Maria…

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: vatican.va (16. 03. 2024)