Đọc Thư của Đức Thánh Cha Phanxicô gửi các đôi vợ chồng

  1. Nhân dịp Lễ Thánh Gia năm nay, 26/12/021, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi thư cho các cặp vợ chồng. Tại sao ngài lại gửi vào dịp này?

Đức Thánh Cha gửi thư cho các cặp vợ chồng vì năm nay là Năm Gia đình Amoris laetitia, kỷ niệm 5 năm ngài ban hành Tông huấn Amoris laetitia – Niềm Vui của Tình Yêu, đồng thời Đức Thánh Cha quan tâm nhiều đến hoàn cảnh khó khăn của các gia đình trong đại dịch Covid-19. Ngài viết: “Nhân dịp Năm Gia đình Amoris Laetitia, cha viết thư này để bày tỏ tình cảm sâu sắc và sự gần gũi của cha với các con vào thời điểm rất đặc biệt này. Gia đình luôn ở trong tâm tư và lời cầu nguyện của cha, nhưng đặc biệt là trong thời kỳ đại dịch, đã khiến tất cả mọi người phải chịu thử thách, cách riêng là những người dễ bị tổn thương nhất. Hoàn cảnh hiện tại khiến cha muốn đồng hành cách khiêm tốn, trìu mến và cởi mở với mỗi cá nhân, các cặp vợ chồng và gia đình trong mọi tình huống mà các con đang trải qua”.

  1. Lá thư này có điều gì đặc biệt?

Điều đặc biệt là Đức Thánh Cha vận dụng câu chuyện tổ phụ Abraham được Chúa kêu gọi để tâm tình với các gia đình. Người ta hay dùng câu chuyện này để nói về ơn gọi linh mục, tu sĩ, nhưng Đức Thánh Cha lại dùng để nói về ơn gọi hôn nhân, gia đình:

“Chúng ta được mời gọi áp dụng cho chính mình tiếng gọi mà tổ phụ Abraham đã nhận được từ nơi Chúa, là rời bỏ xứ sở và quê cha đất tổ để đi đến một vùng đất xa lạ mà chính Thiên Chúa sẽ chỉ cho ông (x. St 12, 1)…. Giống như Abraham, tất cả những người chồng và người vợ “lên đường” từ mảnh đất riêng của mình khi họ quyết định hiến thân cho nhau mà không tính toán để đáp lại ơn gọi tình yêu vợ chồng. Đính hôn đồng nghĩa với việc các con phải rời khỏi mảnh đất của riêng mình, vì nó đòi hỏi các con phải cùng nhau đi trên con đường dẫn đến hôn nhân. Những hoàn cảnh khác nhau trong cuộc sống, thời gian trôi qua, sự xuất hiện của con cái, công việc và bệnh tật, tất cả đều thách thức các cặp vợ chồng chấp nhận cam kết của họ với nhau một lần nữa, bỏ lại những thói quen ổn định, sự chắc chắn và an toàn, và lên đường hướng tới miền đất mà Thiên Chúa hứa: trở thành hai trong Đức Kitô, hai trong một. Cuộc sống của các con trở thành một cuộc sống duy nhất; các con trở thành một “chúng tôi” trong sự hiệp thông yêu thương với Chúa Giêsu, Đấng đang sống và hiện diện trong mọi khoảnh khắc của cuộc sống các con. Thiên Chúa luôn ở bên các con, yêu thương các con vô điều kiện. Các con không cô độc!”

  1. Sau khi kết hôn, sinh con là niềm vui lớn cho đôi vợ chồng trẻ nhưng cũng là trách nhiệm nặng nề. Đức Thánh Cha nhắn nhủ điều gì về việc này?

Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến việc giáo dục con cái bằng gương sáng đời sống: “Các cặp vợ chồng thân mến, hãy biết rằng con cái của các con – đặc biệt là những em bé- chăm chú quan sát các con; chúng tìm kiếm nơi các con những dấu chứng của một tình yêu mạnh mẽ và đáng tin cậy…. Con cái luôn là một món quà, chúng thay đổi lịch sử của mọi gia đình. Chúng khát khao tình yêu, lòng biết ơn, sự quý trọng và tin tưởng. Việc trở nên bậc sinh thành mời gọi các con truyền cho con cái niềm vui khi khám phá ra mình là con cái Thiên Chúa, những người con của một người Cha luôn yêu thương cách dịu dàng và là người nắm tay chúng mỗi ngày mới. Khi biết được điều này, con cái các con sẽ lớn lên trong đức tin và sự phó thác vào Chúa.

“Gia đình vẫn là môi trường giáo dục đầu tiên, thông qua những cử chỉ nho nhỏ nhưng lại hùng hồn hơn lời nói. Giáo dục trên hết là đồng hành với tiến trình trưởng thành, hiện diện bằng nhiều cách khác nhau, giúp con cái nhận ra rằng chúng luôn có thể cậy dựa vào cha mẹ… Trẻ em cần cảm giác an toàn để giúp chúng tin tưởng vào các con, vào vẻ đẹp của cuộc sống chung, và vào sự chắc chắn rằng chúng sẽ không bao giờ đơn độc, dù bất cứ điều gì có thể xảy ra”.

  1. Đức Thánh Cha nói đến niềm vui của tình yêu hôn nhân, nhưng thực tế là các gia đình phải đối diện với nhiều khó khăn, vậy ngài có lời khuyên nào cho các gia đình, nhất là các đôi vợ chồng trẻ?

Chắc chắn Đức Thánh Cha biết đến những khó khăn, thử thách trong đời sống gia đình. Ngài mời gọi các gia đình Công giáo hãy mời Chúa vào trong nhà mình. Ngài nói: “Là một thiên chức, hôn nhân mời gọi các con chèo lái con thuyền nhỏ bé vượt qua đại dương đôi khi giông bão. Có bao nhiêu lần, giống như các tông đồ, các con muốn nói, hay đúng hơn là kêu lên: “Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi, Thầy chẳng lo gì sao?” (Mc 4, 38). Tuy nhiên, chúng ta đừng bao giờ quên rằng nhờ bí tích Hôn phối, Chúa Giêsu đang hiện diện trên con thuyền đó; Người quan tâm đến các con và Người vẫn ở bên cạnh các con giữa giông bão…

Trong một đoạn Tin Mừng khác, khi đang khó khăn chèo chống, các tông  đồ thấy Chúa Giêsu đi trên mặt nước để đến với họ và họ đã đón Người lên thuyền. Bất cứ khi nào các con bị sóng gió và bão tố quật ngã, hãy làm điều tương tự: hãy đón Chúa Giêsu vào thuyền của mình, vì một khi Người đã “xuống thuyền với họ… thì gió lặng” (Mc 6, 51). Điều quan trọng là các con cùng nhau nhìn chăm chú vào Chúa Giêsu. Chỉ bằng cách này, các con mới tìm thấy sự bình yên, vượt thắng những xung đột và khám phá ra giải pháp cho nhiều vấn đề của mình. Những vấn đề đó, tất nhiên, sẽ không biến mất, nhưng các con sẽ có thể nhìn chúng từ một góc độ khác… Hãy nhìn nhận sự yếu đuối và bất lực của mình khi đối diện với quá nhiều tình huống xung quanh các con, nhưng đồng thời hãy chắc chắn rằng quyền năng của Chúa Kitô sẽ được thể hiện qua sự yếu đuối của các con (x. 2 Cr 12, 9). Chính giữa cơn bão tố, các tông đồ đã nhận ra vương quyền và thần tính của Chúa Giêsu, và học cách tín thác nơi Người”. 

  1. Từ hai năm nay, cả thế giới bị Covid-19 tấn công và đến nay vẫn diễn biến phức tạp. Hầu hết các gia đình đều bị ảnh hưởng nặng nề vì đại dịch. Đức Thánh Cha Phanxicô nghĩ thế nào về thực tế này?

Đức Thánh Cha đã nhiều lần lên tiếng về đại dịch Covid-19, kêu gọi mọi người phải liên đới với nhau để vượt qua đại dịch. Đối với các gia đình Công giáo, ngài nhắn nhủ thế này:

“Cha nghĩ đến một số khó khăn  cơ hội mà các gia đình đã trải qua trong thời kỳ đại dịch hiện nay. Ví dụ, việc phong toả có nghĩa là có nhiều thời gian hơn để ở bên nhau và cho thấy đây là cơ hội duy nhất để vun đắp sự đối thoại trong gia đình. Đương nhiên, điều này đòi hỏi một bài tập cụ thể của sự kiên nhẫn.

Thật không dễ dàng để ở bên nhau cả ngày, khi mọi người đều phải làm việc, học hành, thư giãn và nghỉ ngơi trong cùng một ngôi nhà. Đừng để bản thân bị khuất phục bởi sự mệt mỏi: ước gì sức mạnh của tình yêu có thể giúp các con quan tâm đến người khác – người bạn đời, con cái của các con – hơn là những nhu cầu và mối bận tâm của chính mình. Có như vậy, thời gian ở bên nhau thay vì là một sự đền tội, sẽ trở thành nơi nương tựa giữa giông tố. Ước mong mọi gia đình là nơi của sự đón nhận và thấu hiểu.

Hãy suy nghĩ về lời khuyên mà cha đã dành cho các con về tầm quan trọng của ba từ đơn sơ: “làm ơn, cảm ơn, xin lỗi”. Sau mỗi cuộc tranh cãi, “đừng bao giờ kết thúc một ngày mà không làm hòa“. Đừng xấu hổ khi cùng nhau quỳ gối trước Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể, để tìm thấy một chút bình yên và để nhìn vào nhau với sự dịu dàng và nhân hậu. Hoặc khi một người trong các con hơi tức giận, hãy nắm tay người ấy và cố nở một nụ cười đồng lõa. Các con cũng có thể cùng nhau đọc một lời cầu nguyện ngắn vào mỗi tối trước khi đi ngủ, với Chúa Giêsu ở bên cạnh các con”. 

  1. Nếu đã cố gắng nhưng gia đình vẫn đổ vỡ thì sao?

Đức Thánh Cha không lên án nhưng ngài kêu gọi hãy tiếp tục kiên trì trong đời sống đức tin. Ngài nói:

“Nhiều người thậm chí đã trải nghiệm sự đổ vỡ của một mối tương quan vì phải đối diện với cuộc khủng hoảng mà họ cảm thấy khó hoặc không thể dàn xếp được. Cha cũng muốn họ cảm nhận được sự gần gũi và tình cảm của cha.

Hôn nhân tan vỡ gây ra đau khổ vô cùng, vì nhiều hy vọng bị tiêu tan, và những hiểu lầm có thể dẫn đến tranh cãi và những tổn thương không dễ hàn gắn. Con cái cuối cùng phải gánh chịu nỗi đau khi thấy cha mẹ không còn bên nhau. Vì vậy, hãy tiếp tục tìm kiếm sự giúp đỡ để các con có thể vượt qua xung đột và ngăn chặn tổn thương nhiều hơn cho các con và con cái. Chúa Giêsu, với lòng thương xót vô bờ, sẽ soi dẫn các con tiến bước giữa muôn vàn khó khăn và đau buồn. Hãy tiếp tục cầu nguyện nài xin sự trợ giúp của Người, và tìm kiếm nơi Người một nơi nương tựa và ánh sáng cho cuộc hành trình…

Cũng nên nhớ rằng sự tha thứ sẽ chữa lành mọi vết thương. Tha thứ cho nhau là hoa trái của một quyết định nội tâm đến từ sự trưởng thành trong lời cầu nguyện, trong tương quan của chúng ta với Thiên Chúa. Đó là một món quà được tuôn trào từ ân sủng mà Chúa Kitô tuôn đổ trên các cặp vợ chồng bất cứ khi nào họ hướng về Người và để cho Người hành động. Chúa Kitô “cư trú” trong cuộc hôn nhân của các con và Người luôn chờ đợi các con mở lòng ra với Người, để Người có thể nâng đỡ các con, như Người đã dành cho các tông đồ trên thuyền, bằng quyền năng tình yêu của Người. Tình yêu phàm nhân của chúng ta thật yếu ớt; nó cần sức mạnh của tình yêu trung thành của Chúa Giêsu. Với Người, các con thực sự có thể xây “nhà trên đá” (Mt 7, 24). 

  1. Với các bạn trẻ chuẩn bị kết hôn, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắn nhủ điều gì, nhất là trong hoàn cảnh hiện nay?

Đúng thế, Đức Thánh Cha không quên những người trẻ đang chuẩn bị kết hôn. Ngài nói với họ: “Ngay cả trước khi đại dịch xảy ra, việc các cặp đôi đính hôn lên kế hoạch cho tương lai cũng chẳng dễ dàng gì vì khó tìm được việc làm ổn định. Giờ đây, thị trường lao động thậm chí còn bấp bênh hơn, cha khuyến khích các cặp đôi đã đính hôn đừng nản lòng, nhưng hãy có “sự can đảm sáng tạo” như Thánh Giuse đã thể hiện, người mà cha đã muốn tôn vinh trong Năm dành riêng cho ngài. Trên hành trình tiến tới hôn nhân, hãy luôn tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa, dù khả năng của các con có hạn chế, vì “đôi khi chính những khó khăn lại mang đến cho mỗi chúng ta những nguồn lực mà chúng ta chưa bao giờ nghĩ rằng mình có. Đừng ngần ngại dựa vào gia đình và bạn bè của các con, vào cộng đoàn giáo hội, vào giáo xứ, để giúp các con chuẩn bị cho cuộc sống hôn nhân và gia đình bằng cách học hỏi từ những người đã trải qua lộ trình mà các con đang bắt đầu”. 

  1. Các đôi vợ chồng có thể đóng góp điều gì cho đời sống và sứ mạng của Hội Thánh?

Trước hết, Đức Thánh Cha nói đến vai trò của giáo dân trong Hội Thánh: “Như cha đã lưu ý, chúng ta ngày càng nhận thức được căn tính và sứ mạng của giáo dân trong Giáo hội và xã hội. Các con có sứ mạng biến đổi xã hội bằng sự hiện diện của các con tại nơi làm việc và đảm bảo rằng các nhu cầu của gia đình được quan tâm đúng mức”.

Tiếp theo, ngài nhấn mạnh vai trò của các cặp vợ chồng trong mục vụ hôn nhân: “Vì vậy, cha khuyến khích các con, các cặp vợ chồng thân mến, hãy tích cực hoạt động trong Giáo Hội, đặc biệt là trong việc chăm sóc mục vụ gia đình. Tinh thần đồng trách nhiệm đối với sứ mạng của Giáo Hội đòi hỏi các cặp vợ chồng và các thừa tác viên được thụ phong, đặc biệt là các giám mục, hợp tác với nhau cách hiệu quả trong việc quan tâm chăm sóc các Giáo hội tại gia”. Đừng bao giờ quên rằng gia đình là “tế bào nền tảng của xã hội”. 

Kết thúc lá thư, Đức Thánh Cha kêu gọi các đôi vợ chồng: “Hãy sống hết mình với ơn gọi của mình. Đừng bao giờ để khuôn mặt của các con trở nên buồn bã hoặc ảm đạm. Chồng / vợ của con cần nụ cười của con. Con cái các con cần những cái nhìn động viên của các con. Các linh mục và các gia đình khác cần sự hiện diện và niềm vui của các con: niềm vui đến từ Đức Chúa! Cha chào tất cả các con với lòng trìu mến, và cha khuyến khích các con thực hiện sứ mạng mà Chúa Giêsu đã giao phó cho chúng ta, kiên trì trong lời cầu nguyện và trong việc “bẻ bánh” (Cv 2, 42).

Thiên Triệu

Nguồn: giaophanmytho.net (31.12.2021)