Chuyện Phiếm đọc trong tuần thứ 3 Phục Sinh năm B 19/04/2015
“Đôi khi ta muốn thoát ly, “
Đi thật xa khỏi khung trời này,
Lên rừng làm bạn vui với hươu nai
Đôi khi ta muốn thoát ly,
Đi thật xa khỏi cuộc đời này,
Xa lìa chuyện ganh đua với chê bai”.
(Lê Hựu Hà – Đôi khi Ta Muốn Khóc)
(Mt 5: 46-47)
Có nhiều lúc ngồi buồn nghĩ rất nhiều thứ chuyện. Chuyện vui cũng có. Chuyện buồn còn nhiều hơn. Buồn vui cuộc đời, là chuyện thường ngày ở huyện nhà, trọn đời người. Một trong các chuyện buồn chán ấy, lại đã thấy, ở câu hát bên dưới hôm nay:
“Đôi khi ta muốn khóc khi thấy
Con người không biết thương đồng loại
Con người thường khoe khoang rất khôn ngoan
Đôi khi ta muốn khóc,
Khi thấy nhân loại tranh miếng ăn từng ngày,
Vui lòng chịu luồn cúi dưới chân ai.”
(Lê Hựu Hà – bđd)
Nói gì thì nói. Hát gì thì hát. Nếu nghệ sĩ mình chỉ hát những điệu buồn dân-gian của cuộc đời, thật cũng chán. Cũng may là, trong cái chán của bài hát, ngoài ý lời ra, còn giòng chảy tiết-điệu làm người nghe nhạc bản đáng chán nào đó cũng bớt được những tâm tình chán nản đến quên đời. Quên cả những ngày đời mà người hát cứ phải giáp mặt, chạy đâu thoát.
Đó còn là ý/lời của câu hát tiếp theo sau:
“Trong mơ ta luôn khát khao,
Một thế giới yên vui đầy dẫy tình người.
Với bao con tim chân thành và nhân ái.
Trong mơ ta luôn khát khao,
Câu nói thương yêu không một chút lọc lừa
Để ta nghe thương cuộc đời hơn nữa.
Để ta nghe thương con người nhiều hơn xưa.
Đôi khi ta thấy chán chê,
Khi tình thương đã không tồn tại,
Nhân tình tựa như gió thoảng mây bay
Đôi khi ta thấy xót xa,
Khi nhìn anh chiến binh mù loà
Nghe cuộc đời khoe khoang với ba hoa
(Lê Hựu Hà – bđd)
Thế mới biết, hết chán rồi lại ngán. Chán ngán đến mê mệt. Chán đến độ buồn đời rồi chán sống. Thế đó là cuộc đời. Thế nhưng, lại có những buồn/chán đến độ rất nản, khiần nhiều người lại tìm thấy ở đâu đó có giòng chảy khiến người và mình, bớt đi nỗi buồn/chán phát khiếp. Đó, còn là tâm trạng của người nghệ sĩ cứ hát mãi câu sau làm đoạn kết cho bài ca rất đáng chán như:
“Trong mơ ta luôn khát khao một thế giới yên vui
Nghe cuộc đởi khoe khoang với ba hoa
Mai đây ta sẽ bỏ đi, đi thật xa khỏi khung trời này
Lên rừng làm bạn thân với hươu nai
Mai đây ta sẽ bỏ đi, đi thật xa khỏi cuộc đời này
Xa lìa chuyện ganh đua với chê bai
La là là la lá lá la la………..”
(Lê Hựu Hà – bđd)
Thôi thì, đề nghị bạn/đề nghị tôi, ta nghe câu truyện kể ở đoạn tiếp trước khi đi vào những chuyện thần sầu rất đáng chán, như chuyện triết-thần nhà Đạo mình. Kể những truyện là kể như sau:
“Một người không rõ về vận mệnh, đem thắc mắc của mình đi bái kiến vị thiền sư nọ
-Thầy nói xem trên đời này có vận mệnh không?
-Có.
– Nhưng, vận mệnh của con ở đâu?
Vị thiền sư kêu anh ta xoè tay trái ra, chỉ anh ta xem và nói:
-Con thấy rõ chưa? Đường này là đường tình cảm, đường này là đường sự nghiệp, còn đường kia là đường sinh-mệnh.
Sau đó, vị thiền sư kêu anh ta từ từ nắm tay lại, cho thật chặt. Thiền sư hỏi:
-Con nói xem, những đường đó nằm ở đâu rồi?
Anh ta mơ hồ bảo:
-Trong tay con này.
-Con hiểu vận mệnh của con ở đâu rồi chứ?
Anh ta mỉm cười nhận ra, thì ra vận mệnh nằm trong tay mình.” (trích truyện do bạn bè gửi)
Có thể là, bạn và tôi, ta chẳng tin chuyện “vận mệnh” với “số phận” như các bạn đạo thuộc tôn-giáo khác vẫn lấy đó làm lý-tưởng sống. Cũng có thể, tôi và bạn lại suy-nghĩ rất “lung” về đời người và người đời, nhiều lúc thấy đầu óc không mang mặc một tư-tưởng nào hết.
Cũng có thể, tôi và bạn, ta từng đa nghi hết tất cả. Và không còn tin vào những chuyện cao-siêu/nhiệm-mầu, rất khác lạ. Khác và lạ, là ở chỗ: cứ nghe mãi mà tai mình vẫn không thấy quen. Và cũng có thể, là tai tôi và tai bạn, nay có vấn-đề cần chỉnh-sửa để ta có thể nghe đủ mọi chuyện và mọi thứ. Cả những thứ lâu rày mình chẳng thích nghe.
Và đây, là một trong những thứ, mà bày tôi đây thường chẳng muốn nghe bao giờ hết. Đó, là truyện kể rất tinh mơ nhưng lại cũng xưa/cũ như bao giờ, vì cái ông có tên gọi là “Vũ Như Cẫn” rất quen thuộc ở đâu đó, trong đời thường. Tỉ như câu truyện kể rất khó nghe sau đây:
“Tôi đã tìm một người thầy thông thái và đạo hạnh xin chỉ bảo:
-Vì sao những người lương thiện như con lại thường xuyên cảm thấy khổ, mà những người độc ác lại cứ sống tốt như vậy?
Thầy thông-thái hiền hòa nhìn tôi rồi trả lời:
-Nếu một người trong lòng cảm thấy khổ, điều đó nói lên rằng trong tâm người này có tồn tại một điều ác tương-ứng. Nếu một người trong nội-tâm không có điều ác nào, như vậy, người này sẽ không có cảm-giác thống-khổ. Vì thế, căn cứ theo đạo-lý này, con thường cảm thấy khổ, nghĩa là nội-tâm của con vẫn tồn-tại điều ác, con không phải là người lương-thiện thật sự. Và, những người con cho rằng là người ác, lại chưa hẳn là người thật sự ác.
Một người có thể vui vẻ mà sống, ít nhất nói rõ người này không phải là người ác thật sự.
Có cảm-giác như bị xúc-phạm, tôi không phục, liền nói:
-Con sao có thể là người ác được? Gần đây, tâm con rất lương-thiện mà!
Thầy trả lời:
-Nội-tâm không ác thì không cảm thấy khổ, con đã cảm thấy khổ, nghĩa là trong tâm con đang tồn-tại điều ác. Con hãy nói về nỗi khổ của con, ta sẽ nói cho con biết, điều ác nào đang tồn-tại trong con.
Tôi nói:
-Nỗi khổ của con thì rất nhiều! Có khi cảm thấy tiền lương thu nhập rất thấp, nhà ở cũng không đủ rộng, thường xuyên có “cảm giác thua thiệt” bởi vậy trong tâm con thường cảm thấy không thoải-mái, cũng hy-vọng mau chóng có thể cải-biến tình-trạng này; trong xã-hội, không ít người căn-bản không có văn-hóa gì, lại có thể lưng quấn bạc triệu, con không phục; một trí-thức văn-hóa như con, mỗi tháng lại chỉ có một chút thu-nhập, thật sự là không công-bằng; người thân nhiều lúc không nghe lời khuyên của con, con cảm thấy không thoải-mái…
Cứ như vậy, lần lượt tôi kể hết với thầy những nỗi thống-khổ của mình.
Thầy gật đầu, mỉm cười, một nụ cười rất nhân-từ, đôn-hậu, người từ-tốn nói với tôi:
-Thu-nhập hiện-tại của con đã đủ nuôi sống chính con và gia-đình. Con còn có cả phòng ốc để ở, căn-bản là đã không phải lưu-lạc nơi đầu đường xó chợ, chỉ là diện-tích hơi nhỏ một chút, con hoàn-toàn có thể không phải chịu những khổ-tâm ấy.
-Nhưng, bởi vì nội-tâm con có lòng tham đối với tiền tài và của cải, cho nên mới cảm thấy khổ. Loại lòng tham này là ác tâm, nếu con có thể vứt bỏ ác tâm ấy, con sẽ không vì những điều đó mà cảm thấy khổ nữa.
Trong xã-hội có nhiều người thiếu văn-hóa nhưng lại phát tài, rồi con lại cảm thấy không phục, đây chính là tâm đố-kị. Tâm đố-kị cũng là một loại ác tâm. Con tự cho mình là có văn-hóa, nên cần phải có thu-nhập cao, đây chính là tâm ngạo-mạn. Tâm ngạo-mạn cũng là ác tâm. Cho rằng có văn-hóa thì phải có thu-nhập cao, đây chính là tâm ngu si; bởi vì văn-hóa không phải là căn-nguyên của sự giàu có, kiếp trước làm việc thiện mới là nguyên-nhân cho sự giàu có của kiếp này. Tâm ngu si cũng là ác tâm!
Người thân không nghe lời khuyên của con, con cảm thấy không thoải mái, đây là không rộng lượng. Dẫu là người thân của con, nhưng họ vẫn có tư-tưởng và quan-điểm của riêng mình, tại sao lại cưỡng cầu tư-tưởng và quan-điểm của họ bắt phải giống như con? Không rộng-lượng sẽ dẫn đến hẹp hòi. Tâm hẹp-hòi cũng là ác tâm.
Sư phụ tiếp tục mỉm cười:
-Lòng tham, tâm đố-kỵ, ngạo-mạn, ngu-si, hẹp-hòi, đều là những ác tâm. Bởi vì nội-tâm của con chứa đựng những ác tâm ấy, nên những thống-khổ mới tồn-tại trong con. Nếu con có thể loại-trừ những ác tâm đó, những thống-khổ kia sẽ tan thành mây khói.”
Con đem niềm vui và thỏa-mãn của mình đặt lên tiền thu-nhập và của cải, con hãy nghĩ lại xem, căn-bản con sẽ không chết đói và chết cóng; những người giàu có kia, thật ra cũng chỉ là không chết đói và chết cóng. Con đã nhận ra chưa, con có hạnh-phúc hay không, không dựa trên sự giàu có bên ngoài, mà dựa trên thái-độ sống của con mới là quyết-định. Nắm chắc từng giây phút của cuộc đời, sống với thái-độ lạc-quan, hòa-ái, cần cù để thay thế lòng tham, tính đố kỵ và ích kỷ; nội tâm của con sẽ dần chuyển hóa, dần thay đổi để thanh thản và bình an hơn.
-Trong xã hội, nhiều người không có văn hóa nhưng lại giàu có, con hãy nên vì họ mà vui vẻ, nên cầu chúc họ càng giàu có hơn, càng có nhiều niềm vui hơn mới đúng. Người khác đạt được, phải vui như người đó chính là con; người khác mất đi, đừng cười trên nỗi đau của họ. Người như vậy mới được coi là người lương thiện! Còn con, giờ thấy người khác giàu con lại thiếu vui, đây chính là tâm đố kị. Tâm đố kị chính là một loại tâm rất không tốt, phải kiên quyết tiêu trừ!”
-Con cho rằng, con có chỗ hơn người, tự cho là giỏi. Đây chính là tâm ngạo mạn. Có câu nói rằng: “Ngạo mạn cao sơn, bất sinh đức thủy” (nghĩa là: ngọn núi cao mà ngạo mạn, sẽ không tạo nên loại nước tốt) người khi đã sinh lòng ngạo mạn, thì đối với thiếu sót của bản thân sẽ như có mắt mà không tròng, vì vậy, không thể nhìn thấy bản thân có bao nhiêu ác tâm, sao có thể thay đổi để tốt hơn. Cho nên, người ngạo mạn sẽ tự mình đóng cửa chặn đứng sự tiến bộ của mình. Ngoài ra, người ngạo mạn sẽ thường cảm thấy mất mát, dần dần sẽ chuyển thành tự ti. Một người chỉ có thể nuôi dưỡng lòng khiêm tốn, luôn bảo trì tâm thái hòa ái từ bi, nội tâm mới có thể cảm thấy tròn đầy và an vui.
-Kiếp trước làm việc thiện mới chính là nguyên nhân cho sự giàu có ở kiếp này, (trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu). Mà người thường không hiểu được nhân quả, trồng dưa lại muốn được đậu, trồng đậu lại muốn được dưa, đây là thể hiện của sự ngu muội. Chỉ có người chăm học Phật Pháp, mới có được trí huệ chân chính, mới thật sự hiểu được nhân quả, quy luật tuần hoàn của vạn vật trong vũ trụ, nội tâm mới có thể minh tỏ thấu triệt. Để từ đó, biết làm thế nào lựa chọn tư tưởng, hành vi và lời nói của mình cho phù hợp. Người như vậy, mới có thể theo ánh sáng hướng đến ánh sáng, từ yên vui hướng đến yên vui.”
-Bầu trời có thể bao dung hết thảy, nên rộng lớn vô biên, ung dung tự tại; mặt đất có thể chịu đựng hết thảy, nên tràn đầy sự sống, vạn vật đâm chồi! Một người sống trong thế giới này, không nên tùy tiện xem thường hành vi và lời nói của người khác. Dẫu là người thân, cũng không nên mang tâm cưỡng cầu, cần phải tùy duyên tự tại! Vĩnh viễn dùng tâm lương thiện giúp đỡ người khác, nhưng không nên cưỡng cầu điều gì.
-Nếu tâm một người có thể rộng lớn như bầu trời mà bao dung vạn vật, người đó sao có thể khổ đây?
Vị thầy khả kính nói xong những điều này, tiếp tục nhìn tôi với ánh mắt đầy nhân từ và bao dung độ lượng. Ngồi im lặng hồi lâu… xưa nay tôi vẫn cho mình là một người rất lương thiện, mãi đến lúc này, phải! chỉ đến lúc này, tôi mới biết được trong tôi còn có một con người rất xấu xa, rất độc ác! Bởi vì nội tâm của tôi chứa những điều ác, nên tôi mới cảm thấy nhiều đau khổ đến thế. Nếu nội tâm của tôi không ác, sao tôi có thể khổ chứ ?
-Xin cảm tạ thầy, nếu không được người khai thị dạy bảo, con vĩnh viễn sẽ không biết có một người xấu xa như vậy đang tồn tại trong con!” (Theo VNE)
Suy cho cùng, thì cuộc đời người cũng có lắm chuyện khiến người đời cần suy nghĩ cho chín trước khi có quyết-định làm điều gì gây ảnh hưởng cho toàn-bộ cuộc sống của mình.
Nói khác đi, đời người bao giờ cũng có triết-lý của nó. Tin hay không tin. Chấp-nhận triết lý ấy hay không, vẫn là việc của mỗi người, từng giai-đoạn. Cũng có thể hôm nay, bạn và tôi không thấy có gì cần suy nghĩ hoặc đổi thay đời mình chú gì hết. Thế nhưng, triết-lý cuộc cuộc đời vẫn có đó, như một số vị từng nhận-định như sau:
“Có những khoảnh-khắc cuộc đời khiến bạn nhớ người ta thật nhiều, đến nỗi bạn chỉ muốn chạy đến và ôm họ thật chặt. Hãy cho người đó biết bạn đã có suy nghĩ như thế!
Trao cho ai đó cả con tim mình không bao giờ là một sự đảm bảo rằng họ cũng yêu bạn, đừng chờ đợi điều ngược lại. Hãy để tình yêu lớn dần trong tim họ, nhưng nếu điều đó không xảy ra thì hãy hài lòng vì ít ra nó cũng đã lớn lên trong bạn.
Tương lai tươi sáng thường dựa trên quá khứ đã quên lãng, bạn không thể sống thanh thản nếu bạn không vứt bỏ mọi nỗi buồn đã qua.
Một điều đáng buồn trong cuộc sống là khi bạn gặp một người có nghĩa đối với bạn,để rồi cuối cùng nhận ra rằng họ sinh ra không phải để cho bạn và chỉ có thể để họ đi ….
Nhưng khi một cánh cửa đóng lại, một cánh cửa khác lại mở ra. Ðiều bạn cần làm là thôi không chờ đợi nơi cánh cửa đã đóng, hãy tìm một cánh cửa khác đang mở ra cho mình.
Đừng quên hy vọng, sự hy vọng cho bạn sức mạnh để tồn tại ngay khi bạn đang bị bỏ rơi.
Đừng để những khó khăn đánh gục bạn, hãy kiên nhẫn rồi bạn sẽ vượt qua.
Đừng chờ đợi những gì bạn muốn mà hãy đi tìm kiếm chúng.
Hãy mỉm cười trong cuộc sống. Nụ cười của bạn mang lại hạnh phúc cho người xung quanh và do đó cũng mang lại hạnh phúc cho chính bạn.
Đừng bao giờ nói không còn yêu nữa nếu nước mắt của người kia vẫn có thể giữ chân bạn.
Ðừng khóc vì mọi việc đã qua, hãy cười vì mọi việc đang chờ phía trước.
Đừng chạy theo vẻ bề ngoài hào nhoáng, nó có thể phai nhạt theo thời gian.
Đừng chạy theo tiền bạc, một ngày kia nó cũng sẽ mất đi.
Hãy chạy theo người nào đó có thể làm bạn luôn mỉm cười bởi vì chỉ có nụ cười xua tan màn đêm u tối trong bạn.
Hãy luôn đặt mình vào vị trí người khác, nếu điều đó làm tổn thương bạn thì nó cũng sẽ tổn thương người khác.
Người hạnh phúc nhất không cần phải có mọi thứ tốt nhất, họ chỉ là người làm cho mọi việc, mọi chuyện đều diễn ra theo ý họ.
Hạnh phúc thường đánh lừa những ai khóc lóc, những ai bị tổn thương, những ai đã tìm kiếm và đã thử. Nhưng nhờ vậy, họ mới biết được giá trị của những người chung quanh họ.
Tình yêu bắt đầu bằng nụ cười, lớn lên bằng nụ hôn và thường kết thúc bằng nước mắt.
Khi sinh ra, bạn khóc còn người xung quanh lại cứ cười. Hãy sống sao để khi bạn qua đời, mọi người khóc còn bạn, bạn lại cứ cười.
Hãy giữ những vật dù nhỏ nhất của bạn thân mình; bởi, biết đâu sau này nó sẽ là kỷ-niệm của bạn mình.
Hãy nói những lời yêu thưong nhất đến người mà bạn yêu thương ….
Bạn chưa cần đến 3 giây để nói “I love you”, chưa đến 3 phút để giải thích câu nói ấy, chưa đến 3 ngày để cảm nhận được ý nghĩa của nó, nhưng để chứng minh câu nói đơn giản ấy thì cả cuộc đời vẫn là chưa đủ.
Cũng vậy: Chỉ cần thời gian một phút thì bạn đã có thể cảm thấy thích một người. Một giờ để mà thương một người. Một ngày để mà yêu một người. Nhưng mà bạn sẽ mất cả đời để quên một người.
Không ai đáng giá bằng những giọt nước mắt của bạn. Và những người đáng giá sẽ không bao giờ làm bạn khóc.
Chỉ khi bạn thật sự mong muốn ai đó được hạnh phúc, thậm chí hạnh phúc đó không phải dành cho bạn, bạn mới hiểu rằng bạn đã yêu người đó thật sự mất rồi.
Có một sự thật là bạn sẽ không biết bạn có gì cho đến khi đánh mất nó, nhưng cũng có một sự thật khác là bạn cũng sẽ không biết mình đang tìm kiếm cái gì cho đến khi có nó.
Hãy làm những gì bạn muốn làm, mơ những gì bạn muốn mơ , tới đâu bạn muốn tới, trở thành những gì bạn muốn, bởi bạn chỉ có một cuộc sống và một cơ hội để làm tất cả những gì bạn muốn.
Hãy Gạt Những Âu Lo Cuộc Sống !
Yêu là mạo hiểm vì có thể bị từ chối. Nhưng không mạo hiểm thì đã là thất bại rồi vì trong cuộc sống điều nguy hiểm nhất là không thử thách điều gì .
Tình yêu là con dao. Nó đâm nát con tim hay có khi nó khắc sâu vào tim ta những vết khắc diệu kỳ và sẽ theo ta đến cuối đời.
Người ta vá áo bằng kim, còn bạn sẽ vá con tim bằng gì?
Tình yêu là một món quà – mà chỉ có thể đâm chồi nảy lộc khi được trao tặng đi.
Thế đó, là lập-trường/quan-điểm của người đời, trong đời. Thế còn, lập-trường của đấng bậc thày dạy nơi nhà Đạo thì sao? Để trả lời, đề nghị bạn/đề nghị tôi, ta đọc thêm một lần nữa, ý-kiến của bậc thày dạy bần đạo ở Úc vẫn còn dạy-dỗ những điều về tình thương yêu cứu-độ chan-chứa nơi Đức Giêsu Kitô là bậc thày tối-cao của mọi người, trong Đạo.
Và đây là đôi ba ý chính rất sâu-sắc ở bài viết hôm nào mà bần đạo được hấp-thụ trong một buổi học hỏi về thần-học cao-siêu về Tình Thương cứu-độ, rất như sau:
“Nếu có ai hỏi: “Tình thương-yêu thật ra có nghĩa gì?” “Sự Công-chính từ đâu đến?”
thì câu trả lời, hẳn sẽ bao-gồm cả tình Thương-yêu thần-thánh, tức: sự Công-chính thánh-thiêng của Thiên-Chúa. Thành thử, ta nên dừng lại một chút, trước khi đặt mình vào với dữ-kiện của Kinh Sách và Thánh-truyền, để rồi sẽ suy thêm về Chúa với câu hỏi đặt ra từ bao giờ:
“Thiên-Chúa, Ngài là Đấng nào?”
“Ngài yêu-thương ta đến mức độ nào?”
“Ngài có công-bằng chính-trực đích-thực không?”
Vấn-đề đây, lại đề ra một số phương-án để ta theo, tức: những phương-án tương-tự như ở Kinh-Thánh, tâm-lý-học và kinh-tế/tài chánh của nhiều người….
Quan-điểm mà quý vị đây đưa ra, lại mang ý-niệm về sự công-chính vốn duy-trì quan-hệ giữa Thiên-Chúa và loài người; nhưng đúng thực lại là: giữa Đức Giêsu và dân con từng phạm lỗi ở trong Đạo. Thật ra thì, đây không là sự công-minh/chính-trực theo kiểu người phàm, như ta hiểu.
Từ nơi đây, ta cần nhận-chân ra rằng: Thiên-Chúa, với tư-cách là Chúa, Ngài chẳng cần sự gì hết. Nhận-định này, đã kéo theo hệ-quả là: không gì khả dĩ thúc-ép từ bên trong hoặc đè nặng lên Chúa, để Ngài làm bất cứ điều gì đặc-biệt, hòng cứu-chuộc ta ra khỏi trạng-huống những lỗi và tội. Chúa có tự-do làm bất cứ thứ gì Ngài muốn, như tạo-dựng hoặc cứu-chuộc mọi sự. Ngài hành-xử theo cách rất “hào-phóng”. Hào-phóng đây, có nghĩa: tạo lợi-ích cho mọi người. Hào-phóng -ngay chính từ-vựng này từng diễn-tả- đã liên-kết mọi sự tốt-lành mà bên tiếng La-tinh, thiên-hạ có thói quen gọi đó là “Bonitas”, tức: Sự Tốt-lành của Chúa, ở tầm-kích rất siêu-phàm.
Bản-chất của Chúa, lại có nghĩa: Ngài rất “tốt lành và siêu-việt”, nên từ phần thâm-sâu của từ-vựng, tính “hào-phóng” của Chúa, ta không thể cắt-nghĩa bằng ngôn-từ mà người phàm thường sử-dụng được. Bởi, đó là bí-nhiệm của Chúa và về Chúa. Là, thứ gì đó mà loài người, thật ra, không thể nắm bắt được điều gì thuộc về Chúa.
Từ-vựng “hào-phóng” -dù là ngôn-từ thuần-tuý của con người- vẫn có thể nối-kết với các dự-phóng đưa về phía trước, hầu đưa ta đến được với nó. Thành ra, ta bảo là: Chúa tự đặt Ngài vào vị-thế đầy hào-phóng, tức Ngài khấng-mang điều gì đó ngay nơi bản-chất của Ngài, để Ngài hành-xử một cách hào-phóng, tốt lành. Thiên-Chúa nối-kết một cách công-minh với chính Ngài, để mọi sự được ra như thế. Điều đó, ta gọi là sự Công-chính, tức bản-chất rất công-minh của Đức Chúa. Bởi, theo nghĩa thâm-sâu nơi bản-chất Ngài, Chúa có khuynh-hướng làm thế, nên sở dĩ Ngài mang tính hào-phóng là do bởi chính sự hào-phóng của Ngài, mà ra. Ở đây, tiếng La-tinh thường diễn-tả rất rõ bằng thành-ngữ “bonum diffusivum suis”, tức: từ-vựng mang cùng một ý-niệm.” (x. Lm Kevin O’Shea CSsR, Ơn Cứ Chuộc Nơi Ngài Chan Chứa, nxb Hồng Đức 2015, chương 4 phàn 3)
Tựu- trung, câu chuyện về tình thương-yêu của Thiên-Chúa đối với con người, lại dọi về đoạn Kinh Sách qua đó bậc thánh hiền từng diễn-tả bằng nhửng lời vàng như sau:
“Nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình,
thì anh em nào có công chi?
Ngay cả những người thu thuế
cũng chẳng làm như thế sao?
Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi,
thì anh em có làm gì lạ thường đâu?
Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao?
Vậy anh em hãy nên hoàn thiện,
như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.”
(Mt 5: 46-47)
Xem thế thì, mấu chốt quan-trọng tạo hạnh-phúc của cuộc đời là chính là “nên toàn-thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng toàn-thiện”. Xem thế thì, trở nên hoàn-thiện như Cha trên trời là Tình-yêu, tức bậc con cái phải có lòng yêu-thương hết mọi người. Có thế mới nên hoàn thiện như Cha mình. Xem thế thì, hẳn bạn và tôi, ta cứ hiên-ngang hát lên cả những bài tưởng-chừng-như-buồn, hoặc sầu não, vẫn không sao. Quyết thế rồi, nay mời bạn và tôi, ta cất tiếng, hát rằng:
“Trong mơ ta luôn khát khao
Một thế giới yên vui đầy dẫy tình người
Với bao con tim chân thành và nhân ái
Trong mơ ta luôn khát khao
Câu nói thương yêu không một chút lọc lừa
Để ta nghe thương cuộc đời hơn nữa
Để ta nghe thương con người nhiều hơn xưa.”
(Lê Hựu Hà – bđd)
Hát thế rồi, hẳn bạn và tôi, ta sẽ thấy không buồn/phiền nữa. Nhưng vẫn dũng-cảm ra đi mà phổ-biến những gì mình học được từ đấng thánh-hiền, để cuộc đời mình sẽ tươi vui, rất mãn- đời.
Trần Ngọc Mười Hai
Đã quyết tâm như thế
Và sẽ quyết như thế, đến cuối đời.