Đổi mới tinh thần Giáo hội ở Châu Á – Cuộc gặp gỡ các nhà truyền giáo tiên phong năm 2024

Những câu chuyện đa dạng của họ cho thấy bàn tay của Thiên Chúa đã hướng dẫn, làm phong phú và dẫn dắt mỗi người phục vụ và loan báo Tin mừng trong những hoàn cảnh sống riêng biệt.

ĐỔI MỚI TINH THẦN GIÁO HỘI Ở CHÂU Á – CUỘC GẶP GỠ CÁC NHÀ TRUYỀN GIÁO TIÊN PHONG

18-21 tháng 4 năm 2024

Trung tâm Chăm sóc Mục vụ Camillô

Văn phòng Truyền giáo của Liên Hội đồng Giám mục Á châu (FABC-OE) đã tổ chức ‘Cuộc gặp gỡ các nhà truyền giáo tiên phong’ tại Trung tâm Chăm sóc Mục vụ Camillô, Bangkok, từ ngày 18 đến ngày 21 tháng 4 năm 2024.

Cuộc gặp gỡ vinh dự có sự hiện diện của Đức Giám mục George Palliparambil SDB (Chủ tịch FABC-OE) trong suốt cuộc gặp gỡ và có sự tham dự của 23 nhà truyền giáo toàn thời gian từ 13 quốc gia. Cuộc gặp gỡ diễn ra trong dịp kỷ niệm 25 năm Tông huấn ‘Giáo Hội Tại Á Châu’ và kỷ niệm 10 năm Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng ‘Evangelii Gaudium’. Các bài trình bày của Đức Giám mục Palliparambil, Manoj Sunny (Thư ký điều hành, FABC-OE), và Đức Giám mục Indrias Rehmat (Faislabad), cùng những thành viên khác đã hướng dẫn các cuộc thảo luận.

Các phiên họp tập trung vào Tài liệu Bangkok của FABC, hành trình hiệp hành trong Giáo hội Châu Á, sự thay đổi tâm hồn của những người cổ võ ‘Niềm Vui Tin Mừng’, những thách thức truyền giáo từ góc nhìn Nam Á, khả năng truyền giáo toàn thời gian của giáo dân, G033 và Tình trạng Nghèo đói Tin mừng Gia tăng và Toàn cầu hóa 2033, nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết phải tập trung các nỗ lực của Giáo hội và khuyến khích Giáo hội thực hiện sứ mệnh truyền giáo ở Châu Á, đặc biệt trong bối cảnh Năm Thánh 2033. Các tham dự viên đã trả lời bằng các câu hỏi, giải thích rõ ràng và đề xuất liên quan đến các khía cạnh khác nhau được nêu ra trong các bài thuyết trình. Những buổi chia sẻ về ‘Tiếng nói của các Đại diện’ của những người tham gia về hành trình đức tin và kinh nghiệm truyền giáo của họ thật phong phú và tràn đầy động lực.

Những buổi cầu nguyện đơn giản nhưng hiệu quả đã làm cho buổi họp mặt trở nên ý nghĩa. Các phiên họp khác nhau được xen kẽ với phần chia sẻ của mỗi đại biểu về hành trình đức tin cá nhân và kinh nghiệm truyền giáo của họ. Những câu chuyện đa dạng của họ cho thấy bàn tay của Thiên Chúa đã hướng dẫn, làm phong phú và dẫn dắt mỗi người phục vụ và loan báo Tin mừng trong những hoàn cảnh sống riêng biệt của họ. Đó là khoảng thời gian may mắn để những người tham gia tìm hiểu nhau cũng như những khả năng và thách thức tồn tại ở các quốc gia khác nhau. Mỗi người tham gia rời cuộc họp với mong muốn có chủ ý hơn trong cách tiếp cận của họ nhằm mang Tin mừng mang lại sự sống đến vùng đất Châu Á và duy trì sự kết nối, động viên và cầu nguyện cho nhau trong sứ mệnh này.

Nhìn chung, đó là một sáng kiến hiệu quả của Văn phòng Truyền giáo khi những người tham gia hân hoan đáp lại lời kêu gọi đầy thách thức để gieo Thập giá của Chúa Kitô ở Châu Á một cách có chủ ý hơn và liên kết với nhau để giữ cho ngọn lửa luôn cháy rực hơn.

Về đoàn tham dự từ Việt Nam

Linh mục Đa Minh Ngô Quang Tuyên, Tổng Thư ký Ủy ban Loan báo Tin mừng trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, đã cử ba giáo dân tham dự cuộc gặp gỡ này bao gồm: ông Phanxicô Xaviê Nguyễn Thái – Trưởng ban Tông đồ Giáo dân, Tổng Giáo phận Sài Gòn; chị Têrêsa Calcutta Bùi Thị Trà My – Giáo dân Tân tòng, học viên chương trình Triết Sinh của Học viện Thánh Giuse, Dòng Tên; anh Giuse Nguyễn Quang Duy – Giảng viên Học viện Mục vụ Tổng Giáo phận Sài Gòn, trưởng nhóm hợp xướng Cantus. Trước khi đi, Linh mục Đa Minh Ngô Quang Tuyên đã cho rước Thánh Thể và ban bình an cho cả đoàn.

Sau đây là cảm nhận của đoàn Việt Nam sau chuyến đi:

Ông Phanxicô Xaviê Nguyễn Thái:

Sau ba ngày cầu nguyện và làm việc, tôi cũng như mọi người trong hội nghị, được nói ít phút trước khi chia tay nhau. Các bạn giỏi tiếng Anh thì nói trước, còn tôi phải chuẩn bị nhưng cũng nhanh nhanh kẻo hết giờ. Tôi chia sẻ tóm tắt vài nội dung mà mình đã nhận được trong ba ngày.

Nhiều đề tài tôi cũng đã biết khi ở nhà nhưng lần này nghe các đức cha, các cha, các anh và các chị nói những vấn đề quan trọng như di dân, tị nạn, môi trường, hôn nhân đồng tính, gia đình, phụ nữ, nhất là về truyền giáo mà chúng ta cần làm. Nó giúp cho tôi hiểu rõ hơn thực trạng Giáo hội toàn cầu, cách riêng ở châu Á. Tuy rằng mỗi nơi có hoàn cảnh riêng, khó khăn riêng mà Giáo hội địa phương đang tìm cách giải quyết, cải thiện, cách riêng là công việc loan báo Tin mừng, nhưng những lời nhắn nhủ ấy như thúc dục chúng tôi cần bắt đầu làm sớm hơn, nhanh hơn.

Riêng tôi, cũng được đánh động từ sự đơn sơ, khiêm tốn, đạo đức và đời sống khó nghèo của nhiều người; qua đôi dép cũ kỹ lâu ngày của vị giám mục đi trong suốt hội nghị; qua tình anh em thân thiện, vui tươi và quan tâm đến nhau; qua những giờ cầu nguyện, chia sẻ, và cùng làm việc chung với nhau.

Tôi được đánh động từ những chia sẻ của những linh mục, anh chị em bỏ quê hương của họ mà đi đến nước khác để truyền giáo. Họ là những người tràn đầy niềm vui, thánh thiện bình an và đầy nhiệt huyết dấn thân. Họ là những người góp phần thay đổi xã hội thành môi trường Kitô giáo và đưa nhiều người đi theo Chúa.

Sau ba ngày làm việc, tôi trở về nhà với tâm hồn đầy động lực tích cực của Chúa, với niềm đam mê muốn dấn thân nhiều hơn nữa cho Giáo hội. Tôi muốn truyền cảm hứng này cho nhiều người, nhất là những anh chị em đang trong các đoàn thể Công giáo tiến hành – chuyên làm việc tông đồ. Tôi muốn làm gương và truyền cảm hứng bằng những giá trị cao đẹp, vui tươi của Kitô giáo qua đời sống thường ngày. Tôi muốn là chứng nhân đưa những người xa cách về với Chúa.

Lạy Chúa, xin cho những gì chúng con học được là hành trang góp phần thực thi ý Chúa.

Chị Têrêsa Calcutta Bùi Thị Trà My:

Là một giáo dân, mình vô cùng tự hào và thấy may mắn khi được đi họp FABC-OE lần này. Một cuộc họp giúp nâng tầm hiểu biết của mình thêm trong việc truyền giáo tại Châu Á cũng như có tác động nhiều tới đời sống đạo của mình hiện nay và tương lai.

– Là một giáo dân trẻ, yêu mến Chúa, mình cũng có tìm hiểu và tham gia nhiều hoạt động phong trào. Nhưng khi tới với cuộc họp này, mình mới thực sự được đào sâu vào con đường truyền giáo của Giáo hội trên các tài liệu chính thức. Mọi thứ dường như rất rõ ràng, nhưng có vẻ chưa nhiều người biết tới. Điều này thúc đẩy trong mình một mong muốn truyền đạt lại những cách thức truyền giáo của giáo hội tới toàn thể giáo dân. Là một người trẻ sống ở Châu Á, đây cũng là lần đầu tiên mình được trực tiếp lắng nghe những con số cụ thể, tình huống và các phong trào cụ thể đang được triển khai tại các quốc gia khác trong khu vực. Điều này giúp mình có một tầm nhìn rõ hơn trong sứ vụ truyền giáo của bản thân.

– Mình đã được nâng cao khả năng về truyền giáo hơn rất nhiều qua lý thuyết lẫn thực hành ở buổi họp này. Buổi này chúng mình còn được nói lên tiếng nói của các đại biểu, về chính con đường sống đạo của bản thân mỗi đại biểu. Đây chính là những câu chuyện sống động và truyền cảm hứng chứng nhân nhiều nhất qua các buổi họp. Mình đã được làm chứng cho Chúa. Được nghe người khác làm chứng cho Chúa nữa. Được tham gia cầu nguyện cùng nhau. Được giao lưu và trò chuyện không có khoảng cách giữa các giám mục, các cha, các sơ và giáo dân là một điều tuyệt vời nữa là FABC-OE mang tới cho mình.

Có nhiều điều đặc biệt nữa về FABC-OE, ví dụ như việc sử dụng ngôn ngữ tiếng anh 100% giữa các nước Châu Á. Một động lực nữa để mình biết rằng Việt Nam nếu muốn hòa chung nhịp điệu với con đường truyền giáo của Giáo hội hoàn vũ và châu Á thì cần phải nâng cấp khả năng ngôn ngữ như một thứ cầu nối hữu hiệu trong thế giới phẳng như hiện nay.

Con xin chân thành cảm ơn FABC-OE và Ủy ban Loan báo Tin mừng Việt Nam đã tạo cơ hội cho giáo dân chúng con được tham gia kỳ họp lần này. Nó có ý nghĩa rất nhiều trong đời sống của chúng con và công cuộc loan báo Tin mừng cho Giáo hội Việt Nam.

Anh Giuse Nguyễn Quang Duy:

Chuyến đi là một tiếng gọi đầy bất ngờ của Chúa đối với tôi khi tôi nhận được tin mình được cử đi đến một cuộc gặp gỡ của những nhà truyền giáo tiên phong, dày dặn kinh nghiệm. Tôi thấy mình lọt thỏm giữa những câu chuyện truyền giáo thật sống động, đầy nhiệt huyết, can trường và đầy Thánh Thần của những con người đã đáp lời “Xin Vâng” khi Chúa gọi họ đi đến những nơi chiến tranh, nghèo đói và điền kiện sống thật khắc nghiệt để đem Chúa là Niềm Hy Vọng mới đến cho mọi người.

Tuy nhiên, khi được nghe về những cuộc hành trình cá nhân của những nhà truyền giáo với Đức Kitô, những động lực thúc đẩy họ phó thác chính bản thân mình cho Chúa, những niềm vui cũng như khó khăn trong sứ vụ, tôi mới học được rằng truyền giáo đôi khi chỉ cần bắt đầu từ những việc nhỏ nhất, đó là lắng nghe tiếng Chúa gọi, can đảm nói lời Xin Vâng và bước đi cùng Chúa trong mọi sự.