Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Vào Chúa nhật ngày 24. 7, Đức Thánh Cha (ĐTC) Phanxicô sẽ bắt đầu một chuyến tông du ngoài nước Ý lần thứ 37 tới Canada. Dự kiến kéo dài từ 6 ngày, từ 24-29. 7. 2022, chuyến công du với chủ đề “Bước đi cùng nhau” được xem là cuộc “hành hương thống hối” đầu tiên nhằm mục đích tiếp tục hành trình chữa lành và hòa giải với các Dân tộc bản địa tại quốc gia này.
- “Các Dân tộc Bản địa” mà Đức giáo hoàng Phanxicô sẽ đến thăm và xin lỗi là ai?
“Các Dân tộc Bản địa” là một thuật ngữ chung được sử dụng để chỉ 3 nhóm người: First Nations, Métis và Inuit, vốn là những người gốc đã sinh sống trên vùng đất ngày nay là Canada.
Nhóm đông nhất là First Nations, hiện có gần 1 triệu người, đa số sống ở phần phía nam; Nhóm Métis, khoảng 600.000 hậu duệ của liên hiệp những người định cư bản địa và châu Âu, những người sống chủ yếu ở phía tây Anglophone; Nhóm Inuit, khoảng 65.000 người sống rải rác trên khắp các phần phía bắc của Canada.
Theo Ủy ban Sự thật và Hòa giải của Canada (TRC), vào cuối thế kỷ XIX, chính phủ Canada đã thành lập và tài trợ mạng lưới 139 trường nội trú cho trẻ em bản địa và giao cho các Giáo hội điều hành, trong đó, Công giáo khoảng 2/3 và Tin lành khoảng 1/3 số trường học. Phần lớn các trường Công giáo do Dòng Truyền giáo hiến sĩ Đức Mẹ Vô nhiễm (Missionary Oblates of Mary Immaculate – OMI) phụ trách. Việc giáo dục nhằm truyền đạt khả năng đọc, viết và làm toán cơ bản, đồng thời cũng thực hiện chính sách “khai hoá” và “đồng hóa” văn hóa một cách khắc nghiệt nên đã tước đoạt “ngôn ngữ, văn hóa và bản sắc của tính bản địa trong đứa trẻ”.
Lúc đầu, việc đi học là tự nguyện, nhưng sau đó, theo yêu cầu của liên bang, nó trở thành bắt buộc, điều này cũng đồng nghĩa với việc trẻ em bị buộc phải tách khỏi gia đình. Khi đến trường, trẻ em bị buộc phải từ bỏ ngôn ngữ truyền thống, tôn giáo, cách ăn mặc và cách sống của người bản địa.
TRC cho biết, từ giữa thập niên 1800 đến cuối thập niên 1990, khoảng 150.000 trẻ em bản địa đã bị loại bỏ khỏi gia đình để theo học, và hơn 4.000 trẻ em đã chết khi theo học tại các trường này.
Hầu hết các trường đóng cửa vào thập niên 1960, mặc dù một số trường vẫn tồn tại vào thập niên 1980. Vào cuối những năm 1980 và đầu 1990, người dân Canada bắt đầu nghe thấy tiếng nói của Người bản địa về “trường học nội trú của thổ dân” (ngày nay gọi là bản địa), vốn là một phần lịch sử của Canada nhưng phần lớn vẫn bị che giấu. Chứng từ của “những người sống sót” kể về bệnh tật, điều kiện vệ sinh, dinh dưỡng và chăm sóc sức khỏe không tương xứng, và sự lạm dụng thể chất và tình dục còn tệ hại hơn.
Trong hơn 30 năm qua, hệ thống trường học nội trú mang tính đồng hóa này, bị các vị lãnh đạo Giáo hội, chính phủ, và Người bản địa coi như một chương đen tối trong lịch sử Canada. Theo đó, Chính phủ Canada tại Hạ viện ở Ottawa đã có lời xin lỗi chính thức vào năm 2008. Đức Giáo hoàng Bênêđitô XVI đã gửi lời xin lỗi tới một phái đoàn của các nhà lãnh đạo bản địa tại Vatican vào năm 2009.
Vào năm 2015, Ủy ban Sự thật và Hòa giải (TRC), một cuộc điều tra do chính phủ liên bang thành lập, đã báo cáo và đưa ra một danh sách của 94 “Lời kêu gọi hành động”. Trong đó, Lời kêu gọi số 58 yêu cầu Đức giáo hoàng Phanxicô phải hiện diện tại Canada “trong vòng một năm” để xin lỗi một lần nữa:
Chúng tôi kêu gọi Giáo hoàng đưa ra lời xin lỗi tới Những người sống sót, gia đình và cộng đồng của họ vì vai trò của Giáo hội Công giáo Roma trong việc lạm dụng tinh thần, văn hóa, tình cảm, thể chất và tình dục đối với trẻ em Người First Nations, người Inuit và người Métis trong trường nội trú do Công giáo điều hành. Chúng tôi kêu gọi lời xin lỗi đó tương tự như lời xin lỗi năm 2010 được ban hành cho các nạn nhân bị lạm dụng người Ireland và cần được tiến hành trong vòng một năm kể từ khi ban hành Báo cáo này và phải được chính Đức Giáo hoàng thực hiện ở Canada.
Trên thực tế, Đức giáo hoàng Phanxicô không thể thực hiện chuyến thăm “trong vòng một năm” như yêu cầu của TRC vì nhiều lý do khác nhau. Trước hết là do chương trình nghị sự đã kín của ngài; thứ đến là do sự thiếu đồng thuận trong Hội đồng giám mục Công giáo Canada; và cuối cùng là do đại dịch Covid-19.
Vào tháng 5. 2021, việc phát hiện ra những hài cốt của một số trẻ em bản địa, được xem như là “những ngôi mộ tập thể“, trong khuôn viên của một số trường nội trú Công giáo trước đây đã tạo ra một làn sóng phẫn nộ không chỉ đối với chính phủ Canada, các giám mục Công giáo mà còn trên toàn thế giới.
Mặc dù cá nhân các giám mục Công giáo và các dòng tu ở Canada đã đưa ra lời xin lỗi về sự can dự của Giáo hội vào hệ thống trường nội trú, nhưng phải đến ngày 24. 9. 2021, Hội đồng Giám mục Công giáo Canada mới xin lỗi với tư cách là cơ quan quốc gia về “sự lạm dụng nghiêm trọng” đã xảy ra tại các trường học do “một số thành viên trong cộng đồng Công giáo của chúng tôi điều hành”.
- Bối cảnh cho chuyến thăm của Đức giáo hoàng Phanxicô
Từ ngày 28.3 – 1. 4. 2022, một phái đoàn mở rộng gồm các nạn nhân, các giám mục và các nhà lãnh đạo bản địa đã có buổi tiếp kiến lịch sử với Đức Thánh Cha Phanxicô tại Vatican để tố cáo lịch sử đáng xấu hổ của Giáo hội trong các trường nội trú của Canada trong khoảng thời gian 100 năm.
Trong cuộc gặp gỡ này, ĐTC đã nhìn nhận sự “phẫn nộ”, “xấu hổ” và “đau buồn” mà ngài cảm thấy đối với tác hại mà người Công giáo gây ra thông qua hệ thống trường nội trú. ĐTC nói:
Tất cả những điều này đều trái với Phúc Âm của Chúa Giêsu Kitô. Đối với hành vi đáng trách của những thành viên của Giáo hội Công giáo, tôi cầu xin sự tha thứ của Thiên Chúa và tôi muốn nói với anh chị em bằng cả trái tim mình: Tôi thành thật xin lỗi. Và tôi tham gia cùng các anh em giám mục Canada, cầu xin sự tha thứ của anh chị em.
Sau đó, ĐTC hứa với họ rằng ngài sẽ đến Canada để xin lỗi và yêu cầu một lần nữa sự tha thứ cho sự lạm dụng của Giáo hội trên đất của họ, đồng thời thúc đẩy sự chữa lành và hòa giải thông qua các hành động cụ thể.
Cô Martha Greig, một đại diện của người Inuit, nói với các phóng viên ở Roma sau cuộc gặp với ĐGH rằng: “Trẻ em bị bắt từ gia đình và đưa vào các trường nội trú để học cách trở thành người da trắng; Điều mà chúng tôi không thể có được. Chúng tôi là người Inuit!“
- Chương trình chuyến hành hương thống hối của Đức giáo hoàng Phanxicô
Vào Chúa nhật ngày 24. 7. 2022, thì lời hứa đến Canada của ĐTC sẽ được thực hiện.
Được biết, một phái đoàn tháp tùng gồm 35 nhân viên của Vatican sẽ tham gia cùng Đức giáo hoàng trong chuyến hành hương thống hối này. Hai vị Hồng y người Canada, Marc Ouellet (Tổng trưởng Bộ Giám mục) và Michael Czerny, S.J. (Tổng trưởng Bộ Phục vụ Phát triển Con người Toàn diện), cùng với 3 giáo sĩ cao cấp từ Ban Thư ký của Tòa Thánh: Đức Hồng y Pietro Parolin (Ngoại trưởng), Đức Tổng Giám mục Edgar Peña Parra (Chánh văn phòng) và Đức Tổng Giám mục Paul Gallagher (Bộ trưởng ngoại giao). Bác sĩ của ĐGH, một y tá, đội bảo vệ an ninh — bao gồm Vệ binh Thụy Sĩ và cảnh sát Thành phố Vatican — khoảng 60 ký giả và nhân viên truyền thông khác sẽ rời Rome đến Edmonton, Canada trên máy bay ITA Airways.
Do những hạn chế sức khoẻ vì đang bị đau đầu gối, ĐTC sẽ phải sử dụng xe lăn và có tương đối ít các hoạt động cho mỗi ngày trong chuyến tông du này.
Dự kiến ĐTC sẽ có 3 điểm dừng chân đó là: tại Edmonton, Québec và Iqaluit theo lịch trình như sau:
Ngày thứ 1: Edmonton
Sau chuyến bay gần 8.500km trong 10 tiếng 30 phút, máy bay sẽ hạ cánh tại Sân bay Quốc tế Edmonton vào khoảng 11:20 sáng giờ địa phương. Theo kế hoạch, vị Toàn quyền người bản địa đầu tiên – Mary Simon, và thủ tướng Justin Trudeau sẽ chào đón ĐTC.
Sau cuộc chào đón chính thức, ĐTC sẽ đến đại chủng viện Thánh Giuse ở Edmonton, để nghỉ ngơi hôm nay cũng như trong suốt thời gian ngài thăm viếng vùng này.
Edmonton tập trung Người bản địa đông nhất của cả nước với tổng số hơn 1 triệu người. Thành phố thủ phủ của Tỉnh Alberta này cũng là nơi từng có 25 trường nội trú hoạt động. Vì vậy, thật phù hợp khi cuộc hành hương của Đức Thánh Cha bắt đầu tại thành phố lớn thứ 5 ở Canada này.
Ngày thứ 2: Maskwacis
ngày 25.7, ĐTC bắt đầu thực hiện chương trình của “chuyến hành hương thống hối” khi đi xe tới Maskwacis, khoảng hơn 72 km từ Edmonton về phía Nam. Tại đây, các vị trưởng lão của các Dân tộc bản địa First Nations, Métis và Inuit sẽ nghênh đón ĐTC. Cùng với tiếng trống, phái đoàn sẽ lái xe đến một nghĩa trang, và ĐTC sẽ cầu nguyện riêng tại đây.
Sau đó, ĐTC sẽ cùng với những người lãnh đạo Người bản địa từ khắp đất nước tới Bear Park Pow-Wow Grounds. Tại đây, ĐTC sẽ có bài diễn từ đầu tiên trong số 9 bài đã được lên kế hoạch của ngài: 5 bài diễn văn và 4 bài giảng. Tất cả các bài diễn văn sẽ được thực hiện bằng tiếng Tây Ban Nha, dự kiến sẽ được dịch đồng thời ra tiếng Anh và tiếng Pháp và đều cung cấp bản xem trước các yếu tố chính mà ĐTC sẽ trình bày.
Vào cuối ngày, ĐGH sẽ đến thăm địa điểm hàng thế kỷ của nhà thờ Thánh Tâm (the Sacred Heart Church) của người First Nations, nơi đã bị tàn phá do một trận hỏa hoạn vào tháng 8. 2020 và được tái thánh hiến chỉ một tuần trước chuyến thăm của ĐTC. Phần bên ngoài rộng rãi của thánh đường theo kiểu cấu trúc Gothic Revival cổ của Pháp phần lớn vẫn được bảo tồn nhưng bên trong đã được trang trí lại với các yếu tố và nghệ thuật đặc trưng cho Người bản địa cử hành việc thờ phượng.
Cung thánh của Nhà thờ Thánh Tâm
ĐTC sẽ bước vào thánh đường trong tiếng trống và ngài chào thăm những vị đại diện của các Dân tộc Bản địa và các thành viên của cộng đồng giáo xứ. Tại đây, sau khi cầu nguyện chung với họ, ĐTC sẽ có bài diễn từ thứ 2. Sau đó, ĐTC sẽ làm phép tượng thánh Kateri Tekakwitha, vị thánh bản địa đầu tiên của Bắc Mỹ.
Ngày thứ 3: Lac Ste. Anne
Vào ngày 26.7, lễ Thánh Anna, bà ngoại của Chúa Giêsu, ĐTC sẽ đi xe từ chủng viện, cách khoảng 5 cây số, tới “Sân vận động Khối thịnh vượng chung” (Commonwealth Stadium) để cử hành và giảng trong thánh lễ. Được xây dựng vào năm 1978, Sân vận động ngoài trời lớn nhất Canada này với sức chứa 56.000 khán giả, được dành cho các trận đấu của Khối thịnh vượng chung.
Cuối buổi chiều cùng ngày, ĐTC sẽ tới hồ Lac Ste. Anne, một di tích lịch sử quốc gia, vốn từ lâu được biết đến là nơi chữa bệnh mà ban đầu Nakota Sioux gọi là “Hồ của Thiên Chúa” và Người Cree đặt tên là “Hồ của Thần Khí”. Vào năm 1842, một linh mục truyền giáo đầu tiên đổi tên thành Lac Ste. Anne để thiết lập một cơ sở truyền giáo ở Alberta.
Sự thành lập một cơ sở truyền giáo tại Lac Ste. Anne là sự khởi đầu cho mối tương quan lâu dài của Người bản địa và người Métis với đạo Công giáo trong vùng mà ngày nay được gọi là lãnh thổ của Hiệp ước Sáu (Treaty Six territory). Dòng Truyền giáo hiến sĩ Đức Mẹ Vô nhiễm tiếp tục sứ mệnh tại đây và kể từ năm 1889, đã chào đón những người hành hương đến hồ. Từ lâu được biết đến là nơi của lòng tin và chữa bệnh, người dân gần xa đến tắm rửa tại nước của hồ này, đặc biệt là trong dịp lễ Thánh Anna, một vị thánh rất được Người bản địa tôn kính.
Khi đến nơi, ĐTC sẽ được chào đón tại một Thánh đường do dòng Truyền giáo hiến sĩ Đức Mẹ Vô nhiễm coi sóc. Một lần nữa, trong tiếng trống, ĐTC sẽ được chở tới hồ. Tai đây, theo truyền thống của Người bản địa, ĐTC sẽ làm dấu thánh giá ở 4 hướng chính và sau đó ngài làm phép nước hồ và chúc lành cho dân chúng bằng nước lấy từ hồ, trước khi tham gia Nghi thức cầu nguyện.
Theo dự kiến, ĐTC sẽ có một bài giảng tại đây, tập trung vào kinh nghiệm giữa các thế hệ và sự chuyển giao sự khôn ngoan giữa ông bà và các cháu. Do hình ảnh người bà là trung tâm của văn hóa Bản địa, nên việc thăm viếng Lac Ste. Anne vào ngày lễ thánh Anna là một chi tiết quan trọng trong chuyến hành hương của ĐTC.
Từ hồ Lac Ste. Anne trở về, ĐTC sẽ làm phép tượng Đức Mẹ Tháo gỡ nút thắt (Our Lady Untier of Knots).
Ngày thứ 4: Quebec
Sang ngày 27. 7, ĐTC sẽ đáp chuyến bay kéo dài 4 tiếng đến Quebec, một thành phố với hơn 500.000 cư dân, vốn là trung tâm Pháp ngữ và từng là trung tâm Công giáo của Canada. Tại đây, ĐTC sẽ cư ngụ tại dinh thự của Đức Hồng y Gerald Lacroix, tổng giám mục Quebec.
Chiều cùng ngày, ĐTC sẻ có cuộc gặp gỡ các nhà chức trách. Toàn quyền Canada – Mary Simon- sẽ chào đón ĐTC với đầy đủ danh dự cấp chính phủ tại Citadelle de Quebec, nơi làm việc chính thức của bà và là một căn cứ quân sự hoạt động có từ giữa những năm 1800. Sau cuộc trò chuyện riêng với bà Toàn quyền và sau đó là với Thủ tướng, ĐTC dự kiến sẽ có bài diễn văn quan trọng trước khoảng 100 đại diện, trong số đó có Dân tộc Bản địa, chính quyền dân sự Canada, và các thành viên của ngoại giao đoàn.
Ngày thứ 5: Vương cung thánh đường Sainte-Anne-De-Beaupré và Notre Dame Cathedral
Vương cung thánh đường Sainte-Anne-De-Beaupré, một trong những nơi hành hương cổ xưa nhất và bình dân nhất tại Bắc Mỹ. Được xây dựng vào năm 1658, nơi đây cũng được biết đến như là một nơi chữa bệnh, vì một trong những người xây dựng đền thánh, vốn bị chứng vẹo cột sống nghiêm trọng, được cho là đã hồi phục hoàn toàn sau khi tòa nhà hoàn thành. Tuy nhiên, đền thờ nguyên thuỷ đã bị phá hủy bởi trận hỏa hoạn vào năm 1922 nhưng đã được xây dựng lại.
Tại đây vào buổi sáng, ĐTC sẽ cử hành thánh lễ bằng tiếng Pháp và tiếng Latinh, với một số lời cầu nguyện bằng tiếng Anh. Điểm nổi bật là ĐTC sẽ đọc Kinh nguyện Thánh Thể II về sự Hòa giải.
Chiều cùng ngày, ĐTC sẽ chủ toạ buổi Kinh Chiều tại Vương cung thánh đường Đức Bà Québec, vốn là nhà thờ giáo xứ đầu tiên được thành lập ở phía bắc Mexico và được dành riêng kính Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội. Nhà thờ được công nhận là nhà thờ Chính toà vào năm 1674, khi Thánh Francis de Laval trở thành giám mục đầu tiên của giáo phận mới được xây dựng của Thành phố Quebec; rồi 200 năm sau được Đức Giáo hoàng Piô IX công nhận là Vương cung thánh đường.
Trong buổi cầu nguyện, ĐTC dự kiếnsẽ có một bài giảng dành cho một nhóm chủ yếu là các giám mục, linh mục, phó tế, tu sĩ, chủng sinh và những người làm công tác mục vụ.
Cuối cùng, ngày thăm viếng thứ 5 của ĐTC sẽ khép lại bằng một buổi cầu nguyện tại mộ của Thánh Francis de Laval.
Ngày thứ 6: Iqaluit
Ngày cuối cùng của chuyến tông du sẽ bắt đầu bằng việc ĐTC gặp gỡ các tu sĩ Dòng Tên Canada tại toà Tổng giám mục. Sau đó, ĐTC sẽ gặp một phái đoàn các Dân tộc Bản địa sống ở Quebec, trước khi lên chuyến bay kéo dài 3 tiếng đến Iqaluit.
Iqaluit, trong ngôn ngữ Inuktitut, có nghĩa là “Nơi có nhiều loài cá“. Nằm trên Đảo Baffin, cách Vòng Bắc Cực khoảng 300 km về phía Nam, Iqaluit là thủ phủ và là thành phố lớn nhất của vùng Nunavut, phía Bắc Canada. Đây là nơi sinh sống của cộng đồng Inuit lớn nhất ở Canada, khoảng 4.000 người, với tổng số cư dân là khoảng 8.000 người. Tại trường tiểu học Nakasuk của thành phố, ĐTC sẽ có một cuộc gặp riêng với các học sinh cũ của các trường nội trú, ngài cầu nguyện với họ và chúc lành cho họ.
Hoạt động cuối cùng của ĐTC trước khi trở lại Roma dự kiến là một cuộc gặp gỡ với những người cao niên và người trẻ tại sân bãi của trường.
Theo thông lệ, ĐTC sẽ có cuộc họp báo với các ký giả trên máy bay trong chuyến bay trở về.
*****
Sống tinh thần Hiệp hành, chúng ta Hiệp thông và đồng hành với vị chủ chăn Hoàn vũ trong cuộc “hành hương thống hối” lịch sử này. Nguyện xin Chúa ban cho ĐTC có sức khoẻ thể lý, và nhất là tràn đầy ơn sủng của Thiên Chúa. Để với:
– Trái tim rộng mở như Chúa Giêsu, ngài sẵn sàng gặp gỡ và ôm lấy các Dân tộc bản địa và xoa dịu vết thương tâm linh của họ;
– Trái tim thương xót như Chúa Giêsu, ngài chăm chú lắng nghe và thấu cảm sự đau đớn mà những nạn nhân và thân nhân của Dân tộc bản địa phải gánh chịu;
– Trái tim khôn ngoan của Chúa Giêsu, ngài sáng suốt phân định những sai phạm và khiêm tốn, thay cho Giáo hội, nói lên lời xin lỗi và nài xin sự tha thứ để góp phần vào hành trình chữa lành và hòa giải đã được thực hiện.