Đôi nét về giáo phận Long Xuyên

I. LƯỢC SỬ

Giáo phận Long Xuyên trước đây lần lượt thuộc các giáo phận: Đàng Trong (1679), Tây Đàng Trong (1844), Nam Vang (1850), Cần Thơ (1955). Cha José Garcia đến Hà Tiên lần đầu, đã cùng với giáo dân Hà Tiên dựng nhà thờ mới vào năm 1735. Đến năm 1743, Đức cha Lefèbvre đến ban phép Thêm Sức cho 100 người tại Hà Tiên, cho ta thấy vùng đất Long Xuyên được các thừa sai đến đây rao giảng Tin Mừng từ rất sớm.


Cuối năm 1833, dưới triều vua Minh Mạng, nhiều giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân chịu tra tấn, lưu đày. Từ đó đến năm 1885, do ảnh hưởng của phong trào Văn Thân, nhiều tín hữu đã dùng chính sự sống để làm chứng cho Chúa Giêsu Kitô tại Long Xuyên, nổi bật là cha thánh Phêrô Đoàn Công Quý và thánh Emmanuel Lê Văn Phụng (ông câu) đã chết vì đạo ngày 31/7/1859.

Năm 1938, An Giang có 4 giáo xứ, 30 giáo họ và 12.067 giáo dân; Kiên Giang có 3 giáo xứ, 18 giáo họ và 5.127 giáo dân; huyện Thốt Nốt (Cần Thơ) có giáo xứ Bò Ót gồm 1.807 giáo dân.

Với cuộc di cư năm 1954, số giáo dân từ miền Bắc ào ạt đến định cư tại các vùng kênh đào ở Cái Sắn đã nâng số giáo dân lên rất nhanh, đồng thời cũng đặt ra nhiều yêu cầu mới về mọi mặt.

 

Ngày 24/11/1960, Đức Gioan XXIII ban sắc lệnh Christi Mandata thành lập giáo phận Long Xuyên gồm: tỉnh An Giang, Kiên Giang và một phần tỉnh Chương Thiện thuộc giáo phận Cần Thơ trong tổng giáo phận Sài Gòn và đặt Đức cha Micae Nguyễn Khắc Ngữ làm giám mục. Ngài cai quản giáo phận từ năm 1960, với khẩu hiệu “CHÚA KITÔ TRONG ANH CHỊ EM – CHRISTUS IN VOBIS”.

Theo Niên Giám năm 1964, Long Xuyên có 93.739 giáo dân trên tổng số 1.252.705 người (chiếm 7,5%), 104 linh mục triều, 3 linh mục dòng, 185 nữ tu, 6 nam tu, 59 đại chủng sinh, 270 tiểu chủng sinh, 2 tiểu chủng viện, 8 trường trung học, 78 trường tiểu học, 8 cơ sở bác ái từ thiện.

Là giám mục tiên khởi và của Công Đồng Vaticanô II, Đức Cha Micae đã đặt nền tảng và một hướng đi cho một giáo phận mới thành lập. Với tầm nhìn xa, rộng và xâu, Ngài đã xây dựng giáo phận Long Xuyên cả về cơ sở vật chất, về con người, và về sứ vụ loan báo tin mừng. Giáo phận Long Xuyên được coi là một giáo phận có mức phát triển ổn định so với các giáo phận khác vì đây là vùng đồng bằng ít bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến tranh giữa 2 miền Nam-Bắc (1963-1975).

Đức Cha Micae chính thức về hưu năm 1997, và về với Chúa ngày 10/6/2009.

Ngày 30/4/1975, cha Gioan Baotixita Bùi Tuần lãnh nhận chức vụ giám mục phó với quyền kế vị. Ngài lấy khẩu hiệu giám mục là “ĐIỀU RĂN MỚI – MANDATUM NOVUM”. Trong giai đoạn từ 1975-1985, nhiều người dân, trong đó có các tín hữu Công giáo, đã rời thành phố Hồ Chí Minh để tìm về vùng đất Long Xuyên hiền hoà để lập nghiệp thay vì đi vùng kinh tế mới. Vì thế số giáo dân tăng nhanh. Năm 1994, giáo phận có trên 200.000 giáo dân trong tổng số 3.670.000 người, 179 linh mục, 250 nữ tu, 51 chủng sinh, 87 giáo xứ và 156 nhà thờ lớn nhỏ.

Năm 1997, Đức cha phó Gioan Baotixita Bùi Tuần chính thức là giám mục chính toà. Đức cha tập trung vào huấn luyện đời sống nội tâm cho đễ người Kitô hữu có thể “sống phúc âm giữa lòng dân tộc”. Ngài đi nhiều nơi giảng dạy và có liên lạc thường xuyên với các viên chức đạo đời để chăm lo cho Giáo hội Việt Nam. Trong thời gian nghỉ hưu ngài vẫn tiếp tục dùng các phương tiện truyền thông xã hội như báo chí để chia sẻ những suy tư của mình.

Ngày 29/6/1999, Đức cha Giuse Trần Xuân Tiếu lãnh nhận chức vụ giám mục phó giáo phận Long Xuyên. Ngày 02/9/2003, Đức cha J.B. Bùi Tuần nghỉ hưu và Đức cha Giuse lên làm giám mục chính toà.

Qua khẩu hiệu “ĐỂ TẤT CẢ NÊN MỘT – UT SINT UNUM”, và với đường hướng tu đức và sứ vụ của Ngài là “Tham gia hiệp thông đồng trách nhiệm vì sứ vụ”,Đức Cha Giuse chú trọng vào việc tổ chức và đào tạo các thành phần giáo dân trong giáo phận. Ngài lưu tâm đến việc thống nhất hoạt động của các hội đoàn, các phong trào giáo dân, làm sao để tất cả các hoạt động được đi vào quỹ đạo chung nhằm phục vụ cho sự hợp nhất của giáo phận trong việc làm sáng danh Chúa và mưu ích cho con người.

Ngày 29/5/2014 cha Giuse Trần Văn Toản được tấn phong làm giám mục phụ tá cho Đức cha Giuse Trần Xuân Tiếu và ba năm sau, vào ngày 25/8/2017, Đức thánh Cha Phanxicô đã đặt ngài làm Giám Mục Phó giáo phận với quyền kế vị. Mọi thành phần Dân Chúa Long Xuyên rất hân hoan đón nhận tin vui này với tâm tình tạ ơn Thiên Chúa và Tòa Thánh. Đồng thời giáo phận an tâm vì chắc chắn có vị mục tử thứ tư tiếp nối phục vụ giáo phận sau ba vị mục tử tiên khởi. Các ánh mắt hy vọng, hiệp thông và cầu nguyện từ khắp mọi miền đang hướng về trái tim của giáo phận, nơi có Đức Giám Mục Phó với khẩu hiệu “VINH QUANG CỦA TÔI LÀ THÁNH GIÁ ĐỨC KITÔ – MEA GLORIA EST CRUX CHRISTI”. Tương lai là của Chúa, nhưng sự kỳ vọng vào một tiền đồ giáo phận tươi đẹp, an bình luôn là mong ước và nỗ lực của mọi người, và gia đình giáo phận tin tưởng đặt nó nơi các giám mục kính yêu của mình, cụ thể bây giờ là nơi vị giám mục phó trẻ trung, tràn đầy nhuệ khí tông đồ.

II. ĐỊA LÝ VÀ DÂN SỐ

Giáo phận Long Xuyên có chín Giáo Hạt chạy dài theo hai tỉnh An Giang, Kiên Giang và hai quận huyện thuộc tỉnh Cần Thơ là Thốt Nốt, Vĩnh Thạnh với diện tích 10.256 km2. Có dãy Thất Sơn với ngọn núi Cấm cao 716 m ở tỉnh An Giang giáp biên giới Campuchia. Long Xuyên có mạng lưới kinh rạch chằng chịt, ngoài ra còn có sông Hậu Giang, một nhánh của sông Mekong chảy qua địa bàn tỉnh An Giang, cùng với sông Cái Lớn đổ ra biển Rạch Giá thuộc Kiên Giang.

Tính đến cuối năm 2016, tổng số dân địa phương: 4.352.024 người. Số tín hữu Công Giáo trong giáo phận chiếm năm phần trăm (5%) dân số khu vực. An Giang cũng là nơi xuất phát nhiều tôn giáo đặc biệt của Nam Bộ như Phật giáo Hoà Hảo, Phật giáo Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa,. Những tôn giáo này gắn liền với Thất Sơn, vùng núi huyền bí và linh thiêng. Ngoài ra còn có đạo Cao Đài và Hồi giáo.

Đa số dân chúng làm nghề nông, nuôi trồng thuỷ sản và tiểu thủ công nghiệp (mộc, nuôi tằm, dệt lụa …). Con người nơi đây nổi tiếng hiền hòa, đặc trưng của miền tây nam bộ. Họ sống hài hòa thiên nhiên như lá cây ngọn cỏ của văn hóa miệt vườn, đồng bằng lúa nước. Tuy nhiên, nơi đây cũng không thiếu các anh hùng dân tộc, không vắng bóng các vị tử đạo anh dũng như lịch sử Giáo Hội muôn đời ghi nhớ nơi họ đạo đầu nước.

Có nhiều sắc dân trong giáo phận: người Kinh, người Hoa, người Khơme, người Chăm. Thành phố Châu Đốc và các khu vực giáp ranh biên giới Cambodia lân cận quanh dãy Thất Sơn huyền bí, là khu vực kết tinh cách dày đặc các nền văn hóa trên. Hàng năm, từ sau dịp tết cổ truyền cho tới hết tháng 4 âm lịch, rất nhiều đoàn người từ khắp mọi miền đất nước trẩy về Châu Đốc để du lịch và thể hiện các ước nguyện tâm linh nơi các đền đài chùa miếu ở đây.

Nói tới địa phận Long Xuyên, người ta thường nghĩ ngay tới “đồng bằng miền tây lũ lụt đứng ngồi không yên”, nhưng đừng quên Kiên Giang, một vùng duyên hải rộng lớn, nổi danh với Hà Tiên, Phú Quốc và cả trăm hòn đảo nhỏ làm nên một bức tranh xanh mướt hùng vĩ. Phú Quốc, còn được mệnh danh là Đảo Ngọc, là hòn đảo lớn nhất của Việt Nam, cũng là đảo lớn nhất trong quần thể 22 đảo tại đây, nằm trong vịnh Thái Lan. Đảo Phú Quốc cùng với các đảo khác tạo thành huyện đảo Phú Quốc trực thuộc tỉnh Kiên Giang. Toàn bộ huyện đảo có tổng diện tích 589,23 km² (theo thống kê số liệu đất năm 2005), xấp xỉ diện tích đảo quốc Singapore thập niên 1960 khi chưa san lấp lấn biển.[1] Thị trấn Dương Đông, tọa lạc ở phía tây bắc, là thủ phủ của huyện đảo. Phú Quốc nằm cách thành phố Rạch Giá 120 km và cách thị xã Hà Tiên 45 km.

Phú Quốc trước đây có một số nhà nguyện, nhà thờ: Khoảng năm 1930, một số giáo dân miền bắc vào đảo này làm đồn điền cao su ở gần Bãi Khem. Hai linh mục người Malaysia là Albelza và Merdrignac đã cho xây một nhà nguyện tạm bằng lá để làm nơi cầu nguyện, lễ lạc. Việc trồng cao su thất bại nên một số lớn dân chúng vào đất liền, chỉ còn lại ít dân, nhà nguyện dần dần bị bỏ hoang. Năm 1955, một linh mục cho xây nhà thờ ở thị trấn Dương Đông. Sau năm 1975, nhà thờ này lại bỏ trống, hiện nay được nhà nước quản lý.

Sau năm 1954, có khoảng 1.000 giáo dân quê quán ở Nghệ An ra đảo sinh sống, dưới sự dẫn dắt của linh mục Giuse Trần Đình Lữ. Nhà thờ An Thới được thành lập vào năm 1957 để phục vụ nhu cầu đời sống tôn giáo của các giáo dân. Những năm sau đó, nhiều linh mục và thầy giảng đã được Giám mục Giáo phận Long Xuyên sai đến để phục vụ. Hiện tại, huyện đảo Phú Quốc có 2 giáo xứ là An Thới và Dương Đông. Số giáo dân hiện tại khoảng 3.000 người.

Thành phố Rạch Giá đã chuyển mình hòa nhập vào xã hội phát triển hiện đại với khu lấn biển ngày càng sầm uất. Dù số tín hữu rất nhỏ so với dân số ở đây, nhưng các đóng góp của người Công Giáo lại thật đáng kể, đặc biệt trong lãnh vực giáo dục, y khoa cũng như trong thương nghiệp. Thành công này không thể không nhắc tới hướng đi giáo dục đức tin đúng đắn đã được khởi đi từ những bậc tiền bối là giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ, giáo dân, đã dấn thân cho sứ vụ của Chúa Kitô tại phần đất vùng đồng bằng sông Cửu Long. Giờ đây, đến lượt chúng ta, chúng ta cùng cộng tác với nhau để tiếp tục cuộc hành trình xây dựng xã hội thành gia đình của Thiên Chúa, một công đoàn sống “công chính, bình an và hoan lạc trong Thánh Thần”.

III. CÁC SỐ LIỆU THỐNG KÊ CỦA GIÁO PHẬN  

·       Số tín hữu:           232.526

·       Linh mục:             298 (264 triều và 34 dòng)

·       Nam tu sĩ:            84

·       Nữ tu sĩ: 453

·       Đại chủng sinh: 115

·       Chủng sinh dự bị: 35

·       Dự tu:                    trên 450

·       Hội Đồng Mục Vụ Giáo Xứ : trên 900

·       Thừa Tác Viên ngoại lệ cho Rước Lễ : trên 400

·       Giáo lý viên:        2.482

·       Huynh trưởng Thiếu Nhi Thánh Thể : 4000

IV. MỘT VÀI NHẬN ĐỊNH VỀ GIÁO PHẬN LONG XUYÊN

·       Những tích cực

1)         Số linh mục đông, khá hiệp nhất và vâng phục, đa số nhiệt tình trong sứ vụ

2)         Số chủng sinh và tu sinh là đông, được đào tạo theo chương trình liên tục và có hệ thống từ giáo xứ, đến giáo hạt, đến giáo phận và đến chủng viện

3)         Giáo dân nhiệt thành, đạo đức, yêu mến giáo hội, tích cực tham gia các sinh hoạt tông đồ, đặc biệt là tham dự các sinh hoạt đạo đức tại các nhà thờ và các nơi hành hương.

4)         Giáo phận đang đẩy mạnh sứ vụ loan báo tin mừng; thực hiện sứ vụ trong giáo phận, cụ thể là đang thực hiện chương trình loan báo Tin Mừng năm (05) năm 2015-2020 để chuẩn bị mừng 60 năm thành lập giáo phận (1960-2020); và thực hiện sứ vụ ngoải giáo phận, cụ thể là đã gửi nhân sự phục vụ tại giáo phận St Dié và giáo phận La Rochelle của giáo hội Pháp

5)         Cộng đoàn Kitô hữu sống gần gũi và chan hòa với các tôn giáo bạn

6)         Liên hệ với chính quyền theo đường hướng Đối thoại trong tinh thần Hợp Pháp – Hợp Tác – Thân Thiện

·       Những thách đố

1)         Giáo phận phải đối diện với cảnh nghèo của đa số người dân: những người nghèo ngày càng nghèo hơn, khoảng cách giữa người giầu và người nghèo ngày càng rộng, và dân nghèo tại miền quê chịu nhiều thiệt thòi trong nhiều lãnh vực.

2)         Hiện trạng tại Long Xuyên là ngày càng có nhiều giáo dân hơn bỏ miền quê di tản đến các phố thị để kiếm sống và để học đại học.

3)         Giáo phận hiện đang thiếu nhân sự (linh mục) có chuyên môn để phụ trách các sinh hoạt đa dạng và phong phú của giáo phận, nhất là thiếu các nhà đào tạo nhân sự (linh mục, tu sĩ và tông đồ giáo dân) cho tương lai

4)         Trong 10 năm nữa, giáo phận có trách nhiệm lo cho trên 60 cha đi hưu vì lý do tuổi theo giáo luật.

5)         Về tài chánh: Long Xuyên là một giáo phận nghèo. Hiện tại, tài chánh cho các sinh hoạt mục vụ trong giáo phận là do tiền lễ Bina từ các linh mục trong giáo phận (nộp 50% bổng lễ về Tòa Giám Mục) và nhờ các ân nhân dâng tặng; tài chánh cho công cuộc loan báo tin mừng là do giáo dân quảng đại đóng góp hàng năm; tài chánh lo cho các linh mục hưu trí nhờ quỹ tương trợ do chính các linh mục đóng góp hàng năm. Ngoài ra, không có nguồn thu nhập nào là đáng kể trong giáo phận. Giáo phận vẫn nhận sự trợ giúp của Tòa Thánh về sinh hoạt giáo phận, và về đào tạo các chủng sinh. Các giáo xứ giáo họ vẫn cần sự trợ giúp của các tổ chức như Missio, Miserior… và các ân nhân.

·       Những nguy cơ

1)      Tình trạng đạo đức của các giáo dân đang suy thoái, như bỏ thực hành đạo, số các gia đình công giáo ly dị gia tăng, có những người trẻ nam nữ công giáo chung sống ngoài bí tích hôn nhân…

2)      Giới trẻ, vì nhiều lý do, đang ngày càng xa rời giáo hội.

3)      Đời sống đạo đức và sự nhiệt tình đối với tác vụ của các linh mục đang suy thoái. Hệ quả là tác vụ linh mục được coi như một nghiệp vụ, và sự tín nhiệm của dân chúng và giáo dân dành cho linh mục bị suy giảm.

4)      Nguy cơ từ tình trạng di dân; có trên 30% giáo dân đã rời khỏi giáo phận. Hậu quả là giáo phận mất nhân sự tông đồ giáo dân, suy giảm ơn gọi linh mục tu sĩ, và cũng ảnh hưởng tiêu cực đến việc góp phần tài chánh cho giáo phận

5)      Giáo phận thiếu các nhà đào tạo chuyên nghiệp (có chuyên môn + có kinh nghiệm + là mô phạm), nên việc đào tạo linh mục tương lai ít có hiệu quả về phẩm chất như mong ước.

V. ĐIỂM NHẤN MỤC VỤ CỦA GIÁO PHẬN

1.      Quan tâm đặc biệt đến đào tạo các linh mục trong từng giai đoạn, giai đoạn mở đường dành cho các tu sinh, giai đoạn khai tâm dành cho các chủng sinh, và giai đoạn thường huấn dành cho các linh mục.

2.      Giáo dục đức tin (tái rao giảng Tin Mừng) cho cộng đoàn dân Chúa với định hướng không chỉ cử hành niềm tin, mà còn đào sâu niềm tin, sống niềm tin, và loan truyền niềm tin; đặc biệt là huấn luyện tông đồ giáo dân

3.      Huấn luyện trách nhiệm truyền giáo (loan báo Tin Mừng) cho toàn thể cộng đồng dân Chúa trong giáo phận (95% dân cư địa phương chưa biết Tin Mừng).

4.      Đối thoại với các tôn giáo bạn, với nền văn hóa địa phương, và với những người nghèo, với những người vô thần

5.      Về tài chánh: Cần tự lập về tài chánh, và tích lũy quỹ dự phòng cho giáo phận

Xin Mẹ Maria Nữ Vương Hòa Bình, bổn mạng của giáo phận, và hai Thánh Phêrô Đoàn Công Quý và Emmanuel Lê Văn Phụng, chúc phúc cho giáo phận Long Xuyên thân yêu.