Trung tâm tĩnh tâm Penboc’h của Dòng Tên tại Bretagne (Pháp) đã tổ chức một khoá tĩnh tâm cho 25 người tị nạn thuộc nhiều tôn giáo khác nhau; khoá tĩnh tâm kéo dài từ ngày 15 đến 20 tháng Bảy 2017, và đây là lần thứ hai Trung tâm mở khoá tĩnh tâm này.
Những người tham dự ngồi trên hàng ghế xếp theo hình vòng cung, hướng ra biển. Xen kẽ một câu chuyện ngắn của châu Phi, một lời cầu nguyện Hồi giáo và một lời cầu nguyện Kitô giáo (của Thánh Phanxicô Assissi), là những phút thinh lặng kéo dài, nghe được cả tiếng chim hót và tiếng ghe máy nổ xa xa. Chúng tôi đang ở Penboc’h, một trong bốn Trung tâm tĩnh tâm của Dòng Tên tại Pháp, ngay giữa vịnh Morbihan.
Mỗi ngày chúng tôi có nửa giờ hồi tâm, thời gian ấy không phải để cầu nguyện mà là suy niệm. “Nếu không, chúng tôi sẽ rơi vào chủ nghĩa hỗn hợp”, nữ tu Anne Missoffe, thuộc một trong năm Dòng tu ở Penboc’h, cho biết. “Đó là một kinh nghiệm nội tâm cho mỗi người, với một hình thức hiệp thông giữa chúng tôi. Nhưng mục tiêu chắc chắn không phải nhằm cải đạo hay áp đặt cho họ một cách cầu nguyện”.
Ca hát, vẽ tranh và bơi thuyền kayak
Khoá này không giống như những khoá tĩnh tâm khác. Do Trung tâm Penboc’h và JRS (Jesuit Refugee Service, Tổ chức giúp đỡ người tị nạn Dòng Tên) tổ chức, khoá tĩnh tâm nhằm đem lại sự thư giãn vào mùa hè cho những người thường bị những mối lo lắng của cuộc sống hằng ngày đè nén – bắt đầu với “hành trình đấu tranh” của họ, đôi khi vẫn còn đang tiếp diễn, để được hưởng quy chế tỵ nạn. Với việc ca hát, vẽ tranh và khám phá bằng thuyền kayak hoặc bơi lội, kỳ nghỉ miễn phí này giúp cho người di dân đang ở Pháp từ dưới một năm, sống những giây phút quây quần vui vẻ bên nhau cùng với mười lăm người Pháp khác – nhất là những gia đình đón tiếp họ.
Anh Barham Rawshangar, một người tị nạn Afghanistan 28 tuổi, nhận định: “Những người Pháp này giản dị hơn so với những người mà tôi gặp ở Paris, họ dễ dàng trở thành bạn của chúng tôi hơn”. Xuất thân từ một gia đình Hồi giáo, Barham tự nhận mình theo chủ thuyết bất khả tri, nhưng muốn tận dụng kỳ nghỉ tại một trung tâm tĩnh tâm của Kitô giáo để khám phá thêm về tôn giáo này. Trong Thánh lễ Chúa Nhật ở nhà nguyện Penboc’h, thậm chí anh còn giúp lễ. Còn anh Mohammed Maruf người Hồi giáo Bangladesh, tâm sự: “Tôi thích lúc mọi người cùng nhau tĩnh lặng vào buổi sáng, và rồi sự tĩnh lặng ấy giúp chúng tôi nối kết với Thiên Chúa dễ dàng hơn”. Cũng như những người Hồi giáo khác, người đàn ông ba mươi tuổi này hiện đang sống tại Stains (Seine-Saint-Denis) đã tách riêng một mình nhiều lần trong tuần này để cầu nguyện trong một góc của công viên rộng lớn nhìn ra Vịnh.
Những phản ứng gay gắt trên Facebook
Mohammed, Barham và những người khác hẳn không phải là những người đầu tiên tận dụng được khung cảnh bình yên này để phục hồi tâm linh. Jean-Brice Bigourdan, Giám đốc của trung tâm từ năm 2015, nhận định: “Nhưng hai năm trước đây, những người đến tĩnh tâm ở Penboc’h hầu như là những người Công giáo thuần thành đã quen với linh đạo của thánh Inhaxiô”. Từ lúc đó, Penboc’h hướng về các vùng ngoại vi nhiều hơn bằng cách đổi mới đội ngũ thành phần của cộng đoàn và mở các khoá tĩnh tâm theo kiểu mới. Khuyến khích một “tình huynh đệ mở” và nhấn mạnh sự cần thiết để cho mình được “người khác thúc đẩy”, khóa tĩnh tâm tuần này chắc chắn có được động lực mới này.
Tuy vậy, không phải tất cả mọi người đều ủng hộ sáng kiến của các tu sĩ Dòng Tên, và những hình ảnh của cuộc tĩnh tâm đầu tiên năm ngoái đăng trên Facebook đã gây ra những phản ứng dữ dội. Một số người bình luận nói rằng họ rất bực tức khi thấy những người tị nạn được nghỉ ngơi ở bờ biển trong khi chính họ lại không có kỳ nghỉ … Chiều thứ Năm, trước khi kết thúc khoá tĩnh tâm, những người tham dự đã tổ chức một bữa tiệc thịt nướng và mời “những người bạn của Penboc’h” ở những nơi xung quanh đến dự, với hy vọng sẽ “cảm hoá” được những người khó tính.
Một khi chương trình Penboc’h khép lại, những di dân này sẽ sớm trở về với những mối lo toan hằng ngày của họ. Cô Oudraogo Mariam người Burkina Faso, có những món ăn truyền thống châu Phi mà những thành viên khác rất thích trong tuần này, sẽ được triệu hồi ngay đến Nantes về đơn xin tị nạn của cô. Nếu viễn cảnh của cuộc phỏng vấn này làm cho cô phải “căng thẳng”, cô nói ít nhất cô cũng đã tìm được, trên vủng biển Morbihan này, “một nơi thư giãn cho đầu óc”.
(Nguồn: WHĐ – Theo La Croix)