Các tu sĩ dòng Tên ở Myanmar vừa khánh thành một học viện đào tạo lãnh đạo trẻ nhờ sự động viên nhiệt tình của Đức Hồng y Charles Maung Bo của Yangon.
Học viện Lãnh đạo Myanmar (MLI) hướng đến giúp phát triển một xã hội công bằng hơn cho người nghèo nhờ các nhà lãnh đạo chuyên nghiệp cam kết phục vụ hòa bình và nhân quyền.
Với khẩu hiệu ‘Học để lãnh đạo, lãnh đạo để phục vụ’, MLI sẽ tập trung đào tạo các nhà lãnh đạo trong các lĩnh vực giáo dục, kinh doanh và xã hội dân sự.
Cha Mark Raper thuộc dòng Tên người Úc, bề trên cả dòng Tên tại Myanmar, nói đây sẽ làm một đặc ân dành cho người trẻ tham gia chương trình phát triển tiềm năng của họ.
“Chúng tôi muốn cung cấp kiến thức vững chắc và chúng tôi mong muốn người trẻ sẽ đóng góp cho xã hội bằng kỹ năng lãnh đạo của họ và tham gia xây dựng đất nước”, cha Raper phát biểu với ucanews.com.
Ngài cho biết thêm học viện tiếp nhận tất cả mọi người, không phân biệt sắc tộc hay tôn giáo.
Thư thông báo của dòng Tên dẫn lời cha Joseph Anthony Jacob, giám đốc đầu tiên của MLI, nói các nhà lãnh đạo cơ bản là khách hành hương, không phải là những người đã đạt đến mức hoàn hảo.
“Lãnh đạo chỉ là một kênh khám phá và là một cách mới để trở thành nhà truyền giáo và tiên tri đến với người nghèo và người bị bỏ rơi trong mọi xã hội”, cha Jacob nói.
Chương trình đào tạo của học viện được phát triển có tham khảo ý kiến chuyên gia trong các lĩnh vực giáo dục, kinh doanh và xã hội dân sự, và hợp tác với đại học Manila của các tu sĩ dòng Tên ở Philippines.
Sinh viên sẽ được nhận bằng tốt nghiệp về kỹ năng lãnh đạo từ đại học Ateneo de Manila, cũng ở Philippines.
Đức Hồng y Bo rất muốn mở một học viện lãnh đạo trong nhiều năm qua.
“MLI là một cách bắt đầu tạo dựng một Myanmar mới, xây dựng các giá trị dân chủ, bảo vệ và đẩy mạnh nhân quyền”, Đức Hồng y Bo phát biểu với Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc tháng 10-2016.
Đức Hồng y Bo là nhà lãnh đạo Giáo hội trực tính, đã nhiều lần kêu gọi trả lại hơn 80 trường học Công giáo bị chính quyền quân sự trước đây quốc hữu hóa năm 1965.
Đức Hồng y Bo nói các trường đã “bị chĩa súng cưỡng chế tịch thu” và ngài đã cùng với các lãnh đạo Kitô giáo khác vận động về vấn đề này.
Trong thập niên 1950, Myanmar được nhiều người xem là quốc gia có nền giáo dục tốt nhất Đông Nam Á chủ yếu là do chất lượng giáo dục của các trường Kitô giáo.
Dưới chế độ quân sự, hệ thống giáo dục của quốc gia này bị tụt dốc thảm hại vì quản lý yếu kém và thiếu hụt kinh phí trầm trọng.
Giáo dục là lĩnh vực chính mà Giáo hội Công giáo Myanmar cam kết đưa vào chương trình xây dựng đất nước.
Chương trình còn bao gồm phát triển con người toàn diện (thể chất, tinh thần, trí tuệ, chính trị, tài chính và xã hội), đối thoại liên tôn giáo, trao quyền cho phụ nữ và công lý môi trường.
Giáo hội cam kết thực hiện chương trình vào lúc Myanmar đang nổi lên sau hàng thập niên nằm dưới sự cai trị của quân đội, khi đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Aung San Suu Kyi giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử năm 2015 và lên nắm quyền vào tháng 4-2016.
(UCAN 17.10.2018)