Dòng Tên tọa lạc tại phường Linh Trung, quận Thủ Đức, TPHCM. Những tu sĩ đầu tiên của dòng đã có mặt từ năm 1615. Do nhiều yếu tố khách quan, đến năm 1957, dòng Tên mới trở lại Việt Nam sau gần hai thế kỷ vắng bóng.
“Nối mạng” Lời Chúa
Với nhiều người, nhất là giới trẻ, thì dòng Tên là địa chỉ khá thân quen. Từ lâu, website dongten.net, hay trang mạng xã hội Facebook Dòng Tên Việt Nam luôn là trong số những trang Công giáo có nhiều người đọc nhất. Trên những trang này, có nhiều thông tin phong phú, từ tin tức về Giáo hội, đến những bài chia sẻ, suy niệm, dạy sống làm người… Cha Tôma Vũ Quang Trung, nguyên Giám tỉnh dòng Tên Việt Nam giải thích nguyên nhân nhà dòng sử dụng truyền thông để rao truyền Lời Chúa: “Truyền thông giờ đây chiếm một ưu thế lớn để mang tinh thần của Tin Mừng ra bên ngoài. Chỉ cần chiếc điện thoại là có thể biết tin tức Giáo hội năm châu và có thêm ý hướng để cầu nguyện hằng ngày. Do đó, truyền thông cũng là phương cách để truyền giáo”. Trong thời gian gần đây, dòng còn “lấn sân” thực hiện một số phim ngắn hợp với giới trẻ, để từ đó góp phần xây dựng những giá trị Tin Mừng và luân lý của Giáo hội Công giáo, với tác phẩm đầu tay là Huệ Đêm.
Không chỉ bó hẹp với các hoạt động bên trong nội vi, dòng Tên còn tham gia mục vụ tại các giáo xứ, giáo họ thuộc nhiều địa phận khác nhau. Ngày nay, tu sĩ của dòng còn dấn thân trong nhiều lãnh vực xã hội, bởi lẽ trong chương trình đào tạo, ngoài các môn “truyền thống” của các tu sĩ như Kinh Thánh, triết học, thần học, tu đức… còn có những môn khoa học, tâm lý xã hội, truyền thông hay kỹ năng chuyên môn. Đặc biệt, nhiều linh mục, tu sĩ của dòng hiện dấn thân vào công tác truyền giáo ở những quốc gia vẫn có khá ít người Công giáo như Lào, Thái Lan, Campuchia, Trung Quốc…
“Thao luyện” linh hồn
Nhắc đến dòng Tên, không thể bỏ qua một hoạt động nổi bật, đó là linh thao. Linh thao nói dễ hiểu là “thao luyện” linh hồn để người tĩnh tâm tìm gặp Chúa trong đời sống cầu nguyện. Đây là phương pháp dựa trên kinh nghiệm thiêng liêng của Đấng sáng lập – Thánh Inhã. Mỗi khóa linh thao thường kéo dài 5 ngày, 8 ngày, 10 ngày hay 1 tháng, với chuỗi “bài tập” cầu nguyện trong thinh lặng cho từng cá nhân, dưới sự hướng dẫn của một vị đồng hành thiêng liêng. Riêng với các tu sĩ Dòng Tên, linh thao còn là nền tảng tâm linh cho cuộc sống hoạt động phục vụ, và cũng là một trong những ưu tiên tông đồ đầu tiên về đời sống nội tâm.
Nếu gọi linh thao là một “đặc sản” của dòng Tên có lẽ cũng không quá lời, vì hằng năm, các dòng tu, Đại chủng viện hay quý giám mục các giáo phận đều mời tu sĩ của dòng này đến giảng linh thao. Nhà dòng còn thường xuyên tổ chức các khóa linh thao thường niên dành cho sinh viên trong dịp hè (đăng ký trực tiếp qua website của dòng). Qua mỗi khóa linh thao, các tham dự viên khám phá ra những chiều kích thật phong phú và mới mẻ của đời sống tâm linh với các cảm nghiệm thiêng liêng. Một số bạn trẻ sau khóa “thao luyện linh hồn” cho sinh viên tại Huế kết thúc cách đây chưa lâu tâm tình: “Thực sự trước lúc đến với khóa linh thao này, tôi không biết cầu nguyện, hằng ngày chỉ lặp đi lặp lại cùng một nội dung, vỏn vẹn trong mấy phút. Nhưng nay tôi đã có thể nói với Chúa cả tiếng đồng hồ để nhận ra hồng ân vô vàn của Ngài”; “Những giờ cầu nguyện trong thinh lặng giúp tôi nhận ra Chúa luôn hiện diện bên mình, ngay trong anh em kề bên. Từ đó, bản thân tôi đã biết thay đổi để quý trọng và gắn bó hơn với mọi người”.
Việc đi vào đời một cách không ngần ngại và những hoạt động tông đồ của các vị tu sĩ dòng Tên đã rất thu hút giới trẻ. Không chỉ sốt sắng dự các khóa linh thao, mỗi năm, có hàng trăm bạn trẻ xin gia nhập nhà Ứng Sinh của dòng Tên. Về nguyên tắc, phải học xong đại học thì mới được nhận, tuy nhiên trước đó vẫn có thể liên hệ trực tiếp với dòng để tiếp xúc và được hướng dẫn trong giai đoạn tìm hiểu. Anh Giuse Mai Nguyễn Quang Huy, đang sống tại nhà Ứng Sinh, đến từ Gx Vũng Tàu, GP Bà Rịa bộc bạch: “Tôi biết đến dòng Tên từ năm học lớp 11 và đã bị đánh động bởi linh đạo của dòng. Đến lúc lên đại học, vào đây sinh hoạt, được các cha, các thầy đồng hành, chia sẻ thiêng liêng và đặt vào đời sống cộng đoàn thì ngọn lửa trong mình càng dữ dội vì nhận ra lý tưởng của bản thân đã tìm được nơi neo đậu”. Ứng sinh Giuse Nguyễn thì chia sẻ trên website của dòng: “Xin tạ ơn Chúa đã cho con tới nơi đây, ban cho con những cảm nghiệm thật đáng quý. Tạ ơn Chúa đã cho con cái nhìn rộng mở hơn về cuộc sống và con người ngày hôm nay. Thay vì sống hướng về bản thân mình, xin cho con biết sống hướng đến tha nhân nhiều hơn nữa”.
Dòng Tên (Societas Iesu, viết tắt SJ), được thành lập bởi thánh Inigo Lopez de Loyola (thánh I-Nhã/Inhaxiô) và một nhóm bạn cùng chí hướng vào năm 1537 với tên gọi Đoàn Giêsu. Ngày 27.9.1540, ĐGH Phaolô III chính thức công bố trọng sắc Regimini Militantis Ecclesiae phê chuẩn Đoàn Giêsu thành một dòng tu giáo sĩ trong Hội Thánh, trở thành dòng Chúa Giêsu (ở Việt Nam quen gọi dòng Tên, vì muốn kính tên cực trọng Giêsu). Thánh Inhaxiô cũng là Bề trên Tổng quyền tiên khởi (1540-1556).
Từ giữa thế kỷ XVII, dòng Tên đã gặt hái nhiều thành quả trong sứ mạng phục vụ, nhưng cũng gặp nhiều chống đối. Năm 1773, trước sức ép nặng nề của các chính quyền ác cảm với dòng, ĐGH Clementê XIV ra đoản sắc Dominus ac Redemptor giải thể dòng Tên trên toàn thế giới. Tuy nhiên, dòng vẫn được hoạt động ở nước Phổ và Nga. Ngày 7.8.1814, ĐGH Piô VII ra trọng sắc Sollicitudo omnium Ecclesiarum tái lập dòng Tên. Từ đây dòng Tên bắt đầu hồi sinh, tiếp tục phục vụ trong các hoạt động giáo dục, truyền giáo và hướng dẫn thiêng liêng. Tính đến ngày 1.1.2017, tổng số tu sĩ dòng Tên trên toàn thế giới là 16.090, trong đó có 11.574 linh mục, 1.133 tu huynh, 2.649 học viên (ứng viên linh mục), 734 tập sinh, phục vụ tại 122 quốc gia và lãnh thổ trên thế giới.
* Tại Việt Nam ngày 18.1.1615, ba Giêsu hữu (tên gọi của tu sĩ dòng Tên) đầu tiên gồm: Linh mục Francesco Buzomi (người Ý), linh mục Diego Carvalho và tu huynh Antonio Dias (người Bồ Đào Nha) đã đến vùng biển Cửa Hàn – Đà Nẵng để bắt đầu khám phá ra một cánh đồng truyền giáo bao la và phì nhiêu. Năm 1627, cha Alexandre de Rhodes (Đắc Lộ) cùng với cha Pedro Marquez đến Cửa Bạng (Thanh Hóa) để đặt nền tảng cho Hội Thánh Đàng Ngoài. Cha Đắc Lộ cũng là người có công lớn trong việc hình thành nên chữ quốc ngữ.
Năm 1773, dòng Tên bị giải thể trên toàn thế giới và các Giêsu hữu ở Việt Nam cũng theo số phận chung. Năm 1957, Dòng mới trở lại Việt Nam. Ngày 14.7.2007, Miền dòng Tên Việt Nam được chính thức nâng lên thành Tỉnh dòng Việt Nam, với bổn mạng là Thánh Phanxicô Xaviê. Ngày 18.1.2014, dòng Tên Việt Nam đã long trọng cử hành Lễ khai mạc Năm Thánh kỷ niệm 400 năm dòng đến loan báo Tin Mừng trên Đất Việt. Tính đến năm 2017, Tỉnh dòng Việt Nam có khoảng 240 tu sĩ phục vụ tại nhiều cộng đoàn khắp cả nước và các sứ vụ quốc tế tại hải ngoại.
ĐÌNH QUÝ
Hình ảnh: dongten
Nguồn tin: Báo Công Giáo & Dân Tộc