Bà Dorothea Hahn đã giúp thăng tiến đời sống cho giới trẻ ở Ghana bằng cách tạo điều kiện cho các em được học hành và học nghề. Giờ đây, sau 22 năm, bà vẫn muốn đóng góp để thay đổi tâm thức xã hội Phi châu về nữ giới và giúp cho họ có cuộc sống tương lai tốt đẹp hơn.
Các em học sinh tiểu học tại một nước Phi châu
(AFP or licensors)
Bà Dorothea Hahn nguyên là một giáo sư vật lý và tôn giáo tại trường nữ trung học ở thành phố Bonn, nước Đức, nơi bà đã chào đời. Hiện nay bà đã nghỉ hưu.
Cơ duyên đến với Ghana
Vào năm 1996, lần đầu tiên bà Hahn đến thăm Ghana, một nước ở miền Tây châu Phi, và bà đã bị ấn tượng bởi tình trạng đói nghèo và bất bình đẳng xã hội của dân chúng, đặc biệt là do tình trạng phân biệt đối xử và hạn chế giáo dục của các trẻ nữ cũng như các thiếu nữ. Lớn lên và tiếp xúc với một thực tế xã hội và giáo dục tiên tiến như Đức, nên khi trở về Đức, bà Hahn đã quyết định hành động, cùng với các đồng nghiệp, bạn bè, gia đình, sinh viên, làm điều gì đó cho Ghana.
Từ 22 năm qua, mỗi năm bà Hahn đến Ghana ba đến bốn lần. Mỗi lần bà ở lại đó khoảng một tháng và gặp gỡ nhiều người bà đã quen biết trong 64 lần viếng thăm Ghana. Mùa thu tới, sẽ là lần thứ 65 bà đến Ghana. Bản thân bà, trong những năm gần đây, thật sự ngạc nhiên khi thấy cách mọi người đón nhận thông điệp bằng những đóng góp nho nhỏ, của các hội chợ giáo xứ và chợ bán bánh kẹo, hoặc các lời truyền miệng.
Sau khi thành lập hiệp hội “Một Thế giới”, bà đã chọn hợp tác với hiệp hội nhân đạo Don Bosco Thế giới, gắn liền với gia đình Salêdiêng. Cho đến nay bà Hahn đã quyên góp được hơn một triệu euro, dấn thân trong 22 năm qua để xây dựng bảy trường học và ba nhà ở cho các trẻ nữ, cung cấp tài liệu giáo dục cũng như rất nhiều các học bổng, với lựa chọn dấn thân cho việc giáo dục và đào tạo, đặc biệt là các trẻ nữ.
Xóa bỏ sự kỳ thị nữ giới ở Ghana
Bà Hahn chia sẻ với hãng tin Sir của Hội đồng Giám mục Ý: “Khi tôi bắt đầu công việc này – các cô gái thường là nạn nhân của sự kỳ thị. Nó xảy ra vì các phụ huyng vẫn buộc phải trả học phí và họ nghĩ rằng nên ưu tiên cho đứa con trai được đi học. Ngày nay, ở Ghana đã có thay đổi lớn về quan điểm này. Các gia đình muốn tất cả con cái của họ (nam và nữ) có được bằng cấp. Trong khi đó, học phí đã bị bãi bỏ trong các trường công lập, nhưng các sinh viên vẫn tiếp tục phải trả tiền cho các đồ dùng học tập và buổi ăn trưa. Chúng tôi cung cấp hỗ trợ cho các gia đình nghèo để đóng góp những chi phí này.”
Thay đổi phương pháp giảng dạy
Ngay cả phương pháp giáo dục chuyên nghiệp của giáo viên cũng đã thay đổi. Bà Hahn kể tiếp: “Những gì tôi nhận thấy ngay lập tức là học sinh ở Ghana học hầu như chỉ học bằng cách lập lại, nghĩa là, giáo viên không giải thích, ví dụ, như trong môn tiếng Anh, các giáo viên lặp lại nguyên câu cho các học sinh nghe. Ngữ pháp không được dạy riêng rẽ, nhưng cần được các em học cách trực giác. Tôi đã sử dụng phương pháp này ở Đức trong các lớp bồi dưỡng và nó đã có kết quả.”
Người Phi châu sống nghèo nhưng lạc quan
So sánh giữa văn hóa Đức và văn hóa Ghana, bà Hahn lưu ý rằng “mặc dù đói nghèo về vật chất, người Ghana có một đặc tính là sống cách vui vẻ. Còn ở châu Âu, mặc dù sống sung túc hạnh phúc, chúng ta thường có tâm trạng không tốt và bi quan. Người Ghana thì nhìn thấy ly nước đầy một nửa, còn chúng ta lại thấy một nửa ly trống rỗng. Lạc quan gắn kết tôi với người dân Ghana.”
22 năm và dự án vẫn tiếp tục
Trong vòng 22 năm, các nhu cầu ở đây cũng đã thay đổi. Bà Hahn giải thích: “Hiện nay các yêu cầu của Dòng Salêdiêng Don Bosco ở Ghana chủ yếu là liên quan đến việc thúc đẩy sự phát triển của trẻ em và thanh thiếu niên theo toàn bộ phương pháp sư phạm của Don Bosco. Do đó tôi hỗ trợ chủ yếu là tiền bạc cho các tu sĩ Salêdiêng để họ có thể thực hiện các dự án của họ. Sự hỗ trợ tài chính được Dòng Salêdiêng Don Bosco dùng vào việc đào tạo, xây dựng và duy trì các trường học, nhà ở cho sinh viên và các cơ sở bảo vệ cho những người trẻ, với sự hỗ trợ tài chính cho các trường hợp cá nhân để chống lại đói nghèo.”
Bây giờ cuộc săn lùng triệu phú thứ hai đã bắt đầu để tài trợ cho các dự án của bà Hahn. Bà cho biết thêm rằng vào mùa thu, khi bà trở lại Ghana, một ngôi nhà dành cho nữ sinh viên sẽ được khánh thành tại thành phố Sunyani. Tại đây các em có thể sống, học tập tại các trường của dòng Salêdiêng và có bằng về kinh tế gia đình, trở thành thư ký, chuyên ngành nông nghiệp và ẩm thực.
Bà Hahn có dự định giúp một phần vào các dự án xây dựng nhỏ, với việc xây dựng các lớp học và các công trình bảo trì bình thường theo kế hoạch. Bà chia sẻ: “Trong mọi trường hợp, tôi sẽ tiếp tục thúc đẩy đào tạo giáo dục và ngành nghề, đặc biệt là cho các thiếu nữ vì họ sẽ là những bà mẹ trong tương lai. Các thiếu nữ đã được đi học thì trong tương lai, họ sẽ gửi con của họ đi học và có thể giúp chúng làm bài tập về nhà. Nếu họ đã học được một nghề, nếu họ độc lập, họ có thể hỗ trợ con cái của họ theo học đại học.”
Hồng Thủy
(VaticanNews 07.08.2018)