Trưa ngày 05/03/2020, Đức Thánh Cha đã công bố Sứ điệp nhân Ngày Quốc tế Giới trẻ lần XXXV, sẽ được cử hành ở cấp giáo phận trên toàn thế giới vào Chúa Nhật Lễ Lá 05/04/2020.
Sứ điệp của Đức Thánh Cha tập trung trên đề tài trích từ câu Kinh Thánh Lc 7,14: “Này bạn trẻ, Ta bảo con: hãy trỗi dậy!”, được Đức Thánh Cha ký vào ngày lễ Đức Mẹ Lộ Đức, bắt đầu chuỗi 3 sứ điệp dành cho người trẻ trên hành trình từ Đại hội Giới trẻ Thế giới Panama 2019 và Đại hội Giới trẻ Thế giới Lisbon 2022.
“Trỗi dậy”
Chủ đề liên kết 3 chặng của hành trình là động từ “trỗi dậy”. Trong sứ điệp, Đức Thánh Cha nhắc các bạn trẻ rằng động từ “trỗi dậy” cũng có ý nghĩa sống lại, tỉnh lại với cuộc sống. Ngài đề nghị các bạn trẻ đọc đoạn Tin Mừng về sự hồi sinh của thiếu niên thành Naim như một lời mời cá nhân để thực hiện bước quyết định để theo Chúa Kitô. Đức Thánh Cha nói: “Tin Mừng không nói tên của thiếu niên được Chúa làm cho sống lại ở Naim. Đây là lời mời gọi độc giả đồng hóa mình với thiếu niên này. Chúa Giêsu nói với bạn, với tôi, với mỗi người chúng ta và Ngài nói: ‘Hãy trỗi dậy’. Chúng ta biết rằng Kitô hữu chúng ta cũng vấp ngã và chúng ta phải luôn luôn trỗi dậy. Chỉ có ai không bước đi thì không vấp ngã, nhưng cũng không tiến lên.” Và ngài mời gọi “cần đón nhận sự can thiệp của Chúa Kitô và tin tưởng vào Thiên Chúa. Bước đầu tiên là trỗi dậy.”
Chỉ có Chúa Giêsu có thể trao lại sự sống
Đức Thánh Cha mô tả nhiều khía cạnh của sự chết có thể liên quan đến chúng ta: thất bại, trầm cảm, thiếu hy vọng, thờ ơ, một cuộc sống thấm nhuần vật chất và đầy những thần tượng trở nên vô nghĩa. Ngài viết: Giống như “thiếu niên trong Tin Mừng, người đã thực sự chết” và “sống lại vì được Người muốn anh ta sống nhìn thấy”, cũng thế, “điều này vẫn có thể xảy ra hôm nay và mỗi ngày” cho những người thấy mình không có lý do để sống. Chỉ có Chúa Giêsu “có thể mang cuộc sống trở lại nơi nó đã mất đi” và khi “Người trao lại cuộc sống cho chúng ta, Người trả chúng ta lại với người khác”.
“Bước ngoặt văn hóa”
Cuối cùng, Đức Thánh Cha chỉ cho người trẻ một “bước ngoặt văn hóa”. Ngài lưu y rằng ngày này thường có kết nối nhưng không có giao tiếp. Trong một thế giới mà người trẻ bị cô lập và co mình trong thế giới ảo, “hãy trỗi dậy” để vượt qua thế giới ảo, dám mơ, dám liều, dấn thân để thay đổi thế giới. (REI 05/03/2020)
Hồng Thủy
(VaticanNews Tiếng Việt 05.03.2020)