VATICAN. Đức Thánh Cha Phanxicô đã bày tỏ sự đau buồn khi biết tin hàng loạt Kitô hữu Etiôpia ở Libya bị nhà nước Hồi Giáo giết chết, và ngài đã xin thế giới đừng làm ngơ trước cái chết của những nạn nhân này.
Ngày Chúa Nhật vừa qua, IS đã tung ra một video với cảnh quân đội Hồi Giáo hành hình các tín hữu Kitô tại Libya.
ĐTC đã gửi một thông điệp cho Đức Abuna Mathias, Thượng Phụ Giáo Hội Chính Thống Tewahedo Etiôpia, để chia buồn và bày tỏ sự gần gũi của mình với giáo hội tại đây:
“Máu của các anh chị em Kitô hữu là một chứng nhân, vang lên để những ai vẫn còn biết phân biệt tốt xấu nghe thấy. Vẫn còn có nhiều tiếng kêu gào hơn thế cần được những ai có trách nhiệm lắng nghe”, ngài nói.
“Tôi tin rằng Thiên Chúa đang rất đau khổ khi nhìn thấy con cái tín hữu của mình bị giết hại chỉ vì một lý do đơn giản họ là những người bước theo Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa và là Đấng Cứu Độ”.
“Không có sự khác biệt nào giữa các nạn nhân, dù họ là Công Giáo, Copt, Chính Thống hay Tin Lành. Máu họ đổ ra là một và giống nhau khi tuyên xưng niềm tin vào Đức Kitô!”
Nhưng ĐTC cũng khơi lên niềm hy vọng giữa đêm tối khi nhắc nhở mọi người nhớ đến niềm vui Phục Sinh, rằng “Đức Kitô đã chiến thắng sự chết.”
“Dù năm nay, niềm vui Phục Sinh có nhuốm một chút nỗi buồn. Nhưng chúng ta biết rằng đời sống mà chúng ta sống trong tình yêu nhân lành của Thiên Chúa thì mạnh hơn nỗi đau mà tất cả các Kitô cảm thấy, một nỗi đau được chia sẻ bởi những thiện nam tín nữ trong tất cả mọi truyền thống tôn giáo.”
ĐTC cũng tỏ bày “sự liên đới thiêng liêng” và “sự gần gũi trong lời cầu nguyện trước hàng loạt những cuộc bách đạo dành cho các Kitô hữu ở Châu Phi, Trung Đông và một số lãnh địa ở Châu Á”.
Nhà Nước Hồi Giáo đã chiếm đóng nhiều lãnh địa của Iraq và Syria trong những tháng gần đây. Nhóm quân đội khủng bố còn thành lập một tòa hình sự và đã giết hại nhiều nhóm tôn giáo thiểu số, phần lớn là Kitô giáo và Yazidi.
Họ còn đăng tải lên mạng các video chiếu cảnh chặt đầu nhiều con tim nước ngoài như một lời cảnh báo dành cho những quốc gia nào đưa quân đội can thiệp vào vùng đất của họ.
Pr. Lê Hoàng Nam, SJ