Lúc 12giờ 2/3, Đức Thánh Cha gặp khoảng 6000 người thuộc Hiệp hội Ý chống bệnh Bạch cầu – Lymphoma và Myeloma tại đại thính đường Phaolô VI nhân dịp 50 năm thành lập Hiệp hội.
Bài phát biểu, Đức Thánh Cha lấy ý tưởng từ sách Huấn Ca trong bài đọc phụng vụ của ngày về món quà tuyệt vời Thiên Chúa đã ban cho con người. Sau khi dựng nên con người, “Ngài làm cho họ được đầy kiến thức thông minh, tỏ cho họ biết điều tốt điều xấu.” (17,7) và “Người còn ban kiến thức cho họ, và cho thừa hưởng luật đem lại sự sống.” (17,11). Đức Thánh Cha trích lại bài phát biểu thứ 4 của Hội nghị về các vấn đề y khoa năm 2018 của Hội đồng Toà Thánh về Văn hoá: “Khoa học là một phương tiện mạnh mẽ để hiểu rõ hơn về cả thiên nhiên xung quanh chúng ta lẫn sức khỏe con người. Kiến thức của chúng ta tiến bộ và cùng với sự tiến bộ đó, các phương tiện và công nghệ ngày càng tinh vi cũng gia tăng, cho phép không chỉ nhìn vào cấu trúc sâu xa nhất của các sinh vật sống, bao gồm cả con người, mà thậm chí còn can thiệp sâu trên chúng một chính xác đến mức sửa đổi chính ADN của chúng ta”.
Giáo hội ca ngợi và khuyến khích mọi nỗ lực nghiên cứu và ứng dụng nhằm mục đích chăm sóc những người đau khổ. Do đó, tôi vui mừng bày tỏ sự cảm kích về những gì Hiệp hội của anh chị em đã làm trong những thập kỷ qua. Thông qua hoạt động quý giá của mình, Hiệp hội đã trở thành một sự hiện diện quan trọng trên lãnh thổ quốc gia, sẵn sàng phục vụ người bệnh và hợp tác với nhiều trung tâm chuyên ngành khác nhau.
Đức Thánh Cha đề cập đến ba lãnh vực hoạt động của Hiệp hội, đó là: nghiên cứu khoa học, chăm sóc sức khỏe và đào tạo nhân sự. Trong những nhiệm vụ này, anh chị em Hiệp hội bày tỏ lời chứng phi thường về sự phục vụ quảng đại đối với nhiều người đau khổ trong thời gian bệnh tật. Như Đức Maria ở dưới chân Thập Giá, họ cũng đứng gần giường của bệnh nhân và an ủi bệnh nhân. Thái độ gần gũi này là cần thiết hơn cả đối với các bệnh nhân huyết học, với những phức tạp của bệnh và do tính đặc thù của nó.
Đôi khi việc ở trong các phòng cách ly kéo dài trở nên thực sự nặng nề, bệnh nhân cảm thấy tách biệt với thế giới, khỏi các mối quan hệ và cuộc sống hàng ngày. Nhưng họ không cô độc vì có Chúa, Đấng đã trải qua kinh nghiệm đau khổ này trên Thập giá, ở bên cạnh họ. Và có cả sự hiện diện chia sẻ của nhiều người như là dấu chỉ hữu hình của Chúa Giêsu và Mẹ Maria.
Đức Thánh Cha cũng nhắc đến những chia sẻ của Giáo hội đối với những người mang những bệnh lý này. Đó là các linh mục, phó tế, các thừa tác viên ngoại thường cho rước lễ. Qua chứng tá thiêng liêng và huynh đệ này, toàn thể cộng đoàn tính hữu giúp đỡ và an ủi các bệnh nhân.
Đức Thánh Cha cũng nhấn mạnh đến vai trò của các bác sĩ, y tá, các nhà sinh học, kỹ thuật viên phòng thí nghiệm ngày càng quan trọng, không chỉ về chuyên môn và khoa học, mà còn trong lĩnh vực thiêng liêng, nơi họ được mời gọi chăm sóc con người toàn diện cả thể lý và tinh thần. Việc chữa trị không phải là với bệnh, với cơ quan hay tế bào, mà là con người. Đức Thánh Cha chúc mừng nhân dịp 50 năm của Hiệp hội với những nghiên cứu và dấn thân để phục vụ cho cộng đồng nhân loại.
Cuối buổi tiếp kiến Đức Thánh Cha ban phép lành cho những người tham dự.
Văn Yên, SJ
(VaticanNews 02.03.2019)