Lúc 11giờ30 tại Hội trường Concistoro, Đức Thánh Cha đã gặp Trung tâm Hồng y Bea nhân dịp 50 năm ngày mất của ngài.
\
Trong diễn văn với các tham dự viên, Đức Thánh Cha nhắc đến việc kỷ niệm 50 năm ngày mất của Đức Hồng y Augustino Bea. Và trong dịp này Trung tâm đã tổ chức hàng loạt các hội nghị cấp cao do Hội đồng Toà Thánh Cổ võ Hiệp nhất các Kitô hữu, Viện Kinh thánh Giáo hoàng và Trung tâm Nghiên cứu Kitô giáo của Đại học Do Thái ở Giêrusalem phối hợp tổ chức. Đức Hồng y Bea là người có ảnh hưởng quyết định trong một số tài liệu quan trọng của Công đồng Vaticanô II. Đó là những vấn đề về quan hệ với Do Thái giáo, sự hiệp nhất Kitô hữu, tự do lương tâm và tôn giáo mà ngày nay vẫn còn ý nghĩa và hợp thời.
Đức Hồng Y Bea không chỉ được nhớ đến vì những gì ngài đã làm, mà còn vì cách ngài đã làm. Ngài vẫn là một mẫu và là một nguồn truyền cảm hứng cho cuộc đối thoại đại kết và liên tôn giáo, và theo một cách đặc biệt, cho cuộc đối thoại “nội bộ – gia đình” với Do Thái giáo. Ông Nahum Goldmann, Chủ tịch Hội đồng Do Thái Thế giới, đã mô tả ĐHY Bea với ba thành ngữ: “hiểu biết, đầy lòng nhân ái và can đảm”. Đây là ba đặc tính thiết yếu cho bất cứ ai làm công việc hòa giải giữa con người.
Đức Thánh Cha quảng diễn ba đặc tính nói trên của ĐHY Bea.
Trước hết là sự hiểu biết về người khác. ĐHY Bea tin rằng tình yêu và sự tôn trọng là những nguyên tắc đầu tiên của cuộc đối thoại. Ngài nói rằng “sự tôn trọng cũng sẽ dạy chúng ta cách đúng đắn để đề xuất sự thật”. Điều này đúng, vì không có sự thật nào ngoài tình yêu, và tình yêu trước hết là khả năng đón nhận, nắm lấy, mang vào mình.
Điều thứ hai là lòng tốt và tình người, biết tạo tương quan tình bạn, sự gắn kết dựa trên tình huynh đệ, như những thụ tạo của Thiên Chúa là Cha và muốn chúng ta là anh em. Sự hiểu biết chấp nhận người khác, lòng tốt tạo nên sự gắn kết hiệp nhất; tất cả điều này nơi ngài được hỗ trợ bởi khía cạnh thứ ba – khí chất can đảm, mà cha Congar gọi là “sự kiên nhẫn bền bỉ”.
Đức Hồng Y Bea phải đối mặt với không ít những cản trở trong công việc đối thoại. Mặc dù bị cáo tội và vu khống, ngài vẫn tiếp tục, với sự kiên trì của người không ngừng yêu. Khi được thông báo rằng thời gian chưa chín muồi cho những gì mà Hội đồng Tòa Thánh cổ võ Hiệp nhất các Kitô hữu đề xuất, thì ngài đã trả lời một cách khẳng khái: “Vậy thì chúng ta phải làm cho chúng chín muồi!”. Không lạc quan cũng không bi quan, ngài thực tế về tương lai của sự hiệp nhất: một mặt nhận thức được những khó khăn, mặt khác tin chắc rằng cần phải đáp ứng mong ước sâu thẳm của Chúa, cho các môn đệ “nên một” (Ga 17,21).
Trích lời Đức Hồng Y Bea nói: “Công đồng không thể là điểm đến, mà là điểm khởi đầu”, Đức Thánh Cha ghi nhận những thành quả đạt được của Trung tâm trong hành trình đối thoại giữa Do Thái giáo và Công giáo, và ngài tiếp tục khuyến khích Trung tâm tiếp tục cống hiến thời gian và chuyên môn cho công cuộc đối thoại này. Đặc biệt, ngài cảm kích sự đóng góp của Đại học Do Thái của Giêrusalem, vì đây là tiếng nói từ bên trong. Vì vậy, sinh viên học được từ lời chứng của các giáo sư Do Thái giáo và Kitô giáo dạy cùng nhau. Điều này còn có ý nghĩa lớn hơn nhiều bài thuyết trình.
Hơn nữa, cuộc đối thoại này hiện nay chỉ mới đạt được ở những nghiên cứu của những chuyên gia. Làm sao để hoa trái đối thoại này được mở ra ở mức độ rộng lớn hơn. Ví dụ như nếu trong cùng thành phố, các rabbi và các cha sở có thể làm việc cùng nhau, trong các cộng đoàn tương ứng, để phục vụ những người đau khổ và cổ võ con đường hoà bình và đối thoại với tất cả.
Cuối cùng Đức Thánh Cha cầu chúc cho đời sống và công việc của ĐHY Bea giúp làm mới và thắt chặt sự hiệp nhất giữa các Kitô hữu và tình bạn với anh em Do Thái giáo. (CSR_1258_2019)
Văn Yên, SJ
(VaticanNews 28.02.2019)