ĐTC kêu gọi cải tiến điều kiện sống và ân xá cho các tù nhân

“Chúng ta tất cả đều được mời gọi sinh vào cuộc sống mới, cho dù trong quá khứ có sai lầm thế nào đi nữa và bị luật lệ trừng phạt. Không ai và không gì có thể bóp nghẹt được “hơi thở” của niềm hy vọng. Vì chính Thiên Chúa cũng hy vọng chúng ta hoán cải, và thay đổi là điều có thể làm được với ơn thánh trợ giúp của Ngài”, ĐTC Phanxicô.
ĐTC kêu gọi cải tiến điều kiện sống và ân xá cho các tù nhân

Trong buổi đọc Kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật hôm qua ĐTC Phanxicô đã kêu gọi cải thiện điều kiện sống của các tù nhân, không chỉ trừng phạt nhưng rộng mở cho hy vọng tái hội nhập vào cuộc sống xã hội và ân xá cho các tù nhân xứng đáng trong Năm Thánh Lòng Thương Xót.

Ngài cũng khích lệ thực thi thoả hiệp Paris về khí hậu tái nhóm hôm nay tại Marakech bên Marốc, và nêu bật khả năng của nhân loại có thể cộng tác để cứu vãn môi sinh, cũng như đặt để kinh tế trong tư thế phục vụ con người và xây dựng hoà bình và công lý.

Trước đó lúc 10 giờ sáng ĐTC đã chủ sự thánh lễ Ngày Năm Thánh cho các tù nhân trong đền thờ thánh Phêrô. Cùng đồng tế với ĐTC có hơn 100 Linh Mục, tuyên uý các nhà tù, và 8.000 tín hữu, trong đó có ban giám đốc nhà tù, các thiện nguyện viên và hàng trăm tù nhân. Các tù nhân đến từ nhà tù Regina Coeli. Ngoài ca đoàn Sistina còn có ca đoàn Papageno của nhà tù.

Từ lúc 9 giờ các tù nhân đã nghe thánh ca và các chứng từ của Đức Ông Giuseppe Livatino, anh của quan toà Rosarrio Livatino người Sicilia nam Italia, đã bị các tổ chức tội phạm mafia ám sát trên đường đến toà án ngày 21 tháng 9 năm 1990. Trong ba vụ xử khác nhau 6 can phạm đã bị kết án tù chung thân, và hai cộng sự viên khác bị kết án 13 năm tù. Năm 1993 ĐC Carmelo Ferraro, TGM Agrigento, đã thu thập các chứng từ cho án phong chân phước, và ngày 21 tháng 9 năm 2011 ĐTGM Francesco Montenegro đã chính thức bắt đầu mở án phong trên cấp giáo phận. Tiếp đến là chứng từ của một tù nhân đã gặp Chúa và dấn thân hoán cải, cùng với nạn nhân mà anh đã hoà giải. Sau cùng là chứng từ của một thiện nguyện viên của Cảnh sát nhà tù, thường ngày tiếp xúc với các tù nhân. Tiếp đến mọi người đã lần hạt Mân Côi kính Đức Mẹ.

Các bài sách thánh được đọc bằng tiếng Anh và Tây Ban Nha. Thánh vịnh và Phúc Âm được hát và đọc bằng tiếng Ý. Phần lời nguyện giáo dân được đọc bằng các thứ tiếng A rập, Bồ Đào Nha, Tàu, Pháp và Albani.

Giảng trong thánh lễ ĐTC quảng diễn ý nghĩa các bài đọc và khẳng định rằng đức tin giúp thừa nhận Thiên Chúa là nguồn mạch của niềm hy vọng, và chỉ cho thấy ước mong đạt một cuộc sống mới. Chúng ta tất cả đều được mời gọi sinh vào cuộc sống mới, cho dù trong quá khứ có sai lầm thế nào đi nữa và bị luật lệ trừng phạt. Không ai và không gì có thể bóp nghẹt được “hơi thở” của niềm hy vọng. Vì chính Thiên Chúa cũng hy vọng chúng ta hoán cải, và thay đổi là điều có thể làm được với ơn thánh trợ giúp của Ngài.

Tất cả các bài đọc trong thánh lễ nói về niềm hy vọng. Lời của một trong 7 anh em nhà Macabây nói với vua Antioco Epifane: “Từ Thiên Chúa người ta có niềm hy vọng được Ngài cho sống lại” (2 Mcb 7,14), biểu lộ đức tin của các vị tử đạo, là những người cho thấy họ có sức mạnh nhìn xa hơn, mặc dầu phải chịu khổ đau và tra tấn. Một đức tin, trong khi thừa nhận Thiên Chúa là nguồn mạch của niềm hy vọng, cho thấy ước mong đạt một cuộc sống mới. Cũng thế câu Chúa Giêsu trả lời cho các người Xađuxê xoá bỏ mọi khoa giải nghi tầm thường của họ. ĐTC nói:

Kiểu nói của Chúa: “Thiên Chúa không phải là của kẻ chết, nhưng là của kẻ sống, bởi vì mọi người đều sống cho Ngài” (Lc 20,38), vén mở cho thấy gương mặt thật của Thiên Chúa Cha, là Đấng chỉ muốn sự sống của tất cả mọi con cái Ngài. Niềm hy vọng tái sinh vào một cuộc sống mới, như vậy là điều mà chúng ta được mời gọi lấy làm của mình để trung thành với giáo huấn của Chúa Giêsu.

Hy vọng là ơn Chúa ban. Nó được đặt trong tận cùng thẳm con tim của từng người, để có thể soi chiếu với ánh sáng của nó hiện tại, thường bị khuấy động và che mờ bởi biết bao tình trạng dẫn đưa tới buồn thương và khổ đau. Chúng ta luôn luôn cần củng cố các gốc rễ của hy vọng cho chắc hơn, để chúng có thể đem lại hoa trái, trước hết là xác tín về sự hiện diện và cảm thương của Thiên Chúa, mặc dù sự dữ chúng ta đã làm. Không có nơi nào trong con tim chúng ta mà tình yêu của Thiên Chúa không tới được. Nơi đâu có một người đã lầm lỗi, thì nơi đó lòng thương xót của Chúa Cha lại càng hiện diện hơn nữa, để dấy lên sự sám hối, tha thứ và hoà giải.

Tiếp tục bài giảng ĐTC nói : hôm nay là Ngày Năm Thánh cho anh chị em và với anh chị em là các tù nhân. Chính với kiểu nói này của tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa mà chúng ta cảm thấy cần đối chiếu. Chắc chắn việc thiếu tôn trong luật lệ đã đáng bị phạt, và việc mất đi sự tự do là hình phạt nặng nề nhất phải chịu, bởi vì nó đụng chạm tới con người trong nơi sâu thẳm nhất. Thế nhưng niềm hy vọng không thuyên giảm. Thật thế, một đàng là điều chúng ta phải chịu vì sự dữ đã làm, đàng khác là « hơi thở » của niềm hy vọng không thể bị bất cứ ai và bất cứ gì lấy mất. Con tim chúng ta luôn luôn hy vọng sự thiện, chúng ta nợ lòng thương xót mà với nó Thiên Chúa đến gặp gỡ chúng ta và không bao giờ bỏ rơi chúng ta (x. Thánh Agostino, Bài giảng 254,1).

Trong thư gửi tín hữu Roma tông đồ Phaolô nói về Thiên Chúa như là « Thiên Chúa của niềm hy vọng » (Rm 15,13). Làm như thể thánh nhân nói với chúng ta rằng Thiên Chúa cũng hy vọng ; và xem ra là điều mâu thuẫn, nhưng nó thật là như vậy : Thiên Chúa hy vọng ! Lòng thương xót của Ngài không để cho Ngài yên. Ngài như nguời Cha của dụ ngôn luôn luôn hy vọng người con đã sai lầm trở về (x. Lc 15,11-32). Không có ngưng nghỉ đối với Thiên Chúa cho tới khi tìm được con chiên đã bị mất (x. Lc 15,5). Và ĐTC giải thích thêm:

Vậy nếu Thiên Chúa hy vọng, thì khi đó niềm hy vọng không thể bị ai lấy mất, bởi vì đó là sức mạnh để đi tới : đó là việc hướng tới tương lai  để biến đổi cuộc sống ; đó là một thúc đẩy hướng tới ngày mai, bởi vì tình yêu bởi đó chúng ta được yêu thương cho dù tất cả, có thể trở thành con đường mới… Tóm lại, niềm hy vọng là bằng chứng nội tại của sức mạnh lòng thương xót của Thiên Chúa, xin chúng ta nhìn tới trước  và chiến thắng lôi kéo của sự dữ và tội lỗi với đức tin và sự tín thác nơi Ngài.

Anh chị em tù nhân thân mến, hôm nay là Ngày Năm Thánh của anh chị em. Ước chi, trước mặt Chúa, niềm hy vọng của anh chị em được thắp sáng lên. Tự bản chất của nó Năm Thánh đem theo lời loan báo giải thoát (x. Lv 25,39-46). Không tuỳ thuộc nơi tôi việc ban nó cho anh chị em, nhưng dấy lên nơi tùng người trong anh chị em ước muốn sự tự do đích thực là một bổn phận, mà Giáo Hội không thế từ bỏ.

Đôi khi có sự giả hình nào đó thúc đẩy chỉ coi anh chị em như những người đã lầm lỗi, vì thế chỉ có con đường duy nhất là nhà tù. Người ta không nghĩ tới khả thể thay đổi cuộc sống, có ít tin tưởng nơi sự phục hồi. Nhưng như thế người ta quên rằng tất cả chúng ta đều là những kẻ tội lỗi, và thường khi chúng ta cũng là tù nhân mà không biết. Khi người ta khép kín chính mình trong các thành kiến, hay khi nguời ta là nô lệ các thần tượng của một sự thoải mái sai lạc, khi chúng ta di chuyển trong các lược đồ ý thức hệ, hay tuyệt đối hoá các luật lệ của thị trường đè bẹp con người, thì thật ra người ta không làm gì khác hơn là ở trong các bức tường của phòng giam của chủ trương cá nhân chủ nghĩa và tự đủ, mất đi sự thật làm nảy sinh ra tự do. Và giơ tay tố cáo chống lại ai đó đã lầm lỗi không thể trở thành một biện minh để che dấu các mẫu thuẫn của chính mình.

ĐTC nói thêm trong bài giảng : chúng ta biết rằng trước mặt Thiên Chúa không có ai có thể cho mình là công chính (x. Rm 2,1-11). Nhưng không ai có thể sống mà không xác tín tìm được sự tha thứ! Ông ăn trộm cùng bị đóng đanh với Chúa Giêsu đã theo Ngài vào thiên đàng (x. Lc 23,43). Vì thế đừng ai trong anh chị em tự khép mình trong quá khứ! Chắc chắn lịch sử quá khứ, cả khi chúng ta có muốn, cũng không thể được viết lại. Nhưng lịch sử bắt đầu từ ngày hôm nay, và liên quan tới tương lai tất cả còn phải được viết, với ơn thánh của Thiên Chúa và với trách nhiệm riêng của anh chị em. Khi học hỏi từ các sai lầm quá khứ, người ta có thể mở ra một chương mới của cuộc đời. Chúng ta đừng rơi vào cám dỗ nghĩ rằng không thể được tha thứ. Bất cứ điều gì lớn nhỏ mà con tim quở trách chúng ta, thì “Thiên Chúa lớn hơn con tim chúng ta” (1 Ga 3,20), chúng ta chỉ phải tín thác nơi lòng thương xót của Ngài thôi.

Đức tin, cho dù có bé như hạt cải đi nữa, cũng có thể chuyển núi rời non (x. Mt 17,20). Biết bao lần sức mạnh của đức tin đã cho phép nói lên lời tha thứ trong những điều kiện nhân loại không thể được ! Những người đã chịu bạo lực, áp bức trên chính họ hay trên các người thân hoặc của cải của họ… Chỉ có sức mạnh của Thiên Chúa, lòng thương xót, có thể chữa lành vài vết thương nào đó. Và ở đâu người ta đáp trả lại bạo lực với sự tha thứ, ở đó con tim của người đã sai lầm cũng có thể được thắng vượt bởi tình yêu đánh ngã mọi hình thức của sự dữ. Và như thế, giữa các nạn nhân và các kẻ có lỗi, Thiên Chúa dấy lên các chứng nhân và các người hoạt động đích thực của lòng thương xót.

Hôm nay chúng ta tôn sùng Đức Trinh Nữ Maria nơi bức tượng Đức Mẹ bồng Chúa Giêsu cầm khúc xích bị bẻ gẫy trong tay, xích xiềng của nô lệ và tù ngục. Mẹ hướng tới từng người trong anh chị em cái nhìn hiền mẫu của Mẹ ; xin Mẹ làm vọt lên từ con tim của anh chị em sức mạnh của niềm hy vọng vào một cuộc sống mới đáng sống trong sự tự do tràn đầy và trong việc phục vụ tha nhân.

Lúc 12 giờ trưa ĐTC đã ra cửa sổ dinh tông toà để đọc Kinh Truyền Tin với hàng chục ngàn tín hữu và du khách hành hương năm châu. Trong bài huấn dụ ngài nói Chúa Giêsu không rơi vào bẫy của các người Xađuxê, nhưng nêu bật sự thật về sự phục sinh, bằng cách giải thích cuộc sống sau cái chết khác với cuộc sống trên trần gian. Vì thế không thể áp dụng các phạm trù của thế giới này cho các thực tại của cuộc sống bên kia. Chúa Giêsu muốn giải thích rằng trong thế giới này chúng ta sống các thực tại tạm bợ.

Trái lại trong thế giới bên kia, sau khi phục sinh, chúng ta sẽ không còn cái chết như chân trời nữa, và sẽ sống mọi sự, kể cả các tuơng quan nhân loại, trong chiều kích của Thiên Chúa, một cách được biến đổi. Cả hôn nhân, là dấu chỉ và dụng cụ của tình yêu của Thiên Chúa trong thế giới này, cũng sẽ sáng ngời trong ánh sáng tràn đầy, trong sự hiệp thông của các Thánh trên Thiên Đàng. Ơn cứu rỗi do Chúa Giêsu đem tới được dành để cho tất cả mọi người.

Sự sống lại không chỉ là sự kiện phục sinh sau cái chết, mà là một kiểu sống mới, mà chúng ta đã kinh nghiệm ngay ở đời này. Đó là chiến thắng trên sự hư vô mà chúng ta có thể nếm hưởng trước. Sự phục sinh là nền tảng của đức tin kitô. Nếu không có quy chiếu về Thiên Đàng và cuộc sống vĩnh cửu, Kitô giáo sẽ bị giản lược vào một luân lý hay một triết lý sống. Tin vào sự phục sinh là nền tảng để mọi hành động của tình yêu kitô không tàn phai, và là mục đích cho chính nó, nhưng trở thành một hạt giống được chỉ định nở hoa trong vườn của Thiên Chúa, và sinh trái của cuộc sống vĩnh cửu.

Tiếp đến ĐTC đã cất kinh Truyền Tin và ban phép lành toà thánh cho mọi người.

Sau Kinh Truyền Tin ngài cũng nhắc tới lễ phong chân phước cho 38 vị tử đạo Albani gồm 2 giám mục, nhiều linh mục và tu sĩ, một chủng sinh và vài giáo dân bị chính quyền độc tài cộng sản giết hồi thế kỷ trước. Các vị đã thích bị tù đầy, tra tấn và chết để trung thành với Chúa Kitô và Giáo Hội. Ước chi gương sống của các vị là sức mạnh nâng đỡ chúng ta trong những lúc khó khăn, và gợi hứng cho các thái độ sống tốt lành, tha thứ và hoà bình của chúng ta.

PopeFrancis-06Nov2016-01.jpg

PopeFrancis-06Nov2016-02.jpg

PopeFrancis-06Nov2016-04.jpg

PopeFrancis-06Nov2016-05.jpg

PopeFrancis-06Nov2016-06.jpg

PopeFrancis-06Nov2016-07.jpg

PopeFrancis-06Nov2016-08.jpg

PopeFrancis-06Nov2016-09.jpg

PopeFrancis-06Nov2016-10.jpg

(Linh Tiến Khải, RadioVaticana 06.11.2016)