ĐTC Phanxicô gặp các nhà ngoại giao cạnh Toà Thánh: Hy Vọng

Lúc 10h30 ngày 09/01 tại Vatican, ĐTC Phanxicô tiếp ngoại giao đoàn cạnh Toà Thánh. Đây là một trong những cuộc gặp quan trọng của Đức Thánh Cha trong chương trình làm việc hàng năm của ngài. Hiện tại có 183 nước đang duy trì quan hệ ngoại giao với Toà Thánh. Các nhà ngoại giao ĐTC gặp hôm nay là đại sứ và nhân viên ngoại giao của các nước đang làm việc về ngoại giao với Toà Thánh.

ngoaigiao.jpg

Đức Thánh Cha đã có một bài diễn văn dài 21 trang trước các nhà ngoại giao trong cuộc gặp quan trọng này.

“Hy vọng” là từ khoá Đức Thánh Cha nhấn mạnh và muốn gởi đến các nhà ngoại giao trong Năm mới này.

Khởi đầu bài diễn văn, ĐTC đề cập đến những thương tích trong năm vừa qua gây ra bởi chiến tranh và tàn phá. Những hậu quả gây ra tác động mạnh nhất đến những người nghèo nhất và yếu thế nhất. Cũng thật đáng tiếc rằng khởi đầu năm mới vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện tốt hơn, ngược lại còn tỏ ra căng thẳng và bạo lực hơn.

Tuy nhiên, dù thế nào, “chúng ta không thể để mất hy vọng. Hy vọng đòi hỏi sự can đảm, đòi hỏi việc ý thức rằng sự dữ, đau khổ và sự chết không thể thắng thế, ngược lại những vấn đề nan giải nhất cũng có thể được đối diện và giải quyết.”

Đức Thánh Cha khẳng định với các đại sứ của Toà Thánh: “hoà bình và phát triển toàn diện con người là mục tiêu căn bản của Toà Thánh trong lãnh vực dấn thân ngoại giao. Những nỗ lực của Phủ Quốc vụ khanh và các Thánh Bộ đều hướng đến mục tiêu này. Đây cũng là điều các vị Đại diện Giáo hoàng phải nhắm đến.”

Với nguyên tắc trên, Đức Thánh Cha nêu ra một số thoả thuận đã được ký trong năm vừa qua giữa Toà Thánh với các nước. Ví dụ, thoả thuận những điều khoản chung với nước Cộng hoà Congo, Cộng hoà Trung Phi, Burkina Faso và Angola; hoặc thoả thuận với Cộng hoà Ý về việc công nhận tại khu vực Châu Âu các văn bằng được cấp bởi các trường của Giáo hội.

Đặc biệt, mục tiêu trên của Toà Thánh được thể hiện rõ nét qua việc quan tâm đến giới trẻ và qua các chuyến tông du của Đức Thánh Cha.

Quan tâm đến người trẻ

Trước hết, về giới trẻ, Đức Thánh Cha chia sẻ sự phấn khởi khi ngài gặp những người trẻ tại Đại hội Giới trẻ Thế giới tại Panama vào đầu năm ngoái. Ngài nói rằng, họ là tương lai và hy vọng của xã hội chúng ta.

Điều đáng buồn là nhiều người lớn, trong đó có cả hàng giáo sĩ, phạm những lỗi nghiêm trọng chống lại phẩm giá của người trẻ, trẻ em và trẻ vị thành niên. Đây là những tội xúc phạm đến Thiên Chúa, gây nên những tổn thương thể lý, tâm lý, thiêng liêng cho những nạn nhân và làm ảnh hưởng xấu đến đời sống của cả cộng đoàn. Do đó, vào tháng Hai năm ngoái, Toà Thánh đã triệu tập một cuộc họp đặc biệt để bàn về việc bảo vệ trẻ em và hiện thực hoá thông qua các khoản luật cũng như cộng tác với các chính quyền dân sự ở các cấp địa phương lẫn quốc tế.

Tuy nhiên, trước những tổn thương nghiêm trọng như thế, điều còn cấp bách hơn nữa là người lớn không từ bỏ trách nhiệm giáo dục của mình. Ngược lại, họ đảm nhận trách nhiệm này với lòng nhiệt thành hơn để hướng dẫn những người trẻ tiến đến sự trưởng thành về thiêng liêng, nhân bản và xã hội.

Dấn thân về giáo dục

Với định hướng giáo dục này, vào ngày 14/5 tới đây, một sự kiện quốc tế sẽ được tổ chức với chủ đề: Tái xây dựng hiệp ước giáo dục toàn cầu. Đây là hội nghị làm sống lại sự dấn thân cho và với các thế hệ trẻ, làm mới lại nhiệt huyết về một nền giáo dục cởi mở và toàn diện hơn, có khả năng lắng nghe kiên nhẫn, đối thoại mang tính xây dựng và hiểu biết lẫn nhau.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng: “mọi thay đổi, như chúng ta đang trải qua trong thời đại này, đòi hỏi một hành trình giáo dục, thiết lập một làng giáo dục, nhằm tạo ra một mạng lưới các mối quan hệ con người và cởi mở. Ngôi làng này phải đặt con người làm trung tâm, khuyến khích sự sáng tạo và trách nhiệm lập kế hoạch dài hạn, đồng thời đào tạo những người sẵn sàng phục vụ cộng đồng.

Do đó, cần định hình một khái niệm về giáo dục bao gồm nhiều trải nghiệm cuộc sống và các tiến trình học hỏi; từ đó, cho phép người trẻ, với cả tư cách cá nhân lẫn tập thể, phát triển nhân cách của họ. Giáo dục không đóng khung trong các lớp học của nhà trường, nhưng nhất thiết phải đảm bảo, bằng sự tôn trọng và củng cố, quyền giáo dục trước tiên của gia đình, quyền của Giáo hội và các tổ chức xã hội, để hỗ trợ gia đình và cộng tác với họ trong việc giáo dục con cái.

Giáo dục đòi hỏi phải đi vào một cuộc đối thoại không ngừng với những người trẻ. Trên hết, họ là những người kêu gọi chúng ta chú ý đến tính cấp bách của tình liên đới giữa các thế hệ, điều không may đã bị thiếu trong những năm gần đây.

Đóng góp của người trẻ

Nếu một mặt chúng ta không được quên rằng những người trẻ đang chờ đợi lời nói và gương sáng của người lớn, thì đồng thời chúng ta phải nhớ rằng những người trẻ có rất nhiều thứ để cống hiến, bằng nhiệt huyết, dấn thân và khao khát sự thật của họ. Qua đó họ liên tục nhắc nhở chúng ta rằng hy vọng không phải là điều không tưởng và hòa bình luôn luôn có thể.

Chúng ta đã nhìn thấy điều đó qua việc nhiều người trẻ đang dấn thân làm cho các nhà lãnh đạo chính trị phải quan tâm về vấn đề biến đổi khí hậu. Việc chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta phải là mối quan tâm của mọi người, vượt lên trên những đối lập ý thức hệ hay khoảng cách thế hệ.

Vấn đề sinh thái

Việc gìn giữ không gian được Tạo Hoá ban tặng để sống không thể bị xem nhẹ hoặc giảm thiểu thành một vấn đề chọn lọc. Người trẻ nói với chúng ta rằng: không thể như thế được, vì điều này là một thách đố cấp bách ở tất cả mọi cấp độ để đảm bảo một sự phát triển bền vững và toàn diện. Vì thế, cần thấy nhu cầu cấp thiết của việc hoán cải sinh thái, “được hiểu theo cách thức toàn diện, như một sự thay đổi các mối quan hệ giữa con người với nhau, giữa con người với những sinh vật khác, với sự đa dạng của tạo thành, và với Đấng Tạo Hoá là nguồn gốc của mọi sự sống”.

Rất tiếc là vấn đề sinh thái chưa đạt được sự quan tâm đúng mức ở mức độ chính trị quốc tế. Việc phản ứng trước biển đối khí hậu còn quá yếu ớt. Cộng đồng quốc tế cần ý thức mạnh hơn nữa trước hiện tượng nóng lên toàn cầu, đòi hỏi sự đáp trả mang tính tập thể và toàn cầu.

Thượng hội đồng Giám mục về Amazon đã được tổ chức để lắng nghe những hy vọng và thách thức của Giáo hội tại Amazon, mở ra những con đường mới để loan báo Tin Mừng cho Dân Chúa, đặc biệt cho người bản địa. Đồng thời, Thượng hội đồng cũng không thể không chạm đến các vấn đề về sinh thái toàn diện, có tác động không chỉ đối với vùng Amazon mà còn ảnh hưởng lên toàn thế giới.

Xung đột chính trị

Bên cạnh vấn đề sinh thái, những xung đột chính trị, kéo theo những hậu quả về khủng hoảng kinh tế xã hội và nhân đạo, cũng là những thách đố lớn hiện nay. Đức Thánh Cha đề cập đặc biệt đến tình hình của Venezuela và một số nước Nam Mỹ, mà nguyên nhân gốc rễ nằm ở sự bất công và tham nhũng, tạo ra nhiều hình thức đói nghèo, xúc phạm đến nhân phẩm con người.

Trước những xung đột cả về chính trị lẫn tôn giáo, trong chuyến tông du thứ hai của năm 2019 đến Các tiểu vương quốc Arập Thống nhất, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cùng với Đại Imam của Al-Azhar, Ahmad al-Tayyib, ký một Tài liệu về Tình huynh đệ nhân loại vì hoà bình thế giới và cùng chung sống. Đây là một tài liệu quan trọng được đánh giá cao và học hỏi rộng rãi trong cả môi trường Kitô giáo lẫn Hồi giáo. Tài liệu bao gồm những điều khoản về việc tôn trọng tự do tôn giáo và nỗ lực loại bỏ phân biệt đối xử đối với các nhóm thiểu số, là mầm mống gây nên sự cô lập, mở đường cho thù địch và bất hòa, đồng thời cố gắng xoá bỏ sự phân biệt đối xử công dân dựa trên tôn giáo mà họ thuộc về.

Các chuyến tông du

Với các nhà ngoại giao của Toà Thánh, Đức Thánh Cha nhắc lại một số chuyến tông du của ngài trong năm qua với những lý do khác nhau. Ví dụ lý do hoà bình và hy vọng là trọng tâm chuyến viếng thăm của ngài đến Marocco. Với chuyến viếng thăm này, sứ điệp về hoà bình và hy vọng cũng được gởi đến các nước hiện đang trong những xung đột triền miên như Siria, Yemen, v.v… tạo nên những bất ổn khiến người dân phải chạy trốn, và vùng biển Địa Trung Hải trở thành nghĩa trang chôn những người tìm cách vượt biển đến Châu Âu.

Chuyến tông du đến Bulgaria, Bắc Macedonia và Romania mang màu sắc của sự đối thoại giữa những khác biệt về dân tộc và tôn giáo tại Châu Âu. Đối với Đức Thánh Cha, đối thoại, chứ không phải vũ khí, là khí cụ thiết yếu để giải quyết các tranh chấp. Trong môi trường Châu Âu, mục tiêu đối thoại và liên đới cần được tiếp tục để đảm bảo cho sự phát triển và vượt qua những khoảnh khắc khó khăn. Ví dụ sự liên đới được thể hiện trong vụ cháy nhà thờ Đức Bà Paris; hay những dấn thân không ngừng để hàn gắn sau 30 năm bức tường Berlin sụp đổ.

Chuyến viếng thăm đến châu Phi tại Mozambique, Madagascar và đảo Maurice mang sứ điệp của hoà bình và hoà giải. Sứ điệp này cũng gởi đến các nước Burkina Faso, Mali, Niger và Nigeria, nơi những người vô tội, trong đó có nhiều Kitô hữu, bị bách hại và bị giết. Do đó, việc cổ võ một tình huynh đệ giữa các nền văn hoá, dân tộc và tôn giáo là điều thiết yếu. Đức Thánh Cha cũng diễn tả mong ước nền hoà bình cho Sudan, và kêu gọi sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế để giúp đất nước này vượt qua khủng hoảng.

Đề cập đến chuyến tông du cuối cùng trong năm 2019, Đức Thánh Cha đề cao kết quả của chuyến viếng thăm tại Thái Lan và Nhật Bản, với sự tôn trọng trong những khác biệt về văn hoá và tôn giáo ở Thái Lan, và sự quý chuộng hoà bình và niềm hy vọng trong việc chăm sóc ngôi nhà chung tại Nhật Bản. Liên quan đến ngôi nhà chung, Đức Thánh Cha cũng diễn tả sự đau buồn và cầu nguyện cho Australia trong vụ cháy rừng liên tục trong những tháng vừa qua. Đồng thời ngài cũng thể hiện sự gần gũi của ngài đối với các nạn nhân của thảm hoạ này.

Sứ mạng năm 2020

Để kết thúc diễn văn, Đức Thánh Cha đề cập đến dịp kỷ niệm 75 năm Hiến Chương Liên Hiệp Quốc, trong đó các quốc gia cam kết cộng tác đa phương và tôn trọng lẫn nhau để xây dựng một gia đình nhân loại tốt đẹp và hành động vì lợi ích chung, đảm bảo các quyền căn bản được tôn trọng.

Đồng thời, hoạt động ngoại giao cũng là một nghệ thuật, là một lời mời gọi tạo nên sự hài hoà giữa các đặc thù của các dân tộc và các quốc gia khác nhau để xây dựng một thế giới công lý và hòa bình.

Văn Yên, SJ

(VaticanNews Tiếng Việt 10.01.2020)