Ngọc Yến
Vatican News (22.12.2020) – Đức Thánh Cha mời gọi các Hồng y và các vị lãnh đạo giáo triều Roma giữ sự bình an và thanh tĩnh trong lễ Giáng sinh năm nay và đương đầu với đại dịch như thời gian ân sủng và để mình được Chúa Thánh Thần hướng dẫn. Ngài cũng mời gọi đừng nhìn “cuộc khủng hoảng Giáo hội” hiện nay dưới góc độ xung đột, nhưng như một lời kêu gọi đổi mới.
Sáng ngày 21/12, như lệ thường hàng năm, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp các Hồng y và giáo triều Roma để trao đổi lời chúc mừng Giáng sinh.
Trong bài diễn văn trước các Hồng y và giáo triều Roma, Đức Thánh Cha suy tư về cuộc khủng hoảng mà thế giới đang trải qua. Ngài nhận xét: “Giáng sinh năm nay là Giáng sinh của đại dịch, của khủng hoảng y tế, kinh tế xã hội và cả Giáo hội, một cuộc khủng hoảng đã tấn công toàn thế giới cách mù quáng.” Tuy thế, cuộc khủng hoảng này là “cơ hội tuyệt vời để chúng ta hoán cải, để khôi phục tính xác thực”, để “làm sống lại một khát vọng toàn cầu về tình huynh đệ giữa tất cả mọi người”.
Khủng hoảng
Theo Đức Thánh Cha, khủng hoảng là một hiện tượng ảnh hưởng đến mọi người và mọi thứ, nó hiện diện ở mọi nơi và mọi thời kỳ trong lịch sử, liên quan đến các hệ tư tưởng, chính trị, kinh tế, kỹ thuật, sinh thái, tôn giáo. Nó là giai đoạn không thể tránh trong lịch sử cá nhân và xã hội. Nó gây ra cảm giác lo lắng, đau khổ, mất cân bằng và không chắc chắn trong các lựa chọn sẽ được thực hiện. Ngài giải thích ý nghĩa của từ khủng hoảng, là cái sàng để làm sạch hạt lúa mì sau khi thu hoạch.
Không nên vội vàng phán xét Giáo hội dựa trên những khủng hoảng
Sau khi suy tư về khủng hoảng của Abraham, Môsê, Elia, thánh Gioan Tẩy Giả, thánh Phao-lô và đặc biệt là cuộc khủng hoảng của Chúa Giê-su, từ những cơn cám dỗ trong hoang địa đến vườn Cây Dầu và cho đến “cuộc khủng hoảng cao độ trên Thánh giá”, đã được Chúa đương đầu trong sự tin tưởng và tín thác hoàn toàn vào Chúa Cha, Đức Thánh Cha nhấn mạnh: “Việc suy tư về cuộc khủng hoảng này cảnh báo chúng ta không nên vội vàng phán xét Giáo hội dựa trên những khủng hoảng gây ra bởi những vụ bê bối trong quá khứ và hiện nay”: những phân tích “không có hy vọng” về Giáo hội là không thực tế, bởi vì “Thiên Chúa tiếp tục làm cho các hạt giống của Vương quốc của Người phát triển giữa chúng ta”. Đức Thánh Cha giải thích: “Trong Giáo triều có nhiều người làm chứng tá bằng công việc khiêm tốn, kín đáo, âm thầm, trung thành, chuyên nghiệp và trung thực. Thời đại của chúng ta cũng có những vấn đề của nó, nhưng nó cũng có bằng chứng sống động chứng minh rằng Chúa không bỏ rơi dân của Người. Điều khác biệt duy nhất là các vấn đề ngay lập tức trở thành tin tức trên báo chí, còn những dấu hiệu của hy vọng chỉ trở thành tin tức sau một thời gian dài, và không phải luôn luôn được chú ý.”
Thời gian của Chúa Thánh Thần
Đức Thánh Cha nhận xét: “Ai không nhìn cuộc khủng hoảng dưới ánh sáng của Tin Mừng thì chỉ giới hạn trong việc khám nghiệm một tử thi. Chúng ta sợ hãi khủng hoảng không chỉ vì chúng ta đã quên đánh giá nó như Tin Mừng mời gọi chúng ta, nhưng còn bởi vì chúng ta quên rằng Tin Mừng đặt chúng ta vào cuộc khủng hoảng trước hết. Nếu chúng ta tìm lại được can đảm và khiêm nhường để hô to lên rằng thời gian khủng hoảng là thời gian của Chúa Thánh Thần, ngay cả trước kinh nghiệm về bóng tối, yếu đuối, mong manh, đối nghịch, lạc hướng, chúng ta sẽ không còn cảm thấy bị nghiền nát, nhưng sẽ không ngừng duy trì sự tin tưởng mạnh mẽ rằng mọi thứ sắp có một hình dạng mới, hoàn toàn nảy sinh từ trải nghiệm về một Ân sủng được ẩn dấu trong bóng tối. ‘Bởi vì vàng phải được tôi luyện trong lửa, còn những người sáng giá thì phải được thử trong lò ô nhục’” (Hc 2,5)
Phân biệt khủng hoảng và xung đột
Đồng thời Đức Thánh Cha cũng mời gọi đừng lẫn lộn giữa khủng hoảng và xung đột. Khủng hoảng, cách chung có điểm tích cực, còn xung đột “luôn tạo ra sự bất hòa và cạnh tranh, một sự đối kháng rõ ràng không thể hòa giải, chia rẽ người khác thành bạn để yêu và kẻ thù để chiến đấu.” Xung đột luôn tìm bên có tội để bêu xấu và khinh thường, và bên “công chính” để biện minh rằng chúng ta không liên quan đến điều này.
Giáo hội có thể bị khủng hoảng nhưng không thể xung đột
Đức Thánh Cha nhận định rằng khi Giáo hội, được nhìn theo các phạm trù xung đột – phe hữu so với tả, cấp tiến so với bảo thủ – thì nó bị phân mảnh, phân cực, biến thái và phản bội bản chất thực của nó. “Giáo hội là một tổ chức bị khủng hoảng không ngừng chính bởi vì nó còn sống, nhưng nó không bao giờ được trở thành một tổ chức xung đột, có kẻ thắng người thua. Trên thực tế, theo cách này, nó sẽ gieo rắc nỗi sợ hãi, nó sẽ trở nên cứng nhắc hơn, ít công nghị tính hơn, và nó sẽ áp đặt một logic đồng nhất và tiêu chuẩn hóa, khác xa với sự phong phú và đa dạng mà Chúa Thánh Thần đã ban cho Giáo hội của Người.”
Đức Thánh Cha nói tiếp: “Sự mới mẻ của cuộc khủng hoảng mà Chúa Thánh Thần muốn không trái ngược với cái cũ, nhưng là điều mới mẻ được nảy sinh từ cái cũ và làm cho nó sinh kết quả” như hạt lúa mì rơi xuống đất, chết đi, nảy sinh bông hạt. Ngài nhắc rằng chúng ta đừng sợ hãi những bê bối, sa ngã, tội lỗi, mâu thuẫn. Chúng ta cần chết đi với một não trạng nào đó để chúng ta có thể dành chỗ cho cái mới mà Chúa Thánh Thần không ngừng khơi dậy trong lòng Hội Thánh.
Vì thế Đức Thánh Cha mời gọi thắng vượt sự phản kháng chống lại sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Ngài nói: “Bằng cách tự phòng vệ tránh bị khủng hoảng, chúng ta cản trở công việc của Ơn Chúa được biểu lộ trong chúng ta và qua chúng ta. Nếu một thực tế nào đó khiến chúng ta nhìn thấy lịch sử của chúng ta chỉ là một loạt rủi ro, bê bối và thất bại, tội lỗi và mâu thuẫn, chúng ta không nên sợ hãi. Chúng ta cũng không nên phủ nhận nơi chúng ta và trong cộng đồng của chúng ta những thứ rõ ràng đã bị ô nhiễm bởi cái chết và cần hoán cải. Mọi điều xấu xa, sai trái, yếu đuối và mong manh được đưa ra ánh sáng như một lời nhắc nhở mạnh mẽ về việc chúng ta cần phải loại bỏ lối sống, suy nghĩ và hành động không theo Phúc Âm. Chỉ bằng cách từ bỏ não trạng nào đó, chúng ta mới có thể nhường chỗ cho sự mới mẻ mà Chúa Thánh Thần không ngừng đánh thức trong lòng Giáo hội.”
Cởi mở với Chúa Thánh Thần
Đức Thánh Cha nói tiếp: “Trong mọi cuộc khủng hoảng luôn có nhu cầu đúng đắn được canh tân và tiến bước. Nhưng nếu chúng ta thực sự muốn có một sự thay đổi, chúng ta phải có can đảm hoàn toàn cởi mở. Chúng ta cần phải ngừng xem việc cải tổ Giáo hội như vá víu chiếc áo cũ, hay chỉ đơn giản là soạn thảo một Tông Hiến mới”, bởi vì Giáo hội không chỉ đơn giản là “chiếc áo của Chúa Kitô, “nhưng đúng hơn là Thân thể của Người, bao trùm toàn bộ lịch sử. Chúng ta không được kêu gọi để thay đổi hay cải tổ Thân Thể Chúa Kitô “nhưng” chúng ta được kêu gọi khoác lên Thân Thể đó chiếc áo mới, để tỏ rõ rằng Ân sủng mà chúng ta có không do chúng ta nhưng đến từ Thiên Chúa.” Thật vậy, “Giáo hội luôn luôn là một chiếc bình bằng đất sét, quý giá vì những gì nó chứa đựng chứ không phải vì những gì nó đôi khi thể hiện về bản thân.”
Cái mới và cái cũ
Để thoát khỏi đại dịch, Đức Thánh Cha khẳng định, cần một cách làm đúng đắn là rút từ kho tàng Truyền Thống những cái cũ và cái mới. Nhắc lại lời Đức Biển Đức XVI, dòng sông chảy kết nối chúng ta với các nguồn, Đức Thánh Cha giải thích: những “cái cũ” là chân lý và ân sủng mà chúng ta đang có; những điều “mới” là những khía cạnh khác nhau của chân lý mà chúng ta dần dần hiểu được… Nếu chúng ta để Chúa Thánh Thần hướng dẫn, mỗi ngày chúng ta sẽ đến gần hơn với “chân lý trọn vẹn” (Ga 16,13). Ngược lại, không có ơn Chúa Thánh Thần, chúng ta thậm chí có thể bắt đầu nghĩ về một Giáo hội đồng nghị, tuy nhiên, thay vì được linh hứng bởi sự hiệp thông với Chúa Thánh Thần, thì nó đi đến chỗ trở thành như bất kỳ hội đồng dân chủ nào khác gồm đa số và thiểu số… Chỉ sự hiện diện của Chúa Thánh Thần mới tạo nên sự khác biệt.”
Đức Thánh Cha nhấn mạnh, để vượt qua đại dịch, cần “đón nhận nó như thời gian ân sủng được ban cho chúng ta để hiểu thánh ý Chúa dành cho mỗi người và cho toàn Giáo hội”; không ngừng cầu nguyện với Chúa vì điều này mang lại cho chúng ta hy vọng.
Những tôi tớ vô dụng
Và Đức Thánh Cha đưa ra lời khuyên nhủ: “Anh em thân mến, chúng ta hãy giữ cho chúng ta một sự bình an và thanh thản cao độ, với ý thức hoàn toàn rằng tất cả chúng ta, trước hết là tôi, chỉ là những “tôi tớ vô dụng ”(Lc 17,10) mà Chúa đã tỏ lòng thương xót. Do đó, sẽ thật tuyệt nếu chúng ta ngừng sống trong xung đột và thay vào đó quay trở lại cảm giác mình đang bước đi.”
Tránh nhiều chuyện, đàm tiếu
Đức Thánh Cha mời gọi tránh nhiều chuyện, những lời đàm tiếu, là những thứ biến mọi khủng hoảng thành xung đột. Ngài nói: “Tin Mừng kể rằng các mục đồng đã tin lời Thiên Thần loan báo và lên đường đến với Chúa Giêsu (x. Lc 2,15-16). Trái lại, Hêrôđê tự khép mình trước câu chuyện của các đạo sĩ và biến sự khép kín này thành dối trá và bạo lực (x. Mt 2,1-16). Mỗi người trong chúng ta, dù ở bất cứ nơi nào trong Giáo hội, hãy tự hỏi mình rằng mình muốn theo Chúa Giêsu với sự ngoan ngoãn của những mục đồng hay với sự tự bảo vệ của Hêrôđê, để theo Người trong cơn khủng hoảng hay để tránh khỏi Người trong cuộc xung đột.”
Quảng đại và nhiệt thành trong việc loan báo Tin mừng
Cuối cùng, ngài đưa ra một yêu cầu đối với Giáo triều Roma như một món quà Giáng sinh: đó là “cộng tác quảng đại và nhiệt thành trong việc loan báo Tin mừng, đặc biệt cho người nghèo”, nơi chúng ta có thể nhìn thấy gương mặt của Thiên Chúa.
Nguồn: vaticannews.va/vi