Ngày 05/06 vừa qua (2019), ông Alessandro Gisotti, Quyền Giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh, thông báo rằng ĐTC Phanxicô sẽ gặp tổng thống Putin vào ngày 04/07 tới đây. Theo giới báo chí, cuộc gặp gỡ lần này có thể mở đường cho chuyến viếng thăm lịch sử của một Giáo hoàng đến Nga.
Tương quan với Giáo hội Chính Thống đang được cải thiện
ĐTC Phanxicô và Tổng thống Putin đã gặp nhau hai lần trước đây vào ngày 15/11/2013 và 10/06/2015. Lần gặp gỡ sắp đến sẽ diễn ra vào thời điểm các mối quan hệ giữa Vatican và Giáo hội Chính Thống trên thế giới đang được cải thiện. Vào năm 2016, ĐTC Phanxicô và Đức Thượng phụ Chính thống Kirill của Nga đã gặp nhau, đánh dấu một bước quan trọng trong tiến trình chữa lành vết rạn nứt từ 1000 năm nay giữa hai nhánh Kitô giáo Đông và Tây phương.
Cựu lãnh đạo của Liên bang Sô viết, ông Mikhail Gorbachev, và Tổng thống đầu tiên của Nga thời hậu Sô viết, ông Boris Yeltsin, đã mời ĐGH Gioan Phaolô thăm Nga, nhưng vì căng thẳng giữa Vatican và Chính Thống Nga nên ngài đã không thực hiện được chuyến viếng thăm. Chính Thống Nga là Giáo hội Chính Thống lớn nhất và có ảnh hưởng nhất trong thế giới Chính thống giáo, với 165 triệu tín hữu trong số 250 triệu tín hữu của Chính Thống giáo trên toàn thế giới.
Các quan tâm chung
Cũng theo giới báo chí, trong cuộc gặp gỡ vào tháng 7 tới đây, ĐTC và Tổng thống Putin có thể đề cập đến các vấn đề liên quan đến Ucraina và Trung đông, đặc biệt là Siria và Thánh Địa vì cả hai đều quan tâm đến các chiều kích chính trị và tôn giáo của những điểm nóng này.
Đối với Ucraina, ĐTC quan tâm đến cuộc xung đột kéo dài từ năm 2015 ở nước này, khiến cho 13 ngàn người thiệt mạng và ít nhất 30 ngàn người bị thương. Bên cạnh đó, sự chia rẽ trong thế giới Chính thống giáo ở Ucraina cũng là điều đáng quan tâm. Trong khi Tổng thống Putin, theo quan điểm của Giáo hội Chính Thống Nga và Tòa Thượng phụ Matscơva, không đồng ý cho Chính Thống Ucraina độc lập, thì ĐTC lại quan tâm đến sự chia cách hơn nữa trong thế giới Chính Thống và Kitô giáo. ĐTC không ủng hộ bên nào nhưng tìm cách thúc đẩy hòa bình, và khuyến khích các Giáo hội Công giáo ở châu Âu quyên góp để trợ giúp nhân đạo cho người dân Ucraina.