Trưa Chúa nhật 20/9, từ cửa sổ Dinh Tông Tòa, Đức Thánh Cha đọc Kinh Truyền Tin với các tín hữu và khách hành hương. Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, Đức Thánh Cha diễn giải ý nghĩa Tin Mừng Chúa nhật XXV thường niên năm A.
Tin Mừng nói về việc Chúa Giêsu kể dụ ngôn ông chủ vườn nho mướn thợ làm việc trong vườn nho của ông. Những người thợ này, có người làm từ sáng sớm, có người làm từ trưa và cũng có người chỉ làm một giờ, nhưng khi trả công ông chủ trả đồng đều. Người làm từ sáng sớm đã cằn nhằn với chủ nhà việc trả công này. Ông chủ trả lời rằng ông không đối xử bất công vì đã có sự thỏa thuận rõ ràng, còn việc ông trả công cho người chỉ làm một giờ bằng người làm cả ngày đó là quyền của ông. (Mt 20 1-16)
Mở đầu bài giáo lý, Đức Thánh Cha nói: “Qua bài tường thuật này, Chúa Giêsu chỉ cho chúng thấy cách Thiên Chúa hành động, một cách gây ngạc nhiên. Điều này được thể hiện qua hai thái độ của ông chủ: lời kêu gọi và phần thưởng”.
Đức Thánh Cha giải thích từng thái độ của ông chủ:
Thứ nhất: lời kêu gọi: “Năm lần ông chủ vườn nho đi ra và gọi người làm việc cho ông: vào lúc sáu giờ, chín giờ, mười hai giờ, ba giờ chiều và năm giờ chiều. Hình ảnh ông chủ nhiều lần ra đi tìm thợ làm vườn nho cho ông thật cảm động. Ông chủ đó chính là Chúa, Ngài gọi tất cả mọi người và luôn mời gọi. Hôm nay, Thiên Chúa cũng vẫn hành động theo cách này: Ngài tiếp tục gọi bất cứ ai, vào bất cứ giờ nào, đến làm việc trong Vương quốc của Ngài”.
Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu: “Chúng ta được mời gọi đón nhận và theo gương Chúa. Thiên Chúa không đóng kín trong thế giới của Ngài, nhưng tiếp tục ‘ra đi’ tìm kiếm con người, bởi vì Ngài không muốn ai bị loại trừ khỏi kế hoạch Yêu thương của Ngài”.
“Cộng đoàn chúng ta cũng được mời gọi ra đi đến các ‘biên giới’ khác nhau, để trao ban cho thế giới ơn cứu độ mà Chúa Giêsu đã mang đến. Điều này có nghĩa là mở ra cho những chân trời trong cuộc sống, mang lại niềm hy vọng cho những ai đang dừng lại ở những vùng ngoại vi và chưa cảm nghiệm, hoặc đã đánh mất sức mạnh và ánh sáng đền từ cuộc gặp gỡ Đức Kitô”.
Đức Thánh Cha nhấn mạnh thêm: “Giáo hội phải như Thiên Chúa: luôn đi ra; và khi Giáo hội không đi ra, Giáo hội bị bệnh. Tại sao trong Giáo hội có nhiều bệnh? Vì Giáo hội không đi ra ngoài. Đúng là khi một người đi ra ngoài người này sẽ có thể gặp nguy hiểm, tại nạn. Nhưng một Giáo hội gặp tai nạn do ra đi loan báo Tin Mừng thì tốt hơn là một Giáo hội ốm yếu do đóng kín. Thiên Chúa luôn ra đi, vì Ngài là Cha, vì Ngài yêu thương. Giáo hội phải làm như vậy: luôn đi ra ngoài”.
Đức Thánh Cha giải thích tiếp thái độ thứ hai của ông chủ: “Thái độ thứ hai của ông chủ, là chính Chúa về cách ông thưởng cho người thợ. Ông thỏa thuận ‘một quan tiền’ (câu 2) với những người thợ đầu tiên ông thuê vào buổi sáng. Trái lại, với những người ông thuê sau này, ông nói: ‘Tôi sẽ trả cho các anh hợp lẽ công bằng’ (câu 4). Vào cuối ngày, ông chủ vườn nho ra lệnh trả công cho mọi người như nhau, tức là một quan tiền. Những người đã làm việc từ sáng tỏ ra phẫn nộ và phàn nàn chống lại ông chủ, nhưng ông khẳng định: ông muốn trả công tối đa cho mọi người, kể cả những người đến sau (câu 8-15). Ở đây, chúng ta hiểu rằng Chúa Giêsu không nói về công việc và lương bổng, nhưng nói về Nước Thiên Chúa và lòng nhân từ của Cha trên trời”.
“Trong thực tế, Thiên Chúa cư xử như thế này: Ngài không nhìn vào thời gian và kết quả, nhưng theo sự sẵn sàng và lòng quảng đại khi chúng ta phục vụ Ngài. Cách hành động của Thiên Chúa không chỉ đúng, theo nghĩa là nó vượt ra ngoài công bằng và được thể hiện trong Ân sủng. Ngài ban cho chúng ta Ân sủng, Ngài ban cho chúng ta nhiều hơn những gì chúng ta xứng đáng. Và vì vậy, những người suy nghĩ theo lý luận con người, theo những công lao có được nhờ tài giỏi của chính mình, là người đứng đầu, sẽ phải xuống hàng chót. Trái lại, những ai khiêm nhường phó thác vào lòng thương xót của Cha, từ người đứng chót, sẽ được lên hàng đầu” (câu 16).
Đức Thánh Cha đưa câu chuyên của Người Trộm Lành để minh chứng cho điều vừa diễn giải: “Người Trộm Lành đã ‘đánh cắp’ Thiên đàng trong giây phút cuối cùng của cuộc đời. Đây là ân sủng của Thiên Chúa. Thiên Chúa cũng đối xử như thế đối với tất cả chúng ta. Ai khiêm nhường phó thác cho lòng thương xót Cha, sẽ được lên hàng đầu”.
Đức Thánh Cha kết thúc với lời cầu nguyện: “Xin Mẹ Maria giúp chúng ta cảm nhận mỗi ngày niềm vui và sự ngạc nhiên khi được Chúa kêu gọi làm việc cho Ngài, trong cánh đồng của Ngài là thế giới, trong vườn nho của Ngài là Giáo hội. Và phần thưởng duy nhất là tình yêu Thiên Chúa, tình bạn với Chúa Giêsu”.
Sau Kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha gửi lời chào đến các vị mục tử và các tín hữu ở Hungary, và tất cả những ai đang chờ đợi với đức tin và niềm vui Đại hội Thánh Thể Quốc tế, lẽ ra diễn ra trong những ngày vừa qua. Nhưng do đại dịch, Đại hội được dời tới sang năm từ 05-12/9/2021. Đức Thánh Cha nói: “Chúng ta hãy tiếp tục hiệp nhất cách thiêng liêng trong hành trình chuẩn bị. Hãy tìm nơi Thánh Thể nguồn sự sống và sứ vụ của Giáo hội”.
Chúa nhật 20/9, tại Ý cử hành Ngày Đại học Công giáo Thánh Tâm. Nhân dịp này, Đức Thánh Cha khuyến khích mọi người hỗ trợ tổ chức văn hóa quan trọng này, để Đại học tiếp tục mang lại sức sống mới cho một dự án có thể mở ra tương lai cho các thế hệ trẻ. Theo Đức Thánh Cha điều quan trọng là các thế hệ trẻ được đào tạo hướng đến việc chăm sóc nhân phẩm và ngôi nhà chung.
Đức Thánh Cha cũng không quên chào các nhóm hành hương các hiệp hội đang có mặt tại Quảng trường Thánh Phêrô.
Sau cùng, Đức Thánh Cha chúc mọi người một ngày Chúa nhật an bình và xin mọi người cầu nguyện cho ngài.
Ngọc Yến
(vaticannews.va 20.09.2020)