Giới răn thứ 6 “chớ ngoại tình” nhắc nhở trực tiếp đến sự trung thành. Và trung thành cũng là điều cần phải có trong mọi mối quan hệ của con người. Người ta không thể chỉ yêu thương bao lâu tình yêu còn “xuôi xắn dễ dàng”. Để có thể trung thành trong tình yêu, đôi bạn phải ý thức đến sự trợ giúp của ơn Chúa và do đó họ cần được chuẩn bị thật tốt cho hôn nhân.
Sau khi đã dành 2 buổi yết kiến chung liên tiếp để khai triển giáo lý về giới răn thứ 5 – “chớ giết người” – trong mười điều răn, trong bài huấn dụ trước 25 ngàn tín hữu hiện diện tại quảng trường thánh Phêrô sáng thứ tư 24.10 hôm qua, trong đó có khoảng 150 tín hữu VN đến từ Mỹ, ĐTC bắt đầu giải thích về giới răn thứ 6: chớ ngoại tình. ĐTC nhận xét rằng đây là giới răn liên quan đến cảm xúc và tính dục và ngài nhấn mạnh rằng giới răn này nhắc trực tiếp đến sự trung thành chung thủy và thực tế là không có mối tương quan đích thực nào của con người lại không có sự trung thành và tin tưởng. ĐTC giải thích điều này như sau:
Người ta không thể chỉ yêu thương bao lâu tình yêu còn “xuôi xắn dễ dàng”
Tình yêu được bày tỏ vượt trên lợi ích của cá nhân khi người ta trao tặng tất cả mà không giữ lại gì cho mình. Như Giáo lý Hội thánh khẳng định: “Tình yêu đòi hoỉ phải dứt khoát, không được tạm bợ.” (số 1646). Trung thành là đặc tính của một mối quan hệ tự do, trưởng thành và có trách nhiệm. Một người bạn cũng chứng tỏ mình chân thực bởi vì anh ta vẫn như vậy trong mọi hoàn cảnh, nếu không anh ta không phải là một người bạn.
Chúa Kitô là người bạn trung thành
Chúa Kitô bày tỏ tình yêu đích thực, Người sống trong tình yêu vô biên của Chúa Cha, và bởi điều này, Người là Người Bạn trung tín, là Đấng đón nhận chúng ta ngay cả khi chúng ta phạm sai lầm và luôn luôn muốn điều tốt lành cho chúng ta, ngay cả khi chúng ta không xứng đáng.
Con người cần được yêu thương không điều kiện và ai không nhận sự tiếp đón này thì mang trong mình một sự bất toàn nào đó, mà thường họ không nhận biết. Trái tim con người tìm cách lấp đầy sự trống vắng này bằng những thứ thay thế, bằng cách chấp nhận sự thỏa hiệp và tầm thường, là những thứ xem tình yêu chỉ là hương vị hão huyền.
Ở đây có sự nguy hiểm là gọi tên là tình yêu những mối quan hệ chưa chín chắn và chưa trưởng thành, với ảo tưởng về việc tìm kiếm ánh sáng của cuộc sống trong một điều gì đó, mà trong trường hợp tốt nhất, nó cũng chỉ là sự phản chiếu.
Dáng vẻ bên ngoài không đủ cho một tình yêu đích thực
ĐTC nhận xét rằng khi không nhận định đúng về giá trị và đặc tính đích thực của tình yêu, thì người ta đánh giá quá cao sự hấp dẫn thể lý, điều mà tự nó là một món quà của Thiên Chúa nhưng có mục đích là chuẩn bị con đường đi đến một mối tương quan đích thực và trung thành với con người. Như thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã nói, con người “được kêu gọi đến với sự chân thành hoàn toàn và trưởng thành trong các mối quan hệ”, điều “là thành quả dần dần của sự phân định các xung động trong trái tim của một người”. Nó là thứ người ta chinh phục, vì mỗi người “phải kiên trì và tập trung học hỏi ý nghĩa của cơ thể là gì”. (x. Giáo lý, 12.11.1980).
Cần thời gian chuẩn bị cho hôn nhân
Do đó, lời mời gọi sống đời hôn nhân đòi hỏi một sự phân định chính xác về phẩm chất của mối tương quan và một thời gian đính hôn để kiểm chứng nó. Để đi đến bí tích hôn nhân, những người đính hôn phải hoàn toàn chắc chắn rằng trong mối liên kết của họ có bàn tay của Thiên Chúa, Đấng đi trước họ và đồng hành với họ, và sẽ cho phép họ nói: “Nhờ ơn Chúa Kitô, tôi hứa sẽ luôn trung thành với bạn”. Họ không thể hứa hẹn lòng trung thành “trong khi vui cũng như lúc đau buồn, khi mạnh khỏe cũng như lúc đau ốm”, và yêu thương và kính trọng nhau mọi ngày trong cuộc sống của họ, chỉ dựa trên căn bản ý muốn tốt lành hay hy vọng rằng “sự việc sẽ diễn tiến tốt”. Họ cần phải xây dựng trên nền tảng vững chắc của Tình Yêu trung thành của Thiên Chúa.
Cần chuẩn bị hôn nhân thật sự
ĐTC nhắc rằng hôn nhân cần phải được chuẩn bị thật sự chứ không chỉ là việc làm qua loa. Nó phải là một hành trình, như một người tân tòng chuẩn bị lãnh nhận bí tích rửa tôi. ĐTC nói: Vì thế, trước khi cử hành bí tích hôn phối, chúng ta cần có sự chuẩn bị kỹ càng, tôi muốn nói đến một chương trình giáo lý, bởi vì người ta sống toàn bộ cuộc đời trong tình yêu, và với tình yêu người ta không thể đùa giỡn.
Không thể định nghĩa “chuẩn bị hôn nhân” là 3 hay 4 buổi gặp gỡ học giáo lý tại giáo xứ; không, nó không đúng là chuẩn bị, đây là chuẩn bị giả tạo. Và trách nhiệm của người để cho việc này xảy ra là cha sở, là giám mục, là người để cho việc này xảy ra. Việc chuẩn bị phải kỹ càng cẩn thận và đòi hỏi chúng ta thời gian. Nó không phải là một việc làm hình thức: nó là một bí tích. Nhưng chúng ta phải chuẩn bị bằng một giáo lý thật sự.
Trung thành có giá trị trong mọi chiều kích của cuộc sống
Trung thành thực chất là một cách hiện hữu, một cách sống. Người ta làm việc với lòng trung thành, người ta nói với sự chân thành, người ta vẫn trung thành với chân lý trong suy nghĩ và hành động của chính mình. Một cuộc sống được đan dệt bởi sự trung thành được thể hiện trong mọi chiều kích và giúp trở thành những người nam và nữ trung thành và đáng tin cậy trong mọi hoàn cảnh.
Sự trung thành của Thiên Chúa giúp chúng ta sống trung thành
ĐTC nhắc nhở rằng để đạt đến một cuộc sống tốt đẹp như thế thì bản tính con người của chúng ta thôi chưa đủ, mà cần có sự trung thành của Thiên Chúa đi vào trong sự hiện hữu của chúng ta. Giới răn thứ 6 nhắc chúng ta biết hướng ánh nhìn về Chúa Kitô, Đấng với sự trung thành của Người có thể lấy đi khỏi chúng ta trái tim ngoại tình và ban cho chúng ta con tim trung thành. Trong Người và chỉ trong Người, có tình yêu không giữ lại và xét lại, có sự trao tặng hoàn toàn mà không có lưu ý hay điều kiện và có sự kiên trì chấp nhận cho đến cùng.
Sự trung thành của chúng ta phát xuất từ sự chết và sống lại của Chúa, từ tình yêu không điều kiện của Người nảy sinh sự bền vững của các mối tương quan. Từ sự hiệp thông với Người, với Chúa Cha và với Chúa Thánh Thần nảy sinh sự hiệp thông giữa chúng ta và biết cách sống trung thành các mối quan hệ của chúng ta.
Hồng Thủy
(VaticanNews 24.10.2018)