Sáng ngày 24/10, ĐTC đã tiếp khoảng 200 giáo sư và sinh viên Phân khoa thần học giáo hoàng Marianum ở Roma nhân dịp 70 năm thành lập Khoa. Đức Thánh Cha ước mong mỗi thành viên của Khoa sống theo gương Đức Mẹ – “nữ tì của Chúa.” (Lc 1,38).
Đức Thánh Cha đưa ra câu hỏi: liệu Thánh mẫu học có hữu ích cho Giáo hội và thế giới ngày nay không? Câu trả lời là có. Học với Mẹ Maria là học về đức tin và sự sống. Mẹ là thầy dạy giỏi về đời sống Kitô hữu và đời sống con người. Với đặc tính này, Đức Thánh Cha khai triển hai yếu tố về Đức Mẹ: là mẹ và là phụ nữ.
Yếu tố đầu tiên là “mẹ”. “Mẹ của Chúa” được bà Elisabeth chân nhận (x. Lc 1,43) cũng là mẹ của tất cả chúng ta. Chúa Giêsu trên Thánh Giá đã trao Mẹ cho môn đệ Gioan, cũng cho mỗi người chúng ta. Chúa Giêsu không muốn công trình cứu độ của Ngài hoàn thành mà không ban cho chúng ta một người Mẹ. Đức Mẹ đã làm cho Thiên Chúa trở thành anh em của chúng ta và như một người mẹ, Mẹ có thể làm cho Giáo hội và thế giới trở nên huynh đệ hơn.
Đặc biệt, Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến sự hiệp nhất: “Giáo hội cần khám phá lại trái tim mẫu tử của mình, trái tim đập vì sự hiệp nhất.” Chúng ta cần tình mẫu tử. Thế giới không có những người mẹ thì không có tương lai; chỉ có lợi ích và lợi nhuận thì không cho tương lai, nhưng làm gia tăng bất bình đẳng và bất công. Ngược lại, các bà mẹ làm cho mỗi đứa con cảm nhận như đang ở nhà và mang đến hy vọng.
Yếu tố thiết yếu thứ hai: Mẹ là một phụ nữ. Có lẽ sử liệu về Thánh mẫu học lâu đời nhất trong Tân Ước nói rằng Đấng Cứu Thế “sinh ra bởi một người nữ” (Gl 4,4). Như người mẹ làm nên một gia đình Giáo hội, thì người nữ làm cho chúng ta thành một dân tộc. Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến vai trò của phụ nữ là thiết yếu trong lịch sử cứu độ, cho Giáo hội và cho thế giới. Nhưng nhiều phụ nữ không nhận được phẩm giá mà đáng ra họ phải nhận được. Do đó, Thánh mẫu học được kêu gọi tìm kiếm những không gian xứng đáng hơn cho phụ nữ trong Giáo Hội, khởi đi từ phẩm giá chung của phép rửa. (CSR_7809_2020)
Văn Yên, SJ
(vaticannews.va 24.10.2020)