Peter Seewald, người nhiều lần phỏng vấn Đức Bênêđíctô XVI và xuất bản thành sách, vừa cho xuất bản cuốn “Đức Bênêđíctô XVI, Chúc Thư Cuối Cùng, Bằng Chính Lời Ngài” do Nhà Bloomsbury phát hành. Sau đây là lời giới thiệu của ông:
Với cuốn Chúc Thư Cuối Cùng của tôi, chúng ta bước vào cuộc đời của Joseph Ratzinger một cách không hạn chế, một cuộc đời trải dài gần hết thế kỷ 20, và bước vào một con người vốn là một trong những nhà tư tưởng có ảnh hưởng nhất thời nay, một trong những nhân vật xuất sắc và lôi cuốn nhất của thời đại chúng ta.
Tôi thường được người ta hỏi làm thế nào cuốn sách này đã ra đời. Một số người hỏi có phải Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI đã không giữ lời hứa rút vào im lặng của ngài sau khi từ chức. Không, ngài không thất hứa. Những bản ghi chép các cuộc trò chuyện của chúng tôi khởi đầu vốn không nhằm dẫn đến một dự án riêng biệt nào mà đúng hơn chỉ là một trợ cụ giúp tôi viết tiểu sử của Ratzinger. Quả không dễ cho tôi chút nào khi phải thuyết phục để Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô chịu nhận rằng điều quan trọng là công bố bản văn này trước nhất.
Chúc Thư Cuối Cùng là một tài liệu thế giới hàng đầu có tính lịch sử. Trong lịch sử lâu dài của Giáo Hội, chưa bao giờ có một vị Giáo Hoàng nào đã mang triều giáo hoàng của mình đến chỗ kết thúc. Vì vậy, chúng ta có cơ hội có được tín liệu chân xác ở đây, không bị các phương tiện truyền thông bóp méo. Trọng điểm của dự án là giữ cho con đường mở ra để chúng ta tham dự vào cuộc đời và việc làm của ngài.
Điều làm tôi nổi giận là thấy một cái hiểu hết sức ngớ ngẩn về ngài đã len vào nhận thức của công chúng. Họ bảo: người ta đã chọn lầm Ratzinger làm Giáo Hoàng, việc làm lớn nhất của ngài là việc từ chức! Nhảm nhí. Điều này không những mâu thuẫn với sự thật lịch sử, nó còn nguy hiểm nữa. Vì nó ngăn cản chúng ta không lãnh hội được thông điệp quan trọng của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI.
Chúc Thư Cuối Cùng không phải là để biện minh cho việc làm của Đức Giáo Hoàng, cũng không bàn tới những cáo buộc nhằm vào ngài, và chắc chắn không phải là một nỗ lực nhằm minh oan cho di sản của ngài. Đúng hơn, đây là việc thông tri, và là việc cung cấp những cái nhìn thấu đáo vào cuộc đời và việc làm của một trong những nhân vật vĩ đại của thời đại. Nó cũng làm tịt ngòi các suy đoán và các lý thuyết cho rằng có âm mưu quanh việc từ chức của Đức Bênêđíctô. Trong cuốn sách này, chúng ta biết thực sự việc từ chức này là như thế nào.
Các cuộc phỏng vấn cho cuốn sách đã diễn ra trong một bầu không khí rất dễ chịu tại một đan viện nhỏ ở Vườn Vatican nơi Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô ẩn dật sau triều giáo hoàng của ngài. Tôi đến đó để gặp ngài, bắt tay ngài, và hỏi như thường lệ: “Đức Thánh Cha sức khoẻ lâu nay ra sao?” Ngài trả lời: “thì cũng như bất cứ ông già nào”. Và sau đó tôi đi thẳng vào các câu hỏi để tận dụng thời gian tôi có với ngài.
Điều quan trọng đối với tôi là giữ một khoảng cách theo kiểu nhà báo. Dù sao, nhân vật Joseph Ratzinger cũng không phải là một loại người thân mật sẵn sàng vỗ lưng bạn. Nhưng ngài không ngạo mạn và tự cao tự đại, và ngài khiến ta dễ dàng đặt loại câu hỏi không hẳn dễ dàng đối với ngài. Và ngài gây ấn tượng bằng những câu trả lời rất cởi mở. Rồi cái đẹp trong ngôn ngữ ngài dùng sẽ đưa bạn vào sâu hơn cái sâu sắc của tư duy ngài.
Một cuộc gặp gỡ với ngài luôn luôn rất vui tươi bởi vì ngài là người của âm nhạc, một nhà thơ, một nghệ sĩ. Chúng tôi đã cười rất nhiều với nhau. Một trong các bằng hữu của ngài từng nói: “Ratzinger không bao giờ phàn nàn cả”. Ngài giống Mozart về phương diện này, không bao giờ để những vấn đề bản thân che phủ niềm vui tươi trong công việc mình làm. Về phương diện này, ngài không thay đổi gì trong 20 năm tôi dành thì giờ với ngài. Tôi phải nói rằng: bất cứ nhân chứng đầu tay nào đối với cuộc đời của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô đều phải lắc đầu trước hình ảnh của cái gọi là ‘Panzerkardinal’ (Hồng Y áo giáp), mà một số người trong các phương tiện truyền thông tiếp tục tuyên truyền. Là một thần học gia của người dân, ngài không bao giờ quên rằng mình xuất thân từ những hoàn cảnh rất tầm thường.
Với tôi, mãi mãi vẫn còn là một bí ẩn việc Ratzinger có thể chu toàn chức vụ Thượng Tế đầy tính sử thi của Giáo Hội Công Giáo La Mã, với 1.3 tỷ thành viên, mà đồng thời, với tuổi già và nhiều vấn đề sức khỏe, vẫn viết được tác phẩm ba cuốn về Chúa Giêsu Chúa Kitô.
Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô nhận mình đã kiệt sức về cuối triều đại giáo hoàng của ngài. Ngài đã hiến mình cho đến phút cuối cùng của chức vụ ngài. Các vị giáo hoàng khác được xác định đặc điểm trước hết nhờ triều giáo hoàng của các ngài. Với Đức Ratzinger, chính toàn bộ các trước tác mới có ý nghĩa và tuyệt vời bất kể chức vụ giáo hoàng của ngài. Và ở đây, chúng ta không những có một nhà trí thức quan trọng một cách sâu sắc. Chúng ta còn có một bậc thầy linh đạo, một giáo phụ thời hiện đại của Giáo Hội, một người đã để lại cả một kho trước tác gần như vô tận. Trên hết, Ratzinger cho chúng ta thấy: tôn giáo và khoa học, đức tin và lý trí, không đối nghịch nhau.
Ngay từ đầu, tôi đã rất cảm phục tính hiện thực, lòng can đảm và nhiệt tình mạnh mẽ của ngài. Ratzinger coi Giáo Hội của mình như một phong trào kháng chiến chống lại sự hư đốn của thời đại, chống lại sự lãng quên Thiên Chúa của chủ nghĩa vô thần cực đoan và các hình thức ngoại đạo mới. Ngài khuyến khích chúng ta đừng choáng mắt hoặc bị lôi cuốn bởi các xu hướng hiện đại mới nhất. Ấy thế nhưng, cùng một lúc, ngài ngăn ngừa chúng ta khỏi tính cứng ngắc hay hẹp hòi, và thay vào đó, ngài dẫn chúng ta đến chỗ cởi mở chào đón các thay đổi cần thiết mà thời đại chúng ta đang sống đem lại.
Bản thân ngài vốn sẵn sàng làm những việc không ai đã làm trước đó. Được hỏi về bản chất của vị kế nhiệm, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô nói: “Tôi nghĩ bản chất ấy tốt”. Điều này không có nghĩa ngài thấy mọi điều đều có thể nhất trí được. Mặt khác, Đức Phanxicô nói rằng Đức Bênêđictô là “một vị Giáo Hoàng vĩ đại”. Đức Phanxicô nói với chúng ta: “tinh thần của ngài sẽ cao cả hơn và mạnh mẽ hơn từ thế hệ này qua thế hệ nọ”. Với Đức Bênêđíctô XVI, một thời đại đã kết thúc. Ngài là vị giáo hoàng của thời thay đổi, một người bắc cầu cho một tân thời đại đang tới, bất kể thời này sẽ như thế nào. Xem ra lời nhắc nhở quan trọng nhất của Ngài đối với chúng ta là lúc ngài nói: “Một xã hội, nếu thiếu vắng Thiên Chúa, sẽ tự hủy hoại chính mình. Đó là điều chúng ta đã thấy trong các thử nghiệm độc tài vĩ đại của thế kỷ trước”.
Vũ Văn An