Đức Giám mục Bonnar: Tầm nhìn của Đức Thánh Cha Phanxicô về niềm vui Tin Mừng là chìa khóa để hiểu ‘Fiducia Supplicans’

Đức Giám mục David Bonnar

Vào ngày 9 tháng 11 năm 2020, tôi nhận được một cuộc điện thoại thay đổi cuộc đời. Ngày hôm đó, sứ thần tòa thánh cho tôi biết rằng Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm tôi làm giám mục thứ sáu của Youngstown, Ohio (Mỹ). Ý thức được sự yếu đuối và bất xứng của mình, tôi chấp nhận trách nhiệm này với lòng khiêm tốn và tín thác. Khi thông báo được chính thức đưa ra một tuần sau đó, tôi bắt đầu những chuẩn bị cần thiết để rời giáo phận quê hương của mình và chuẩn bị cho chương mới này trong cuộc đời mình.

Một trong những việc làm đầu tiên là sắp xếp một khóa tĩnh tâm theo giáo luật kéo dài năm ngày để chuẩn bị cho tôi đón nhận cuộc sống và mục vụ mới này. Tôi đã liên hệ với các giám mục mà tôi đã biết từ giáo phận quê hương của mình, một số người đang phục vụ ở các khu vực khác, và nhờ các vị ấy cung cấp các bài đọc thiêng liêng cho khóa tĩnh tâm. Tất cả các giám mục đều đưa ra những lời khuyên tuyệt vời để giúp tôi bắt đầu quá trình chuyển đổi từ linh mục giáo xứ sang giám mục giáo phận. Một trong các giám mục đã viết thư lại cho tôi và nói đơn giản: “Dave, chỉ cần đọc và cầu nguyện về ‘Niềm vui Tin Mừng’, và đó là tất cả những gì cha cần.”

Lời khuyên đọc tông huấn quan trọng của Đức Thánh Cha Phanxicô từ năm 2013 đã không chỉ trở thành một món quà mà tôi bắt đầu khám phá trong khóa tĩnh tâm mà còn thực sự là một lộ trình cho sứ vụ giám mục của tôi tại giáo phận. Tôi đã cố gắng bằng nhiều cách chia sẻ món quà này với các giáo sĩ, tu sĩ và tín hữu trong giáo phận mình.

Khi Bộ Giáo lý Đức tin ban hành “Fiducia Supplicans”, một “Tuyên ngôn về ý nghĩa mục vụ của các lời chúc lành,” vào ngày 18 tháng 12 năm 2023, tôi—cũng như nhiều giám mục anh em của tôi—đã nhận được một loạt câu hỏi từ các phương tiện truyền thông, các thành viên giáo sĩ và tín hữu đang tìm kiếm sự hiểu biết và hướng dẫn về thông tin này, vốn cho phép các linh mục ban chúc lành mục vụ cho các cặp đồng giới.

Nhiều tài khoản truyền thông ngay lập tức mô tả tài liệu này là một “sự thay đổi” hoặc “sự chuyển dịch” trong giáo huấn của giáo hội. Trong một thông báo được đưa ra cùng ngày Tuyên ngôn được công bố, Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ lưu ý rằng có sự khác biệt giữa “một chúc lành phụng vụ,” giống như một chúc lành được ban trong Thánh lễ Hôn phối, và một “chúc lành mục vụ”, mà bất cứ ai tìm kiếm ân sủng của Thiên Chúa đều có thể yêu cầu. Thông báo nói rõ rằng tài liệu mới không hề thay đổi giáo huấn của Giáo hội về hôn nhân nhưng khuyến khích các linh mục đồng hành cùng người khác trên hành trình của họ.

Trong phần trình bày Tuyên ngôn, Bộ lưu ý thực tế này khi nói: “Như trong câu trả lời đã được đề cập của Đức Thánh Cha đối với các nghi vấn của hai Hồng y, Tuyên ngôn này vẫn vững chắc trên giáo lý truyền thống của Giáo hội về hôn nhân, không cho phép bất kỳ loại nghi thức phụng vụ hoặc chúc lành nào tương tự như một nghi thức phụng vụ có thể dẫn đến nhầm lẫn”. Fiducia Supplicans đưa ra một suy tư thần học qua lăng kính “tầm nhìn mục vụ” của Đức Thánh Cha. Ghi chú này về tầm nhìn mục vụ của Đức Thánh Cha rất quan trọng đối với sự hiểu biết của chúng ta về Tuyên ngôn mới này.

Tầm nhìn mục vụ của Đức Thánh Cha Phanxicô

Một cuộc sống không có tầm nhìn rõ ràng có thể trở thành một vấn đề. Sự lãnh đạo thành công cũng không thể tồn tại một cách hiệu quả nếu không có tầm nhìn. Là vị giáo hoàng đầu tiên đến từ Nam Mỹ, Đức Thánh Cha Phanxicô đã mang đến Rome một tầm nhìn hoàn toàn mới, bắt nguồn từ niềm vui Tin Mừng. Tầm nhìn này lần đầu tiên được biểu lộ trong mật nghị giáo hoàng, khi Đức Hồng y Jorge Bergoglio được cho là đã có một chút thời gian để phát biểu trước các cử tri và nhắc đến Khải huyền 3,20, trong đó Chúa Giêsu đang gõ cửa: “Này đây Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa với Ta.”

Đức Hồng y đến từ Argentina cho rằng Chúa Giêsu gõ cửa không phải với mục đích bước vào mà đúng hơn là mời gọi Giáo hội cùng Ngài bước ra thế giới – đặc biệt nhất là đến các vùng ngoại biên, để ôm lấy người nghèo, người dễ bị tổn thương và những người cảm thấy không được yêu thương. Tầm nhìn của Đức Thánh Cha rút ra từ lời mời gọi đón nhận tất cả dân Chúa, không chỉ những người nghèo và cô lập, trẻ mồ côi và góa bụa, bị tù đày và bệnh tật, mà còn cả những người đồng tính nam và đồng tính nữ.

Tầm nhìn mục vụ này về việc vượt ra khỏi cánh cửa của giáo hội và lãnh thổ nhất định của một giáo xứ được phác họa trong “Niềm vui Tin Mừng” của Đức Thánh Cha Phanxicô, tài liệu đặc trưng của ngài, trong đó tầm nhìn của ngài trở thành một sứ mệnh. Điều đáng chú ý ở đây là ngay từ đầu, Đức Thánh Cha đã khẳng định rằng “Niềm vui Tin Mừng” dành cho tất cả mọi người, không có sự phân biệt đối xử. Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi “mọi Kitô hữu ở khắp nơi, ngay lúc này, đi vào một cuộc gặp gỡ cá vị và mới mẻ với Đức Giêsu Kitô, hay ít là mở lòng ra để cho Chúa Giêsu gặp gỡ mình; tôi xin tất cả anh chị em không ngừng làm điều này mỗi ngày.” (Evangelii Gaudium, số 3).

Mỗi cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu cũng chứa đựng niềm mong đợi được tăng trưởng, vì tất cả chúng ta đều là những người hành hương. Đức Giáo hoàng Phanxicô nói: “Tuy nhiên chúng ta phải lưu ý rằng, chúng ta không ngừng được mời gọi tăng trưởng. Mỗi nhóm văn hoá và xã hội cần được thanh tẩy và lớn lên.” (Evangelii Gaudium, số 69). Ý tưởng về sự phát triển này được tôi ghi nhớ qua lời nói của một đồng nghiệp cũ mà tôi từng làm việc cùng trong một giáo xứ. Cô ấy thường nói trong các buổi họp chuẩn bị bí tích với phụ huynh và các ứng viên rằng: “Người ta không thể sống cuộc sống trưởng thành với đức tin lớp tám.” Đức Thánh Cha muốn nói rằng chúng ta không thể sống một đời sống Kitô giáo trọn vẹn bằng cách ở trong thế giới nhỏ bé của sự tự cho mình là đúng và đầy thành kiến. Chúng ta cũng không thể trở thành nạn nhân của một “Hội Thánh qui vào chính mình” không lành mạnh. Chúng ta phải đi ra các vùng ngoại biên để loan báo niềm vui Tin Mừng và luôn cởi mở với sự phát triển, điều này thường thể hiện qua sự hoán cải.

Ngay cả linh mục cũng không được miễn khỏi việc hằng ngày theo đuổi sự thay đổi tâm hồn cá nhân. Đức Thánh Cha Phanxicô cảm nhận sâu sắc về điểm này đến nỗi ngài đã nhắc lại thông điệp của Thánh Gioan Phaolô II trong “Niềm vui Tin Mừng”. “Cũng vì lý do này, “linh mục—như mọi thành viên khác của Hội Thánh—phải lớn lên trong sự ý thức rằng bản thân họ luôn luôn cần được loan báo Tin Mừng.” (Evangelii Gaudium, số 164).

Đồng hành chân thành

Đức Thánh Cha Phanxicô đang kéo chúng ta ra khỏi sự tự mãn để trở thành một phần của một giáo hội năng động đang phát triển bằng cách mở rộng chính mình cho người khác, đặc biệt là những người đang cần giúp đỡ nhất. Nhưng sự mở rộng này không chỉ là một sự tiếp cận đơn giản “một lần là xong” mà là một vòng tay yêu thương có chủ ý và cam kết được gọi là “đồng hành”.

Việc đồng hành có thể được mô tả dưới dạng cái nhìn có chủ ý hoặc cái nhìn hướng vào người khác. Đức Thánh Cha Phanxicô mô tả cái nhìn này như sau: “Trong một nền văn hoá đầy nghịch lý giữa sự đau khổ vì không được ai biết đến và đồng thời bị ám ảnh vì các tình tiết trong cuộc đời của những người khác khiến chúng ta rơi vào thái độ tò mò bệnh hoạn và đáng xấu hổ, Hội Thánh phải nhìn người khác bằng đôi mắt thân tình và thiện cảm hơn” (Evangelii Gaudium, số 169). Trong cái nhìn này, chúng ta cần vượt qua cơn cám dỗ chỉ chăm chăm nhìn vào chính mình và khao khát mỗi ngày được nhìn thấy những người trong chúng ta đang cần giúp đỡ. Như giám đốc chủng viện của tôi đã từng nói: “Nhu cầu của giáo hội luôn lớn hơn nhu cầu của chúng ta”.

Mặt khác, Đức Thánh Cha khẳng định rằng việc đồng hành cũng là sự hiện diện có chủ ý. “Trong thế giới chúng ta, các mục tử có chức thánh và các nhà hoạt động mục vụ khác có thể hiện thực hoá hương thơm sự gần gũi và cái nhìn thân mật của Đức Kitô. Hội Thánh sẽ phải dẫn đưa mọi người—linh mục, tu sĩ, và giáo dân—vào trong “nghệ thuật đồng hành” này, nó dạy chúng ta biết cởi dép khi đứng trên nền đất thánh thiêng của người khác (xem Xh 3:5). (Evangelii Gaudium, số 169). Việc thực hành đồng hành nhất thiết phải bao gồm sự tôn trọng có chủ ý. Từ “tôn trọng” xuất phát từ một từ Latin có nghĩa là “nhìn lại”. Là môn đệ, chúng ta được kêu gọi không chỉ nhìn lại mà còn thực hiện điều đó với sự tôn kính.

Việc đồng hành thực sự thừa nhận mầu nhiệm của con người mà không đưa ra những phán xét thiếu sót. Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói điều này rất hay: “Ai đồng hành với người khác cần hiểu rằng mỗi tình huống của một cá nhân trước mặt Chúa và đời sống trong ân sủng của họ là những mầu nhiệm mà không một ai có thể hiểu đầy đủ từ bên ngoài.” (Evangelii Gaudium, số 172).

Tín thác vào Chúa Thánh Thần

Tầm nhìn Niềm vui Tin Mừng bắt nguồn từ lòng bác ái mục vụ, có thể được thể hiện bằng nhiều cách, trong đó ít nhất là một chúc lành mục vụ cho các cặp đồng tính có thể đưa Chúa Kitô đến gần hơn, đồng thời, bắt đầu một cuộc hành trình đồng hành và mời gọi mà không phán xét, chấp thuận, hợp pháp hóa hay xác nhận cuộc sống của họ – vì chỉ có Thiên Chúa mới là thẩm phán. Những hoạt động bác ái như vậy là dấu hiệu và nghĩa vụ của những người môn đệ chân chính.

Nhưng đức bác ái có thể bị mất đi vì tội lỗi. Fiducia Supplicans thừa nhận thực tế này. “Chính xác, về vấn đề này, Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi chúng ta đừng “đánh mất đức ái mục tử vốn phải ngang qua mọi quyết định và thái độ của chúng ta” và tránh “tự coi mình là những thẩm phán chỉ từ chối, bác bỏ, loại trừ”, tài liệu nêu rõ (Fiducia supplicans, số 13). Điều Đức Thánh Cha Phanxicô yêu cầu chúng ta trở thành những môn đệ truyền giáo luôn đồng hành, lắng nghe và mời gọi trong tinh thần bác ái Kitô giáo.

Khi còn là linh mục giáo xứ, tôi thường nói với các linh mục trẻ và chủng sinh được bổ nhiệm cùng tôi rằng chúng ta không thể chọn lọc trong mục vụ của mình. Chắc chắn chúng ta không thể chọn lọc người mà chúng ta chia sẻ niềm vui Tin Mừng, bởi vì không ai bị tước đoạt niềm vui này. Tôi nghĩ Đức Thánh Cha Phanxicô đang nói điều gì đó tương tự trong Niềm vui Tin Mừng khi ngài nói rõ rằng chúng ta không thể tự nhốt mình hoặc giới hạn mọi người ngoài tầm với của chúng ta:

Nếu chúng ta muốn chia sẻ đời mình với người khác và quảng đại trao ban, chúng ta cũng phải nhận ra rằng mọi người xứng đáng với sự trao ban của chúng ta. Không phải vì dáng dấp nơi thân hình của họ, những khả năng của họ, ngôn ngữ của họ, cách suy nghĩ của họ, hay bất cứ sự thoả mãn nào mà chúng ta có thể nhận được, nhưng vì họ là công trình của Thiên Chúa, là tạo vật của Thiên Chúa. (Evangelii Gaudium, số 274).

Thời điểm này – việc các cặp đồng giới xin phép chúc lành mục vụ và cho phép ban phép lành mục vụ – không nhất thiết phải là một trở ngại cho sự hiệp nhất của chúng ta. Nó có thể là một cơ hội. Đây không phải là lúc đóng cửa mà là mở chúng ra, luôn ý thức được vai trò đặc biệt của chúng ta là môn đệ. Chúng ta không phải là Thiên Chúa, vị thẩm phán công bằng. Chúng ta chỉ là những người hành hương trên đường, đang trong hành trình, những bình đất nung, vỡ vụn và luôn được chúc phúc nhờ lòng thương xót của Chúa Thánh Thần. Chúng ta không thể bỏ qua sự khiêm nhường của Thánh Phaolô, người đã nói: “Nhưng tôi có là gì, cũng là nhờ ơn Thiên Chúa, và ơn Người ban cho tôi đã không vô hiệu; trái lại, tôi đã làm việc nhiều hơn tất cả những vị khác, nhưng không phải tôi, mà là ơn Thiên Chúa cùng với tôi.” (1 Cr 15,10).

Tuyên ngôn của Bộ Giáo lý Đức tin cho chúng ta thấy một thời điểm để đưa Chúa Kitô đến gần hơn với những người đang cần giúp đỡ. “Việc cầu xin lời chúc lành thể hiện và nuôi dưỡng sự mở ra cho sự siêu việt, lòng đạo đức, sự gần gũi với Thiên Chúa trong hàng ngàn hoàn cảnh cụ thể của cuộc sống, và điều đó không phải là không quan trọng trong thế giới chúng ta đang sống. Đó là một hạt giống của Chúa Thánh Thần cần được nuôi dưỡng và không bị cản trở (Fiducia supplicans, số 33). Với tư cách là một giáo hội, chúng ta cần tiếp tục khuyến khích sự gần gũi với Thiên Chúa và cầu nguyện: “Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến!”

Hơn 2.000 năm trước, chính Chúa Thánh Thần đã trao quyền cho các tông đồ bước ra khỏi cánh cửa khóa kín của căn phòng trên lầu và thực hành đời sống đức tin để loan báo niềm vui Tin Mừng. Chính cũng Thánh Thần ấy đã truyền đức tin đó qua các thế hệ. Và chính Chúa Thánh Thần 10 năm trước đã đưa một tu sĩ Dòng Tên người Argentina đến Vatican để làm đại diện của Chúa Kitô – với một tầm nhìn mục vụ có chủ ý về sự gặp gỡ, niềm vui, sự tăng trưởng, sự đồng hành, lòng thương xót, bác ái và niềm tin tưởng vững chắc vào Chúa Thánh Thần mà bây giờ là nhiệm vụ của chúng ta.

Một trong những phần tôi yêu thích nhất trong Niềm vui Tin Mừng là đoạn trong đó Đức Thánh Cha Phanxicô làm chứng về quyền năng của Chúa Thánh Thần, điều mà tôi tin là nguồn gốc của tầm nhìn mục vụ của Ngài dành cho chúng ta: “Nhưng không có sự tự do nào lớn hơn là để mình được Chúa Thánh Thần hướng dẫn, không tìm cách vạch kế hoạch và kiểm soát mọi sự từng chi tiết, trái lại để cho Người soi sáng, hướng dẫn và điều khiển chúng ta, dẫn đưa chúng ta đi đâu tuỳ theo ý Người. Chúa Thánh Thần biết rõ cái gì cần ở đâu và lúc nào.” (Evangelii Gaudium, số 280).

Tôi tạ ơn Chúa mỗi ngày vì sự khôn ngoan của vị giám mục đề nghị cách đây ba năm về việc tĩnh tâm giám mục của tôi đã trở thành một món quà mà tôi tiếp tục mở ra và chia sẻ mỗi ngày. Tôi không nghi ngờ gì rằng đây là hoa trái của Chúa Thánh Thần. Nhưng nó còn hơn cả một món quà. Đó là một tầm nhìn mà bây giờ là sứ mệnh của chúng ta với tư cách là môn đệ.

Bạn có nghe thấy tiếng gõ cửa đó không? Đó là Chúa Giêsu mời gọi chúng ta đi ra các vùng ngoại biên và loan báo niềm vui Tin Mừng mà không phân biệt đối xử trong tinh thần đồng hành đích thực, lắng nghe, mời gọi và yêu thương mà không phán xét hay chấp thuận, luôn tôn kính sự khôn ngoan và ân sủng của Chúa Thánh Thần.

(theo AMERICA MAGAZINE)
Nguồn: tgpsaigon.net