Giao tranh tái diễn giữa Quân đội độc lập Kachin và binh sĩ Myanmar đã buộc người dân phải lánh nạn ở các trại tạm cư
Đức cha Raymond Sumlut Gam của giáo phận Banmaw ở bang Kachin cho biết ngài vẫn giữ cam kết thăm hỏi người dân chạy nạn do chiến tranh đã sống trên 5 năm qua trong các trại tạm cư tồi tàn.
“Tôi ưu tiên thăm viếng những người chạy nạn trong các trại này bởi vì tôi muốn những ai bị di tản thấy rằng Thiên Chúa không bỏ rơi đàn chiên của Ngài”, Đức cha Gam, một người thiểu số Kachin, nói.
Giao tranh tiếp diễn ở Bang Kachin giữa Quân đội độc lập Kachin (KIA) và quân chính phủ Myanmar đã buộc trên 100.000 dân di tản vào các trại tạm cư trong nước. Nội chiến liên tục đã tàn phá bang miền núi ở phía bắc này kể từ khi Myanmar giành độc lập từ tay Anh Quốc năm 1948.
Phần lớn trong số 1,7 triệu dân trong bang là Kitô hữu, trong đó có 116.000 người Công giáo.
Phát biểu với ucanews.com, Đức cha Gam cho biết từ năm 2011 Giáo hội Công giáo đóng vai trò hỗ trợ tinh thần lẫn trợ giúp nhân đạo cho người dân trong các trại này. Vị giám mục 63 tuổi là chủ tịch Ủy ban Mục vụ Xã hội Myanmar Karuna (Caritas Myanmar).
“Karuna đã cố gắng cung cấp lương thực và những nhu yếu phẩm khác bất chấp ngân quỹ hạn hẹp và những khó khăn trong cứu trợ do quân đội gây ra trong một số vùng”, Đức cha Gam nói.
Một số trại nằm trong các khu vực do chính phủ kiểm soát đã không thể nào nhận được cứu trợ của Giáo hội trong hơn hai tháng qua.
Nói về những khó khăn trong việc cứu trợ, Đức cha Gam nói “Mặc dù chúng tôi đã cố gắng thương lượng với quân đội, nhưng họ không chịu”.
Theo ngài, những người chạy nạn muốn trở về quê nhà. Tuy nhiên hòa bình vẫn còn xa vời.
“Giao tranh ác liệt trong các bang Kachin và miền bắc bang Shan không phải là dấu hiệu tốt cho triển vọng về nền hòa bình dài lâu. Nó có thể trì hoãn tiến trình hòa bình và làm lu mờ việc xây dựng niềm tin giữa quân đội và các nhóm vũ trang người thiểu số”, Đức cha Gam nói.
“Các nhóm thiểu số chẳng mấy tin tưởng vào quân đội, và nghi ngờ chính phủ vì chính phủ đã không ngăn được giao tranh trong các khu vực của người thiểu số”.
Chính quyền của Bà Aung San Suu Kyi đã cam kết chấm dứt các thái độ thù địch trên cả nước bằng cách ưu tiên cho hòa bình và hòa giải.
Đức cha Gam nhấn mạnh rằng “hòa giải dân tộc là phải toàn diện”. Hòa giải không chỉ diễn ra giữa chính quyền và quân đội mà còn giữa chính quyền với các nhóm vũ trang người thiểu số nữa.
Giữa lúc tiếng súng vang lên không ngớt trong các khu vực của người thiểu số, người dân trong các trại tập trung có “rất ít hy vọng” về hòa bình, và thất vọng rằng Bà Aung San Suu Kyi đã im lặng trước cuộc chiến này.
“Tôi muốn khuyến khích người dân trong các trại này đừng đánh mất hy vọng và hãy tiếp tục cầu nguyện”, Đức cha Gam nói.
(UCAN 06.01.2017)