WHĐ — Đức giáo hoàng Phanxicô sẽ viếng thăm Maroc, cụ thể là hai thành phố Rabat và Casablanca, vào ngày 30 và 31 tháng Ba năm 2019: ông Greg Burke, giám đốc Phòng Báo chí Toà Thánh, đã loan báo như trên trong thông cáo ra ngày 13 tháng 11 năm 2018, bằng tiếng Ý và tiếng Pháp.
Thông cáo cho biết chuyến viếng thăm của Đức giáo hoàng là để đáp lại lời mời của Quốc vương Mohammed VI hồi đầu năm 2013 và của các giám mục Công giáo Maroc. Chương trình chi tiết chưa được công bố.
Quốc vương Mohammed VI sẽ đón tiếp Đức giáo hoàng tại thủ đô Rabat, thành phố có khoảng 600.000 dân (hoặc mở rộng: 1,8 triệu). Năm 2012, Rabat được UNESCO đưa vào danh sách di sản thế giới nhờ sự kết hợp giữa kiến trúc cổ và hiện đại.
Casablanca thường được coi là thủ đô kinh tế của Maroc, với dân số khoảng 3,4 triệu người (hoặc mở rộng: 4,3 triệu), khiến nó trở thành thành phố lớn nhất của vùng Maghreb, trên bờ Đại Tây Dương, cách thủ đô Rabat khoảng 80 km về phía Nam.
Từ nay đến ngày đó, Quốc vương Maroc có thể sẽ viếng thăm Vatican. Vương quốc Maroc muốn trở thành “một trung tâm nổi tiếng trong lĩnh vực đối thoại liên văn hoá và liên tôn”, một nhà ngoại giao Maroc cho biết.
Đức giáo hoàng Phanxicô sẽ là vị giáo hoàng thứ hai đến thăm Maroc, tại sân vận động Mohammed V ở Casablanca, nơi mà Thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II đã gặp gỡ những người trẻ Hồi giáo 33 năm trước, vào ngày 19 tháng 8 năm 1985 theo lời mời của vua Hassan II, khi ngài kết thúc chuyến tông du Châu Phi.
Khi ấy Đức giáo hoàng Gioan Phaolô đã nói: “Tôi hay gặp những người trẻ, thường là người Công giáo. Nhưng đây là lần đầu tiên tôi gặp những người trẻ Hồi giáo”.
Về mối tương quan giữa Kitô hữu và người Hồi giáo, Đức Gioan Phaolô II nói rằng: “Kitô hữu và người Hồi giáo chúng ta có nhiều điểm chung, với tư cách tín hữu và tư cách con người. Chúng ta sống trong cùng một thế giới, mang nhiều dấu chỉ của hy vọng, nhưng cũng có nhiều âu lo. Abraham là mẫu gương chung của chúng ta trong niềm tin vào Thiên Chúa, trong việc phục tùng ý Chúa và tin tưởng vào lòng nhân lành của Ngài. Chúng ta cùng tin vào một Thiên Chúa, Thiên Chúa duy nhất, Thiên Chúa hằng sống, Thiên Chúa sáng tạo thế giới và đưa các thụ tạo của Ngài đến chỗ hoàn thiện”.
Minh Đức
Theo Zenit)